Tại
sao Lê Duẩn bị lãng quên trong dịp Tô Lâm kỷ niệm 30-4?
Dư Lan | RFA
2025.05.10
https://www.rfa.org/vietnamese/thoi-su/2025/05/11/le-duan-to-lam-30-thang-4-ky/
Có một
sự lãng quên khiến giới quan sát chính trị Việt Nam chú ý: ông Tô Lâm quên nhắc
tới cố Tổng bí thư Lê Duẩn.
Hình
Tổng Bí thư Lê Duẩn chụp ngày 15 tháng 5 năm 1975. (THE TRUNG/HE TRUNG /
VIETNAM NEWS AGENCY / AFP)
Việt
Nam vừa huy động trên 13 ngàn người tham gia lễ diễu binh kỉ niệm 50 năm
ngày 30-4 năm 1975. Trước thềm sự kiện này, ông Tổng bí thư Tô Lâm đã có một bài viết gây tiếng vang vì nhắc đến “hòa giải dân tộc”. Bài diễn văn ngày 30-4 sau đó cũng nhắc lại khái niệm
này.
Tuy
nhiên, trong các bài viết và chuỗi sự kiện kỉ niệm ngày 30-4 của ông Tô Lâm,
các nhà quan sát nhận thấy một sự “lãng quên” thú vị: Bài diễn văn cũng nói
không thể lãng quên hay xét lại lịch sử, nhưng ngay trong bài diễn văn của ông,
có một sự lãng quên khiến giới quan sát chính trị Việt Nam chú ý: ông Tô Lâm
quên nhắc tới cố Tổng bí thư Lê Duẩn.
Ông
Tô Lâm từng thăm nhà lưu niệm ông Lê Duẩn trong dịp viếng các nghĩa
trang liệt sỹ tại Quảng Trị vào tháng Mười năm 2024. Đến dịp tết nguyên đán,
ông lại viếng các vị tổng bí thư quá cố, trong đó có Lê Duẩn. Tuy nhiên,
trong dịp kỉ niệm 30-4, ông Tô Lâm hoàn toàn không có động thái nào vinh danh
Lê Duẩn, dù trong chiến tranh Việt Nam, Lê Duẩn được coi là nhà lãnh đạo sắt
máu nhất trong việc dùng bạo lực để tấn công Việt Nam Cộng Hòa, dẫn đến kết quả
ngày 30-4 năm 1975.
Ông
Lê Duẩn không những bị lãng quên trong bài diễn văn của ông Tô Lâm mà còn bị
lãng quên trong cả chuỗi sự kiện kỉ niệm 50 năm ngày 30-4. Trong chuỗi sự kiện
kỉ niệm đó, ông Tô Lâm đã dâng hương tưởng nhớ hai tướng quân sự là ông Võ
Nguyên Giáp và ông Văn Tiến Dũng. Nhưng Việt Nam không có bất kì sự kiện nào
liên quan đến ông Lê Duẩn nhân dịp 50 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc. Trong
khi đó, ông Văn Tiến Dũng là bộ trưởng quốc phòng do ông Duẩn bổ nhiệm. Ông Lê
Kiên Thành, con trai Lê Duẩn, dường như có hành động ngầm bày tỏ thái độ bằng
cách đến chụp ảnh chào cờ tại đường Lê Duẩn ở Hà Nội và Tp. Hồ
Chí Minh, đăng lên trang facebook cá nhân để nhắc xã hội nhớ về cha mình.
Theo
một số nhà quan sát, việc ông Tô Lâm lãng quên ông Duẩn không hẳn là ngẫu
nhiên. Ông Tô Lâm trái ngược với Lê Duẩn ở hầu hết các vấn đề cốt yếu. Ông Lâm
thực dụng trong kinh tế, ông Duẩn giáo điều ý thức hệ. Ông Lâm uyển chuyển
trong ngoại giao, ông Duẩn “ngả hẳn về một bên” trong các quan hệ quốc tế.
Tô
Lâm và Lê Duẩn có gì giống nhau?
Cả
hai đều từng bước gạt bỏ các đối thủ chính trị, thâu tóm quyền lực để thực hiện
những chương trình nghị sự lớn của riêng mình. Với Lê Duẩn, đó là bức tử chính
thể Việt Nam Cộng Hòa với danh nghĩa “giải phóng Miền Nam” để xây dựng thể chế
cộng sản trên toàn quốc. Với Tô Lâm, hiện nay là xây dựng “kỷ nguyên mới” với
hàng loạt cải cách về cơ cấu nhà nước và kinh tế. Thậm chí ông muốn kỳ đại hội sau sẽ “sửa đổi Hiến pháp một cách
căn bản,” dù không nói rõ “sửa đổi căn bản” là sửa đổi những gì.
Theo
một số nghiên cứu, Lê Duẩn đã từng bước gạt bỏ quyền lực của Hồ Chí Minh, trở
thành nhà lãnh đạo ra quyết định tối hậu cho trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn
từ 1965 trở đi. Theo Giáo sư Vũ Tường ở Đại học Oregon, hiện nay giới sử học
chưa có thông tin đầy đủ để biết, nhưng sự thực là ông Hồ Chí Minh không còn
tham gia trực tiếp nhiều sau khi ông Lê Duẩn lên làm Bí thư Thứ nhất. Có thể
ông Hồ Chí Minh không còn đủ sức khoẻ để điều hành công việc, nhưng ông ấy vẫn
viết báo, làm thơ cổ võ “giải phóng miền Nam”, đọc diễn văn quan trọng trong Hội
nghị Đặc biệt năm 1964, và nhất là đi khắp các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa
để tiếp tục vận động viện trợ cho miền Bắc Việt nam đánh miền Nam Việt nam.
Giáo
sư Hoàng Dũng thống kê trong "Lê Duẩn tuyển tập (1965 - 1975) - Tập II", tái xuất
bản bản điện tử trên mục Tư liệu Văn Kiện của website ĐCSVN, có đến 11 lần cố Tổng
Bí thư Lê Duẩn dùng từ “nội chiến”, trong đó ba lần là nói chiến tranh Việt
Nam. Có chỗ ông viết “chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam
vừa là chiến tranh chống xâm lược, vừa là nội chiến cách mạng.” Có chỗ
khác, ông Duẩn lại viết “cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam
là một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đồng thời mang một số yếu tố nội chiến.”
Lê
Duẩn gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là “nội chiến” để nhấn mạnh đó là một phần của
cuộc cách mạng cộng sản, đánh đổ giai cấp tư sản để xây dựng chủ nghĩa cộng sản
trong toàn cõi Việt Nam, tương tự như các nước cộng sản khác như Nga, Trung Quốc,
Triều Tiên đương thời. Trao
đổi với RFA, Giáo sư Vũ Tường cho biết thêm:
“Trong
tác phẩm “Đường lối cách mạng Việt nam” (viết tại miền Nam khoảng năm 1957), Lê
Duẩn đã xem cách mạng ở miền Nam là bao gồm cả đấu tranh giai cấp nhằm lật đổ
cái ông ấy cho là “giai cấp thống trị” (tư sản, địa chủ) ở miền Nam do Ngô Đình
Diệm đại diện, và đấu tranh chống Mỹ can thiệp. Thực ra đấu tranh giai cấp
không chỉ để lật đổ giai cấp thống trị mà còn bao gồm đấu tranh với nông dân để
họ chịu vào hợp tác xã và làm việc hăng say xây dựng chủ nghĩa xã hội mặc dù chẳng
đủ ăn, đấu tranh với trí thức để họ đừng “ngả nghiêng”, “dao động”, v.v... Vì vậy
sau năm 1975 cuộc chiến tranh về mặt nào đó vẫn tiếp tục, dưới hình thái đấu
tranh giai cấp bạo liệt không kém.
Giáo
sư Zachary có cùng nhận xét với Giáo sư Vũ Tường: Lê Duẩn không sai khi gọi đó
là một cuộc nội chiến.
Trái
ngược về đường lối kinh tế
Ông
Lê Duẩn đi theo đường lối kinh tế cộng sản rất sắt máu: ông tấn công tầng lớp
doanh nhân Việt Nam Cộng Hòa với tên gọi “đánh tư sản”.
Cố
Giáo sư Đặng Phong, một sử gia kinh tế nổi tiếng ở Việt Nam, trong cuốn
sách “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới”, đã kể việc Lê
Duẩn huy động lực lượng vũ trang tấn công vào các doanh nghiệp, doanh nhân miền
Nam Việt Nam, với phương châm “bí mật, bất ngờ,” ra quân “cùng
một lúc”, ập vào tất cả các doanh nghiệp tư nhân, tịch thu tất cả “máy
móc lẫn hàng hóa và nguyên vật liệu”. Chính quyền cử cán bộ nhà nước
vào tiếp quản hết các doanh nghiệp tư nhân. Một số doanh nhân bị bắt bỏ tù, một
số hoảng sợ chạy ra nước ngoài, số bị kẹt ở lại Việt Nam thì bắt đi vùng kinh tế
mới để khai hoang làm nông nghiệp. Kết quả là toàn bộ nền kinh tế tư nhân của
Miền Nam Việt Nam bị xóa sổ hoàn toàn. (NXB Tri thức, 2009, trang 25.)
Đọc
mô tả này của Đặng Phong, không thể không liên tưởng đến những chiến dịch quân
sự mà Miền Bắc đã tiến hành thời chiến tranh để tấn công vào Miền Nam. Cái đích
cuối cùng của cuộc chiến bạo lực của Lê Duẩn không phải là “thống nhất đất nước”
mà là tiến hành cuộc cách mạng cộng sản như vậy.
Dù
Lê Duẩn đã chết năm 1986, Việt Nam tiến hành “đổi mới”, nhưng tư tưởng kinh tế
cộng sản của ông vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng nặng nề trong não trạng tầng lớp
lãnh đạo Việt Nam cho đến thời Nguyễn Phú Trọng.
Ông
Tô Lâm ngày nay ngược lại, ngay sau khi kỉ niệm 30-4, ông công bố thêm một nghị
quyết về kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 68-NQ/TW. Nghị quyết này ủng hộ kinh tế tư
nhân tối đa. Từ năm 1986, kinh tế tư nhân chỉ được coi là giải pháp tình thế,
thành phần phụ, bổ sung cho kinh tế nhà nước. Nghị quyết này khẳng định kinh tế
tư nhân “là động lực quan trọng nhất”, “là lực lượng tiên phong” của
nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, nó kêu gọi “xoá bỏ triệt để nhận thức,
tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam.”
So
sánh với một Lê Duẩn dùng lực lượng vũ trang tấn công tầng lớp doanh nhân, khiến
cả xã hội chỉ còn những người buôn thúng bán bưng, cắt tóc, sửa xe là còn tồn tại
được (Sách đã dẫn của Đặng Phong, trang 25), thì liệu có thể nói Tô Lâm là một
cuộc cởi trói lần hai cho Việt Nam sau 1986?
Năm
1954, khi Hồ Chí Minh bắt đầu cải cách ruộng đất để xây dựng nền kinh tế cộng sản
ở Miền Bắc, điều mà Lê Duẩn tiếp nối ở Miền Nam năm 1954, Việt Nam Cộng Hòa đã
cố gắng tìm một con đường khác cho dân tộc. Xét riêng về mặt kinh tế, con đường
mà Việt Nam Cộng Hòa đã đi là con đường ông Tô Lâm đang dẫn Việt Nam đi vào.
Con
đường của Tô Lâm không mới trong toàn bộ lịch sử Việt Nam, nhưng xét riêng
trong lịch sử đảng cầm quyền thì điều này có ý nghĩa gì cho Việt Nam hiện nay
hay không?
Giáo
sư Vũ Tường cho rằng nếu ĐCSVN thực tâm tạo điều kiện cho giai cấp tư sản dân tộc
phát triển thì rất may mắn cho dân tộc Việt Nam, nhưng phải chờ xem liệu họ có
phải chỉ muốn tạo điều kiện cho tư bản cánh hẩu (anh em, bà con, bạn bè) của họ
vơ vét bóc lột nhiều hơn và đem tài sản ra nước ngoài hay không. Nếu vậy thì
tương lai thật ảm đạm cho Việt Nam. Ông nói tiếp:
“ĐCSVN
mắc nợ dân tộc Việt Nam một món nợ lớn là đã tiêu diệt giai cấp tư sản dân tộc
đang có tiềm năng phát triển, trước là ở miền Bắc sau năm 1954, sau đó là ở miền
Nam sau năm 1975. ĐCSVN đã làm chậm lại sự phát triển của đất nước, gây ra sự bần
cùng cho nhân dân hàng chục thập kỷ vì chính sách tiêu diệt giai cấp tư sản đó.
Giờ đây nếu họ thực tâm ăn năn và thay đổi thì tương lai dân tộc sẽ tươi sáng
hơn.”
Giáo
sư Zachary Abuza cho rằng ông Tô Lâm đã phân biệt rõ ràng mình với người tiền
nhiệm, Nguyễn Phú Trọng, người là một nhà tư tưởng cộng sản suốt đời. Chỉ có một
thời gian ngắn khi Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch Quốc hội; phần còn lại của sự
nghiệp kéo dài 6 thập kỷ của ông chủ yếu dành cho các vị trí nghề nghiệp liên
quan đến lý thuyết giáo điều của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông chia sẻ với RFA
góc nhìn của mình về nhà lãnh đạo đương nhiệm của Việt Nam:
“Tô
Lâm là một người thực dụng; hệ tư tưởng và chế độ cai trị của Đảng Cộng sản Việt
Nam là phương tiện để đạt được mục đích. Tôi nghĩ Tô Lâm hiểu rõ rằng Việt Nam
có rất ít cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình xét theo tình hình chính trị
toàn cầu, nhân khẩu học trong nước và trình độ phát triển của đất nước.
Tôi
đã nói từ lâu rằng ông ấy sẽ là một nhà lãnh đạo thực dụng. Điều đó tốt cho nền
kinh tế Việt Nam và những gì ông ấy làm đã vượt quá mong đợi của tôi.
Tô
Lâm hôm nay đang hành động nhanh chóng và quyết liệt giống như Lê Duẩn năm
1976, nhưng khác với Lê Duẩn, kẻ giáo điều phá nát nền kinh tế miền Nam, ông ấy
hành động thực dụng và theo phương hướng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.”
Trái
ngược về ngoại giao
Giáo
sư Zachary Abuza cho rằng Tô Lâm thực dụng hơn, ngoại giao cây tre, không bỏ
bên nào, còn Lê Duẩn “nhất biên đảo” (ngả hẳn về một phe là phe Liên Xô). Đó là
sự khác biệt lớn giữa hai nhân vật này. Lê Duẩn đã nhanh chóng bước vào cuộc
chiến với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là nước có khả năng gây áp lực dọc
theo biên giới phía bắc, Biển Đông, và giữ cho quân đội Việt Nam sa lầy ở
Campuchia trong một thập kỷ. Lê Duẩn đã không thoát khỏi tất cả vũng lầy này,
trong khi vẫn để cho đất nước bị cô lập về mặt ngoại giao. Tô Lâm, ngược lại,
đã kế thừa một chính sách đối ngoại rất thực dụng và trung lập. Đây không phải
là sáng tạo của ông nhưng ông đã làm rất tốt. Việt Nam cần Trung Quốc và phương
Tây để phát triển kinh tế. Chính sách đối ngoại của Lê Duẩn dựa trên liên minh
với Liên Xô đã khiến đất nước phá sản, không được bảo đảm an ninh và bị cô lập
về mặt ngoại giao.
Lê
Duẩn ngả hẳn về phía Liên Xô để chống lại Trung Quốc từ sau 1975. Tại sao khi
Trung Quốc đã công khai thiết lập quan hệ với Mỹ từ 1972 và chuẩn bị cải cách
và mở cửa kinh tế từ 1979, Lê Duẩn vẫn không “mở mắt” mà tiếp tục ngả về phía
Liên Xô? Hậu quả của chính sách này của Lê Duẩn là gì? Theo Giáo sư Vũ Tường,
Lê Duẩn và ban lãnh đạo ĐCSVN bất bình với Trung Quốc khi Mao mời Nixon đến
Trung Quốc năm 1972 và dùng quan hệ với Mỹ để đối trọng với Liên Xô. ĐCSVN xem
hành vi đó là phản bội Việt Nam và phản bội phong trào cách mạng vô sản thế giới.
Lê
Duẩn chống Trung Quốc mạnh mẽ, còn chính sách ngoại giao của Tô Lâm thường được
cho là “không chống bên nào” mà là “ngoại giao cây tre”, tức là “ngả về tất cả
các bên.” Tuy nhiên, theo Giáo sư Vũ Tường, cách nhìn phổ biến này về chính
sách ngoại giao của Việt Nam có thể không chính xác. Ông đưa ra một cái nhìn so
sánh giữa Tô Lâm và Lê Duẩn do bối cảnh khác nhau:
“Lê
Duẩn tham vọng hơn Tô Lâm và tự kiêu vì đã “thắng Mỹ,” nhưng Việt Nam bây giờ
phải lệ thuộc thị trường Mỹ. Tôi không nghĩ chính sách dưới thời Tô Lâm (hay
Nguyễn Phú Trọng) là “ngả về tất cả các bên”. “Cây tre” là một ẩn dụ không
chính xác. Có vẻ ngả nghiêng thật, nhưng an ninh chế độ vẫn trên hết, mà an
ninh chế độ có nghĩa là phải cảnh giác về văn hoá, xã hội và chính trị với
phương Tây, chỉ giao thiệp về kinh tế thôi.”
Hiệp
ước Hữu nghị và Hợp tác tháng 11 năm 1978 giữa Việt Nam và Liên Xô không giúp
cho Việt Nam tăng cường thêm an ninh theo bất kỳ cách nào. Ngược lại, nó góp phần
làm cho Việt Nam lún sâu vào cuộc chiến với Trung Quốc suốt mười năm tiếp theo.
Đó là một bài học cay đắng mà không chỉ ông Tô Lâm mà cả ĐCSVN đã rút ra rõ
ràng, theo nhận xét của GS Zachary Abuza. Bài học đó cũng góp phần lớn tạo ra
khoảng cách lớn giữa Tô Lâm ngày nay và Lê Duẩn trước kia. Trong bối cảnh đó,
Giáo sư Zachary cho rằng việc Lê Duẩn, tổng bí thư trong thời kỳ thống nhất, lại
vắng mặt trong các tuyên bố chính thức, bài phát biểu của Tô Lâm, và thậm chí cả
đại diện truyền thông trong dịp kỉ niệm 50 năm ngày 30-4, là một hiện tượng thú
vị nhưng dễ hiểu.
No comments:
Post a Comment