Wednesday, June 29, 2011

GIẢI PHÁP DÂN CHỦ - BÀI 3 : PHƯƠNG THỨC CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN (Đoàn Viết Hoạt)




Bài 3: Phương Thức Chuyển Hóa Toàn Diện


Giải pháp dân chủ mà chúng tôi đưa ra là một giải pháp nhằm mở đường cho việc xây dựng và phát triển một nước Việt mới trong thời đại toàn cầu của thế kỷ 21.

Chúng tôi xây dựng giải pháp dân chủ dựa trên ba xu thế thời đại mà cũng là ba nhân tố phát triển Việt Nam trong thế kỷ XXI. Đó là: Kinh tế thị trường xã hội (social market economy), văn hóa giáo dục tự do, và chính trị dân chủ pháp trị (công quyền) và toàn dân (xã hội công dân). Ba nhân tố phát triển này vận hành hỗ tương hai chiều giữa quốc gia với khu vực và quốc tế, giữa cộng đồng Việt (trong-ngoài nước) với cộng đồng khu vực và nhân loại, và trong bối cảnh ra đời một cộng đồng nhân loại toàn cầu hòa hợp Á-Âu.

Chuyển hóa dân chủ tạo môi trường và điều kiện cho ba nhân tố phát triển này xuất hiện và tương tác. Một trong những điều kiện cần có là tính di động xã hội (social mobility) di động toàn cầu (global mobility) nhanh và rộng khắp, giúp tạo các điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để khắc phục những nhược điểm, phát huy những thế mạnh, cả về vật thể lẫn tinh thần, của người dân Việt. Nhờ đó vừa phát huy nội lực dân tộc, vừa tận dụng trào lưu tiến bộ của thế giới để đưa nước ta vào thời kỳ phát triển nhẩy vọt, thu ngắn và thu hẹp cách biệt giữa nước ta và các nước khác trong khu vực ĐNÁ và Á Châu-Thái Bình Dương.

Chúng tôi tin rằng với những tiến bộ của thế giới về mọi mặt, nhất là về giao thông vận tải, truyền thông điện tử và các kỹ thuật quản trị và tổ chức xã hội hiện đại, trong bối cảnh cộng đồng nhân loại không biên giới hay biên giới quốc gia mở, những dự kiến về sự hình thành và vận hành của ba nhân tố phát triển trên đây ở Việt Nam là thực tế và khả thi. Các yếu tố tâm lý và vật thể nội tại và ngoại tại đã tương đối đầy đủ, chỉ còn thiếu một yếu tố quyết định là cơ chế chính trị-xã hội dân chủ, thật sự do dân và vì dân, với hai yếu tính: (1) giải phóng triệt để sức sống, sức sáng tạo và làm việc cho toàn dân trên cả ba mặt kinh tế, văn hóa và chính trị; (2) hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để toàn dân phát huy hết tiềm năng một cách bền vững và công bằng.

Sách lược chuyển hóa và các phương thức chuyển hóa dân chủ, thường được gọi là “diễn biến hòa bình”, trong thực tế, từ 1990 đến nay, đang “lừng lững” diễn ra, từ kinh tế trước, và hiện nay đến các lãnh vực văn hóa-xã hội, thông tin và chính trị. Để đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa, chỉ cần nương vào diễn tiến đang có, tạo chuyển biến trong cả ba lãnh vực kinh tế, văn hóa và chính trị, cho cùng tiến nhanh về hướng tự do hóa, với hai tác dụng hỗ tương: (1) vô hiệu hóa và tháo gỡ các cơ chế công quyền độc đoán, quan liêu, nhũng lạm; và (2) chủ động, không chờ sự “cho phép”, tạo mội trường và các hình thái sinh hoạt cởi mở, hòa ái, trẻ trung, nhân bản trong toàn xã hội, và với toàn dân, nhất là giới trẻ. Chuyển hoá toàn diện và toàn dân chính là giải pháp dân chủ, là tiến trình dân chủ hóa, diễn ra bởi toàn dân, đương nhiên, tự nhiên và bất bạo động. Chuyển hóa dân chủ trong thực tế đang diễn ra như thế tại Việt Nam. Một xã hội dân sự, do dân và cho dân, đang tồn tại, song song với, không chống lại nhưng độc lập với, xã hội đảng sự, do đảng và cho đảng. Cộng đồng mạng của giới trẻ là một hình thái của một xã hội dân sự trên mạng và nối mạng, trước khi được thực sự xuất hiện minh bạch, công khai, dưới đất. Chuyển hoá dân chủ toàn diện và toàn dân phải xầy ra và đang xẩy ra, trước cả sự chuyển hóa chính quyền, đồng thời liên tục tạo sức ép lên chính quyền.

