Thursday, December 5, 2024

HỒI KẾT CỦA CHỦ NGHĨA BIỆT LỆ MỸ (Daniel W. Drezner | Foreign Affairs)

 



Hồi kết của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ

Daniel W. Drezner, “The End of American Exceptionalism,” Foreign Affairs, 12/11/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

27/11/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/11/27/hoi-ket-cua-chu-nghia-biet-le-my/#more-59521

 

Việc Trump tái đắc cử sẽ định nghĩa lại quyền lực của nước Mỹ.

 

Điều duy nhất không gây tranh cãi về Donald Trump là cách ông giành được nhiệm kỳ thứ hai của mình. Bất chấp các cuộc thăm dò cho thấy mức độ ủng hộ ngang bằng về mặt thống kê, và những lo ngại về việc phải chờ đợi kết quả bầu cử kéo dài, Trump đã được tuyên bố là người chiến thắng ngay vào sáng sớm thứ Tư ngày 06/11. Khác với cuộc bầu cử năm 2016, lần này ông đã giành được cả phiếu phổ thông lẫn phiếu Đại cử tri đoàn, cải thiện biên độ ủng hộ của mình ở hầu hết mọi nhóm nhân khẩu học. Bên cạnh đó, Đảng Cộng hòa đã giành được đa số tại Thượng viện với 53 ghế, và dường như sẽ duy trì quyền kiểm soát Hạ viện. Đối với phần còn lại của thế giới, bức tranh đã quá  rõ ràng: Phong trào “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) của Trump sẽ định hình chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong bốn năm tới.

 

Bất kỳ người nào theo dõi sát sao nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đều đã quen thuộc với các ưu tiên trong chính sách đối ngoại cũng như quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của ông. Tuy nhiên, có thể có ba điểm khác biệt đáng kể giữa chính sách đối ngoại nhiệm kỳ đầu tiên với nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Thứ nhất, Trump sẽ nhậm chức với một đội ngũ an ninh quốc gia đồng nhất hơn so với năm 2017. Thứ hai, tình hình thế giới vào năm 2025 khác biệt hẳn so với năm 2017. Và thứ ba, các tác nhân nước ngoài sẽ hiểu rõ hơn nhiều về Donald Trump.

 

Lần này, Trump sẽ điều hướng chính trị thế giới với sự tự tin lớn hơn. Nhưng liệu ông có may mắn hơn trong việc buộc thế giới đi theo thương hiệu “Nước Mỹ trên hết” của mình hay không lại là một câu hỏi hoàn toàn khác. Tuy nhiên, điều chắc chắn là kỷ nguyên của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ đã kết thúc. Dưới thời Trump, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ ngừng thúc đẩy các lý tưởng lâu đời của nước này. Điều đó, kết hợp với sự gia tăng được dự báo của các hoạt động chính sách đối ngoại tham nhũng, sẽ khiến Mỹ trông giống như một cường quốc tầm thường.

 

 

QUY TẮC CỦA TRÒ CHƠI

 

Thế giới quan chính sách đối ngoại của Trump đã được thể hiện rõ ràng kể từ khi ông bước vào chính giới. Cụ thể, ông tin rằng trật tự quốc tế tự do mà Mỹ tạo ra, theo thời gian, đã chống lại chính nước Mỹ. Để thay đổi sự mất cân bằng đó, Trump muốn hạn chế các luồng kinh tế hướng vào như nhập khẩu và người nhập cư (dù ông vẫn thích nhận đầu tư trực tiếp từ nước ngoài). Ông muốn các đồng minh gánh vác phần lớn chi tiêu quốc phòng của chính họ. Và ông tin rằng mình có thể đạt được thỏa thuận với những nhân vật chuyên chế như Vladimir Putin của Nga hoặc Kim Jong Un của Triều Tiên, từ đó làm giảm căng thẳng ở các điểm nóng toàn cầu và cho phép Mỹ tập trung vào bên trong.

 

Điều rõ ràng không kém là phương tiện ưa thích của Trump để đạt được những gì ông muốn trong chính trị thế giới. Ông là người tin tưởng mạnh mẽ vào việc sử dụng sự cưỡng ép, chẳng hạn như lệnh trừng phạt kinh tế, để gây áp lực lên các tác nhân khác. Ông cũng tuân theo “thuyết gã điên,” trong đó ông đe dọa tăng thuế quan ồ ạt hoặc sử dụng “lửa và thịnh nộ” để tấn công các nước khác với niềm tin vững chắc rằng những lời đe dọa như vậy sẽ buộc họ phải đưa ra những nhượng bộ lớn hơn so với bình thường. Nhưng đồng thời, Trump cũng tuân theo quan điểm giao dịch về chính sách đối ngoại, được minh chứng bằng sự sẵn lòng liên kết các vấn đề khác biệt để đảm bảo các nhượng bộ kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Ví dụ, đối với Trung Quốc, Trump đã liên tục thể hiện sự sẵn sàng nhượng bộ về nhiều vấn đề khác nhau – đàn áp ở Hong Kong, đàn áp ở Tân Cương, việc bắt giữ một giám đốc cấp cao của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei – để đổi lấy một thỏa thuận thương mại song phương tốt hơn.

 

Thành tích chính sách đối ngoại của Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên gồm cả điểm tốt lẫn điểm xấu. Nếu người ta nhìn vào các thỏa thuận được đàm phán lại cho Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc hoặc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (đã được đổi tên thành Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, hay USMCA), thì những nỗ lực cưỡng ép của Trump tạo ra rất ít kết quả. Điều tương tự cũng đúng với hội nghị thượng đỉnh của ông với Kim Jong Un. Nhưng người ta có thể lập luận rằng điều này có thể là do bản chất khá hỗn loạn của Nhà Trắng dưới thời Trump. Có rất nhiều lần Trump trông như đang ‘gây chiến’ với chính quyền của mình, thường dẫn đến việc mô tả các cố vấn chính sách đối ngoại chính thống của ông (như Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster) là “những người lớn trong phòng.” Kết quả là có rất nhiều thay đổi nhân sự và thiếu nhất quán trong việc định vị chính sách đối ngoại, theo đó làm giảm khả năng đạt được mục tiêu của Trump.

 

Nhưng đây không còn là vấn đề đối với nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Trong tám năm qua, ông đã tập hợp đủ những người ủng hộ mình để tạo dựng một đội ngũ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia từ những viên chức có cùng chí hướng. Có rất ít khả năng ông gặp phải sự phản đối từ những người được chính ông bổ nhiệm. Các biện pháp kiềm chế đối trọng khác đối với chính sách của Trump cũng sẽ yếu hơn nhiều. Các nhánh lập pháp và tư pháp của chính phủ hiện nay thân thiện hơn với MAGA so với hồi năm 2017. Trump đã nhiều lần ám chỉ rằng ông có ý định thanh trừng những chuyên gia phản đối chính sách của mình khỏi quân đội và bộ máy hành chính, và ông có thể sẽ sử dụng Schedule F – một cách để tái phân loại các vị trí công chức thành các vị trí bổ nhiệm chính trị – để buộc họ phải ra đi. Trong vài năm tới, nước Mỹ sẽ chỉ còn một giọng nói về chính sách đối ngoại, và giọng nói đó sẽ là của Trump.

 

Dù khả năng chỉ huy bộ máy chính sách đối ngoại của Trump sẽ được tăng cường, nhưng khả năng cải thiện vị thế của Mỹ trên thế giới lại là một vấn đề khác. Những vướng mắc nổi cộm nhất của Mỹ hiện nay là ở Ukraine và Gaza. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, Trump đã chỉ trích Biden về lần rút quân đầy hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2021, khẳng định rằng “sự sỉ nhục ở Afghanistan đã dẫn đến sự sụp đổ về uy tín và sự tôn trọng nước Mỹ trên toàn thế giới.” Một kết quả tương tự ở Ukraine sẽ tạo ra những vấn đề chính trị tương tự cho Trump. Tại Gaza, Trump đã thúc giục Benjamin Netanyahu “hoàn thành công việc” và tiêu diệt Hamas. Tuy nhiên, việc Netanyahu thiếu tầm nhìn chiến lược để hoàn thành nhiệm vụ này cho thấy rằng Israel sẽ tiến hành một cuộc chiến kéo dài, theo đó khiến nhiều đối tác tiềm năng trên thế giới ngày càng xa lánh Mỹ. Rồi Trump sẽ nhận ra rằng việc Mỹ rút khỏi những cuộc xung đột này khó hơn nhiều so với những gì ông tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.

 

Thêm vào đó, các quy tắc toàn cầu của trò chơi đã thay đổi kể từ năm 2017 – thời điểm mà các sáng kiến, liên minh, và thể chế hiện có của Mỹ vẫn còn nhiều sức mạnh. Kể từ đó đến nay, các cường quốc khác đã trở nên tích cực hơn trong việc xây dựng và củng cố các thể chế của riêng họ, độc lập với Mỹ. Những thể chế này trải dài từ BRICS+ đến OPEC+ đến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Và về mặt không chính thức, còn có sự xuất hiện của một “liên minh những nước bị trừng phạt,” trong đó Trung Quốc, Triều Tiên, và Iran vui vẻ giúp Nga phá vỡ trật tự toàn cầu. Trump thực chất có thể rất muốn tham gia một số nhóm này, thay vì tạo ra những nhóm thay thế hấp dẫn. Những nỗ lực của ông nhằm chia rẽ các nhóm này có khả năng sẽ thất bại. Những lãnh đạo chuyên chế có thể không tin tưởng lẫn nhau, nhưng họ càng không tin tưởng Trump.

 

Tuy nhiên, khác biệt quan trọng nhất giữa Trump 2.0 và Trump 1.0 lại là khác biệt đơn giản nhất: Donald Trump giờ đây là một nhân vật được hiểu rõ trên trường quốc tế. Như giáo sư Elizabeth Saunders của Columbia mới nhận xét gần đây, “Trong cuộc bầu cử năm 2016, chính sách đối ngoại của Trump có phần bí ẩn… Tuy nhiên, vào năm 2024, hành động của Trump dễ dự đoán hơn nhiều. Ứng viên muốn trở thành ‘kẻ điên’ và thích ý tưởng khiến các quốc gia khác phải đoán già đoán non nay đã trở thành một chính trị gia có chương trình nghị sự khá dễ đoán.” Các nhà lãnh đạo như Tập, Putin, Kim, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, và thậm chí cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từng đối mặt với những chiêu trò của Trump trước đây. Cả các cường quốc và các quốc gia nhỏ hơn hiện đều biết rằng cách tốt nhất để đối phó với Trump là chào đón ông bằng những nghi lễ phô trương, tránh kiểm tra hiểu biết của ông trước công chúng, đưa ra những nhượng bộ hào nhoáng nhưng mang tính tượng trưng, và vẫn đảm bảo rằng về cơ bản lợi ích cốt lõi của họ sẽ được bảo vệ. Phong cách đàm phán của Trump đã không mang lại nhiều lợi ích cụ thể trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và sẽ còn mang lại ít hơn thế trong nhiệm kỳ thứ hai.

 

 

KHÔNG CÒN BIỆT LỆ

 

Tất cả những điều này có nghĩa là Trump 2.0 sẽ chỉ là một phiên bản đã cũ? Không hẳn vậy. Việc Trump tái đắc cử báo hiệu hai xu hướng khó đảo ngược trong chính sách đối ngoại Mỹ. Đầu tiên là tình trạng tham nhũng không thể tránh khỏi, vốn sẽ làm tổn hại đến các chính sách của Mỹ. Các cựu cố vấn nguyên tắc chính sách trong các chính quyền trước, từ Henry Kissinger đến Hillary Clinton, đã hưởng lợi từ vị trí của họ thông qua các hợp đồng xuất bản sách, các bài phát biểu quan trọng, và dịch vụ tư vấn địa chính trị. Tuy nhiên, các cựu quan chức của Trump đã đưa mọi thứ lên một tầm cao mới. Các cố vấn như con rể của Trump kiêm trợ lý Nhà Trắng Jared Kushner, và cựu đại sứ và cựu quyền giám đốc tình báo quốc gia Richard Grenell đã tận dụng các mối quan hệ mà họ tạo dựng được với tư cách là nhà hoạch định chính sách để thu về hàng tỷ đô la đầu tư nước ngoài (bao gồm cả từ các quỹ đầu tư của chính phủ nước ngoài) và các hợp đồng bất động sản ngay sau khi họ rời nhiệm sở. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhóm cố vấn của Trump với những lời hứa, cả ngầm định và rõ ràng, về các hợp đồng béo bở sau khi họ kết thúc nhiệm kỳ – miễn là họ chịu thỏa hiệp khi còn nắm quyền. Kết hợp điều này với vai trò dự kiến mà các tỷ phú như Elon Musk sẽ đảm nhiệm trong chính quyền Trump 2.0, có thể thấy trước sự gia tăng đáng kể tình trạng tham nhũng trong chính sách đối ngoại Mỹ.

 

Một xu hướng khác mà Trump 2.0 sẽ thúc đẩy là sự kết thúc của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ. Từ Harry Truman đến Joe Biden, các tổng thống Mỹ đã chấp nhận quan niệm rằng các giá trị và lý tưởng của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này. Quan niệm này từng bị phản đối vào nhiều thời điểm khác nhau, nhưng việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền đã được xác định là vì lợi ích quốc gia trong một thời gian khá dài. Nhà khoa học chính trị Joseph Nye từng lập luận rằng chính những giá trị và lý tưởng này là một thành phần cốt lõi của sức mạnh mềm của Mỹ.

 

Những sai lầm trong chính sách của Mỹ, cũng như chủ nghĩa “anh cũng vậy” (whataboutism) của Nga – chuyển hướng chỉ trích hành vi xấu của chính mình bằng cách chỉ ra hành vi xấu của người khác – đã làm suy yếu sức mạnh của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ. Và Trump 2.0 sẽ chôn vùi nó. Thật vậy, bản thân Trump cũng chấp nhận một phiên bản của chủ nghĩa “anh cũng vậy” khi nói đến các giá trị của Mỹ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã lưu ý, “Chúng ta có rất nhiều kẻ giết người. Bạn nghĩ sao – đất nước chúng ta vô tội đến vậy sao?”

 

Vào thời điểm đó, khán giả nước ngoài có thể lập luận rằng hầu hết người Mỹ không tin vào điều này, vì Trump đã không giành được số phiếu phổ thông. Nhưng cuộc bầu cử năm 2024 đã phá vỡ niềm tin đó. Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã hứa sẽ ném bom Mexico và trục xuất những người nhập cư hợp pháp, gọi các chính trị gia đối lập là “kẻ thù từ bên trong,” và tuyên bố rằng những người di cư đang “đầu độc dòng máu” của đất nước. Bất chấp tất cả những tuyên bố này – hoặc có lẽ là vì chúng – Trump đã giành được đa số phiếu phổ thông. Khi phần còn lại của thế giới nhìn vào Trump, họ sẽ không còn thấy một ngoại lệ bất thường đối với chủ nghĩa biệt lệ Mỹ nữa, nhưng sẽ nhận ra nước Mỹ đại diện cho điều gì trong thế kỷ 21.

 

---------------

Daniel W. Drezner là Giáo sư về Chính trị quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts và là tác giả của bản tin Drezner’s World.

 

Nguồn: Daniel W. Drezner, “The End of American Exceptionalism,” Foreign Affairs, 12/11/2024

 

 






No comments: