Trung Quốc thời
hậu Tập Cận Bình sẽ trông như thế nào?
Kevin Rudd
| Foreign
Policy
Tạ Kiều
Trang, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2024/12/06/trung-quoc-thoi-hau-tap-can-binh-se-trong-nhu-the-nao/
Cựu thủ
tướng Úc Kevin Rudd phân tích điểm yếu trong một kế hoạch lâu dài về tư tưởng của
Tập Cận Bình.
Con
đường ý thức hệ về lâu dài của Trung Quốc sẽ về đâu một khi chủ tịch Tập Cận
Bình rời khỏi chính trường? Có thể điều này sẽ chưa xảy ra trong thời gian tới.
Nhưng với một người đang trong độ tuổi bảy mươi, khả năng điều này sẽ xảy ra thực
tế đến mức đủ để buộc chúng ta phải bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về nó. Nói cách
khác, câu hỏi cốt lõi được đặt ra là: Liệu những thay đổi sâu rộng về cơ cấu và
văn hoá mà ông Tập đã tạo ra có thể duy trì được dưới thế hệ lãnh đạo kế tiếp của
Trung Quốc hay không. Liệu “chủ nghĩa dân tộc Marxist” đặc trưng của ông – với
các bước ngoặt thiên tả trong chính trị và kinh tế, trong khi chính sách đối
ngoại quay sang chủ nghĩa dân tộc cánh hữu – có trở nên cực đoan hơn khi thế hệ
trẻ trung thành với Tập vẫn sẽ tiếp tục kế thừa lý tưởng của ông? Hay liệu “Tư
tưởng Tập Cận Bình” sẽ dần phai nhạt, ban đầu là từ từ, giống như Chủ nghĩa Mao
giai đoạn 1976 đến 1978 trước khi bị Đặng Tiểu Bình và thế hệ kế nhiệm bác bỏ.
Trung
Quốc sau thời kỳ Tập Cận Bình sẽ được định hình lại bởi nhiều yếu tố, trong đó
yếu tố quan trọng nhất là thời gian. Ông Tập muốn “tại vị” cho đến khi cảm thấy
chắc chắn rằng thế hệ lãnh đạo kế cận ở những vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng
sẽ có cùng định hướng tư tưởng và lòng nhiệt thành như ông. Điều này đặt ra một
vấn đề. Ông Tập liên tục chỉ trích thế hệ của mình và thế hệ kế cận vì đã để
tham nhũng, chủ nghĩa sùng bái công danh (careerism) và nhiễu loạn tư tưởng lên
ngôi. Đó là lí do tại sao các chiến dịch chỉnh đốn Đảng được xây dựng nhằm tạo
ra sự lo sợ cũng như chấn chỉnh cả về mặt cá nhân lẫn chính trị.
Ông
Tập có lẽ vẫn sẽ không muốn tin tưởng giao phó cho bất kỳ ai từng đảm nhiệm những
vị trí quyền lực quan trọng dưới thời những người tiền nhiệm lên thay thế ông.
Ông cũng sẽ hoài nghi liệu cá nhân họ có đủ cam kết để tiếp tục chiến lược tư
tưởng và chính trị của mình trong tương lai hay không. Bản năng của Tập sẽ là
duy trì quyền lực cho đến khi một nhóm cán bộ trẻ của Đảng, những người bắt đầu
học đại học dưới thời của ông, thăng tiến lên các vị trí chính trị cao hơn. Tập
thường xuyên kêu gọi khẩu hiệu “dám đấu tranh” (敢于斗争) thông qua các mạng
lưới trường đảng trên toàn quốc, đặc biệt chú trọng nhắm đến đội ngũ cán bộ trẻ.
Qua đó, Tập kêu gọi lý tưởng tuổi trẻ của họ, vốn chưa bị tha hoá bởi chủ nghĩa
vật chất tràn lan và bởi những ảnh hưởng của tầng lớp tư sản trong thời gian gần
đây.
Tuy
nhiên, nỗ lực nhằm sàng lọc đội ngũ lãnh đạo tương lai của Đảng sẽ phải dựa chủ
yếu vào các cán bộ sinh từ năm 1995 trở đi, những người mà lúc Tập lần đầu tiên
lên nắm quyền thì họ vẫn còn là trẻ con. Đến Đại hội Đảng lần thứ 22 vào năm
2032, “thế hệ của Tập” sẽ chỉ mới ở độ tuổi tối đa là 37, trong điều kiện bình
thường, chỉ đủ lớn để được bổ nhiệm làm ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành
Trung ương. Tại hai đại hội tiếp theo vào năm 2037 và 2042, khi Tập Cận Bình bước
sang tuổi 85 và 90, những cán bộ này sẽ ở độ tuổi giữa 40 – độ tuổi lý tưởng để
đưa thế hệ trẻ yêu nước Trung Quốc này vào những vị trí quyền lực thực sự, thậm
chí có thể là trong Bộ Chính trị. Nói cách khác, sẽ mất một thời gian dài để bổ
nhiệm số lượng lớn thế hệ sau “cải cách và mở cửa” vào các vị trí cao nhất
trong Đảng.
Mặc
dù trong Đảng có những người bảo thủ về tư tưởng và các cá nhân trung thành với
Tập ở các cấp lãnh đạo cấp cao – những người mà Tập có thể tin tưởng, nhưng lứa
trẻ này chính là hy vọng lớn nhất và là thành trì chính trị của Tập nhằm chống
lại chủ nghĩa xét lại về ý thức hệ một khi ông rút lui khỏi chính trường. Họ sẽ
là chỗ dựa chính trị vững chắc trong ban lãnh đạo Trung ương Đảng, chỗ dựa mà
người kế nhiệm được Tập chỉ định sẽ cần để tránh bị lật đổ quyền lực. Do đó, Tập
ở lại cầm quyền càng lâu, kế hoạch chuyển giao quyền lực càng có cơ hội duy trì
sự ổn định về mặt tư tưởng trong lâu dài.
Chính
trị Trung Quốc thời kỳ hậu Tập Cận Bình cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các diễn biến
địa chính trị và địa kinh tế của thập kỷ tới. Cho đến nay, yếu tố mang tính chiến
lược đối ngoại quan trọng nhất là tương lai của Đài Loan. Nếu chiến lược răn đe
của Mỹ thất bại – do năng lực quân sự của Mỹ, Đài Loan và các đồng minh không đủ
mạnh hoặc do phía Mỹ thiếu quyết tâm chính trị – và Tập Cận Bình nhanh chóng và
(tương đối) ít đổ máu, chiếm Đài Loan bằng vũ lực, lúc đó vị thế của Tập trong
chính trường Trung Quốc sẽ trở nên bất khả xâm phạm. Tập Cận Bình sẽ thực hiện
được điều mà Mao Trạch Đông đã không làm được, đó là tái thống nhất đất nước.
Sau đó, Tập rất có thể sẽ khởi xướng cái sẽ được coi là kỷ nguyên mới của “hoà
bình theo kiểu Trung Quốc” (Pax Sinica) khi mà sự suy thoái địa chính trị của Mỹ
lan rộng khắp châu Á, và theo thời gian, sẽ lan rộng khắp thế giới. Đài Loan sẽ
được coi là một bước ngoặt chiến lược có ảnh hưởng sâu rộng trong mắt của Trung
Quốc và khu vực nói chung.
Với
tình hình trong nước, vấn đề Đài Loan sẽ mang lại cho Tập những điều kiện thuận
lợi nhất để đảm bảo kế hoạch chuyển giao quyền lực mà Tập kỳ vọng, cũng như đảm
bảo rằng di sản tư tưởng của Tập sẽ được tiếp nối. Ngược lại, nếu Tập lựa chọn
giải quyết vấn đề Đài Loan bằng vũ lực và thất bại trên phương diện quân sự, chắn
chắn Tập sẽ buộc phải từ chức. Với một thất bại như vậy, sau hơn một thập kỷ
nhà nước tuyên truyền rằng chỉ có Tập Cận Bình mới làm cho Trung Quốc hùng mạnh,
đây sẽ là mối nhục quốc thể ở mức độ cao nhất. Do đó, Tập sẽ phải trả một cái
giá chính trị đắt đỏ nhất. Nói cách khác, tính chính danh của chế độ lúc này sẽ
trực tiếp bị thách thức.
Tuy
nhiên, kịch bản thứ ba – và tới thời điểm này có lẽ là kịch bản có khả năng xảy
ra cao nhất – đó là chiến lược răn đe vẫn tiếp tục có hiệu lực trong suốt thập
niên 2020 và chiến tranh sẽ không xảy ra. Trong kịch bản này, Đài Loan sẽ không
ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch chuyển giao quyền lực lâu dài trong nội bộ của Tập
Cận Bình.
Một
điều quan trọng không kém đó là: nếu Tập Cận Bình, người nổi tiếng quyết đoán
và luôn thách thức việc giữ hiện trạng, đến cuối cùng lại nhận định rằng rủi ro
vẫn là quá lớn để có thể dùng vũ lực chiếm Đài Loan, thì khả năng để những người
kế nhiệm sẵn sàng cho việc chiếm Đài Loan là rất thấp. Trong tình hình hiện
nay, các phương thức ngoại giao mới với mục tiêu nhằm thống nhất đất nước có thể
sẽ trở nên khả thi trong các cuộc đàm phán giữa thế hệ lãnh đạo mới của Bắc
Kinh và Đài Bắc. Vì những lý do trên, với mong muốn vượt qua thành tựu của Mao
trong việc thống nhất đất nước, và thực hiện điều đó trước khi kỷ niệm 100 năm
thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049, nhiệm kỳ của Tập Cận
Bình có thể là giai đoạn đỉnh điểm của nguy cơ chiến tranh với Đài Loan. Giải
quyết vấn đề Đài Loan bằng sức răn đe hiệu quả trong thời kỳ của Tập Cận Bình vẫn
là nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất đối với những người ủng hộ việc giữ
nguyên hiện trạng – vấn đề trọng tâm trong cuốn sách trước của tôi, The
Avoidable War (Cuộc chiến có thể tránh được).
Những
động lực chính trị chi phối nội bộ ĐCSTQ sau khi Tập rút lui rất có thể là một
phần của quá trình “tự soi, tự sửa” đã diễn ra bấy lâu nay trong chính nội
bộ Đảng. Xuyên suốt lịch sử, ĐCSTQ đã chuyển mình qua lại giữa các khuynh hướng
thiên tả và thiên hữu, giữa bảo thủ và cải cách, giữa chủ nghĩa biệt lập và chủ
nghĩa quốc tế – một hiện tượng đặc trưng diễn ra khi Trung Quốc “siết chặt kiểm
soát rồi nới lỏng kiểm soát” (放收). Chẳng hạn, trong giai đoạn sau
1949, tư tưởng tả khuynh của Mao thống trị với sự nhấn mạnh vào đấu tranh giai
cấp, phong trào chống địa chủ, tập thể hóa nông nghiệp, và quốc hữu hóa công
nghiệp. Việc này kéo dài cho đến Đại hội lần thứ 8 của Đảng vào năm 1956, khi
những người theo chủ nghĩa thực dụng tìm cách điều chỉnh lại trọng tâm kinh tế
của Đảng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế ổn định, thương mại và giao thương.
Mao đã đáp trả bằng chiến dịch Đại Nhảy Vọt năm 1958, kết quả là nạn đói lan rộng
trong khi Mao đang cố gắng đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa dù phải hy sinh
sản xuất nông nghiệp thông thường. Vào đầu những năm 1960, nhóm người ủng hộ thực
dụng kinh tế do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo đã phản công, buộc Mao đáp trả bằng
Cách mạng Văn hóa, thanh trừng các đối thủ chính trị “phái hữu” và tiếp tục đẩy
mạnh cả tập thể hóa nông nghiệp lẫn công nghiệp. Mọi chuyện kết thúc khi Mao
qua đời vào năm 1976, các chính sách cánh tả sai lầm của Mao chính thức bị phủ
nhận, và Đặng Tiểu Bình khởi xướng một thời kỳ cải cách và mở cửa kéo dài 35
năm, trong đó khu vực tư nhân lần đầu tiên được đón nhận trở lại sau nhiều thập
kỷ.
Ông
Tập có lẽ đã xem loạt tranh cãi kéo dài trong lịch sử ĐCSTQ là sản phẩm tất yếu
của sự đối đầu, mâu thuẫn và đấu tranh nội bộ theo kiểu biện chứng để thiết lập
ra một “đường lối đúng đắn” cho Đảng. Vì vậy, từ năm 2012, và đặc biệt là sau
năm 2017, Tập đã nỗ lực điều chỉnh những chỗ mất cân bằng trong kinh tế và xã hội
còn sót lại từ thời Đặng Tiểu Bình. Sức ép chính trị và kinh tế chống lại kế hoạch
tư tưởng thiên tả của Tập khá dữ dội. Nhưng cũng giống thời của Mao, các
lực lượng này khó mà đủ mạnh để có thể buộc một thay đổi chính trị căn bản mang
yếu tố “tự điều chỉnh” phải diễn ra – chúng chỉ diễn ra đến khi nào mà nhà lãnh
đạo chính thức rời khỏi vị trí. Nhưng Tập chắc chắn nhận thức được sự nguy hiểm
đến từ các lực lượng mang yếu tố “tự điều chỉnh” trong bất kỳ lãnh đạo tạm quyền
nào thay thế ông, chính việc này đã thúc đẩy Tập tuyển những cán bộ trẻ, có lý
tưởng hơn và mang tinh thần dân tộc vào các tầng lớp lãnh đạo của Đảng càng sớm
càng tốt.
Nhưng
vấn đề của Tập là không có đủ thời gian. Có lẽ Tập phải duy trì quyền lực đến
tuổi 90 mới bổ nhiệm đủ các cán bộ trẻ trung thành về tư tưởng, lúc đó chiến lược
chính trị của Tập mới bén rễ được. Chiến lược này sẽ phải đối mặt với những yếu
tố tiềm ẩn như sự trì trệ chính trị, bộ máy quan liêu rối ren và một Đảng vốn
có khynh hướng trở lại với trạng thái chính trị trung dung. Dù Tập là một chính
trị gia đáng gờm, để chiếm được ưu thế trong cuộc đấu tranh dài chống lại các lực
lượng chính trị, kinh tế và xã hội đang chống đối vẫn sẽ là một thử thách vô
cùng lớn.
Chính
vì vậy, có một sự mỉa mai đó là Tập Cận Bình, bậc thầy lý luận biện chứng, có
thể bị đánh bại chính bởi các lực lượng biện chứng do chính ông tạo
ra – một cách phản ứng trực tiếp với việc hàng thập kỷ phải sống cùng tư tưởng
thái quá của Tập. Trừ khi Tập Cận Bình có thể duy trì quyền lực trong 20 năm hoặc
hơn thế, nếu không Trung Quốc sẽ khó mà quay lại tư tưởng cực đoan một khi Tập
đã rời đi. Sau thời Tập Cận Bình, giống như những thời kỳ trước trong lịch sử
Trung Quốc hiện đại, Trung Quốc có thể sẽ hướng tới việc điều chỉnh quay trở lại
với các chính sách trung dung, khi mà nhiều phần trong tư tưởng của Tập đã
không còn phù hợp với nguyện vọng cá nhân, chuẩn mực xã hội và các lợi ích kinh
tế căn bản của Trung Quốc hiện đại – điều đã khiến nhiều người, ít nhất là giới
tinh hoa, lo ngại về việc Trung Quốc ngày càng trở nên cô lập với phần còn lại
của thế giới.
Chính
vì những lí do trên, thách thức đối với cộng đồng quốc tế là làm sao để vượt
qua kỷ nguyên Tập Cận Bình một cách hiệu quả, thông qua sự kết hợp giữa răn đe
và ngoại giao, mà không rơi vào khủng hoảng, xung đột hay chiến tranh. Chiến
tranh, dù kết quả như thế nào đi chăng nữa, cũng sẽ mang đến cái chết và sự tàn
phá ở một quy mô không thể tưởng tượng nổi. Chiến tranh cũng sẽ làm thay đổi
sâu sắc chính trị và địa chính trị của Trung Quốc, Mỹ và toàn cầu theo những
cách không thể lường trước được. Và thế giới sẽ không bao giờ như cũ được nữa.
--------------
Trích
từ cuốn Bàn về Tập Cận Bình (On Xi Jinping) của Kevin Rudd. Bản quyền
© 2024 thuộc về Kevin Rudd, xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Oxford.
Nguồn: Kevin Rudd, “What
Will a Post-Xi China Look Like?,” Foreign Policy,
25/11/2024
No comments:
Post a Comment