Monday, May 12, 2025

THÁNH LỄ ĐẦU TIÊN KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI : GIÁO HOÀNG LEO XIV KÊU GỌI CHẤM DỨT CÁC CHIẾN TRANH, XUNG ĐỘT (Trọng Thành / RFI)

 



Thánh lễ đầu tiên khai mạc Triều đại : Giáo hoàng Lêô XIV kêu gọi chấm dứt các chiến tranh, xung đột

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 11/05/2025 - 14:19  -  Sửa đổi ngày: 11/05/2025 - 16:03

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250511-th%C3%A1nh-l%E1%BB%85-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-khai-m%E1%BA%A1c-tri%E1%BB%81u-%C4%91%E1%BA%A1i-gi%C3%A1o-ho%C3%A0ng-l%C3%AA%C3%B4-xiv-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-ch%E1%BA%A5m-d%E1%BB%A9t-c%C3%A1c-chi%E1%BA%BFn-tranh-xung-%C4%91%E1%BB%99t

 

Trong thánh lễ đầu tiên, khai mạc triều đại giáo hoàng, tại quảng trường thánh Phêrô, Vatican, hôm nay Chủ nhật 11/05, giáo hoàng Lêô XIV kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Ukraina, tại Gaza và nhiều nơi khác.

 

HÌNH :

Giáo hoàng Lêô XIV trên ban công trung tâm (Loggia delle Benedizioni) của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican, ngày 11/05/2025. © Remo Casilli / Reuters

 

 

Theo AFP, trước một trăm nghìn tín đồ tập hợp tại đây, tân lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ đã chủ trì đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng lần đầu tiên. Sau bài kinh là phát biểu đầu tiên của tân giáo hoàng. Giáo hoàng Lêô XIV nhắc lại thảm kịch khủng khiếp của Thế chiến thứ hai 80 năm trước, đã cướp đi sinh mạng của 60 triệu người, và việc cố giáo hoàng Phanxicô nhiều lần nhấn mạnh về một cuộc « Thế chiến thứ ba cục bộ » đang diễn ra. Giáo hoàng Lêô XIV kêu gọi « các nhà lãnh đạo thế giới » đừng để chiến tranh tiếp diễn.

 

Tân giáo hoàng đã yêu cầu một nền hòa bình « công bằng » và « bền vững » tại Ukraina, ngừng bắn tại Gaza và trả tự do cho các con tin. Ngài cũng chào mừng Ấn Độ và Pakistan vừa đạt được thỏa thuận ngừng bắn, và cầu Chúa để thế giới « nhận được phép lạ của hòa bình ».

 

Tiếp nối di sản tinh thần của giáo hoàng Lêô XIII và giáo hoàng Phanxicô

 

Hôm qua, hai ngày sau khi đắc cử, trong cuộc gặp các hồng y, tân giáo hoàng Lêô XIV đã phác họa một số đường nét chính của triều đại giáo hoàng. Ngài giải thích việc chọn « Lêô » làm tông hiệu là để kế thừa truyền thống của giáo hoàng tiền nhiệm Lêô XIII, với tông huấn lịch sử Rerum novarum (Tân sự), từng tạo lập nền tảng cho « đường hướng hành động vì xã hội » của Giáo hội Công giáo, trong bối cảnh cuộc « đại cách mạng công nghiệp đầu tiên ».

 

Tân giáo hoàng nhấn mạnh đến việc dựa trên di sản tinh thần này, Giáo hội Công giáo hiện nay cần tiếp tục mang lại những câu trả lời cho « một cuộc cách mạng công nghiệp khác, cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và người lao động ».

 

Tân giáo hoàng người Mỹ đầu tiên đã ca ngợi phẩm chất « tận hiến » của người tiền nhiệm, về « tinh thần đối thoại dũng cảm và đầy tin tưởng với xã hội đương đại »« mối quan hệ gắn bó với những người thấp cổ bé họng nhất trong xã hội »… của cố giáo hoàng người Achentina. Vị giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo đã đến mặc niệm cố giáo hoàng Phanxicô tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả (Sainte-Marie-Majeure), Roma, hôm qua.

 

Sự gắn bó của người dân Peru với vị giáo hoàng người Mỹ

 

Giáo hoàngLêô XIV là người Mỹ, nhưng ông đã trải qua gần nửa đời người tại Peru, một quốc gia Nam Mỹ. Thành phố Chiclayo, nơi Roberto Francis Prevost đã sống 9 năm, tràn ngập niềm vui khi cha Roberto đắc cử giáo hoàng.

 

Phóng sự của đặc phái viên Martin Chabal gửi về từ Chiclayo :

 

« Ở Chiclayo, chân dung của tân giáo hoàng được treo tại nhà thờ chính tòa của thành phố. Phía bên kia đường là một nhà hàng đang chào mừng việc giáo hoàng Lêô XIV được bầu chọn. Đây không phải là một nhà hàng bình thường.

 

‘‘Xin chào, chúng tôi nghe nói đây là nhà hàng yêu thích của giáo hoàng’’. Một người phụ nữ đáp lời : ‘‘Đúng vậy ! Ông từng đến đây để dùng món thịt lợn rán, một đặc sản của vùng, và bữa sáng kiểu Mỹ. Bây giờ chúng tôi bán ‘‘Bữa trưa Lêô XIV’’, với thực đơn là những gì ông đã ăn ở đây’’.

 

Cách đó 20 mét, phía trước nhà thờ, nhiều tín đồ vẫn còn tràn ngập trong xúc động khi nhớ lại họ đã từng được gần gũi với giáo hoàng tương lai như thế nào.

 

Rocio mang theo một vài bức ảnh. Cô nói : ‘‘Đây là mẹ tôi, và kia là Đức giáo hoàng. Trên bức ảnh này, có các cháu của bà. Đây là con trai tôi, bên cạnh Đức giáo hoàng. Mẹ tôi luôn nhớ đến một người đàn ông rất gần gũi với tín đồ’’. Rocio nói: ‘‘Tôi đặc biệt nhớ khi thấy ông chào đón mọi người với thái độ vô cùng khiêm nhường và bình tĩnh. Ông ấy khiến tôi rất tò mò’’.

 

Mọi người đều có kỷ niệm riêng về cha Roberto, như người dân Chiclayo gọi ông. Và mặc dù giáo hoàng tương lai chỉ ở thành phố này 9 năm, nhưng ông đã trải qua gần nửa đời mình ở miền bắc Peru. Nhiều người đã đến từ các thị trấn lân cận để tham gia vào ngày hội hôm nay.

 

Giờ đây họ mơ ước cha Roberto trở về Chiclayo, nhưng lần này với tư cách giáo hoàng. »

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Chặng đường gian nan của giáo hoàng Lêô XIV khi tiếp nối công việc của người tiền nhiệm

 

PHÂN TÍCH

Những thách thức đang chờ đón giáo hoàng Lêô XIV

 

THEO DÒNG THỜI SỰ

Tông hiệu Lêô XIV của giáo hoàng người Mỹ đầu tiên có ý nghĩa gì ?

 

 

                                                     *****

 

 

Lãnh đạo bề tôi

Nhã Duy

11/05/2025

https://baotiengdan.com/2025/05/11/lanh-dao-be-toi/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/05/1-48.jpg

Đức Hồng y người Mỹ Robert Francis Prevost chủ trì Thánh lễ đầu tiên với tư cách là Giáo hoàng Leo XIV, cùng với các hồng y, tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican, ngày 9-5-2025. Nguồn: CBS

 

Giáo hội hoàn vũ và những tín hữu Ky-tô giáo vừa hân hoan chào đón tân Giáo hoàng Leo XIV vừa được bầu chọn làm người đứng đầu hội Thánh Công giáo La Mã. Dù các bản tin lẫn không ít người dân Mỹ đã tỏ ra hãnh diện khi ngài là vị Giáo Hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử giáo hội, tuy nhiên quốc tịch nào ắt cũng không bằng phẩm hạnh, tài đức, cùng đường hướng lãnh đạo một giáo hội với khoảng 1.4 tỉ giáo dân của vị tân Giáo hoàng sẽ như thế nào.

 

Giáo hoàng Leo là một mục tử truyền giáo, phụng vụ và hướng dẫn tâm linh cho giáo dân tại Peru, một quốc gia nghèo thuộc Châu Mỹ La Tinh. Khi Ngài nói bằng tiếng Tây Ban Nha rằng Peru là “mi segunda patria” – “quê hương thứ hai của tôi” trong lần xuất hiện đầu tiên trên ban-công tòa thánh Vatican, có lẽ Giáo hoàng Leo đã dành rất nhiều tình cảm của ngài cho quê hương thứ hai của mình, nơi mà ngài đã tiếp xúc, tận tụy phục vụ những giáo dân nghèo được bền đỗ trong đức tin với lòng bác ái từ thời còn rất trẻ.

 

Phẩm hạnh lẫn tài đức của ngài đã là những yếu tố để được Giáo hoàng Francis tấn phong một linh mục thuộc dòng truyền giáo Augustino của những tu sĩ chú trọng vào đời sống cộng đồng, sự nghèo khó và sự trong sạch bản thân, lên hàng Giám Mục, rồi được đưa về Vatican nắm giữ các các cấp vụ lãnh đạo hội thánh tại Vatican. Ngài trở thành Trưởng quản Thánh Bộ Giám Mục hoàn vũ, rồi được tấn phong Hồng Y chỉ đôi năm qua, như những bước chuẩn bị âm thầm vào vai trò lãnh đạo Vatican.

 

Vì lẽ đó mà trong mật nghị Hồng Y hồi tuần qua, các Hồng Y đã không mất quá nhiều những cuộc bỏ phiếu để đồng thuận và tín nhiệm ngài trở thành tân Giáo hoàng, người mà họ tin rằng sẽ tiếp bước Giáo hoàng Francis trong việc cải đổi một giáo hội hoàn vũ gần gũi, bác ái và cảm thông hơn với tha nhân, với người bất hạnh hay bị gạt ra ngoài xã hội.

 

Với hơn một trăm phiếu bầu trong số 133 Hồng Y đủ điều kiện tham gia vào cuộc bầu chọn, Giáo hội hoàn vũ đã có được một vị lãnh đạo tài đức xứng đáng, tiếp bước cuộc cải cách giáo hội Công giáo La Mã mà đức Giáo Hoàng Francis đã khởi xướng.

 

Ngay trong cuối tuần đầu tiên này, phát biểu trước các Hồng Y, tân Giáo hoàng Leo đã mở đầu phát biểu của mình về vai trò của các đức Giáo hoàng “là một người hầu khiêm nhường của Chúa và của anh chị em mình, không điều gì khác hơn” và xác nhận rằng ngài sẽ tiếp tục đi theo con đường của Giáo hoàng Francis. Ngài chiêu niệm cựu Giáo hoàng Francis như “một tấm gương tận tụy phục vụ và một đời sống bình dị, phó thác cho Chúa trong suốt thời gian thi hành Thánh vụ cùng lòng tin tưởng thanh thản khi trở về nhà Cha“.

 

Quả thật như vậy. Một trong những đức tính cao quý trong hơn một thập niên qua của Giáo Hoàng Francis mà giới truyền thông từng nhấn mạnh và thường lặp lại rất nhiều lần kể từ khi ngài trở thành Giáo Hoàng là sự khiêm hạ, bình dị, cùng lòng bác ái vô biên với tha nhân, bất kể họ là ai. Từ việc ngài vẫn đi thăm những khu nhà ổ chuột tại thành phố mẹ đẻ Buenos Aires trên quê hương Argentina của ngài, sự quan tâm sâu sắc đến những người tị nạn, cho đến một trong những di nguyện cuối cùng của ngài là hiến tặng chiếc xe công vụ của mình, biến nó thành một trạm xá y tế lưu động để phục vụ cho trẻ em nghèo Palestine đang gánh chịu nỗi bất hạnh bởi cuộc chiến tranh tàn khốc và triền miên trên dải Gaza.

 

Giáo Hoàng Francis để lại một di sản quý giá và có thể nhận thấy một phần của di sản đó là một phong cách “lãnh đạo bề tôi”.

 

Lãnh đạo bề tôi là triết lý và phong cách lãnh đạo trong sự khiêm cung, bằng lòng bác ái và lối sống thanh bạch của chính mình, biết chia sẻ những quyền hành để đem đến những lợi ích và thăng tiến tốt nhất cho người khác. Triết lý và phong cách lãnh đạo này có thể áp dụng trong mọi lãnh vực chính trị, xã hội và kinh thương, không chỉ riêng trong tôn giáo.

Từ khá lâu, vai trò và hoạt động của giới lãnh đạo trong hầu hết các lãnh vực nói chung bị xem là ở “ngôi cao” và đầy cách biệt. Trong một hội nghị tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF), các chuyên gia và giới học giả nhìn nhận rằng, sự hoài nghi về giới lãnh đạo đang có xu hướng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong giới trẻ, khi nhìn về giới lãnh đạo như những người đang phục vụ cho mục tiêu, tham vọng và quyền lợi cá nhân hơn là đang lãnh đạo bằng một ý hướng tốt đẹp, biết quan tâm và cảm thông với những người khác.

 

Phần đông một giới lãnh đạo có thể ra đời từ một “kỹ nghệ lãnh đạo”, được huấn luyện và bị xem như những kịch sĩ tài ba trong kịch nghệ, thiếu mất sự chân thật trong bản tính cùng sự hành xử thích hợp ở vai trò và vị trí lãnh đạo. Hoặc trong vai trò lãnh đạo quốc gia, họ là sự hiện hữu trong những thể chế độc tài hay sự trỗi dậy của những phong trào chính trị cực đoan hay chủ nghĩa dân túy mơ hồ. Điều này càng rõ ràng hơn trong những nền chính trị phân cực hiện nay, khi mà những kẻ trở thành người đứng đầu quốc gia có thể là những kẻ tham lam, độc tài và vô đạo đức, thiếu vắng cả những chuẩn mực xã hội thông thường. Họ không lãnh đạo mà đang cai trị quốc gia bằng sự độc tài, chia rẽ và bài xích.

 

Việc Giáo Hoàng Leo XIV trở thành vị chủ chăn đứng đầu hội Thánh với một khuôn mẫu lãnh đạo bề tôi, như Giáo Hoàng Francis đã từng, mang lại niềm hy vọng rằng nước Mỹ rồi sẽ lại xuất hiện những cấp lãnh đạo bề tôi tài đức, có lòng bác ái và cảm thông, tận tụy phục vụ cho người dân và vì lợi ích quốc gia.

 

 

                                                            *****

 

Đức Giáo hoàng Leo XIV: Một may mắn cho người Công giáo Đức

Thomas Jansen   |   FAZ

Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ   |  Báo Tiếng Dân

09/05/2025

https://baotiengdan.com/2025/05/09/duc-giao-hoang-leo-xiv-mot-may-man-cho-nguoi-cong-giao-duc/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/05/1-42.jpg

Habemus Papam: Giáo hoàng Leo XIV chào đón các tín đồ vào tối thứ năm. Nguồn: Reuters

 

Việc bầu Hồng y Robert Francis Prevost làm giáo hoàng, trước hết là một bất ngờ lớn: Một người Mỹ làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã từ lâu được coi là không khả thi hơn nhiều so với việc phong chức linh mục cho phụ nữ.

 

Mặc dù Prevost chắc chắn được coi là ứng cử viên được yêu thích trước khi mật nghị hồng y bắt đầu, nhưng ông là một ứng cử viên của những người trong nội bộ. Cho đến tận phút cuối, có vẻ như vẫn còn nghi ngờ liệu các hồng y từ các quốc gia có truyền thống thù địch với Hoa Kỳ có bỏ qua hộ chiếu Hoa Kỳ của ông hay không, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump.

 

 

Một dấu hiệu của đức tin vào một nước Mỹ tốt đẹp

 

Do đó, cuộc bầu cử cũng có thể được hiểu là một tín hiệu từ các đại diện hàng đầu của Giáo hội Công giáo gửi đến Trump, một dấu hiệu của đức tin vào một nước Mỹ tốt đẹp. Do đó, quyết định này cũng đại diện cho chiến thắng sau khi Đức Phanxicô qua đời trước tổng thống Hoa Kỳ và Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, bao gồm cả những đối thủ lớn nhất của ông.

 

Prevost là một trong số ít nhân vật lãnh đạo của nhà thờ vẫn trung thành với Đức Phanxicô. Tuy nhiên, các hồng y đã bầu một người đàn ông được mô tả là “người Mỹ không giống người Mỹ nhất” có thể tưởng tượng được. Điều này cũng được hỗ trợ bởi lý lịch của ông, bao gồm thời gian làm giám mục ở Peru và người đứng đầu Dòng Augustinian ở Rome.

 

 

Không phải Francis thứ hai

 

Đối với Giáo hội Công giáo ở Đức, cuộc bầu cử khó có thể tốt hơn. Prevost được coi là người ở Vatican gần đây đã đóng góp đáng kể vào việc xoa dịu xung đột giữa phần lớn các giám mục Đức có tư tưởng cải cách và Vatican. Khi ông trở thành Giáo hoàng, nhiều thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Mặc dù Prevost không có khả năng chấp thuận mọi cải cách của “Con đường Công đồng”. Nhưng ông được coi là người có giải pháp thực dụng.

 

Prevost không phải là Francis thứ hai. Ông đã thể hiện rõ điều này trong lần xuất hiện đầu tiên. Không giống như Francis, ông đã đeo một chiếc khăn choàng có in hình chân dung của bốn nhà truyền giáo trong lần xuất hiện đầu tiên, giống như Benedict XVI và John Paul II. Nhưng trong bài phát biểu ngắn đầu tiên của mình, ông đã không để lại nghi ngờ gì về việc ông cam kết mạnh mẽ như thế nào đối với di sản của người tiền nhiệm.

 

Về mặt này, việc ông được bầu không có gì bất ngờ. Trước mật nghị, rõ ràng là phần lớn các hồng y thích một tu sĩ theo phong cách của Francis khi làm giáo hoàng. Cuộc chiến giữa các hồng y bảo thủ và cấp tiến, đặc điểm đặc trưng của rất nhiều cuộc bầu cử giáo hoàng, đã không rõ ràng trước mật nghị này.

 

Mặc dù Prevost nhấn mạnh tính liên tục với Francis, ông cũng mang đến một điều mà Francis còn thiếu: Kinh nghiệm lãnh đạo các bộ máy hành chính toàn cầu. Là cựu bề trên của một dòng tu nam lớn và là người đứng đầu Bộ Giám mục Vatican, một loại bộ phận nhân sự dành cho các nhà lãnh đạo nhà thờ, ông sở hữu chuyên môn mà một giám mục địa phương không có.

 

Giáo hội Công giáo rất cần điều này sau ba vị giáo hoàng không đặc biệt quan tâm đến bộ máy lãnh đạo. Chỉ bằng cách này, những cải cách bền vững trong Giáo hội Công giáo mới có thể thực hiện được.

_________

Chú thích:

 

Habemus Papam: Tiếng Latin, có nghĩa chúng ta có một đức giáo hoàng mới.

 

Der “Synodale Weg”: “Con đường Công đồng” là một thuật ngữ của Giáo hội Công giáo ở Đức. Thuật ngữ này đề cập đến quá trình trong đó các giám mục, linh mục, giáo dân và những tín đồ khác thảo luận và cùng nhau đưa ra quyết định về các vấn đề và cải cách quan trọng trong Giáo hội. Mục đích là làm cho nhà thờ ở Đức trở nên hiện đại và phù hợp với tương lai hơn.

 





No comments: