Thấy gì từ thỏa thuận
khoáng sản Ukraine-Hoa Kỳ?
Hiếu Chân/Người Việt
May 2, 2025 : 8:02 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/thay-gi-tu-thoa-thuan-khoang-san-ukraine-hoa-ky/
Ukraine vừa ký kết một thỏa thuận về
khoáng sản, trao cho chính phủ Mỹ quyền kiểm soát một phần nguồn tài nguyên
thiên nhiên của nước này đổi lấy việc Mỹ tiếp tục yểm trợ cuộc chiến chống xâm
lược Nga.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/05/A1-Khoang-san-Ukraine-My-1536x1024.jpg
Ông Volodymyr Zelensky (phải), tổng thống
Ukraine, và ông Scott Bessent, bộ trưởng Tài Chính Mỹ, trong một cuộc họp báo.
(Hình: Tetiana Dzhafarova/AFP via Getty Images)
Các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận không
chỉ cho thấy một thay đổi bất ngờ trong quan điểm của chính quyền Tổng Thống
Donald Trump mà còn báo hiệu một bước chuyển biến mới, có lợi cho Ukraine,
trong cuộc chiến bi thảm kéo dài hơn ba năm qua.
Đường đến thỏa thuận
Ý tưởng sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản của
Ukraine để tài trợ cho cuộc chiến và công cuộc tái thiết đất nước đã được ông
Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, trình bày với ông Joe Biden, cựu tổng
thống Mỹ, vào Tháng Chín năm ngoái nhưng không tiến triển trong những tháng cuối
cùng của chính quyền Biden.
Khi trở lại Tòa Bạch Ốc hồi cuối Tháng Giêng
năm nay, Tổng Thống Donald Trump đã đưa ra những ý tưởng độc đáo của ông liên
quan tới vấn đề này.
Một là, ông Trump rất quan tâm tới các khoáng
sản thiết yếu cho nền công nghiệp Mỹ và lo lắng chuyện Trung Quốc thống trị thị
trường hàng loạt khoáng sản quan trọng như đất hiếm. Khi tuyên bố ý định sáp nhập
đảo Greenland của Đan Mạch hoặc nước láng giềng Canada, ông Trump đều nhắc tới
việc kiểm soát tài nguyên khoáng sản như là động lực đầu tiên.
Hai là, ông cho rằng nguồn tài nguyên dưới
lòng đất Ukraine có giá trị hàng ngàn tỷ đô la và nên được dùng để “hoàn trả”
chi phí mà Mỹ đã bỏ ra yểm trợ Ukraine suốt ba năm qua.
Đôi lúc, ông Trump ví hành động Mỹ yểm trợ
quân sự cho Ukraine như là trao cho Kiev một tấm “ngân phiếu khống chỉ” (blank
check) để Ukraine mặc sức chi xài đồng tiền thuế của dân Mỹ. Phía Kiev phản đối
ý tưởng coi viện trợ quân sự như một “món nợ” – mà ông Trump phóng đại lên tới
$500 tỷ – và nói nó đe dọa tương lai kinh tế của nhiều thế hệ người Ukraine.
Tuy vậy, Kiev vẫn cố tìm một thỏa thuận với Washington để duy trì sự yểm trợ
quân sự của Hoa Kỳ và coi các lợi ích kinh tế của Mỹ trên lãnh thổ Ukraine là một
yếu tố bảo đảm an ninh quốc gia, ngăn chặn Nga mở rộng hành vi xâm lược bây giờ
và về sau.
Hồi cuối Tháng Hai, ông Zelensky đã đến
Washington với mục đích ký kết thỏa thuận khoáng sản với ông Trump nhưng sự kiện
đã nhanh chóng biến thành cuộc đấu khẩu dữ dội. Trước đông đảo nhà báo tại
Phòng Bầu Dục, ông Trump và ông JD Vance, phó tổng thống, mắng nhiếc ông
Zelensky vô ơn bạc nghĩa. Ông Zelensky giận dữ bỏ cuộc họp ra về và Mỹ tạm thời
đình chỉ việc chia sẻ thông tin tình báo với quân đội Ukraine.
Sau đó ông Zelensky nhiều lần cố làm lành với
ông Trump và cả hai nhà lãnh đạo đều tỏ ý hai bên vẫn có thể đạt được một thỏa
thuận hợp lý. Hai điểm bất đồng quan trọng nhất là Washington muốn Kiev coi viện
trợ quân sự của Mỹ là món nợ phải trả còn Ukraine muốn Mỹ phải cam kết bảo đảm
an ninh quốc gia cho Kiev trong tương lai.
Sau hai tháng đàm phán căng thẳng giữa giới
chức cao cấp hai bên, mỗi bên nhượng một ít, một dự thảo thỏa thuận đã được đưa
ra ngày 16 Tháng Tư và ông Zelensky cho biết, ông đã thuyết phục ông Trump thay
đổi quan điểm, chấp nhận thỏa thuận, trong cuộc họp chớp nhoáng giữa hai nhà
lãnh đạo bên lề tang lễ Đức Giáo Hoàng Francis tuần trước.
Thỏa thuận khoáng sản có gì?
Theo thỏa thuận mới ký kết, một quỹ đầu tư
liên kết giữa hai quốc gia sẽ được thành lập, có tên là “Quỹ Đầu Tư Tái Thiết
Hoa Kỳ-Ukraine” (“United States-Ukraine Reconstruction Investment Fund”); quỹ
này sẽ tiếp nhận toàn bộ doanh thu có được từ việc khai thác và thương mại hóa
các mỏ khoáng sản của Ukraine.
Hoa Kỳ và Ukraine cùng quản lý quỹ theo tỷ lệ
50-50 và nguồn vốn của quỹ là doanh thu từ các dự án khai thác tài nguyên trong
tương lai, không bao gồm các dự án đã khai triển hoặc đang hoạt động.
Nguồn vốn của quỹ hạn chế trong doanh thu
thương mại của các khoáng sản được khai thác và bán ra, không bao gồm các nguồn
tài nguyên dưới lòng đất vẫn thuộc sở hữu của chính phủ Ukraine.
Lợi nhuận của quỹ sẽ được sử dụng chủ yếu cho
việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh và các công ty của Hoa Kỳ được ưu tiên
thực thi các dự án tái thiết được quỹ này đầu tư.
Ngoài ra, thỏa thuận xác định Hoa Kỳ và
Ukraine bảo đảm rằng “các quốc gia chống lại Ukraine trong cuộc chiến hiện nay
sẽ không được hưởng lợi từ công cuộc tái thiết Ukraine,” hàm ý loại trừ sự tham
gia của Nga, Iran, Bắc Hàn và có thể cả Trung Quốc vào lĩnh vực khai thác
khoáng sản và tái thiết Ukraine sau chiến tranh.
Bài học ở đây là Hoa Kỳ đã tốn nhiều xương
máu và tài sản trong cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan để rồi các công ty
Trung Quốc toa rập với chế độ Taliban hớt tay trên những nguồn lợi béo bở trong
việc khai thác tài nguyên của đất nước này khi chiến tranh kết thúc. Washington
không muốn lặp lại kinh nghiệm đáng xấu hổ đó.
Theo dữ liệu của Trường Kinh Tế Kiev, Ukraine
hiện có khoảng 100 loại khoáng sản quý như titanium (dùng trong công nghiệp
hàng không, y tế), lithium (động cơ điện, bình điện), cobalt, uranium (lò phản ứng
nguyên tử, vũ khí nguyên tử), một số kim loại đất hiếm như zirconium (kim cương
nhân tạo), một ít dầu và khí đốt. Các mỏ ở Ukraine có khoảng 6% trữ lượng
titanium toàn cầu, một phần ba trữ lượng lithium của Âu Châu và trữ lượng
uranium lớn nhất Âu Châu.
Ông Zelensky nói tài nguyên của Ukraine là
“vô giá” nhưng thừa nhận nhiều mỏ khoáng sản đang nằm trong vùng lãnh thổ bị
Nga tạm chiếm, khó đánh giá trữ lượng lẫn khai thác thương mại.
Ông Denys Shmyhal, thủ tướng Ukraine, viết
trên mạng Telegram: “Nhờ thỏa thuận này chúng tôi có thể thu hút nguồn lực đáng
kể để tái thiết đất nước, khởi động tăng trưởng kinh tế và nhận được những công
nghệ mới nhất từ các đối tác và nhà đầu tư chiến lược ở Hoa Kỳ.”
Trong văn bản thỏa thuận cuối cùng dài chín
trang, ký kết hôm Thứ Tư, 30 Tháng Tư, không có điều khoản quy định Ukraine phải
hoàn trả khoản viện trợ quân sự mà Kiev đã nhận được từ trước đến nay, song những
khoản viện trợ từ nay về sau – bao gồm vũ khí, đạn dược và công tác huấn luyện
– sẽ được coi là phần đóng góp của Hoa Kỳ vào Quỹ Đầu Tư Tái Thiết và Ukraine
phải đóng góp khoản tài nguyên tương xứng.
Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, phía Hoa
Kỳ cho biết một khoản viện trợ vũ khí mới, trị giá $50 triệu, đã được chuyển tới
Ukraine như là khoản đóng góp đầu tiên vào quỹ tái thiết.
Thỏa thuận không đề cập tới việc Hoa Kỳ bảo đảm
an ninh cho Ukraine như mong đợi của Kiev, song không ngăn cản Ukraine trở
thành thành viên của Liên Âu (EU) sau này. Ukraine lo ngại, không có bảo đảm an
ninh từ phía Hoa Kỳ, Nga sẽ nhanh chóng phá hoại hiệp định đình chiến (nếu có),
củng cố quân đội và tái xâm lược nhưng theo nhiều nhà phân tích, ông Trump muốn
Ukraine hãy nhìn sang EU chứ không phải Hoa Kỳ để tìm sự bảo đảm an ninh trong
tương lai.
Tác động tới cuộc chiến
Tuy Hoa Kỳ không cam kết cụ thể về bảo đảm an
ninh Ukraine, nhưng theo các nhà phân tích, thỏa thuận khoáng sản cho thấy quan
hệ giữa Hoa Kỳ và Ukraine được cải thiện và Nga phải thay đổi thái độ.
Ông Scott Bessent, bộ trưởng Tài Chính, đại
diện chính phủ Hoa Kỳ ký thỏa thuận, nói: “Thỏa thuận này là một tín hiệu rõ
ràng cho Nga rằng chính quyền Trump cam kết với một tiến trình hòa bình đặt trọng
tâm vào một nước Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng về lâu dài… Hai nước
sẽ cộng tác với nhau, cùng đầu tư để bảo đảm các tài sản chung, tài năng chung
và năng lực chung có thể đẩy nhanh cuộc phục hồi kinh tế của Ukraine.”
Ông Bessent cũng nói rằng thỏa thuận cho phép
chính quyền Trump đàm phán với Nga [về hòa bình Ukraine] trên thế mạnh.
Báo The Washington Post lưu ý, nếu trước đây
chính quyền Trump thường lặp lại các yêu cầu và quan điểm của Nga về cuộc chiến
tranh thì nay giọng điệu của họ dường như đang thay đổi.
Sau khi thỏa thuận khoáng sản Ukraine-Hoa Kỳ
được ký kết và công bố, nhiều giới chức cao cấp của Nga đã lên mạng thể hiện sự
tức tối. Ông Alexei Chepa, phó chủ tịch Hội Đồng Đối Ngoại Quốc Hội Nga, nói rằng
thỏa thuận làm gia tăng sự phụ thuộc của Ukraine vào Hoa Kỳ, “về bản chất nó
[thỏa thuận] biến Ukraine thành một thuộc địa khoáng sản”…
Tuy vậy, Washington Post ghi nhận trong chỗ
riêng tư, giới tinh hoa chính trị Nga không giấu được nỗi thất vọng khi thấy
quan hệ Mỹ-Ukraine ấm lại sau sự kiện Phòng Bầu Dục và họ lo lắng cơ hội để nước
Nga tìm kiếm một hiệp định đình chiến có lợi cho Moscow đã khép lại.
Ông Sergei Markov, nhà phân tích chính trị có
liên hệ với Điện Kremlin, cho rằng thỏa thuận “đã làm tình trạng của Nga xấu
đi. Lý do căng thẳng giữa Trump và Zelensky đã được dỡ bỏ!” Ông Markov cũng nhận
định, vì Hoa Kỳ đã sở hữu một phần Ukraine nên Washington sẽ có nghĩa vụ bảo vệ
nước này.
Sau cuộc gặp chớp nhoáng với Tổng Thống
Zelensky ở Vatican, Tổng Thống Trump có vẻ bực dọc với ông Vladimir Putin, tổng
thống Nga, với việc ông Putin tiếp tục bắn giết bừa bãi thường dân Ukraine, từ
chối đàm phán hòa bình và bác bỏ đề nghị đình chiến 30 ngày mà chính phủ Mỹ đưa
ra và Kiev tán thành.
Có lúc, ông Trump than phiền ông bị nhà lãnh
đạo Nga lợi dụng và ông dọa gia tăng cấm vận… Trong khi đó, Thượng Viện Hoa Kỳ
đang xem xét đề nghị của Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South
Carolina), một “fan” cứng của ông Trump, đánh thuế (tariff) 500% lên hàng hóa
nhập cảng từ bất cứ quốc gia nào buôn bán với Nga nếu Nga không tham gia nghiêm
chỉnh vào các nỗ lực chấm dứt chiến tranh.
Các nhà phân tích ghi nhận thỏa thuận mới giữa
Ukraine và Hoa Kỳ đã làm chính giới Nga thêm chia rẽ: nhóm các giới chức diều
hâu muốn thúc đẩy chiến tranh, chiếm thêm nhiều đất đai của Ukraine trước khi
Hoa Kỳ quay lại ủng hộ Ukraine như thời Biden, trong khi nhóm bồ câu muốn ông
Putin chấp nhận kế hoạch hòa bình của Hoa Kỳ để được dỡ bỏ cấm vận và phục hồi
nền kinh tế đang tan nát của Nga.
Cũng có ý kiến đề nghị ông Putin tìm kiếm một
thỏa thuận với Hoa Kỳ tương tự như thỏa thuận mà Ukraine vừa ký.
Quả banh đang ở Moscow, Washington có gia
tăng áp lực không và Nga sẽ làm gì để có hoà bình thì chỉ ông Putin mới biết được.
[qd]
No comments:
Post a Comment