Sách lược chuyển hóa và các phương thức chuyển hoá dân chủ toàn diện và toàn dân phù hợp với các nước cộng sản như Việt Nam và Trung Quốc, đang phải tự điều chỉnh cho thích hợp bối cảnh thế giới mới: chuyển từ cộng sản Leninit, Maoit, sang cộng sản “đối mới”. Riêng với Việt Nam có tính đặc thù trong tiến trình chuyển hóa này khác với Trung Quốc, vì các yếu tố lịch sử, con người và xã hội Việt khác với Trung quốc. Việt Nam lại là thành viên khối ASEAN, có quan hệ ngày càng xung khắc với Trung Quốc, và quan hệ với Mỹ và thế giới đã thay đổi. Việt Nam còn khác Trung Quốc vì có một cộng đồng hải ngoại toàn cầu khá rõ ràng, dứt khoát về lập trường chính trị đối với Hà Nội.

Trong bối cảnh thuận lợi đó, chuyển hóa dân chủ cần được tiến hành phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn tại Viêt Nam, và trong tầm nhìn toàn cảnh: toàn cầu, toàn dân tộc và toàn diện (kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị). Nguyên tắc “đa nguyên trong nhất nguyên” cần được tuân thủ: mục đích là một, nhưng chiến thuật và phương thức thực hiện phải luôn luôn đa dạng, phong phú và cải tiến, thích hợp từng đối tượng, môi trường và điều kiện khách quan và chủ quan. Dưới đây là một số đề nghị cho các phương thức hành động thực tiễn.

1. Thế và Lực:

1.1. Chủ lực: Thành phần tiến bộ, dân tộc và dân chủ phải trở thành chủ lực trong công cuộc vận động chuyển hóa dân chủ. Thành phần này cần xây dựng và phát triển thế và lực của mình để có thể tác động ngày càng hữu hiệu, đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa suốt dọc từ dưới đáy tầng xã hội lên trên mặt tầng chính quyền. Nếu chủ lực này không ngày càng tăng cường được thế và lực của mình thì chuyển hóa dân chủ vẫn xẩy ra nhưng tự phát, với nhiều may rủi, và nhất là tùy thuộc nhiều vào kết quả “tự diễn biến” để tồn tại của chính quyền độc tài đảng trị.

1.2. Để xây dựng và phát triển nhanh đươc thếlực, không thể chỉ trông và chờ đợi ở sự lớn mạnh của riêng một nhóm hay tổ chức nào, vì lý do đơn giản sẽ không bắt kịp với biến chuyển. Cần tìm cách phối hợp được thế và lực của tất cả những tổ chức và nhóm đang có để tạo thế chung (với quốc tế và với quốc dân) và lực đủ mạnh để tác động vào tình hình ngay từ bây giờ.

1.3. Cần bắt đầu công việc này ngay, vì phối hợp là một công việc không dễ và cần nhiều thời gian để tạo được các yếu tố cần thiết: độ tin cậy nhau cao, mức an toàn tối đa, tốc độ phối hợp nhanh, khả năng họat động có hiệu quả thực tiễn và cụ thể. Ngoài ra còn phải giữ được nguyên tắc “trong chung vẫn có riêng, càng chung càng có riêng”, “nhất nguyên trong đa nguyên, đa nguyên trong nhất nguyên”.

1.4. Tâm lý chính trị là yếu tố cần thiết cho việc phối hợp. Tạo được tâm lý chính trị, và các điều kiện và “khung sườn” làm việc thuận lợi cho việc phối hợp có hiệu quả là công việc mang tính quyết định cho phong trào dân chủ hiện nay và những năm tới.

2. Đối tượng vận động:

ba khu vực và ba đối tượng vận động trong lộ trình chuyển hóa toàn diện. Ba khu vực là trong nước, hải ngoại và quốc tế. Ba đối tượng là quần chúng, những tác nhân thay đổi (change agents), và nhóm quyết định chính sách (policy makers). Tại mỗi khu vực đều có ba đối tượng này nhưng tính chất, thành phần, mục tiêu và phương thức vận động cụ thể có thể khác nhau. Ở đây chỉ phân tích tổng quát cho cả ba khu vực.

2.1. Quần chúng: Mục tiêu chung của cuộc vận động đối với quần chúng là tạo tâm thức mới (“cùng sống giúp tiến”, cùng tồn tại) và tầm nhìn mới (tầm nhìn của một nước Việt mới trong khu vực và thế giới thế kỷ XXI) làm chất keo gắn bó mọi thành phần dân tộc và mọi tầng lớp dân chúng, nhất là thành phần trẻ. Với trong nước, giúp mọi tầng lớp dân chúng phát huy tiềm năng và chủ động được cuộc sống của họ, độc lập, và khi cần, đối lập với chính quyền cộng sản. Với cộng đồng người Việt hải ngoại, vận dụng được vị thế công dân tại mỗi quốc gia định cư để trực tiếp vận động quốc tế hỗ trợ việc xây dựng xã hội dân sự và chính quyền dân chủ, tiến đến phát triển một nước Việt văn minh và hưng thịnh. Đặc biệt chú trọng đến giới trung niên (30-40) trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay ở cả trong và ngoài nước.

2.2. Tác nhân thay đổi (change agents) là những cá nhân, nhóm, đoàn thể có khả năng và vị thế tác động và tạo thay đổi trong xã hội và chính quyền ở trong nước, trong cộng đồng người Việt hải ngoại, trong các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Thành phần này bao gồm các chuyên viên, trí thức, thức giả, thuộc mọi ngành hoạt động xã hội. Đa số ở lứa tuổi trung niên. Mục tiêu là giúp họ tăng cường hiểu biết về mọi lãnh vực, và tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với thế giới. Đây là lực chuyển đổi chính của xã hội ở trong nước cũng như hải ngoại, hiện nay và trong tương lai gần.

2.3. Nhóm quyết định chính sách: Đây là nhóm lãnh đạo trong chính quyền và các đoàn thể xã hội. Cần đặc biệt chú trọng thành phần cấp tiến của nhóm này ở trong đảng và chính quyền CSVN hiện nay. Ba mục tiêu chính trong cuộc vận động nhóm cấp tiến này ở Việt Nam là (1) đồng tình với giải pháp dân chủ, dù chưa hoàn toàn đồng ý; (2) cảm thấy vừa cấp bách, vừa yên tâm và an toàn khi chấp nhận thay đổi trong hai lãnh vực văn hóa và chính trị; (3) chấp nhận cùng thực hiện giải pháp dân chủ và dân chủ hóa chính quyền.

Kết luận

Dân chủ hóa là bước đầu tiên cần thiết để mở ra thời kỳ hưng thịnh cho đất nước. Lộ trình chuyển hóa dân chủ ôn hòa bất bạo động là giải pháp tối ưu cho việc giải quyết những vấn nạn nghiêm trọng của đất nước hiện nay, cả đối nội và đối ngọai. Chuyển hóa dân chủ đem lại một môi trường xã hội có cạnh tranh tự do nhưng lành mạnh và công bằng cho mọi người, mọi khuynh hướng và đoàn thể xã hội, trong kinh tế thương mại, văn hoá giáo dục cũng như trong chính trị. Quốc dân sẽ vừa là mục đích vừa là trọng tài có quyền quyết định chọn lựa trong cuộc cạnh tranh toàn diện, tự do và công bằng này. Chủ động thực hiện giải pháp này, tạo môi trường và điều kiện để quốc dân tự thực hiện giải pháp này, đồng thời vừa vận động vừa tạo sức ép lên giới cầm quyền đòi hỏi thực hiện giải pháp này: đó là ba công việc mà chủ lực dân chủ-dân tộc-tiến bộ cần làm trong những năm tới.

(25.6.2011)
© Đoàn Viết Hoạt
© Đàn Chim Việt

No comments: