Monday, June 27, 2011

KHÔNG THỂ KHôNG CÙNG NHAU VƯỢT QUA SỰ SỢ HÃI (Vũ Thế Dũng)




Tùy bút nhân đọc “Về sự ngộ nhận của Giáo sư Ngô Bảo Châu” của Quý Thanh trên báo An ninh thế giới số 40 tháng 05/2011

1-Sao không thấy nói gì về sự sợ hãi?

Đọc xong bài viết “Về sự ngộ nhận của Giáo sư Ngô Bảo Châu” tôi vô cùng ngạc nhiên. Sao không thấy tác giả nói gì về sự sợ hãi? Không lẽ một người như Quý Thanh lại không đọc ra thông điệp của giáo sư Ngô Bảo Châu?

2- Ngô Bảo Châu không luận anh hùng*
Trong ý kiến của mình, giáo sư Ngô bảo Châu đã chỉ nói về hai nhân vật. Nhân vật thứ nhất là ông quan tòa, người đại diện cho “những người đã bắt ông Vũ bằng hai bao cao su đã qua sử dụng”. Nhân vật thứ hai là ông Vũ. Khi nói về sự sợ hãi, tôi thấy giáo sư Ngô Bảo Châu chỉ coi ông Vũ “như một con người không tầm thường”“ông Vũ đã không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình”. Lần theo từng câu chữ thì trong mắt giáo sư Ngô Bảo Châu những nhân vật huyền thoại như Hector, như Tumus, như Kinh Kha cũng chỉ được ông xếp vào hạng những con người không tầm thường.
Ông là con người tài trí đang được chế độ trọng dụng cho nên ông chân thành đề nghị: Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ. Tất cả những diễn giải trước đó chỉ là những câu văn dẫn điện. Câu văn cuối là bóng đèn cao áp. Câu văn cao áp này rực sáng trí tuệ của một công dân uyên bác.

3- Quý Thanh đã cố tình ngộ nhận?
Bài viết: “Về sự ngộ nhận của giáo sư Ngô Bảo Châu” đề cập tới ba đối tượng. Luật sư Cù Huy Hà Vũ và giáo sư Ngô Bảo Châu là hai đối tượng được Quý Thanh trực tiếp luận bàn. Ngoài ra, ông còn gián tiếp nói đến một đám đông trí thức vô danh, một kẻ khác nào đấy bất kỳ. Đó là đối tượng thứ ba. Căn cứ vào câu chữ của Quý Thanh thì họ những kẻ ngu dốt và cơ hội, là những kẻ muốn biến Vũ thành anh hùng những kẻ đang ngưỡng mộ Cù Huy Hà Vũ và giáo sư Ngô Bảo Châu như là hai biểu tượng của sự can đảm và của trí tuệ uyên bác.
Quý Thanh bắt đầu liên khúc ngộ nhận bằng một mạch văn bay múa về Hector, về giá trị của nhân cách và trí tuệ trong việc luận anh hùng. Câu chữ gấp khúc quanh co, uốn lượn. Cố tình lờ đi việc “ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ” và hình ảnh “ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình”, ông chỉ đặc biệt chăm chú moi ra “tội” đã hay kiện tụng lại dám tự ứng cử chức Bộ trưởng Bộ văn hóa và mấy chuyện đời tư không hề là nguyên nhân dẫn đến việc Vũ bị đối diện với ông quan tòa và bị hành pháp một cách cẩu thả để kết luận: “Vũ chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường”. Đó là sự cố tình ngộ nhận thứ nhất. Khi ông phán: “GS Ngô Bảo Châu đã quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng”. Đó là sự cố tình ngộ nhận thứ hai nhằm giảm giá một trí tuệ uyên bác.
Không chỉ cố tình ngộ nhận về Cù Huy Hà Vũ và giáo sư Ngô Bảo Châu, Quý Thanh còn cố tình ngộ nhận sự ngưỡng mộ của những đám đông vô danh đối với họ Cù và họ Ngô khi ông đắc ý cảnh báo cả hai chỉ là “con bài” trong tay kẻ khác. Chữ của ông như độc dược ngọt ngào trong đoạn kết thúc: “Ngạn ngữ Hy Lạp nói: nếu Thượng Đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần”. Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng. Giờ đây những hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về “anh hùng” Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy”. Có nghĩa là ông vừa muốn hạ giá trí tuệ giáo sư vừa muốn ly gián cả hai với những đám đông vô danh, những đám đông đang biến họ thành hai biểu tượng với“những mỹ từ cao cả nhất”. Không có ai nhẹ dạ tin rằng những đám đông tôn vinh họ Cù và họ Ngô là để hủy hoại họ. Đó là sự cố tình ngộ nhận thứ ba.

4- Không chỉ cố tình ngộ nhận
Quý Thanh đã không chỉ cố tình ngộ nhận mà còn cố tình phóng đại những ngộ nhận ấy. Ông vừa muốn hạ thấp sự can đảm trí tuệ của họ Cù và họ Ngô đồng thời vừa muốn ly gián họ với những đám đông vô danh. Điều kỳ lạ là trong khi viết với hy vọng cùng một lúc hạ giá cả hai biểu tượng Cù Huy Hà Vũ và Ngô Bảo Châu thì Quý Thanh lại đã không thể che đậy được nỗi run rẩy mơ hồ của mình. Nhất là khi ông vừa khen vừa trách giáo sư: “Trong bối cảnh hiện tại, GS là biểu tượng về mặt trí thông minh cho một dân tộc. Bởi vậy, những phát ngôn của GS không đơn thuần là những câu nói mang tính chất cá nhân nữa vì nó có tác động mãnh liệt đến suy nghĩ và niềm tin của hơn 80 triệu dân. Có điều chính GS hình như cũng không lường trước được hết những tác động từ những phát biểu của mình. Hệ quả là chính GS cũng được biến thành một kiểu biểu tượng về trí tuệ uyên bác trên các diễn đàn”.

Trong khi cao giọng dằn mặt một đám đông trí thức bất kỳ nào đó Quý Thanh vẫn không che đậy được nỗi sợ hãi chân thành trong ông: “Việt Nam rất cần những anh hùng… Cả thế giới đang bước vào thời kỳ mà trí thức quyết định phần lớn những tiến bộ trong xã hội. Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là những người có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hóa và kỹ năng đối thoại với thế giới.Trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính thời đại như biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, khủng hoảng văn hóa thì khả năng hành động của những con người như vậy chính là chìa khóa để vươn lên. Ngược lại, việc tạo nên những anh hùng một cách áp đặt hay thổi phồng những cá nhân không xứng đáng chỉ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực. Nó tạo ra sự hoang mang trong xã hội và sự sụp đổ của niềm tin. Đó chính là những thảm họa của văn hóa và chính trị. Cho nên bất kỳ người trí thức nào trước khi tạo ra những so sánh cần sự cân nhấc kỹ càng”...
Hóa ra sự cố tình thổi phồng những ngộ nhận trong bài viết Về sự ngộ nhận của Giáo sư Ngô Bảo Châu của Quý Thanh không chỉ để hạ thấp nhân cách và trí tuệ của họ Cù và họ Ngô mà còn để che đậy một sự sợ hãi khác. Sự sợ hãi mà trí tuệ không dám nói ra nhưng tâm hồn thì thấu hết. Chính sự sợ hãi ấy đã cố tình sáng tác một liên khúc các ngộ nhận dây chuyền, tạo hiệu ứng tung hỏa mù, làm lạc hướng đám đông, nhằm phi tang sự thật.

5- Không dễ gì phi tang được sự thật
Thành tâm mà nói, ở thời nào cũng vậy, sự thật có thể bị ngộ nhận do thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin. Nếu do kém hiểu biết mà ngộ nhận việc này, việc khác thì người đời có thể châm chước. Nếu vì sự thật quá cay đắng, không nuốt nổi mà buộc lòng phải nín lặng, phải ngoảnh mặt làm ngơ thì người đời có thể cảm thông cho sự yếu lòng. Nếu sự thật dơ dáy, ghê tởm quá sức tưởng tượng làm mất thể diện cá nhân thì rất có thể vì sĩ diện người ta sẽ ám sát, sẽ chôn vùi sự thật bằng mọi giá để sống bất biết khi nào ngày phán xử cuối cùng sẽ đến. Không thuộc về ba trường hợp nói trên. Quý Thanh là người thuộc làu thần thoại, tinh thông sử thi, nhưng ông vẫn giả vờ không hiểu, vẫn cố tình ngộ nhận hùng hồn. Không những thế ông còn cố tình thổi phồng những ngộ nhận với hy vọng có thể phi tang sự thật. Việc ông thao thao bất tuyệt luận về anh hùng trong lúc giáo sư Ngô Bảo Châu chỉ nhấn mạnh về sự sợ hãi chứng tỏ ông rất có chiến thuật trong việc dụng ngôn.
Ngay cả từ thời tiền Internet, con người cũng không dễ gì phi tang được sự thật. Về chiến lược lâu dài, càng không thể lấy việc cố tình phi tang sự thật nhằm ly gián hoặc đánh lạc hướng những đám đông làm giải pháp tình thế để bảo vệ chế độ.

6- Sợ hãi hay không sợ hãi?
Tôi chưa hề quen biết Giáo sư Ngô Bảo Châu, cũng chưa hề quen biết Quý Thanh và Cù Huy Hà Vũ. Chỉ vì làng báo náo nhiệt tranh luận về vụ họ Cù cho nên tôi mới được biết bút lực của Ngô Bảo Châu và xảo thuật đối thoại của Quý Thanh. Ông viết về họ Cù, họ Ngô, thành thử vì duyên bút mực mà tôi được tâm sự với cả ba bằng một tùy bút. Bây giờ thì tôi hiểu. Quý Thanh không thể luận gì về sự sợ hãi vì ông buộc lòng phải cố tình phi tang sự thật về một con người không tầm thường. Ông không thể luận gì về sự sợ hãi vì ông đang còn phải buộc lòng cố tình hạ thấp một trí tuệ uyên bác. Nhưng ngay cả trong lúc lưu loát nhất, hùng biện nhất ông vẫn không che đậy nổi nỗi sợ hãi mơ hồ. Ông thừa biết việc ông Vũ đã không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận mình và sự can gián thẳng thừng: “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp để bảo vệ chế độ” của giáo sư Ngô Bảo Châu là hai sự can đảm hiếm hoi. Hơn nữa, sống giữa thời đại mà dân chủ như là sự thắp sáng và lan tỏa theo tốc độ của in-tơ-nét, ông đủ trí lự và đủ thông tin để hiểu sự can đảm nhân quyền của Cù Huy Hà Vũ và sự can đảm của trí tuệ uyên bác mang tên Ngô Bảo Châu đã không chỉ “tác động mãnh liệt đến suy nghĩ và niềm tin của hơn 80 triệu dân mà còn làm chấn động dư luận quốc tế”.**

Nhờ thế, mà giờ đây, mỗi người dân Việt khi phải đối mặt với số phận mình đều có đủ dũng khí vượt qua mọi sự sợ hãi truyền kiếp để mở miệng phát biểu những điều không thể không nói. Không phải mở miệng một cách tùy tiện mà là sự phát biểu đúng lúc đúng chỗ, bằng văn bản, bằng chứng cớ. Khi thẳng thừng lựa chọn: Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ cũng có nghĩa là giáo sư Ngô Bảo Châu rất cẩn trọng. Không những ông từ chối sự cẩu thả và vượt qua sự sợ hãi mà ông còn tế nhị yêu cầu mỗi chúng ta hãy suy nghĩ về sự sợ hãi đang nằm trong từng giọt máu của mình. Vì sao? Vì ông là một trí thức uyên bác. Vì là một trí thức uyên bác nên ông đủ từng trải để hiểu sự sợ hãi vốn là một chủ đề sinh tử của con người. Sợ hãi hay không sợ hãi? Sự khắc khoải này chi phối mạnh mẽ sức phát triển những năng lượng nhân tính của con người. Hình như sau khi tung ra thông điệp Về sự sợ hãi, ông đã buộc phải tự đóng cửa Blog “Thích học Toán” và coi như mình đã tỏ lòng một cách cẩn trọng và sòng phẳng. Sự hoàn tất sứ mệnh lập ngôn của giáo sư Ngô Bảo Châu đã làm cho nhiều cây bút đang sống và viết trong sợ hãi phải thao thức với các con chữ. Vì sao? Vì hơn bao giờ hết, sợ hãi hay không sợ hãi đang là vấn đề sống chết không chỉ của một nhân cách mà còn là vấn đề còn-mất của vận mệnh quốc gia.
Trung Quốc đang liên tục gây hấn trên biển Đông, thậm chí còn xả đạn dọa ngư dân Việt trong khi xâm phạm hải phận Việt Nam. Câu thơ Nam quốc Sơn hà trong tim tôi chợt đau nỗi gươm đao. Không lẽ lại:
Cởi trần mà bắn thôi! Trời xanh kia là áo
Đã trả kiếm cho Rùa vàng mà vẫn không xong! ***
Người Việt đã bao lần trả kiếm cho Rùa Vàng mà vẫn không xong?

Chắc là giáo sư Ngô Bảo Châu và nhà báo Quý Thanh biết tin này sớm hơn Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Trong tù, họ Cù sẽ không ứa nước mắt mặc dù lúc ở ngoài tù ông vẫn đau đáu về hiểm họa Bắc phương? Trong tù, họ Cù vẫn thao thức với tự do ngôn luận. Trong tù, ông không có thời gian nghĩ về sự sợ hãi vì ông đã vượt qua nó nhờ “Lửa Thiêng” **** của thân phụ để công bố Tuyên ngôn 3 điểm? *****

Rất nhiều đám đông, rất nhiều người lính già đã từng mất máu ở Trường Sơn, ở Đồng Đăng, Kỳ Cùng, ở Hoàng Sa , Trường Sa năm xưa sẽ ứa nước mắt vì cảm kích trước sự can đảm của họ Cù. Họ vẫn sẵn sàng quyết chiến để biển trời ngàn dặm không thể hư hao. Và họ sẽ ứa nước mắt khi biết họ Cù vẫn đang vẫn khát khao thông qua các kênh luật pháp, cất tiếng bảo vệ dân lành, thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống pháp lý của nhà nước với hy vọng khẳng định giải pháp để bảo vệ chế độ đã sinh ra ông và đang hủy hoại ông trong nhà giam. Tôi không thể không mất ngủ về sự sợ hãi. Giờ đây, sợ hãi hay không sợ hãi không chỉ hệ trọng đối với nhân cách một công dân mà còn là vấn đề sinh tử đối với sinh lực của đất nước.

Không thể vì sợ hãi mà lập pháp một cách phiến diện. Không thể vì sợ hãi mà tư pháp một cách vội vàng. Không thể vì sợ hãi mà hành pháp một cách cẩu thả. Một con người không tầm thường không thể vì sợ hãi mà không dám đối diện với số phận mình. Một đứa con có trí tuệ không thể vì sợ hãi mà câm nín trước án phạt bất công của mẹ cha. Một trí thức uyên bác dù có hưởng lộc của chế độ không thể vì sợ hãi mà không dám cất lời chính trực. Một quốc gia đã có quốc kỳ, đã có lãnh thổ không thể vì sợ hãi mà không dám khẳng định chủ quyền của mình trên từng tấc đất, tấc nước.

Thông điệp Về sự sợ hãi của giáo sư Ngô Bảo Châu là sự cẩn trọng uyên bác ẩn chứa một năng lượng hạt nhân có sức khai mở khôn lường. Sợ hãi hay không sợ hãi? Thông điệp ấy đã đánh thức những năng lượng nhân tính thường xuyên bị tê liệt trước bạo lực với một sức kích hoạt khó cưỡng tận tâm linh. Mười ba câu trong mười lăm dòng của ông quá đủ để bộc lộ nỗi lòng ưu nhân ái quốc của một trí tuệ xuất sắc.

7- Không thể không cùng nhau vượt qua sự sợ hãi
Và dường như không thể cưỡng lại, giống như có thần linh cảnh báo, ngay trong khi cố tình giảm giá họ Ngô, hạ thấp họ Cù, Quý Thanh vẫn vô tình thừa nhận sự can đảm trí tuệ của cả hai. Ngay cả những lúc ông cao giọng lo âu về sự hoang mang, về sự sụp đổ niềm tin trong xã hội thì tôi cũng cảm thấy những run rẩy, những sợ hãi mơ hồ phảng phất trong xảo ngôn của ông. Ngay cả trong lúc cố gắng phi tang sự thật, đôi khi chính lương tâm ông cũng đã nín thở im ím vượt qua sự sợ hãi để cố gắng bênh vực chế độ bằng một giải pháp tình thế.

Giá như các thủ lĩnh tối cao đủ dũng lược cùng với quan tòa đối diện với sự thật như là một đương sự, như là một nhân chứng trước sự tranh tụng của công dân Cù Huy Hà Vũ và các luật sư tiến hành một phiên tòa đúng trình tự chuẩn mực.

Giá như các thủ lĩnh tối cao đủ minh triết vượt qua sự sợ hãi để thừa nhận sự can đảm nhân quyền mang tên Cù Huy Hà Vũ là vô tội thì hiển nhiên nền pháp trị Việt Nam sẽ có vẻ mặt của Bao công.

Rõ ràng, dù tránh mặt hay đối mặt với sự thật thì con người, nhất là người Việt, không thể không vượt qua sự sợ hãi. Giờ đây, một quốc gia như nước Việt mình rất cần các bộ óc nguyên thủ đủ dũng lược và minh triết để vượt qua sự sợ hãi khi phải đối diện với sự phản biện của từng công dân cũng như trong khi phải đối diện với số phận đất nước.

Bởi vì, dù tránh mặt hay đối mặt với sự thật thì người Việt chúng ta, dù là thường dân hay là thủ lĩnh tối cao cũng không thể không cùng nhau vượt qua sự sợ hãi để nguyên khí quốc gia không bị hủy hoại.

03.06.2011
© Thế Dũng
© Đàn Chim Việt
————————————————-

Chú thích:
* Giáo sư Ngô Bảo Châu không luận anh hùng: vì trong ý kiến ngắn gồm 13 câu văn và 15 dòng ông muốn đưa ra thông điệp“Về sự sợ hãi”.

** Dư luận quốc tế:

- Trích tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao mỹ:Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc kết án 7 năm tù giam đối với nhà hoạt động Cù Huy Hà Vũ về tội“tuyên truyền chống chính phủ”. Chúng tôi cũng lo ngại về việc phiên tòa đã không được tiến hành đúng trình tự chuẩn mực, cũng như về việc tiếp tục giam giữ một số cá nhân đã tìm cách quan sát phiên tòa một cách ôn hòa. Việc kết án ông Cù uy Hà Vũ là đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hiệp quốc và đặt ra những nghi vấn thực sự đối với các cam kết của Việt Nam trong việc thực thi nền pháp trị và tiến hành cải cách. Không cá nhân nào đáng bị bỏ tù vì đã hành xử quyền Tự do Ngôn luận.

- Trích phát ngôn của Trưởng phái đoàn EU: EU lấy làm tiếc và bày tỏ quan ngại sâu sắc về phiên xử khép tội ông Vũ theo khoản 1, điều 88, Bộ luật Hình sự, tuyên truyền chống chính phủ, thông qua các bài viết và trả lời phỏng vấn, phỉ báng chính quyền, ủng hộ đa đảng.Việc buộc tôi này không phù hợp với quyền cơ bản của con người được biểu đạt ý kiến một cách tự do, ôn hòa theo Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và điều 19 của Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam tham gia.Chúng tôi cũng quan ngại sâu sắc về sự thiếu vắng một cách rõ ràng quy trình tiêu chuẩn trong xét xử, giam giữ nhiều cá nhân, những người chỉ tìm cách quan sát phiên xử một cách ôn hòa.

- Đảng Dân chủ Tự do Đức FDP chỉ trích bản án đối với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là “không thể chấp nhận được”, trái với các tiêu chuẩn Nhân quyền Quốc tế hiện hành.

- Tổ chức phóng viên không biên giới lên án vụ xử Cù Huy Hà Vũ, kêu gọi Việt Nam ngưng săn đuổi các nhà đối lập và nên khởi đầu chính sách cởi mở đối với quyền tự do ngôn luận.

- Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế Muman Rights Watch ra thông cáo báo chí, yêu cầu Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho ông Vũ.Ông đã bị ra tòa vì dám dũng cảm đứng lên chống lại việc lạm dụng chức quyền, bảo vệ những nạn nhân là người dân mất đất, và bảo vệ môi trường. Còn ông Phil Robertson đặc trách Châu Á thì cho rằng: Chính quyền quyết tâm xử ông ấy để làm gương. ( Theo Thanh Lương tổng hợp trên Thời báo Việt Đức số 97/ 05-2011)

*** Trích Đến bây giờ ta vẫn ở bên nhau – Thơ Thế Dũng, Tạp chí VNQĐ số tháng 10 năm 1979.

**** Lửa Thiêng: Tên tập thơ nổi tiếng của Nhà thơ Huy Cận

***** Tuyên ngôn 3 điểm của Cù Huy Hà Vũ (có thể xem “đọc tuyên ngôn 3 điểm của TS luật Cù Huy Hà Vũ” của tác giả Trần Minh Thảo đăng ngày 18-04-2011 trên www.boxitvn.wordpress.com)

.
.
.

No comments: