Tuesday, June 28, 2011

ĐIỂM SÁCH "VỀ ĐẤT NƯỚC TRUNG HOA" của HENRY KISSINGER (Christopher Buckley)



Christopher Buckley
Bloomberg Businessweek   -    Ngày 27 tháng 6 năm 2011

Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 28.06.2011

Ông quan về hưu đang nhìn tương lai của Trung Quốc ở ngay trong chính quá khứ cổ xưa của đất nước này.

Hay: Kissinger chia sẻ những điều chỉ mình ông được biết và từ đó đưa ra một cách lý giải về đất nước Trung Hoa từ góc độ lịch sử và triết học.
Dở: Đây không phải là loại sách để đọc giải trí trong kỳ đi nghỉ trên bãi biển.
Điều quan trọng nhất: dù người đọc có quan điểm thế nào về Kissinger thì đây vẫn là một cuốn sách không thể thiếu cho những người nghiên cứu mối quan hệ Trung-Mỹ.


Về đất nước Trung Hoa
Tác giả: Henry Kissinger
Nhà xuất bản: Penguin Press, 608 trang, giá $ 36

Ôi cái đất nước Trung Hoa gần gũi mà sao bí ẩn thế: nào là bỏ tù và tra tấn bất cứ ai có ý kiến bất đồng, nào là ăn trộm tài khoản của những người sử dụng Gmail, nào là lén lút chơi với những chế độ tồi tệ nhất trên trái đất này, từ chối thả nổi đồng nhân dân tệ, rồi thì nhả khí fluocarbon vào tầng ozone, rồi xây dựng hải quân và ăn cắp bí mật quân sự của nước khác – nhưng mà trong lúc ấy vẫn cứ mua tất tần tật T-Bill khiến cho nền tài chính của nước Mỹ không thể nhịn được [T-Bill là trái phiếu do Bộ Tài chính Mỹ phát hành có thời hạn đáo hạn không quá một năm, có khi chỉ một tuần lễ]. Câu hỏi một nghìn tỉ đô la mở đầu cho cái điều được gọi là “Thế kỷ của Trung Quốc” thật đơn giản: Trung Quốc là bạn hay thù? Hay vừa là bạn vừa là thù?

Mặc dù Henry Kissinger không trích dẫn câu châm ngôn của bố già Don Corleone của Mario Puzo, “Luôn giữ bạn bè ở gần bên ta, nhưng hãy giữ kẻ thù ở gần ta hơn nữa,” song câu châm ngôn này cứ như văng vẳng trong suốt cuốn sách xuất sắc mang tính truyền nghề của ông: Về đất nước Trung Hoa. Kể từ sau lần gặp bí mật tại Trung Quốc hồi năm 1979, Kissinger đã trở thành một người uyên thâm về Trung Hoa đáng tin cậy nhất. Và trong nhiều thập niên kể từ đó đến nay ông đã quay trở lại đó có lẽ đến hơn 50 lần, nhiều lần ông đã chuyển những thông điệp chỉ trích giữa nguyên thủ hai nước, tháo ngòi nổ các cuộc khủng hoảng hoặc thuyết phục bên này cảm thông cho lập trường của bên kia. Với vai trò như là một đại sứ lưu động suốt đời, ông đã cho độc giả cái cơ hội cứ như thể đang ngồi trong căn phòng chuyện trò với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Hồ Cẩm Đào.

Cuốn sách ứ đầy những quan sát của cả một đời được hưởng đặc ân mà ít ai có được. Đây là một nhận xét rất hay: Tại sao Trung Quốc lại xâm lược Việt Nam năm 1979? Để “dạy cho Việt Nam một bài học,” Kissinger viết, do những xung đột ở biên giới Việt Nam và Campuchia thời Khơ Me Đỏ. Nhưng khi Liên Xô không thể giúp được Việt Nam thì Trung Quốc bèn kết luận là họ đã “sờ đít cọp” mà không bị trừng phạt, ông viết. “Hồi tưởng lại mới thấy,” Kissinger lý giải, “thái độ tương đối thụ động của Moscow… có thể được xem là triệu chứng đầu tiên của sự suy tàn của Liên bang Xô Viết. Người ta tự hỏi không biết có phải quyết định xâm lược Afghanistan một năm sau đó của Liên Xô có phải phần nào là sự cố gắng bù đắp lại sự bất lực không hỗ trợ được Việt Nam chống lại Trung Quốc.” Hiểu theo cách thông thường, Kissinger khẳng định, cuộc xung đột năm 1979 “có thể được coi là một bước ngoặt của Chiến tranh Lạnh mặc dù vào thời điểm đó không ai nhận ra đầy đủ điều này.” Dĩ nhiên rồi! Y như điều xảy ra trong trò chơi domino mà ai cũng biết — các quân domino đã tách rời hẳn nhau rồi. Còn về cái tâm lý đằng sau con số thương vong rất lớn của Trung Quốc ở Việt Nam thì tôi sẽ bàn thêm ngay sau đây.

Mặc dù Kissinger có vẻ như là một người biện hộ – hoặc một người thanh minh cho cách cư xử không dễ chịu của Trung Quốc, song ông đã chứng tỏ một sự am hiểu sâu sắc những động năng đằng sau cách cư xử đó. Và ông cho rằng những động năng đó có nguồn gốc từ hàng ngàn năm trước. Trong một cuộc gặp vào những năm 1990, chủ tịch nước khi đó là Giang Trạch Dân đã bình luận với Kissinger bằng vẻ giễu cợt rằng 78 thế hệ đã trôi qua kể từ khi Không Tử chết vào năm 449 trước Công nguyên. Theo cách tính của tôi thì bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ mới ra đời được tám thế hệ. Phần nào đó là cách đặt sự việc trong viễn cảnh của nó.

Theo Kissinger thì có bốn chìa khóa quan trọng để hiểu được tâm thức của người Trung Hoa: [một], Khổng giáo (“một chân lý duy nhất có thể áp dụng chung cho toàn vũ trụ là tiêu chuẩn để đánh giá cách cư xử của cá nhân và sự khoan hòa với mọi người”); [hai], Tôn Tử (khôn khéo hơn Khổng Tử: nhân từ; đối đầu trực tiếp là hạ sách); [ba], người Trung Quốc có một trò chơi truyền thống từ thời cổ xưa gọi là cờ vây [wei qi ](trò chơi này đề cao “chiến thuật hoãn binh ” [theo luật chơi cờ vây thì người chơi được phép nhường lượt đi của mình cho đối phương nếu thấy điều đó có lợi, hai bên có thể “nhường nhau” và phân định thắng thua bằng cuối cùng cách đếm xem ai chiếm được nhiều “đất” hơn!); và [bốn], giai đoạn những năm 1800 được gọi là “thế kỷ nhục nhã” của Trung Quốc (Nghiệp chướng, bọn Đế quốc!). Cuối cùng thì thực sự cũng nên thêm một yếu tố thứ 5 nữa đó là Wei Yuan – một nhà Nho cỡ trung ở thế kỷ 19, người đã xây dựng khái niệm ”kiểm soát bọn rợ Phương Tây,” [Trung Quốc ở Thế kỷ 19 trước mối nhục vì bị Phương Tây bắt nạt đã vin vào quá khứ huy hoàng của họ để gọi người Phương Tây là “barbarian” [rợ] mà sau này đã làm thành cốt lõi chính sách ngoại giao của Mao với Hoa Kỳ và Liên Bang Xô Viết. Giờ đây giá như Bộ Ngoại giao Trung Quốc cân nhắc đổi tên thành Bộ Kiểm soát Rợ Tây Phương.
Ấy không, xin lỗi, còn yếu tố thứ sáu nữa: lúc nào cũng lo sợ trong nước bị mất ổn định và rối loạn.

Theo tâm lý học gestalt [tâm lý học hình thức] thì hệ quả của những điều trên là thái độ tuyệt đối trơ lỳ trước áp lực của nước ngoài. Kissinger kể lại một thời điểm ông thấy ớn lạnh sau khi cuộc thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn xảy ra thì Đặng Tiểu Bình đã nói với ông rằng sự phản ứng thái quá của Hoa Kỳ “có thể thậm chí dẫn đến chiến tranh.” Ớn lạnh hơn nữa ấy là khi Mao nhắc đã nhắc lại trong lúc suy nghĩ đăm chiêu với vẻ gần như hân hoan về viễn cảnh của cuộc chiến tranh hạt nhân. “Nếu các nước đế quốc gây chiến tranh với chúng tôi,” Kissinger hồi tưởng lại lúc Mao nói, “chúng tôi có thể tổn thất hơn ba trăm triệu người. Thế thì đã sao cơ chứ? Chiến tranh là chiến tranh mà. Năm tháng sẽ qua đi rồi chúng tôi sẽ bắt tay vào việc sinh sản nhiều trẻ em hơn trước.” Mặc dù những lời thành thật đến tàn nhẫn này nghe như được lấy từ cảnh cuối của bộ phim Dr. Strangelove [bộ phim hài “đen” của Mỹ được sản xuất năm 1964 giễu nhại nỗi sợ hãi bom hạt nhân] song Kissinger nhắc chúng ta nhớ lại là trong cuộc đối đầu lần thứ nhất ở Eo biển Đài Loan hồi năm 1955 thì chính Hoa Kỳ mới là nước đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Một số tình tiết xảy ra kể từ dạo đó được Kissinger kể lại – dù đúng hoặc sai – đã khiến cho công luận ở Trung Quốc đổi hướng thành chống lại Mỹ: vụ Quảng trường Thiên An Môn; sự cố Mỹ ném bom nhầm vào sứ quán Trung Quốc ở Belgrade; và sự cố ở Đảo Hải Nam năm 2001 khi một chiếc máy bay tiêm kích của Trung Quốc đâm vào một chiếc máy bay do thám của Mỹ và đã khiến George Bush hấp tấp tuyên bố cuộc khủng hoảng chính sách ngoại giao đầu tiên của ông. Gần đây lại có thêm những sự kiện rõ rành rành. Sự sụp đổ của thị trường tài chính của Mỹ và châu Âu vào năm 2007 và năm 2008 đã lấy đi hầu hết ánh hào quang rực rỡ của hình ảnh của chúng ta như là những nền kinh tế dẫn đầu thế giới. Và cũng trong năm đó trong khi các vận động viên điền kinh Olympic của cả thế giới đang tập hợp ở Bắc Kinh trong một buổi lễ có tính biểu tượng cho sự xuất hiện của đất nước Trung Quốc thì Washington đang đối phó với một Phố Wall đang lâm nguy, hai cuộc chiến tranh đang sa lầy [chiến tranh ở I-rắc và Afghanistan] và ba tập đoàn sản xuất xe hơi đang lâm bệnh.

Liệu Kissinger có lạc quan về mối quan hệ trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc? Nói ngắn gọn thì vừa có lại vừa không. “Không” là bởi vì một “tinh thần thượng võ” mới hồi sinh nên thích gây sự nên nó mường tượng mối xung đột với Mỹ như là một hậu quả tất yếu của sự trỗi dậy của Trung Quốc – gần như giống hệt với việc sự lớn mạnh về hải quân của Hoàng đế Đức đã dẫn đến Thế chiến I. Theo quan điểm này của Trung Quốc thì Mỹ không phải là “con hổ giấy” trứ danh của Mao, nhưng, Kissinger viết, “mà là một quả dưa chuột héo được sơn lại cho tươi.” Hồi tưởng lại quá khứ thì giờ đây tôi thích Mỹ là con hổ giấy hơn.

Trong một đoạn có giọng lạc quan hơn Kissinger đã giải thích rằng bất chấp sự nổi lên về kinh tế như chưa từng thấy, song Trung Quốc có một vài vấn đề của riêng họ. Nền kinh tế của Trung Quốc buộc phải tăng trưởng với tốc độ 7 phần trăm mỗi năm – một mục tiêu mà bất cứ một nước công nghiệp Phương Tây nào cũng phải ao ước – nếu không Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng rối loạn trong nước cực kỳ đáng sợ. Trong lúc đó thì tham nhũng đã ăn sâu vào văn hóa làm ăn ở nước này. “Quả là một trong những điều trớ trêu của lịch sử,” ông viết, “đó là chủ nghĩa Cộng sản quảng cáo là đem lại một xã hội không có giai cấp ấy thế nhưng nó lại nhắm tới việc sản sinh ra một giai cấp có đặc quyền có thể sánh với chế độ phong kiến “Rồi vấn đề thứ hai là dân số Trung Quốc ngày càng già, nếu so với điều này thì cuộc khủng hoảng An sinh Xã hội đang lơ lửng của Mỹ trở thành vấn đề quá nhỏ.

Song, người Trung Quốc có lẽ được chuẩn bị tốt hơn so với tất cả chúng ta, cả về mặt tâm lý lẫn triết học, để chịu đựng được những cú sốc sắp xảy ra. Một đất nước đã từng chịu đựng không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh và biến động trong 4000 năm, đã vượt qua cuộc nội chiến trong những năm 1850 (mười triệu người bị giết) và những thảm họa do con người gây ra như Cuộc Đại Nhảy Vọt của Mao (thêm hai mươi triệu người nữa bị giết) và cuộc Cách mạng Văn hóa, thì đất nước đó dẻo dai vô cùng. Tôn Tử đã dùng một từ, đó là “trí” [shi], có thể dịch đại khái là “nghệ thuật nắm bắt được vấn đề lúc chúng trong trạng thái luôn biến đổi.” Kissinger viết: “Một lịch sử luôn bất ổn đã dạy cho những nhà lãnh đạo Trung Quốc một điều rằng không phải mọi vấn đề đều có một giải pháp ” Nói cách khác, lúc đó phải dùng shi.

Thật khó tưởng tượng được là một Tổng thống Mỹ còn giữ được một cái nhìn như Kissinger, lại càng khó hơn nữa nếu nói dõng dạc điều đó ra cho mọi người biết. Nhưng vào lúc chúng ta đã tới bến bờ bên kia của cuốn sách quan trọng này thì hầu như chẳng còn nghi ngờ gì nữa ấy là cái ông Henry Kissinger, nhà chép sử và cũng là người làm ra lịch sử, cố vấn của bố già Nixon [consigliere], và Bộ trưởng Bộ Kiểm soát Rợ Tây Phương, quả là người nhìn xa thấy rộng. Có lẽ từ đỉnh cao nơi ông ngồi, bất chấp hậu quả thế nào, đó là cái nhìn duy nhất của ông.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

.
.
.

No comments: