Ở nhà tù
hơn một năm, bệnh trầm cảm của tôi ngày càng nặng, lúc nào cũng như có người
xúi giục tôi tự tử. Thế là CA Hà Nội cho tôi đi giám định tâm thần.
Sau hai lần
giám định, tôi được kết luận là rối loạn tâm thần, trầm cảm, cần phải đưa đi chữa
bệnh bắt buộc. Thế là một buổi sáng họ đưa tôi đến Viện Pháp y Tâm thần Trung
ương.
Đó là khoa
bắt buộc nữ. Ở đó toàn là những phạm nhân tâm thần mắc trọng tội, chủ yếu là giết
người. Người thì bóp cổ mẹ, kẻ thì chém chết cha, người cắt đầu cô ruột, kẻ
chém chết người hàng xóm, kẻ trầm cảm sau sinh thì giết mấy đứa con…
Trước khi
tôi đến thì chỉ có Le
Anh Hung là tù chính trị. Tôi và Lê Anh Hùng bị cách ly tuyệt đối, ko
được lại gần nói chuyện, và bị cấm sử dụng điện thoại. Còn những phạm nhân khác
thì vẫn lén dùng điện thoại được.
Tôi vào được
vài ngày thì họ đưa Hùng về trại, chỉ còn mình tôi là tù chính trị.
Những ngày
đầu tôi bị kỳ thị, vì họ (y tá và phạm nhân) được tuyên truyền rằng tôi là một
“tội phạm đặc biệt nguy hiểm”. Họ tránh lại gần tôi, ghét tôi, luôn đề phòng
tôi… Nhưng dần dần thấy tôi ko có gì nguy hiểm mà lại rất tình cảm nên họ cũng
quý mến. Có những phạm nhân rất nghèo, bị gia đình bỏ rơi, tôi thường giúp đỡ
tiền bạc cho họ, an ủi họ.
Mỗi phòng
chúng tôi có bảy người. Tuy là những người điên nhưng thực ra họ rất hiền, chỉ
những lúc lên cơn là họ bị mất kiểm soát. Tôi nhanh chóng yêu quý tất cả bọn họ,
thấy ở ai cũng có những điểm tốt. Những lúc họ lên cơn và ko thể tự phục vụ được
bản thân, tôi thường giúp họ rửa ráy, xúc cơm cho họ ăn, thay quần áo…
Có những
đêm thanh vắng, những tiếng hét thất thanh khiến tôi sợ hãi kinh hoàng. Nhiều
đêm chúng tôi phải thay nhau thức, để canh một người có triệu chứng lên cơn, sợ
bị người ấy giết. Sợ nhất là lúc họ đánh nhau, tôi thường ko dám lại gần.
Những người
điên ấy có lúc biết mình sắp lên cơn họ thường báo trước cho bác sĩ để “cố định”
họ lại.
Lại nói
chuyện “cố định”. Đó là một hình thức của các bệnh viện tâm thần mà bệnh nhân
nào cũng khiếp sợ. Họ bị trói chặt bằng những sợi dây vải vào dát giường, chân,
tay, vai, cổ…, bị cố định trong tư thế nằm ngửa, và bị tiêm thuốc. Cứ như vậy
trong ba ngày không được cởi trói, ăn, uống, ỉa, đái tại chỗ hết. Ăn thì có người
điên khác bón cho. Lê Anh Hùng cũng từng bị cố định như vậy vì từ chối uống thuốc.
Ở viện có
một bệnh nhân nam tên là An, là bệnh nhân tự nguyện, do gia đình gửi vào chữa dịch
vụ. Thằng An 17 tuổi, bố mẹ đều là giảng viên đại học Bách khoa, nhà phố cổ. An
học rất giỏi nhưng đến lớp 5 thì trí tuệ ko phát triển nữa và chuyển sang bị
tâm thần. Chị gái của An cũng bị như vậy. Thật không may cả bố mẹ An đều bị ung
thư và chết sớm, An được họ hàng đưa vào Pháp y tâm thần để chữa bệnh, nhưng thực
ra gửi bệnh viện giữ hộ là chính. Trước khi tôi đến thì thằng An chủ yếu được
chú Lê Anh Hùng chăm sóc. Tình cờ khi Hùng đi rồi tôi lại là người chăm sóc An,
tắm rửa, cắt móng tay, xúc cho ăn, cạo râu… Ko những thương An mồ côi, mà tôi
còn nhìn thấy ở An điểm nào đó giống con trai út của tôi, nên tôi càng thương
quý An hơn. Những lúc nhớ thằng An, mà được mở cửa ra ngoài, tôi thường chạy xuống
tầng dưới gặp nó, âu yếm hỏi:
- Ai đây hả
con?
- Cô Hặn
Tôi chỉ
tay vào má, bảo nó:
- An thơm
cô đi
Thế là nó
chu môi, hun chụt một cái vào má tôi. Tôi vui lắm.
Thế rồi thằng
An được họ hàng đưa về nhà. Nó đi rồi tôi ngẩn ngơ nhớ nó cả tuần lễ.
Cứ như vậy,
cuộc sống của tôi trôi đi giữa những phạm nhân tâm thần trọng tội.
Nhưng tôi
lại thấy thật an toàn. Những người điên họ thật vô tư, hồn nhiên, không thủ đoạn,
không ganh ghét đố kỵ…
Thế rồi
tôi bị ung thư, và Viện Pháp y Tâm thần trả tôi về lại nhà tù. Ngày công an đưa
tôi đi, những người điên lưu luyến tiễn tôi ra cửa, nhiều người đã khóc, hẹn gặp
lại trong vô vọng.
Ngày tôi
ra tù, chỉ hai hôm sau những người bạn điên đã biết tin. Thì ra họ lén vào mạng,
biết tin tôi đã xử và mãn hạn, họ vui mừng cuống quýt, thi nhau nhắn tin vào fb
cho tôi (phương tiện duy nhất để liên lạc với tôi), ai cũng hoan hỉ hẹn đến nhà
chơi khi họ ra viện. Cũng có người nhắn xin tôi tiền vì túng đói quá, tôi đã gửi
cho họ.
Đó cũng là
một quãng đời không thể nào quên của tôi. Mấy hôm nay bị những người bạn thần
kinh khoẻ mạnh đưa lên “đoạn đầu đài”, chỉ vì bênh một người tù chính trị phải
chịu bất công, tôi lại càng nhớ những người bạn điên. Tôi yêu quý họ, nhớ họ lắm,
tôi muốn được ôm họ, những người bạn điên hiền hậu của tôi!
(Đây là tấm
hình khi tôi ở viện mà một người điên tên là Phương Anh chụp cho tôi)
https://www.facebook.com/photo/?fbid=2578446422355144&set=a.245393515660458
No comments:
Post a Comment