Wednesday, June 29, 2011

BÁ QUYỀN VỚI NHỮNG ĐẶC TÍNH TRUNG HOA [2/2] (Aaron L. Friedberg)


Aaron L. Friedberg, National Interest, 21/6/2011

Ngày đăng: 29.6.2011


3.

Các xã hội dân chủ cũng có xu hướng coi các xã hội không dân chủ là vốn dĩ không đáng tin và ngờ một cách nguy hiểm về xâm lược bên ngoài. Vì những hành động của chúng được che giấu trong màn bí mật, nên những mưu toan, và qui mô đầy đủ của những khả năng quân sự của những nước không dân chủ rất khó nhận biết. Trong những năm gần đây, các quan chức Hoa Kỳ đã thúc ép đối tác Trung Hoa của họ phải minh bạch hơn về các chương trình quốc phòng, nhưng ít có hy vọng những yêu cầu này sẽ được đáp ứng theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa. Và thậm chí nếu Bắc Kinh bỗng nhiên xả ra một trận lụt những sự kiện và những con số, thì các nhà phân tích Hoa Kỳ sẽ nhìn chúng với thái độ nghi ngờ sâu sắc, xăm soi các dữ liệu để tìm ra những dấu hiệu lừa dối và đánh lạc hướng. Và họ làm thế là đúng; chính phủ Trung Hoa tập quyền và kiểm soát ngặt nghèo được đặt vào hoàn cảnh tốt hơn nhiều để làm những âm mưu như thế, so với đối tác Hoa Kỳ của nó, vốn phân quyền, công khai và hay để lộ bí mật.

Khả năng giữ bí mật của các xã hội không dân chủ cũng khiến nó dễ dàng hơn trong việc sử dụng vũ lực mà không báo trước. Kể từ 1949, các nhà cầm quyền Trung Hoa đã bộc lộ một thiên hướng đặc biệt về tấn công bất ngờ và đánh lừa. (Hãy nghĩ đến việc Bắc Kinh lao vào Chiến tranh Triều Tiên tháng Chạp năm 1950, hay cuộc tấn công Ấn Độ của nó tháng Mười 1962.) Cái khuynh hướng này có thể đã bắt rễ sâu trong văn hóa chiến lược Trung Hoa từ thời Tôn Tử, nhưng nó cũng hoàn toàn nhất quán với tính cách của chính sách đối nội đương thời của nó. Thật ra, đối với hầu hết các nhà phân tích Hoa Kỳ, bản chất độc đoán của chính phủ Trung Hoa là mối lo ngại lớn hơn nhiều so với văn hóa của nó. Nếu Trung Hoa là một xã hội dân chủ, những nền tảng văn hóa xã hội sâu xa của chiến lược và hành vi chính trị của nó có thể ít thay đổi, nhưng các nhà vạch kế hoạch của Hoa Kỳ có thể đỡ lo lắng hơn nhiều rằng một ngày nào đó nó có thể thử một đòn tấn công sấm sét lên các lực lượng và các căn cứ Hoa Kỳ ở tây Thái Bình Dương.

Những nỗi lo xâm lược như thế đang dâng cao bởi một nhận biết rằng lo lắng về thiếu tính hợp pháp bên trong có thể khiến các nước không dân chủ cố gắng lái chệch nỗi thất vọng và bất bình của dân chúng sang các kẻ thù bên ngoài. Chẳng hạn một số nhà quan sát phương Tây lo ngại rằng nếu nền kinh tế Trung Hoa vấp ngã, các nhà cầm quyền của nó có thể đổ lỗi cho nước ngoài và thậm chí ngụy tạo ra những cuộc khủng hoảng với Đài Loan, Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ để tập hợp nhân dân của họ và làm chuyển hướng cơn giận dữ của dân chúng. Dù Bắc Kinh định làm gì, thì những cuộc đối đầu như thế có thể dễ dàng văng ra khỏi tầm kiểm soát. Các lãnh đạo dân chủ khó lòng tránh khỏi sự cám dỗ [lao vào] những cuộc phiêu lưu nước ngoài. Tuy nhiên, vì sự đặt cược cho họ thấp hơn nhiều (bị bỏ phiếu bất tín nhiệm chứ không phải bị lật đổ hay thậm chí ngồi tù, hoặc xấu hơn), ít có khả năng họ lao vào những mạo hiểm cùng cực để cố níu giữ lấy quyền lực của mình.

Sự nghi ngờ giữa Washington và Bắc Kinh không phải một chiều - và với những lý do chính đáng. Các nhà cầm quyền hiện nay của Trung Hoa không như trước đây tự coi mình là những lãnh đạo của phong trào cách mạng thế giới, tuy nhiên họ vẫn tin rằng họ bị lôi kéo vào một cuộc đấu tranh ý thức hệ, mặc dù trong cuộc đấu tranh đó, cho đến thời gian gần đây họ đã hầu như chỉ hoàn toàn ở thế phòng thủ. Trong khi họ coi mối quan tâm của Washington về nhân quyền các các quyền tự do cá nhân là khuyển nho và cơ hội, các nhà lãnh đạo Trung Hoa không nghi ngờ gì rằng Hoa Kỳ được thúc đẩy bởi nhiệt tình tư tưởng chân chính. Được nhìn từ Bắc Kinh, Washington là một cường quốc nguy hiểm, viễn chinh, tự do và nửa đế quốc chủ nghĩa, nó không yên chừng nào nó chưa áp đặt được các quan điểm của nó và lối sống của nó lên toàn hành tinh. Ai chưa nắm được cái nhu cầu này của nó chỉ cần đọc những diễn văn của các quan chức Mỹ với những lời hứa hẹn mở rộng tầm ảnh hưởng của dân chủ và loại trừ chuyên chế bạo quyền ra khỏi thế giới.

Thật ra, vì khuynh hướng tư tưởng mà Hoa Kỳ nghi ngờ và thù địch Trung Hoa nhiều hơn là vì riêng các lý do chiến lược, nó cũng có xu hướng làm mạnh hơn ở Washington ý muốn sẵn sàng giúp các nền dân chủ khác khi họ cảm thấy bị đe dọa bời sức mạnh Trung Hoa, ngay cả khi điều này không phải là những gì mà những tính toán chính trị thực dụng thuần túy về những lợi ích của nó dường như đòi hỏi. Như vậy sự giúp đỡ kiên trì – thật ra là đang sâu thêm - cho Đài Loan trong những năm 1990 không thể giải thích được nếu không tham chiếu sự kiện là hòn đảo này đã phát triển lên từ một thành trì chuyên chế của phe chống cộng thành một nền dân chủ tự do. Bỏ đi những liên hệ cuối cùng của Hoa Kỳ với Đài Loan sẽ gỡ bỏ nguồn gây xích mích chủ yếu với Trung Hoa và một nguyên nhân tiềm tàng của chiến tranh. Một động thái như thế thậm chí vẫn có thể hiểu được nếu Đài Loan vẫn còn hiện ra trong mắt nhiều người Mỹ như nó đã hiện ra trong những năm 1970, như một nền độc tài tham nhũng và xâm lược. Nhưng sự kiện là Đài Loan ngày nay được coi như nền dân chủ chân chính (nếu không hoàn thiện) sẽ khiến Washington vô cùng khó khăn ngay cả trong việc sẵn sàng cắt đứt với nó.

Sau khi theo dõi Mỹ đánh đổ Liên Xô thông qua sự kết hợp giữa đối đầu và lật đổ, từ cuối Chiến tranh Lạnh các nhà chiến lược Trung Hoa đã sợ rằng Washington có ý định làm như thế với họ. Niềm tin này làm méo mó nhận thức của Bắc Kinh về hầu như mọi khía cạnh của chính sách Hoa Kỳ đối với nó, từ nhiệt tình giao hảo về kinh tế đến những cố gắng nhằm cổ võ sự phát triển hệ thống pháp luật của Trung Hoa. Nó cũng định hướng sự đánh giá của ban lãnh đạo về những hoạt động của Mỹ trên khắp châu Á, mà Bắc Kinh tin là nhằm bao vây nó bằng những nước dân chủ ủng hộ Mỹ, và điều đó thâm nhập vào các chính sách của chính Trung Hoa chống lại ảnh hưởng ấy.

4.

Vì Trung Hoa nổi lên trên vũ đài thế giới nó đang trở thành nguồn cảm hứng và trợ giúp vật chất cho các nền độc tài đang lâm trận ở Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latin cũng như châu Á – các đấu thủ chống dân chủ được coi là hướng đến đống rác lịch sử sau khi Liên Xô sụp đổ. Người Mỹ có thể từ lâu đã tin rằng tăng trưởng đòi hỏi tự do lựa chọn trong địa hạt kinh tế (điều được giả định là nhất định dẫn đến mở rộng các quyền tự do chính trị), nhưng, ít nhất vào lúc này, lục địa này đã pha trộn thành công nền cai trị độc tài với kinh tế thị trường. Nếu nó đi đến chỗ được coi như đưa ra một mô hình phát triển thay thế, sự tiếp tục lớn lên của Trung Hoa dưới nền cai trị chuyên chế có thể làm phức tạp và làm chậm lại những cố gắng lâu dài của Hoa Kỳ khuyến khích mở rộng các thiết chế chính trị tự do trên khắp thế giới.

Nỗi sợ rằng Hoa Kỳ mưu mô thay đổi chế độ cũng đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc vạch chính sách của Trung Hoa đối với các nước ở những nơi khác trên thế giới. Nếu Hoa Kỳ có thể ép buộc và có lẽ hạ bệ các lãnh đạo hiện nay ở Venezuela, Zimbabwe và Iran, nó có thể được khuyến khich trong những cố gắng làm cái gì đó tương tự với Trung Hoa. Bằng cách giúp cho những chế độ này sống còn, Bắc Kinh có được những bạn bè và đồng minh cho những cuộc đấu tương lai, làm yếu đi cái nhận thức rằng dân chủ đang trên đường tiến lên và làm chệch một số năng lực phi thường của Hoa Kỳ khỏi bản thân nó. Những cố gắng của Washington làm cô lập, ép buộc và có thể làm xói mòn những nhà nước chuyên chế "tàn độc" (như Iran và Bắc Triều Tiên) đã bị làm cho phức tạp nếu không nói là thất bại, bởi sự sốt sắng của Bắc Kinh gắn kết với chúng. Đồng thời, tất nhiên, những hành động của Trung Hoa cũng làm tăng cao mối lo ngại ở Washington về những động cơ và những dự định của nó, bằng cách đó đổ thêm dầu vào ngọn lửa đua tranh.

Cũng rất có thể là bất kỳ một sức mạnh đang lớn lên nào trong lập trường địa chính trị của Bắc Kinh sẽ tìm ảnh hưởng quan trọng trong vùng láng giềng liền kề với nó. Cũng có thể là thật, dưới ánh sáng của lịch sử của nó, và bất chấp nó được cai trị như thế nào, Trung Hoa sẽ đặc biệt quan tâm đến việc tự khẳng định mình và được các láng giềng thừa nhận là đứng đầu giữa những kẻ ngang hàng. Nhưng chính đặc điểm của chính trị trong nước cuối cùng sẽ là quyết định trong việc xác định chính xác nó hạn định những mục tiêu bên ngoài của nó như thế nào, và nó làm thế nào để theo đuổi chúng.

Như Ross Terrill của Trung tâm Fairbank Đại học Harvard đã chỉ ra, khi chúng ta nói về các ý định hay chiến lược của Trung Hoa, chúng ta thật sự đang nói về các mục tiêu và kế hoạch của các lãnh đạo chóp bu hiện nay của nó, như ông mô tả họ, "chín nhà thiết kế làm thành Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung quốc." Mọi điều chúng ta biết về những người này gợi lên rằng họ được thúc đẩy trên hết bởi niềm tin của họ về sự cần thiết của việc duy trì sự cầm quyền của CCP (Đảng Cộng sản Trung quốc). Theo một nghĩa nào đó, điều này hoàn toàn là một vấn đề tự lợi. Những lãnh đạo hiện nay và gia đình họ được hưởng những đặc quyền và các cơ hội mà những người khác trong xã hội Trung Hoa bị từ chối, và các nguồn của quyền lực chính trị được lấy trực tiếp từ giới thân cận của họ. Sự kết thúc nhiều thập kỷ ngự trị của CCP sẽ có những hậu quả ngay lập tức, đau đớn và có lẽ bi thảm đối với những người đang ở trên đỉnh cao của hệ thống. Những ngôi sao đang lên hy vọng một ngày nào đó sẽ chiếm những vị trí này và ngay cả những quan chức nhỏ với những tham vọng khiêm tốn có lẽ cũng sẽ làm những phép toán tương tự. Sự hội tụ quyền lợi cá nhân này và một cảm giác chung số phận đem đến cho nhà nước-đảng này một sự dính kết không thể thiếu. Các đảng viên biết rằng nếu họ không đoàn kết với nhau họ rất có thể gặp nguy hiểm riêng rẽ - và điều hiểu biết này thấm nhuần suy nghĩ của họ trên mọi vấn đề họ đối mặt.

Nhưng động cơ để CCP tiếp tục cầm quyền không chỉ có gốc rễ trong tự lợi. Giới lãnh đạo chân thành sâu xa trong niềm tin của họ vào những thành tựu quá khứ và sự cần thiết không thể thiếu được của đảng trong tương lai. Dù sao, chính đảng cộng sản Trung Quốc đã cứu Trung Hoa khỏi xâm lược nước ngoài, đã đưa nó ra từ một thế kỷ bị áp bức và nhục nhã, và nâng nó lên hàng những cường quốc lớn nhất thế giới. Trong con mắt của những lãnh đạo của nó, và một bộ phận nhân dân Trung Hoa, những thành tựu này tự bản thân chúng đã cho CCP thẩm quyền đạo đức vô song và hợp pháp hóa sự cầm quyền của nó.

Nhìn về phía trước, các quan chức đảng tin rằng tất cả họ đang đứng giữa một bên là tiếp tục ổn định, thịnh vượng, tiến bộ và vươn lên tầm vĩ đại không thể chặn lại, và một bên là quay trở lại hỗn loạn và yếu ớt. Như một phân tích của hồ sơ cá nhân bí mật bị rò rỉ của "thế hệ thứ tư" các lãnh đạo Trung Hoa hiện nay (với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, và Giang Trạch Dân là ba thế hệ lãnh đạo đầu) của các nhà Hán học Andrew Nathan và Bruce Gilley kết luận rằng, về vấn đề này, không có dấu hiệu bất đồng hay nghi ngờ. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các đồng nghiệp của ông và những người có khả năng kế tục ông nhận rõ nhiều thách thức bên trong và bên ngoài họ đang phải đối mặt, nhưng họ tin rằng họ và chỉ có họ mới có thể tìm ra giải pháp cần thiết để giữ cho đất nước của họ tiến lên và làm cho nó có thể giành được số phận của nó. Quả thật, họ tin rằng chính tầm cỡ và sự phức tạp của những vấn đề đang đối diện với Trung Hoa làm cho việc tiếp tục cầm quyền của họ là tuyệt đối cần thiết.

5.

Ước muốn của đảng tiếp tục cầm quyền định hướng cho mọi khía cạnh của chính sách quốc gia. Khi động đến vấn đề đối ngoại, nó muốn nói rằng mục đích cuối cùng của Bắc Kinh là "làm cho thế giới an toàn cho chủ nghĩa độc đoán" hay ít nhất để tiếp tục sự cai trị một đảng ở Trung Hoa. Trong nhiều thập kỷ gần đây, sự tập trung vào an toàn của chế độ đã dẫn đến, trước hết, đến việc duy trì những điều kiện quốc tế cần thiết để tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Khả năng của đảng tạo ra sự cải thiện nhanh chóng về thu nhập và phúc lợi cá nhân là thành tựu thật nhất trong ba mươi năm qua và là nguồn gốc của những đòi hỏi mạnh nhất của nó về lòng biết ơn và trung thành của nhân dân Trung Hoa. Đồng nghiệp Thomas Christensen của tôi ở Princeton lập luận rằng, tăng trưởng kinh tế "tạo ra sự thỏa mãn và xao lãng của dân chúng, và, do đó thu được sự ủng hộ trong nước đối với Đảng (hay ít nhất cũng làm giảm sự tích cực chống đối)" Tăng trưởng còn tạo ra thu nhập mà chính phủ có thể dùng để "mua chuộc đối lập và tài trợ cho những địa phương nghèo hơn và các vùng dân tộc thiểu số để cố gắng ngăn ngừa những cuộc nổi dậy bạo lực."

Vì Trung hoa đã trở nên giầu hơn và mạnh hơn, sự theo đuổi an ninh của nó cũng đã dẫn nó đi tìm biện pháp tăng cường kiểm soát đối với thế giới nằm bên ngoài những đường biên giới của nó. Sức đẩy ra ngoài này có cả động cơ tấn công và phòng thủ. Là người quản trị sự vĩ đại của dân tộc, đảng có trách nhiệm đưa Trung Hoa trở về vị trí đúng của nó ở trung tâm của châu Á. Sự chiều ý rõ ràng của những nước khác sẽ cung cấp bằng chứng về sự thành công của chế độ trong khía cạnh này và sẽ giúp củng cố tính hợp pháp của nó ở trong nước. Đặc biệt nếu tăng trưởng kinh tế có thể vấp ngã, thì sự "đứng lên" trước kẻ thù truyền thống và giải quyết vấn đề Đài Loan và các cuộc tranh chấp khác theo quan điểm của Bắc Kinh dễ trở thành những phần quan trọng trong chiến lược của CCP để duy trì sự nắm quyền của nó. Các lãnh đạo Trung Hoa tin rằng đất nước họ càng tỏ ra mạnh ở bên ngoài, thì chế độ của họ sẽ càng mạnh ở trong nước.

Ngược lại, vẻ ngoài yếu ớt và nhận thức phổ biến rằng nước này đã bị thất bại hay bị khinh miệt có thể là cực kỳ nguy hiểm đối với tiền đồ tiếp tục cầm quyền của đảng. Những lo lắng ngấm ngầm về tính hợp pháp của nó khiến chế độ nhạy cảm hơn với sự khinh miệt và thất bại, và thậm chí kiên quyết hơn trong việc ngăn chặn những thách đố và tránh thất bại. Sự bảo đảm tốt nhất chống lại những nguy cơ như thế đối với Trung Hoa là tích lũy một ưu thế sức mạnh áp đảo trong khu vực láng giềng của nó.

Hơn nữa, sự nhạy cảm quá đáng của CCP đối với những gì nó coi là "chủ nghĩa ly khai" là một kết quả trực tiếp của niềm tin của nó rằng nó phải duy trì kiểm soát tập trung ở mọi nơi mọi lúc. Yêu cầu tự trị nhiều hơn ở Tây Tạng và Tân cương như vậy được xem như mối đe dọa khủng khiếp đối với thống nhất quốc gia và như vậy đối với sự tiếp tục cầm quyền của đảng. Chế độ tin rằng nếu nó buông lơi dù chỉ một chút sự nắm chặt của nó thì cả nước sẽ vỡ tung ra. Các lãnh đạo Trung Hoa thấy cần thiết phát triển đủ sức mạnh để ngăn chặn các nước láng giềng của nó khỏi cung cấp viện trợ và nhu yếu cho các nhóm ly khai và sẽ tạo ra những khả năng để can thiệp trực tiếp nhằm ngăn chặn chúng, nếu điều đó trở nên cần thiết.

Ngay cả khi nó đã mạnh hơn và trong một số khia cạnh nào đó, tự tin hơn, CCP tiếp tục lo sợ sự ô nhiễm tư tưởng. Các nước dễ bảo và có cùng khuynh hướng dọc theo biên giới của nó có thể giúp Bắc kinh đối phó với nguy cơ này hơn là những nền dân chủ tự do có quan hệ chặt chẽ với phương Tây. Ý muốn ra tay trước để ngăn chặn "diễn biến hòa bình" cho chế độ một lý do thuyết phục hơn để muốn định hướng sự phát triển chính trị của các láng giềng của nó.

Tóm lại:  Những người cầm quyền hiện nay ở Trung Hoa tìm kiếm ưu thế, không chỉ vì họ là lãnh đạo của một cường quốc đang lên hay đơn giản họ là người Trung Hoa. Mong muốn của họ thống trị và kiểm soát ở một mức độ lớn là một sản phẩm phụ của loại hệ thống chính trị mà họ là chủ. Một Trung Hoa dân chủ tự do mạnh chắc chắn sẽ tìm kiếm một vai trò lãnh đạo trong khu vực của nó và có lẽ một quyền phủ quyết hiệu quả đối với những sự phát triển mà nó thấy là thù địch với những lợi ích của nó. Nhưng nó cũng sẽ ít sợ hãi về sự mất ổn định bên trong, it bị đe dọa bởi sự hiện diện của các nước láng giềng dân chủ, và cũng ít ngả về tìm kiếm tính hợp pháp trong nước thông qua sự chi phối và lệ thuộc của những nước khác.

Mặc dầu không phải tất cả mọi người đều tin như thế, nhưng một nước Trung Hoa dân chủ hơn cuối cùng sẽ tạo ra một môi trường hòa bình hơn, ít ngả về chiến tranh hơn ở châu Á. Theo quan điểm của nhiều người có đầu óc thực tế, những cải cách trong nước sẽ chỉ làm cho Bắc Kinh thêm giầu hơn, mạnh hơn và vì vậy là một đối thủ cạnh tranh có uy lực hơn mà không làm nó chệch khỏi ý muốn chi phối Đông Á và giải quyết những tranh cãi với một số láng giềng của nó. Có một sự thật chắc chắn rằng ngay cả nếu trong dài hạn, Trung Hoa trở thành một nền dân chủ hòa bình và ổn định đi nữa thì cuộc chuyển đổi của nó cũng sẽ đầy chông gai. Việc mở cửa hệ thống chính trị của đất nước cho những bất đồng và tranh luận dễ đưa một yếu tố bất ổn vào chính sách đối ngoại của nó khi các tiếng nói khác được nghe và các lãnh đạo đầy tham vọng tranh giành nhau sự ủng hộ của dân chúng. Như một nhà quan sát, nhà kinh tế học David Hale buồn bã chỉ ra: "Một nước Trung Hoa độc tài có thể dễ dàng đoán trước. Một nước Trung Hoa mở cửa và dân chủ hơn có thể sinh ra những bất trắc mới trong cả chính sách đối nội và các quan hệ quốc tế."

6.

Chủ nghĩa dân tộc, có lẽ dưới dạng độc hại và hung hăng nhất của nó, là một nhân tố có thể đóng vai trò nổi bật trong việc định hướng chính sách ngoại giao của một Trung Quốc (Middle Kingdom – vương quốc ở giữa) tự do hóa. Nhờ có sự lan tràn của mạng lưới Internet và nới lỏng kiềm chế trên ít nhất một số dạng biểu hiện chính trị của "lòng yêu nước", chế độ hiện nay đã thấy mình là đối tượng phê phán bất cứ khi nào nó giữ lập trường mà một số "cư dân mạng" cho là dễ dãi quá đáng đối với Nhật Bản, Đài Loan và Hoa Kỳ. Bắc Kinh lâu lâu lại tìm cách khuấy động tình cảm yêu nước, nhưng, sợ rằng cơn giận dữ đối với các nước ngoài cũng có thể dễ dàng quay trở lại chống lại đảng, chế độ cũng đã hết sức giữ gìn những cơn cuồng nhiệt của quần chúng trong vòng kiểm soát. Một chính phủ được bầu ra một cách dân chủ có thể ít rụt rè hơn nhiều. Nhà khoa học chính trị Fei Ling Wang cho rằng một chế độ hậu cộng sản thực tế sẽ mạnh hơn trong việc đòi chủ quyền đối với Đài Loan, Tây Tạng và Biển Nam Trung Hoa. Như ông giải thích:

Một chế độ ''dân chủ" ở Bắc Kinh, thoát khỏi những nỗi lo lắng làm suy nhược về sự sống còn của chính nó nhưng chắc chắn sẽ bị lôi kéo bởi những tình cảm của dân chúng, có thể làm cho cường quốc Trung Hoa đang lên thành một sức mạnh quả quyết, nôn nóng, tham chiến và hung hăng hơn, ít nhất trong thời kỳ bất ổn leo nhanh lên vị trí của một cường quốc đẳng cấp thế giới.
Điều cuối cùng là chủ chốt. Ngay cả những người tin tưởng nhất vào những tác động làm hòa dịu của quá trình dân chủ hóa cũng thừa nhận khả năng của một cuộc chuyển đổi hỗn loạn. Trong tác phẩm Tương lai Dân chủ của Trung Hoa, Bruce Gilley thừa nhận rằng các cuộc cách mạng dân chủ trong các nước khác đã luôn luôn dẫn đến bùng nổ các cuộc xâm lược nước ngoài, và ông nhận xét rằng từ đầu thế kỷ hai mươi, phong trào ủng hộ dân chủ ở Trung Hoa cũng có tính dân tộc chủ nghĩa cao độ. Bất chấp những tiền lệ này, Gilley tiên đoán rằng sau một quãng cách có lẽ một thập kỷ, một nước được chuyển đổi sẽ yên hàn đi vào những mối quan hệ hợp tác và ổn định hơn với Hoa Kỳ cũng như với các nước dân chủ láng giềng của nó.

Tất nhiên một kết quả như thế không hề là chắc chắn, và phụ thuộc vào những sự kiện và những tương tác khó biết trước và thậm chí khó kiểm soát. Nếu những va chạm ban đầu giữa một nền dân chủ non trẻ và những đối tác được thiết lập tốt hơn của nó bị xử lý tồi dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang thật sự, lịch sử có thể xoay sang những hướng rất khác và ít hứa hẹn hơn nhiều [so với] nếu chúng được giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, giả sử cuộc chuyển đổi có thể được dẫn hướng không gây ra thảm họa, có đầy đủ lý do để tin rằng các quan hệ sẽ được cải thiện với thời gian. Một người Trung Hoa ủng hộ cải cách chính trị, Liu Junning, đã tổng kết tóm tắt rõ ràng các viễn cảnh. Trong khi một nước Trung Hoa "dân tộc chủ nghĩa và độc tài" sẽ là một mối đe dọa đang hiện hình," thì một nước Trung Hoa dân chủ, tự do cuối cùng sẽ chứng tỏ là một "đối tác xây dựng."

Điều hy vọng này không phải chỉ bắt nguồn từ lối suy nghĩ mơ tưởng. Khi các giá trị và các thiết chế của dân chủ tự do trở nên được bảo vệ vững chắc hơn, sẽ bắt đầu có cuộc tranh biện công khai và mang ý nghĩa chính trị và cuộc tranh đua thật sự các mục tiêu quốc gia và sự phân phối các nguồn tài nguyên quốc gia. Các nhà lãnh đạo có tham vọng và những người tạo dư luận bận tâm với uy tín, danh dự, quyền lực và thanh toán nợ nần sẽ phải cạnh tranh với những người khác, nhấn mạnh đến tính ưu việt của sự ổn định quốc tế, hợp tác, hòa giải và thúc đẩy tăng tiến phúc lợi xã hội. Những yêu cầu của quân đội và những liên minh công nghiệp của nó sẽ được đối trọng, ít nhất đến một mức độ nào đó, bởi các nhóm muốn chi tiêu nhiều hơn vào giáo dục y tế và chăm sóc người già. Phiên bản dân tộc chủ nghĩa thái quá và quyết đoán của lịch sử Trung Hoa và những nỗi bất bình của nó sẽ bị thách thức bởi những quan điểm thừa nhận sự có tội của chế độ cũ trong việc đàn áp các dân tộc thiểu số và từ chối tìm kiếm sự dàn xếp trên các vấn đề chủ quyền. Một giàn lãnh đạo bị ám ảnh với sự sống còn của chính nó và với những mối đe dọa từ các cường quốc bên ngoài sẽ được thay thế bởi một chính phủ vững vàng trong tính hợp pháp của nó và không có lý do gì để sợ hãi rằng các nền dân chủ trên thế giới đang tìm cách bao vây và lật đổ nó.

Một nước Trung Hoa dân chủ có thể sẽ thấy dễ dàng sống hòa thuận với Nhật Bản, Ấn Độ, và Nam Triều tiên, cùng nhiều nước khác. Sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau cuối cùng lớn lên giữa các nước dân chủ và xua tan nỗi sợ rằng người ta sẽ dùng sức mạnh chống lại nhau, sẽ làm tăng lợi thế của việc đạt được những dàn xếp thông qua thương lượng đối với những tranh chấp về biên giới, biển đảo và các nguồn tài nguyên. Một chính phủ dân chủ ở Bắc Kinh cũng sẽ đồng ý với một cơ hội tốt hơn để đạt được một giải pháp hai bên cùng chấp nhận cho sự xa cách sáu mươi năm với Đài Loan. Trái với những nhà cầm quyền CCP hiện nay, một chế độ ở lục địa được dân bầu sẽ có ít cái để được nhờ duy trì những cuộc xung đột, nó sẽ có nhiều khả năng bày tỏ sự tôn trọng đối với một chính phủ dân chủ khác được ưa thích hơn, và nó cũng sẽ hấp dẫn hơn đối với nhân dân Đài Loan như một đối tác trong một số kiểu bố trí liên bang có thể sẽ thỏa mãn những mong muốn và xoa dịu những nỗi sợ hãi của cả hai bên.

Chừng nào mà Trung Hoa còn được cai quản như hiện nay, thì sự lớn lên của sức mạnh của nó còn đặt một thách thức sâu xa lên các quyền lợi của Hoa Kỳ. Nếu họ muốn ngăn chặn xâm lược, ngăn cản áp bức và duy trì một trật tự mở, đa phương thì Washington và các nước bạn và đồng minh của nó sẽ phải hành động tích cực hơn, và hợp tác chặt chẽ hơn, để duy trì sự cân bằng thuận lợi của sức mạnh trong khu vực. Trong dài hạn, Hoa Kỳ có thể học cách sống với một nước Trung Hoa dân chủ như một cường quốc vượt trội ở Đông Á, như nước Anh đã đi đến chấp nhận Hoa Kỳ như một cường quốc vượt trội ở Tây Bán cầu. Từ nay đến ngày đó, Washington và Bắc Kinh sẽ vẫn còn bị hãm trong một cuộc đấu tranh ngày càng mãnh liệt để giành ngôi bá chủ ở châu Á./.

.
.
.

No comments: