Sunday, May 4, 2025

NHỮNG NẠN NHÂN ĐẦU TIÊN BỊ CSVN ĐÀN ÁP NGÀY 30 THÁNG TƯ, 1975 (Đặng Đình Mạnh / Người Việt Online)

 



Những nạn nhân đầu tiên bị CSVN đàn áp ngày 30 Tháng Tư, 1975

Đặng Đình Mạnh

May 4, 2025 : 2:50 PM

https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/nhung-nan-nhan-dau-tien-bi-csvn-dan-ap-ngay-30-4-1975/

 

 Ngày 30 Tháng Tư, 1975, đã đi vào lịch sử Việt Nam như một trang sử đau thương, đánh dấu sự sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa và mở đầu cho giai đoạn đen tối của đất nước dưới sự cai trị độc tài của Cộng Sản Việt Nam.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/05/VN-Tong-Y-Vien-Cong-Hoa-sansoc-thuongbinh-VNCHToDay-blogspot.jpg

Thương binh VNCH được săn sóc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, thuộc quận Gò Vấp. (Hình: VNCH Today)

 

Sau thời khắc này, tất cả quân, dân, cán, chính miền Nam đều lần lượt bị đàn áp, như một sự trả thù vì đã phụng sự trong chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

 

Có điều, họ chỉ bắt đầu bị điểm danh vào sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Thế nhưng, có những người bị đàn áp ngay tức khắc từ buổi chiều ngày 30 Tháng Tư theo cách phi nhân, táng tận lương tâm và độc ác nhất mà loài người chỉ có thể tưởng tượng ra. Hơn nữa, họ, những người bị đàn áp cũng không phải là những người khỏe mạnh.

 

Đó là những thương binh Việt Nam Cộng Hòa đang nằm điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa.

 

Thật vậy, trong những giờ phút hỗn loạn cuối cùng vào những ngày cuối Tháng Tư, hàng nghìn binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn chiến đấu để bảo vệ tự do cho miền Nam, và rất nhiều người trong số họ đã phải gánh chịu những vết thương chiến tranh trên cơ thể mình.

 

Tổng Y Viện Cộng Hòa, một trong những bệnh viện lớn nhất Sài Gòn, đã trở thành nơi chứng kiến những đau đớn thể xác và tinh thần của những binh sĩ này, những người mà sau đó đã trở thành những nạn nhân đầu tiên của sự đàn áp và trả thù từ phía Cộng Sản Việt Nam.

 

Ngay cả vào ngày 30 Tháng Tư, năm 1975, ngày cuối cùng của cuộc chiến, tại một số khu vực trên đường phố đô thành Sài Gòn vẫn còn sự kháng cự của nhiều đơn vị binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa, như tại Tân Cảng, Thị Nghè, Bảy Hiền… để ngăn bước tiến công của quân đội Bắc Việt.

 

Còn kháng cự là vẫn còn thương binh, Tổng Y Viện Cộng Hòa nằm ở khu vực Gò Vấp vẫn là nơi tiếp nhận hàng loạt thương binh được đưa về điều trị thương tích. Các bác sĩ và y tá làm việc không ngừng nghỉ, cố gắng cứu chữa những người lính bị thương nặng. Tiếng rên rỉ, tiếng khóc than và mùi máu tanh nồng bao trùm cả bệnh viện.

 

 

Ngoài số những binh sĩ bị thương mới được đưa về, vẫn gồm cả những binh sĩ đã chiến đấu ở tuyến đầu, bảo vệ từng tấc đất của miền Nam. Họ bị thương vì đạn pháo, bom mìn, và súng trường. Nhiều người mất đi một phần cơ thể, có người bị mù, có người bị liệt.

 

Tổng Y Viện Cộng Hòa, nơi gìn giữ hy vọng của thương binh

 

Tổng Y Viện Cộng Hòa, tọa lạc khu vực Gò Vấp, Sài Gòn. Nơi đây là cơ sở y tế quân sự lớn nhất của Việt Nam Cộng Hòa, với sức chứa lên đến 1,800 giường vào thập niên 1970. Tổng Y Viện được trang bị hệ thống y tế tiên tiến, cùng với đội ngũ bác sĩ tận tâm và sự hỗ trợ từ các chương trình viện trợ quốc tế, Tổng Y Viện Cộng Hòa không chỉ là nơi chữa lành vết thương thể xác mà còn là biểu tượng của hy vọng cho những người lính đã mất đi một phần cơ thể hay sức khỏe trong chiến tranh.

 

Những thương binh tại đây mang trên mình những vết thương kinh hoàng: Cụt tay, cụt chân, mù mắt, hay những vết thương nội tạng phức tạp. Theo thống kê, khoảng 35,000 thương binh bị cụt chi và 31,000 người mù mắt do chiến tranh đã từng được điều trị tại Tổng Y Viện.

 

Thời điểm chấm dứt cuộc chiến, nhiều người trong số họ vừa trải qua các ca phẫu thuật, vẫn còn băng bó, nằm bất động trên giường bệnh, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc y tế. Đối với họ, Tổng Y Viện Cộng Hòa là nơi duy nhất mang lại cơ hội sống sót và hồi phục, dù mong manh.

 

Ngày 30 Tháng Tư 1975, bi kịch bắt đầu

 

Khi xe tăng của Cộng Sản Bắc Việt tiến vào Dinh Độc Lập, trái tim của đô thành Sài Gòn vào trưa ngày 30 Tháng Tư. Chỉ độ vài giờ đồng hồ sau đó, thảm kịch nhân đạo đã diễn ra tại Tổng Y Viện Cộng Hòa.

 

Theo các nhân chứng và tài liệu lịch sử, ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, Cộng Sản Bắc Việt đã tiến vào Tổng Y Viện Cộng Hòa. Thay vì tôn trọng luật nhân đạo quốc tế về việc bảo vệ bệnh nhân và cơ sở y tế trong chiến tranh, họ đã ra lệnh xua đuổi tất cả các thương binh Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi bệnh viện.

 

 

Một bài viết trên Việt Báo Online mô tả: “Trong các quân y viện khắp miền Nam, mọi thương bệnh binh Cộng Hòa đều bị đuổi ra đường.” Những người lính này, nhiều người còn đang trong tình trạng nguy kịch, bị buộc phải rời khỏi giường bệnh, bất kể vết thương chưa lành hay tình trạng sức khỏe yếu ớt.

 

Hạ Sĩ Nhất Võ Phùng Dương, một thương binh tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, là một trong những nhân chứng sống của sự kiện này. Trong bài đăng trên mạng xã hội X vào ngày 30 Tháng Tư, 2025, đã chia sẻ hình ảnh ông cùng câu chuyện đau lòng: “Chiều 30 Tháng Tư, 1975, quân Cộng Sản đã tràn vào Tổng Y Viện Cộng Hòa và đuổi hết các thương bệnh binh Việt Nam Cộng Hòa ra ngoài. Trong đó có nhiều người mới giải phẫu và vết thương chưa lành.”

 

Hình ảnh những thương binh lê lết trên đường phố Sài Gòn, với băng gạc thấm máu và thân thể tàn tật, là minh chứng sống động cho sự tàn nhẫn, phi nhân của hành động này.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/05/VN-thuong-phe-binh-VNCH-DCCT-cham-dut-giup-do-TMCNN-041824-1536x1022.jpg

Thương phế binh VNCH đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn để được giúp đỡ chữa bệnh suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, chương trình này phải chấm dứt hồi Tháng Tư, 2024, do các áp lực của nhà cầm quyền CSVN. (Hình: Tin Mừng Cho Người Nghèo)

 

 

Tội ác đàn áp, vết nhơ không thể xóa nhòa

 

Hành động đuổi thương binh ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa không chỉ vi phạm Công Ước Geneva về bảo vệ dân thường và thương binh trong chiến tranh, mà còn thể hiện sự vô nhân đạo của lực lượng chiến thắng. Những thương binh này không còn khả năng chiến đấu, không phải là mối đe dọa quân sự, và nhiều người thậm chí không thể tự di chuyển. Việc xua đuổi họ khỏi nơi điều trị là một hành động cố ý gây tổn hại, đẩy họ vào cảnh nguy hiểm và tuyệt vọng.

 

Nhiều thương binh, sau khi bị đuổi, không có nơi nương tựa. Gia đình họ, nếu còn ở Sài Gòn, thường không đủ khả năng chăm sóc trong bối cảnh hỗn loạn. Một số người đã qua đời trên đường phố do vết thương tái phát hoặc thiếu chăm sóc y tế. Những người sống sót phải đối mặt với sự kỳ thị và đàn áp từ chế độ mới.

 

Câu chuyện của ông Trần Văn Phụng, một thương binh mù cả hai mắt, cánh tay trái gãy và khuôn mặt dị dạng, là một ví dụ điển hình. Ông kể lại: “Tui chết đi sống lại. Tui nằm bệnh viện một năm trời.” Sau ngày 30 Tháng Tư, trợ cấp thương tật từ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không còn, gia đình ông rơi vào cảnh khốn cùng, phải buôn bán lặt vặt để kiếm sống. Những thương binh như ông không chỉ mất đi sự chăm sóc y tế mà còn bị tước đoạt phẩm giá và cơ hội tái hòa nhập xã hội.

 

 

Di sản của nỗi đau và bài học lịch sử

 

Sự kiện tại Tổng Y Viện Cộng Hòa ngày 30 Tháng Tư, 1975, không chỉ là một chương đau thương trong lịch sử Việt Nam mà còn là lời cảnh tỉnh về hậu quả của hận thù và sự thiếu nhân đạo trong chiến tranh.

 

Những thương binh Việt Nam Cộng Hòa, vốn đã hy sinh tất cả cho lý tưởng tự do, đáng lẽ phải được đối xử với lòng trắc ẩn, bất kể bên thắng hay thua. Thay vào đó, họ trở thành nạn nhân của một chính sách trả thù, đàn áp có chủ đích, nhằm xóa bỏ mọi dấu vết của chế độ cũ.

 

Hôm nay, khi nhìn lại biến cố 50 năm trước, chúng ta cần ghi nhớ câu chuyện của những thương binh tại Tổng Y Viện Cộng Hòa như một phần không thể tách rời của lịch sử dân tộc. Họ không chỉ là nạn nhân của chiến tranh mà còn là biểu tượng của sự kiên cường và hy sinh. Việc tố cáo tội ác này không nhằm khơi lại hận thù, mà để khẳng định giá trị của nhân quyền và lòng nhân ái – những điều mà nhân loại cần bảo vệ trong mọi hoàn cảnh.

 

Hãy để những vết thương của quá khứ trở thành bài học cho tương lai, để không một ai, dù là thương binh hay thường dân, phải chịu cảnh bị bỏ rơi hay đàn áp trong những thời khắc định mệnh của lịch sử.


-----------------------

Tài liệu tham khảo:


-Phùng Annie Kim, “Người Thương Binh và Bóng Tối Còn Lại,” Việt Báo Online.


-“Y tế Việt Nam Cộng hòa,” Wikipedia tiếng Việt.


-Bài đăng của @ThanhPhoSaiGon trên X, 30/4/2025.


 

 

 

 



No comments: