Friday, December 20, 2024

HOA KỲ : HẠ VIỆN THÔNG QUA DỰ LUẬT NGÂN SÁCH TRÁNH VIỆC ĐÓNG CỬA CHÍNH PHỦ TỪ 21/12, CHỜ THƯỢNG VIỆN BỎ PHIẾU (Reuters)

 



Mỹ: Hạ viện thông qua dự luật tránh việc đóng cửa chính phủ từ 21/12, chờ Thượng viện bỏ phiếu

Reuters

21/12/2024

https://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-my-thong-qua-du-luat-tranh-dong-cua-chinh-phu-21-thang-12-cho-thuong-vien-bo-phieu/7909135.html

 

Hạ viện Mỹ hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát vừa thông qua một dự luật hôm thứ Sáu 20/12 nhằm tránh việc chính phủ bị đóng cửa vào nửa đêm, không đáp ứng việc Tổng thống đắc cử Donald Trump đòi bật đèn xanh cho nợ mới lên đến hàng nghìn tỷ đô la.

 

https://gdb.voanews.com/d9c4ff70-75bb-44e8-96de-839ad867a169_w1023_r1_s.jpg

Tòa nhà Quốc hội Mỹ, còn gọi là Điện Capitol.

 

Hạ viện đã bỏ phiếu với 366 phiếu thuận - 34 phiếu chống để thông qua dự luật, một ngày sau khi họ bác bỏ yêu cầu về trần nợ của ông Trump.

 

Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát cũng sẽ cần thông qua dự luật để chuyển cho Tổng thống Joe Biden ký. Nhà Trắng cho hay ông sẽ ký ban hành luật để đảm bảo chính phủ Hoa Kỳ sẽ được cấp tiền sau nửa đêm, giờ Washington, tức 5h sáng 21/12, giờ chuẩn quốc tế GMT, là lúc nguồn ngân sách hiện nay hết hạn.

 

Dự luật sẽ gia hạn việc cấp ngân sách cho chính phủ tới ngày 14/3/2025, bên cạnh đó là cung cấp 100 tỷ đô la cho các tiểu bang bị thiên tai và 10 tỷ đô la cho nông dân. Tuy nhiên, dự luật sẽ không nâng trần nợ công -- một nhiệm vụ khó khăn mà ông Trump đã thúc ép Quốc hội thực hiện trước khi ông nhậm chức vào ngày 20/1 năm tới.

 

Gói ngân sách này giống như một kế hoạch của lưỡng đảng đã bị hủy bỏ vào đầu tuần này sau khi có lời chỉ trích trên mạng của ông Trump và cố vấn của ông là tỷ phú Elon Musk, ông ấy cho rằng dự luật chứa đựng quá nhiều điều khoản không liên quan. Hầu hết các thành phần đó đã bị xóa khỏi dự luật hiện nay -- bao gồm một điều khoản hạn chế đầu tư vào Trung Quốc mà đảng Dân chủ cho rằng sẽ xung đột với lợi ích của ông Musk ở đó.

Dự luật cũng loại bỏ yêu cầu của ông Trump về trần nợ công của quốc gia, đã bị Hạ viện -- bao gồm 38 đảng viên Cộng hòa -- mạnh mẽ bác bỏ hôm 19/12.

 

Chính phủ liên bang đã chi khoảng 6,2 nghìn tỷ đô la vào năm ngoái và gánh món nợ hơn 36 nghìn tỷ đô la, và Quốc hội sẽ cần phải hành động để cho phép vay thêm vào giữa năm tới.

 

Các nguồn tin cho hay Nhà Trắng đã cảnh báo các cơ quan chính phủ hãy chuẩn bị cho tình trạng đóng cửa có thể xảy ra. Chính phủ liên bang đã đóng cửa lần gần đây nhất kéo dài tới 35 ngày trong nhiệm kỳ nắm Nhà Trắng lần đầu của ông Trump do có những bất đồng về vấn đề an ninh biên giới.







HOA KỲ : DỰ THẢO NGÂN SÁCH BỊ BÁC, CHÍNH PHỦ CÓ NGUY CƠ BỊ TÊ LIỆT (Minh Anh / RFI)

 



Hoa Kỳ : Dự thảo ngân sách bị bác, chính phủ có nguy cơ bị tê liệt

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 20/12/2024 - 11:31  -  Sửa đổi ngày: 20/12/2024 - 11:32

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241220-hoa-k%E1%BB%B3-d%E1%BB%B1-th%E1%BA%A3o-ng%C3%A2n-s%C3%A1ch-b%E1%BB%8B-b%C3%A1c-b%E1%BB%8F-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-c%C3%B3-nguy-c%C6%A1-b%E1%BB%8B-t%C3%AA-li%E1%BB%87t  

 

Chính phủ Hoa Kỳ có nguy cơ bị tê liệt do bất đồng về ngân sách sau khi Quốc Hội không thông qua được nhiều văn bản luật. Nguyên nhân là tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các nghị sĩ đảng Cộng Hòa phá hỏng thỏa thuận lưỡng đảng về ngân sách được tiết lộ trong tuần. Hôm nay, 20/12/2024, Quốc Hội Mỹ tiếp tục chạy đua với thời gian, nhằm tránh tình trạng « shutdown » kể từ nữa đêm nay.

 

HÌNH :

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson họp báo trưa hôm 19/12/2024 tại trụ sở Quốc Hội, Washington, Hoa Kỳ. AP - J. Scott Applewhite

 

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường thuật :

 

« Một cuộc bỏ phiếu vô ích và bây giờ giải pháp là gì ? Tại Washington, trong tòa nhà Quốc Hội, một lần nữa lại xảy ra hỗn loạn và các dân biểu thì bị chia rẽ sâu sắc. Một kịch bản quá quen thuộc.

 

Lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, ông Mike Johnson, đã cố gắng cho thông qua một văn bản sửa đổi bao gồm cả yêu cầu của Donald Trump để nâng mức trần nợ. Đề xuất này đã không thu được 2/3 số phiếu cần thiết, do 38 nghị viên Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống trong khi Donald Trump kêu gọi đảng của ông ủng hộ phiên bản này.

 

Vì vậy, Mike Johnson sẽ phải tiếp tục đàm phán vào lúc ông chỉ còn có vài giờ để tránh cho chính phủ liên bang bị shutdown. Đảng Dân Chủ cáo buộc Donald Trump và Elon Musk, dù vẫn chưa nắm quyền, đã tìm cách phá hỏng dự thảo ngân sách mà khó khăn lắm các dân biểu mới thỏa hiệp được,

 

Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân Chủ ở Hạ Viện, khẳng định : Nếu chính phủ bị tạm ngưng hoạt động, đó hoàn toàn sẽ là lỗi của Elon Musk và Donald Trump. »







HOA KỲ HƯỚNG ĐẾN TRANG BỊ CHO VIỆT NAM ĐỦ KHẢ NĂNG BẢO VỆ TOÀN DIỆN LỢI ÍCH QUỐC GIA (RFA)

 



Mỹ hướng đến trang bị cho Việt Nam đủ khả năng bảo vệ toàn diện lợi ích quốc gia

RFA

2024.12.20

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-vietnam-quan-doi-vu-khi-quoc-phong-support-12202024114014.html

 

Các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam để giúp xây dựng lực lượng vũ trang của Việt Nam, nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với các nước khác và thường xuyên đối diện với sự gây hấn từ Trung Quốc.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-vietnam-quan-doi-vu-khi-quoc-phong-support-12202024114014.html/@@images/c773671a-cc46-444a-a0d2-e9e2fa9e163c.jpeg

Một lính Mỹ đứng trước chiếc xe chiến đấu bọc thép Stryker của quân đội Mỹ được trưng bày tại triển lãm hôm 19/12/2024    (AFP)

 

Hãng tin AP dẫn lời Đại sứ Mỹ Marc Knapper khẳng định tại hội chợ vũ khí quốc tế tại Hà Nội hôm 19/12:

 

"Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng Việt Nam có những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình trên biển, trên không, trên bộ và trên không gian mạng".

 

Ông Knapper cũng chỉ ra việc Mỹ tham gia triển lãm vũ khí lần này thể hiện cam kết của Chính phủ và nền công nghiệp quốc phòng Mỹ trong việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường đa dạng hóa và hiện đại hóa quân đội.

 

"Chúng tôi mong muốn các công ty quốc phòng lớn của mình làm việc với Việt Nam về những vấn đề có khả năng như sản xuất chung, về những vấn đề như chuyển giao công nghệ”, Đại sứ Knapper được mạng báo Thanh niên trích dẫn.

 

Triển lãm được tổ chức tại sân bay Gia Lâm của Hà Nội, quy tụ 250 đơn vị tham gia bao gồm các đối thủ địa chính trị như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ukraine, Israel và Iran.

 

Mỹ đem đến hội chợ hai phi cơ cường kích A-10 và một vận tải cơ quân sự C-130J - vốn được Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến trước đó khẳng định trước ống kính máy quay là đã "thống nhất mua ba cái".

__________

 

Thứ trưởng Quốc Phòng: Việt Nam thống nhất mua ba vận tải cơ C-130J của Mỹ

 

Bàn giao năm máy bay huấn luyện, Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng tự chủ

 

Mỹ cung cấp cho Việt Nam 12,5 triệu đô la để mua xuồng nhỏ

_________

 

Việt Nam đã cố gắng tăng cường sản xuất vũ khí trong nước đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Nga trong nhập khẩu vũ khí khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.

 

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, năm 2022, số vũ khí do Nga sản xuất chiếm khoảng 60% tổng lượng vũ khí Việt Nam mua.

 

Quốc gia Đông Nam Á này cũng đang cố gắng tăng cường năng lực sản xuất vũ khí của riêng mình và trưng bày các thiết bị quân sự do trong nước sản xuất tại triển lãm.

 

Chính sách của Mỹ với Việt Nam khó thay đổi dưới thời Tổng thống Trump

 

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết chính sách của nước này dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump sắp tới sẽ rất có thể kế tục chính sách hiện tại là tham gia các hoạt động tuần tra hàng hải ở Biển Đông và các chiến dịch quân sự khác.

 

"Có rất ít sự khác biệt về quan điểm chính sách, từ chính quyền trước đến chính quyền hiện tại, về trọng tâm là một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, độc lập và rộng mở", Đô đốc Hoa Kỳ Samuel Paparo phát biểu tại triển lãm quốc phòng Hà Nội, ám chỉ đến chính quyền đầu tiên của Donald Trump và Nhà Trắng hiện tại của Biden.

 

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Pagaro cho biết thêm: "Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục các chính sách, và đặc biệt là các hoạt động và chiến dịch quân sự, thể hiện tính liên tục trong mối quan hệ".

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm quốc phòng lần hai cho rằng Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy “hợp tác và phát triển” trong quan hệ đối ngoại và quốc phòng để xây dựng lòng tin vì hòa bình và ổn định trong khu vực, và nước này cũng muốn xây dựng chính sách đối ngoại tự chủ và đa dạng hóa các mối quan hệ.

 

"Việt Nam đặt mục tiêu có một quân đội hiện đại “để xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng tự vệ và bảo vệ đất nước”, ông Chính cho biết.

 

Đầu tháng này, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tặng các tàu tuần tra cỡ nhỏ cho Việt Nam như một phần của gói viện trợ nước ngoài trị giá 12,5 triệu đô la để hỗ trợ thực thi pháp luật hàng hải và chống đánh bắt cá bất hợp pháp.

 

Hoa Kỳ cũng đã chuyển giao năm máy bay huấn luyện cho Việt Nam vào tháng 11, đây là chiếc đầu tiên trong số 12 máy bay phản lực mà Không quân Hoa Kỳ cam kết để cải thiện chương trình đào tạo phi công của Việt Nam.

 

-------------------------------

Tin, bài liên quan

Tin Việt Nam

 

Thứ trưởng Quốc Phòng: Việt Nam thống nhất mua ba vận tải cơ C-130J của Mỹ

Trung Quốc sẽ dự triển lãm vũ khí ở Việt Nam khi hợp tác quân sự hai nước ngày càng sâu sắc

Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự với Trung Quốc

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh với Việt Nam

Việt Nam thảo luận việc mua máy bay vận tải quân sự của Mỹ  

 

 

 





NGÀNH Y TẾ VIỆT NAM : THỦ TỤC ĐẦU TIÊN VẪN LÀ TIỀN (Diễm Thi | RFA)

 



Ngành y tế Việt Nam : thủ tục đầu tiên vẫn là tiền

Diễm Thi  |  RFA
2024.12.20

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/y-te-thu-tuc-dau-tien-van-la-tien-12202024085717.html

 

Theo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi mới được ban hành, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh không cần giấy chuyển viện mà vẫn được hưởng 100% mức chi trả bảo hiểm.

 

Xóa địa giới hành chính cấp tỉnh

 

Đây được cho là một bước tiến so với quy định trước đây bởi theo luật cũ, để được thanh toán tối đa mức hưởng trên thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh phải đến khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế của người đó và khi cần lên tuyến trên phải có giấy chuyển viện của tuyến dưới.

 

Ngoài việc được lên thẳng tuyến trên không cần giấy chuyển viện cho một số trường hợp, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi còn cho phép người tham gia bảo hiểm y tế khi đi công tác, học tập hoặc làm việc… được khám, chữa bệnh tại nơi tạm trú với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương đương cơ sở ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế khi đi công tác, học tập hoặc làm việc tại đó.

 

Có thể nói, kể từ nay địa giới hành chính cấp tỉnh trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được xóa bỏ.

 

“Có tiến bộ nhưng cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam. Bộ Y tế rất sợ nếu theo yêu cầu của một số người là được vượt tuyến cho tất cả các loại bệnh thì các bệnh viện tuyến trên, những bệnh viện uy tín sẽ quá tải”, ông Phúc, một người dân ở Sài Gòn chia sẻ quan điểm của ông với RFA về sự thay đổi mới trong chính sách bảo hiểm.

 

Hệ thống bệnh viện của Việt Nam bao gồm sự kết hợp công-tư, trong đó bệnh viện công đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Theo thống kê của tổ chức WHO, Bệnh viện công ở Việt Nam được chia thành ba cấp, gồm cấp trung ương (47 bệnh viện); cấp tỉnh (419 bệnh viện) và cấp huyện (684 bệnh viện). Bên cạnh các bệnh viện công, cả nước còn có 182 bệnh viện tư, hầu hết nằm ở khu vực thành thị.

 

Vượt tuyến và quá tải tuyến trên

 

Chuyện người dân không tin vào các bệnh viện cấp tỉnh, cấp huyện, các phòng khám đa khoa ở thị xã, quận, huyện mà dồn lên các bệnh viện tuyến trung ương dẫn đến quá tải là một thực tế tại Việt Nam qua nhiều đời Bộ trưởng Y tế.

 

Thời ông Nguyễn Quốc Triệu làm Bộ trưởng Bộ Y tế, ông từng hứa trước Quốc hội là sẽ giảm tải bệnh viện trong thời gian ông tại chức, tuy nhiên sau khi mãn nhiệm kỳ, tình trạng quá tải của các bệnh viện trong các thành phố lớn chẳng những không giảm mà còn tăng hơn.

 

Trái với người tiền nhiệm chỉ hứa suông, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khi làm Bộ trưởng Y tế đã làm một cuộc vi hành để khảo sát thực trạng quá tải tại các bệnh viện nhằm tìm giải pháp giảm tình trạng này. Khi chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân phải nằm ghép chung giường, nhiều bệnh nhân lóp ngóp bò ra từ gầm giường chào đón mình, bà phải thốt lên rằng “chưa thấy một quốc gia Đông Nam Á nào, kể cả ở châu Phi mà tình trạng các bệnh viện quá tải như tại Việt Nam”.

 

Bà tuyên bố “việc giảm quá tải bệnh viện là một trong bảy nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Y tế trong nhiệm kỳ này. Bộ đã giao cho Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối phối hợp cùng các bộ phận liên quan viết dự án giảm tải bệnh viện để trình Chính phủ trong thời gian tới”. Tuyên bố của bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được đưa ra từ năm 2011, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.

 

Chuyên môn bệnh viện cấp dưới thấp hơn; thiết bị y tế cấp dưới thiếu thốn hơn; thuốc men cũng khác cấp trên nên người ta vượt tuyến. Thực tế phòng y tế cấp xã chỗ tôi có nhân viên y tế chưa học hết cấp 2. Họ khám chữa bệnh theo thói quen, nếu gặp triệu chứng khác bình thường là họ bị “hổng” liền nên người bệnh phải tự vượt tuyến”, ông Thái ở Quảng Nam chia sẻ.

 

Cơ sở vật chất lẫn chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới không thu hút được người bệnh, và khi nhà nước chưa giải quyết được chuyện quá tải bệnh viện thì chuyện xóa bỏ hoàn toàn cơ chế khám, chữa bệnh đúng tuyến mới được trả bảo hiểm là điều không thể.

Có lẽ đó là lý do vì sao luật mới giới hạn một số trường hợp được vượt tuyến.

 

Ông Phúc ở Sài gòn thì cho rằng, “tuyến quận, huyện thì máy móc hiện đại không có, trình độ chuyên môn bác sĩ không giỏi. Chỉ những bệnh viện lớn mới đầu tư những máy móc hiện đại hàng tỷ đồng. Người bệnh bây giờ nghe bệnh viện nào có máy móc hiện đại thì họ sẽ đến.”

 

Bộ Y tế mới đây đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản và thực hiện một số giải pháp để từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện, cố gắng không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện như cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ các Trạm y tế xã, phường, thị trấn; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã.

 

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến dưới, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

 

WHO cũng khuyến cáo Chính phủ nên có kế hoạch tăng cường đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở (cấp huyện và xã) để giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung ương và thúc đẩy sự phối hợp hoạt động trong toàn hệ thống y tế.

 

Theo ước tính của Bộ Y tế, hiện năng lực đào tạo bác sĩ trên cả nước vào khoảng 13.000 bác sĩ tốt nghiệp/năm. Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 33 giường bệnh và 15 bác sĩ trên 10.000 dân.

 

Người dân mong mỏi gì

 

Nói về hệ thống y tế công ở Việt Nam thì không thể không nói đến sự quá tải trong bệnh viện; đến thái độ hành xử của y, bác sĩ với bệnh nhân; đến cách chi trả của bảo hiểm y tế; đến câu “đồng tiền đi trước” trong tất cả các khâu từ lúc bước chân vô bệnh viện.

 

Bà Tuyết từ Tây Ninh lên Sài Gòn nuôi mẹ bệnh nói với RFA rằng, bà phải “đút lót” cho bác sĩ mới được chuyển viện. Bà cho đây là lỗi của nhà nước.

 

“Bệnh viện tỉnh không đầy đủ thiết bị y tế để chữa trị nên họ phải chuyển mình lên thành phố. Nhà nước phải nhìn lại, phải lo cho dân bằng cách cung cấp đầy đủ thiết bị cần thiết cho bệnh viện tuyến dưới để chữa bệnh cho dân. Không nên phân biệt tuyến dưới tuyến trên”.

 

Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ tài chính được hình thành từ nguồn đóng bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế, chi phí quản lý bộ máy của tổ chức bảo hiểm y tế và những khoản chi phí hợp pháp khác liên quan đến bảo hiểm y tế.

 

--------------

 

Bộ Y tế cần làm gì để giải quyết tình trạng bệnh viện công bị quá tải?

 

Bao giờ mới hết tình trạng bệnh viện quá tải?

 

Ngân sách Việt Nam 2024: tiếp tục tăng cho Công an, giảm đối với Y tế và Giao thông- Vận tải

-------------

 

Ông Thái ở Quảng Nam chia sẻ với RFA kinh nghiệm của bản thân ông rằng, bảo hiểm y tế chỉ giải quyết về viện phí và thuốc trong danh mục,   chứ người dân “không có tiền thì chết”. Nghĩa là đi cấp cứu mà không có tiền trong tài khoản để bệnh viện mua y cụ thì bệnh nhân không được cấp cứu và sẽ chết. Họ sợ làm xong bệnh nhân bỏ trốn không trả tiền. Ông Thái mong mỏi khi chứng kiến những bệnh nhân chết vì không có tiền là mỗi bệnh viện nên thành lập quỹ giúp người nghèo. Đó là điều thiết thực.

 

“Ngay trong bệnh viện có công tác đoàn, công tác về phong trào này phong trào khác… thay vì tổ chức những phong trào đó thì cần có phong trào thiện nguyện gây quỹ, chẳng hạn quỹ cấp cứu. Khi một bệnh nhân nghèo đến không có tiền thì có thể ứng tiền đó ra để kịp cứu sống họ. Nhìn vào bệnh viện có nhân đạo không là biết xã hội đó tốt hay không”.

 

Ông Phúc ở Sài Gòn thì đánh giá, hiện nay những bệnh thông thường được điều trị theo bảo hiểm y tế đã là tốt rồi. Còn làm sao để người bệnh được phục vụ tốt hơn thì yêu cầu bảo hiểm y tế tất cả phải dồn cho điều trị của bệnh nhân.

 

“Lúc nào họ cũng nói sợ vỡ quỹ, trong khi 80% dân số mua bảo hiểm y tế mà chỉ có những ông bà già mới chịu khó vô bệnh viện sắp hàng lãnh thuốc bảo hiểm thì làm sao mà lỗ được.”

 

Để thay đổi hệ thống y tế ở Việt Nam là bài toán nan giải bởi ngân sách cho cho ngành này quá thấp. Dự toán ngân sách 2024 cho thấy, ngành y tế bị cắt giảm khoảng 400 tỷ đồng so với năm 2023, chỉ còn hơn 7000 tỷ đồng. Trong khi ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng là 207 ngàn tỷ đồng; Bộ Công an là 113 ngàn tỷ đồng.

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

Tăng viện phí theo lương cơ sở - quy trình ra chính sách thiếu sâu sát

Ngành Y gặp khó hay chất lượng quốc gia đang xuống cấp?

“Con rắn ngậm phong bì”: biểu tượng 'văn hóa' không chỉ riêng của ngành y tế Việt Nam!

Nạn hành hung y, bác sĩ tại các bệnh viện: vì sao ngày càng nhiều?

Hàng loạt “sai phạm, yếu kém” trong Bộ Y tế bị phanh phui, nhân viên y tế bất bình

 







THỨ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG : VIỆT NAM THỐNG NHẤT MUA 3 VẬN TẢI CƠ C-130J CỦA HOA KỲ (RFA)

 



Thứ trưởng Quốc Phòng: Việt Nam thống nhất mua ba vận tải cơ C-130J của Mỹ

RFA

2024.12.18

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-mua-may-bay-van-tai-quan-su-c130j-cua-my-12182024094030.html

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến tiết lộ Việt Nam đã đồng ý mua ba chiếc vận tải cơ quân sự hạng trung C-130J của Mỹ, vô tình xác nhận lại thông tin được báo chí đưa tin hồi tháng 7 về cuộc thảo luận liên quan đến hợp đồng quân sự lớn nhất của Việt Nam khi tìm kiếm nguồn cung vũ khí khác ngoài Nga. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-mua-may-bay-van-tai-quan-su-c130j-cua-my-12182024094030.html/@@images/d56a3d3c-6cdb-4748-8d5f-260371956925.jpeg

Một chiếc vận tải cơ quân sự C-130J của Mỹ trong Triển lãm Quốc phòng Việt Nam vào ngày 19/12/2024   (Reuters)

 

Hôm 17/12, trong khi tham dự buổi tổng duyệt Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 tại Hà Nội, Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến nói chuyện với các tướng quân đội khác trước ống kính máy quay: 

 

"C-130J đã có trên 37 quốc gia, trong biên chế của 37 quốc gia." 

 

Thiếu tướng đứng cạnh trả lời: "Báo cáo với anh Tư là sẽ mua..."

 

"Không, thống nhất rồi, mua ba cái. Tối qua thống nhất như vậy. Phải thế chứ làm sao được," ông Chiến khẳng định. 

 

Đoạn video trên nằm trong cảnh quay trực tiếp của kênh Sa Bàn Quân Sự, một kênh Youtube có gần 500.000 người đăng ký theo dõi. 

 

Theo thông tin từ báo chí trong nước, Mỹ đã đem hai chiếc phi cơ cường kích A-10 và một vận tải cơ C-130J đến Hà Nội vào ngày 15/12 để tham dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần hai được tổ chức tại Việt Nam. 

 

Hồi tháng 7, hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên biết rõ về vụ việc cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam thảo luận việc mua bán máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất

 

Các nguồn tin cho biết, Mỹ có thể cung cấp cho Hà Nội trợ giúp tài chính như một phần của việc mua bán này. Một nguồn tin cho Reuters biết, khoản tiền có thể lên đến vài chục triệu đô la được chi trả cho việc bảo hành và các chi phí khác.

 

Máy bay C-130 có thể chở lính, thiết bị quốc phòng và các vật dụng khác và sẽ giúp gia tăng khả năng phòng vệ cho Việt Nam vào khi có những căng thẳng ở Biển Đông với người láng giềng Trung Quốc.

 

Theo một bài viết trên trang web của Không lực Hoa Kỳ (af.mil), một chiếc vận tải cơ C-130J có giá 75.5 triệu đô la vào năm 2017. 

___________

 

Việt Nam thảo luận việc mua máy bay vận tải quân sự của Mỹ

Bàn giao năm máy bay huấn luyện, Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng tự chủ

Chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Phan Văn Giang: Việt Nam có thể mua máy bay chiến đấu mới?

___________

 

Tin, bài liên quan

Tin Việt Nam

 

Mỹ hướng đến trang bị cho Việt Nam đủ khả năng bảo vệ toàn diện lợi ích quốc gia

Bàn giao năm máy bay huấn luyện, Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng tự chủ

Trung Quốc sẽ dự triển lãm vũ khí ở Việt Nam khi hợp tác quân sự hai nước ngày càng sâu sắc

Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự với Trung Quốc

Việt Nam thảo luận việc mua máy bay vận tải quân sự của Mỹ

 

 







KHI "LUẬT TRỜI" VÀ "LUẬT ĐỜI" GIAO NHAU (GS-TS Nguyễn Đình Cống / RFA)

 



Khi “luật trời” và “luật đời” giao nhau

Bình luận của GS – TS Nguyễn Đình Công
2024.12.20

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/han-quoc-yoon-suk-yeol-vo-van-thuong-so-sanh-12182024130538.html

 

Có một sự khác nhau rất căn bản giữa hai nước: ở Hàn Quốc, người dân là lực lượng tham gia tích cực vào tiến trình thay đổi. Ngược lại, ở Việt Nam, người dân chỉ đóng vai là những khán thính giả thụ động, ngồi xem cuộc đấu đá trên cung đình như đi xem kịch trong rạp hát. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/han-quoc-yoon-suk-yeol-vo-van-thuong-so-sanh-12182024130538.html/@@images/95faffd4-ddb3-4889-919c-ca12e7f1b12e.jpeg

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Chủ tịch Võ Văn Thưởng bắt tay tại lễ đón ở Phủ Chủ tịch tại Hà Nội hôm 23/6/2023.    (Nhac NGUYEN / AFP)

 

Tiếng gõ cửa của Định mệnh 

 

Hàn Quốc là một trong những nước dân chủ năng động nhất châu Á. Từ thập niên 1980, nước này chuyển từ chế độ quân phiệt sang dân chủ, đánh dấu thời kỳ chính trị sôi động với nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn. Hệ thống dân chủ mở rộng quyền giám sát và yêu cầu minh bạch đối với lãnh đạo tối cao, và điều này đã làm lộ diện hàng chục nguyên thủ quốc gia xứ “Kim Chi” mắc các bê bối tham nhũng. Bà Park Geun-hye, nữ Tổng thống bị phế truất và bỏ tù năm 2017 là một trong những minh chứng rõ ràng cho truyền thống khắt khe này. Vụ bê bối chính trị của bà được xem là cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong nhiều năm liền trên chính trường Hàn Quốc, đồng thời dẫn đến việc bắt giữ và truy tố nhiều "ông lớn" của kinh tế Hàn Quốc, trong đó phải kể tới Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong (1). 

 

Các Tổng thống Hàn Quốc khác không chỉ chịu trách nhiệm trước luật pháp, mà còn bị áp lực từ dư luận xã hội. Có người đã phải quyên sinh để bảo toàn danh dự. Điều này tạo nên một chu kỳ “lên voi, xuống ngựa” không ngừng, một biểu hiện rõ rệt nhất của “luật trời”. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc vừa cho biết sẽ tổ chức phiên xử sơ bộ đầu tiên về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol theo yêu cầu của Quốc hội vào ngày 27/12 tới đây (2). Các thầy phong thủy cho biết vị trí của Nhà Xanh bị cắt ngang bởi các luồng năng lượng tự nhiên bất lợi, hay còn gọi là “chi”, mang lại vận rủi và sức khỏe kém cho những người sống ở đó. Vì thế, Tổng thống Yoon Suk-yeol chắc chắn không phải là người đầu tiên đã cố gắng di dời Văn phòng Tổng thống mà ngược lại, ý tưởng này đã được thảo luận trong nhiều năm trước đó (3). Mặc dầu vậy, ông cũng không phải là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên chứng kiến sự nghiệp chính trị của mình lao tới bờ vực (4).  

 

Ngược lại, ở Việt Nam, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là thành viên “Bộ Tứ” đầu tiên bị “luận tội trá hình”. Đảng cho ông về vườn, nhưng chỉ đảng viên cao cấp biết với nhau tội danh thực sự của ông. Đấy cũng là hình thức đặc thù của chế độ toàn trị, được xây dựng trên nền tảng quyền lực tối cao và tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Thời gian gần đây, chiến dịch “đốt lò” do Tổng Bí thư Tô Lâm thừa kế từ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc xử lý “không có vùng cấm” kể cả trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Một loạt các thành viên trong “Bộ tứ”, “Bộ ngũ”, từ Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng đến Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình… tất cả đều đã hoặc sẽ bị kỷ luật cảnh cáo. Chiến dịch này rõ ràng đang làm rúng động cả các cá nhân nắm quyền lực trên thượng tầng. Uy và thế của Tổng Tô ngày càng lớn, không hề suy yếu. Hai đối thủ cạnh tranh ghế Tổng Bí thư với ông là Phạm Minh Chính và Lương Cường, ngoài yếu tố Trung Quốc, không có sức mạnh khả dĩ nào để đối đầu với Tô Tổng, đúng như bình luận của Gió Bấc (5). 

 

Lời cảnh tỉnh mọi chính khách 

 

Dù mang văn hóa chính trị khác biệt – một bên là dân chủ nghiêm cẩn, một bên là toàn trị khép kín – các lãnh đạo của hai quốc gia này đều không tránh khỏi sự phán xét nghiêm khắc của “luật đời” và “luật trời”. Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng cao. Một khi nhà lãnh đạo phạm phải sai lầm, dù ẩn nấp trong vỏ bọc dân chủ hay độc tài, định mệnh sẽ gõ cửa, như khúc nhạc Rhasody cuồng nhiệt trong bản giao hưởng số 5 của Beethoven: mạnh mẽ và không thể chối từ. Đẩy công chúng vào thế giới tâm linh và những suy đoán mãnh liệt… Một câu chuyện thú vị trong văn hóa dân gian Việt Nam minh họa cho điều này. Chuyện kể rằng, vào chuyến thăm Hà Nội của ông Yoon, ông đã ngồi cùng với ông Thưởng trên một chiếc ghế gãy bên Hồ Hoàn Kiếm – một địa danh linh thiêng (6). Có thể câu chuyện chỉ là hư cấu, nhưng hình ảnh ấy đã phần nào phản ánh mối nguy hiểm luôn rình rập những người đứng đầu, không chỉ từ các quy trình chính trị mà còn từ niềm tin tâm linh của người dân.  

 

Triết lý nói trên khiến các Tổng thống Hàn Quốc phải thường xuyên đối mặt với những áp lực chính trị nặng nề, và không ít người đã phải rời nhiệm sở trong tình trạng thân bại danh liệt. Ngược lại, ở Việt Nam, quyền lực được ban tặng bởi Đảng và hệ thống, nhưng sự đấu đá nội bộ và “những luật ngầm” trong bộ máy cũng không ít lần trở thành nguyên nhân khiến các lãnh đạo cấp cao vướng vào bi kịch cá nhân. Cả hai con đường quyền lực này, dù khởi đầu khác biệt, cuối cùng đều bị chi phối bởi “luật trời” – một sự trừng phạt không khoan nhượng đối với những ai vi phạm quy tắc đạo đức và luật lệ của cuộc đời. Nhưng có một sự khác nhau rất căn bản giữa hai nước, ở Hàn Quốc, người dân là lực lượng tham gia tích cực vào tiến trình thay đổi. Ngược lại, ở Việt Nam, người dân chỉ đóng vai là những khán thính giả thụ động, ngồi xem cuộc đấu đá trên cung đình như đi xem kịch trong rạp hát. Tuy nhiên, hình tượng thanh gươm Damocles – luôn treo lơ lửng trên đầu những người nắm quyền – vẫn là lời nhắc nhở rằng quyền lực không bao giờ tách rời trách nhiệm và nguy cơ. Các chính khách, dù là tổng thống ở quốc gia dân chủ hay các lãnh đạo tối cao ở chế độ độc tài, đều không nên quên rằng họ đang đứng trên đỉnh vực sâu.  

 

“Thanh gươm Damocles” có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, khi lãnh đạo vướng vào tội lỗi. Điều này minh họa rõ bản chất của quyền lực: Nó không chỉ là công cụ để tạo nên thay đổi, mà còn là một thách thức lớn đối với đạo đức và lòng kiên định của chính khách. Những nhà lãnh đạo như Tổng thống Yoon Suk Yeol, các cựu Chủ tịch Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ… đều đã trải nghiệm sự thật này. Họ đã nhận ra rằng bất kỳ sai sót nào trong quá trình nắm quyền đều có thể trở thành nguyên nhân khiến họ đánh mất tất cả – từ danh tiếng cho đến vị trí quyền lực. Một vế thơ nổi tiếng “Trời không có thiên thần/ Đất không có thánh nhân/ Chỉ có nhân dân là thần thánh…” (7) chính là lời nhắc nhở cho các nhà lãnh đạo. Nhân dân không chỉ là nguồn gốc quyền lực, mà còn là những người trực tiếp chịu tác động từ các quyết định của chính quyền. Sự bất mãn của họ, ở các nước dân chủ, có thể là động lực mạnh mẽ để sửa sai, nhưng cũng có thể trở thành cơn sóng thần cuốn phăng mọi thứ. Nhìn lại câu chuyện “lên voi xuống ngựa”, bài học chung là: Quyền lực chỉ là công cụ, nó luôn đi kèm với trách nhiệm lớn lao. Nếu quyền lực bị lạm dụng hoặc sử dụng sai cách, nó sẽ không chỉ kéo theo sự sụp đổ của một cá nhân, mà còn làm tổn thương cả một quốc gia. 

 

---------------------------- 

Tham khảo:  

 

(1) https://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/Park-Geun-hye-Tu-nu-Tong-thong-5-nhat-den-pham-nhan-sau-song-sat-nha-tu-i471107/ 

 

(2) https://vietnamnet.vn/toa-an-hien-phap-han-quoc-chot-ngay-bat-dau-luan-toi-tong-thong-yoon-2352966.html 

 

(3) https://cand.com.vn/hau-truong/tong-thong-dac-cu-han-quoc-yoon-suk-yeol-roi-nha-xanh-vi-che-phong-thuy-xau-i647883/ 

 

(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx2vyzk2rzdo 

 

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/nguyen-xuan-phuc-truong-hoa-binh-to-lam-canh-cao-xu-ly-12142024093107.html 

 

(6) https://www.datviet.com/vo-van-thuong-ngoi-ghe-gay-va-gay-ghe/ 

 

(7) https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tho-to-huu-kho-k-uc-the-loai-cua-van-hoc-hien-thuc-x-hoi-chu-nghia-2/ 

 

---------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

---------------------

Tin, bài liên quan

Blog

 

Chiến dịch cắt giảm quốc tang

Vì sao Tô Lâm cảnh cáo Vương Đình Huệ?

Tô Đại tướng chọn “quân bài domino” nào tiếp theo?

Tìm người kế vị Tổng bí thư Đảng đang bị mắc kẹt trong “cái bẫy tham nhũng”?

Yếu tố miền Nam của ông Võ Văn Thưởng: Thuận lợi hay bất lợi?

 







VỊNH HẠ LONG TRƯỚC NGUY CƠ BỊ LOẠI KHỎI DANH SÁCH DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI (RFA)

 



Vịnh Hạ Long trước nguy cơ bị loại khỏi danh sách di sản thiên nhiên thế giới

RFA

2024.12.20

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) sẽ cử chuyên gia đến đánh giá các nguy cơ bảo tồn Vịnh Hạ Long vì lo ngại các dự án phát triển ở khu vực này đang đe doạ Vịnh. Cuộc điều tra nếu dẫn đến những trừng phạt có thể khiến Vịnh Hạ Long không còn nằm trong danh sách di sản thiên nhiên thế giới. Reuters dẫn thông tin từ UNESCO cho biết tin này hôm 20/12.

Vịnh Hạ Long   (AFP PHOTO)

Vịnh Hạ Long nằm sát quần đảo Cát Bà với những đảo đá vôi vừa có một lễ kỷ niệm 30 năm ngày được UNESCO vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới.

Từ khi được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long trở thành nơi thu hút đông đảo hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, góp phần gia tăng doanh thu cho ngành du lịch, đóng góp 8% GDP của cả nước.

Tuy nhiên, UNESCO tỏ ra lo ngại trước “nhiều dự án phát triển cho du lịch mới và các khu vực dân cư đô thị dọc bờ biển của TP hạ Long đã được phê duyệt và thực hiện” mà không có đánh giá ảnh hưởng hợp lý.

Gần đây, cư dân mạng ở Việt Nam đăng tải các hình ảnh về một công trình du lịch ở Vịnh Cát Bà của Tập đoàn Sun Group. Những hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy một phần của Vịnh đang bị san lấp nhanh chóng. Nhiều người bày tỏ lo lắng vì cho rằng dự án này đang tàn phá thiên nhiên.

“Nếu những mối đe doạ được phát hiện phá hỏng sự toàn vẹn của di sản và những lý do đã được đề cập trong Danh sách Di sản Thế giới, Hội đồng đánh giá sẽ đề nghị có biện pháp sửa chữa để tăng cường việc bảo vệ khu vực” – UNESCO cho biết.

Đoàn làm việc tới Vịnh Hạ Long trong  thời gian vài tháng tới sẽ bao gồm các chuyên gia từ UNESCO và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá của Việt Nam vẫn chưa đưa ra bình luận gì về thông tin mới này.

————————-

Tin, bài liên quan

Tin Việt Nam

Vịnh Hạ Long mất sắc xanh tuyệt đẹp

Việt Nam được bầu vào Uỷ ban Di sản Thế giới giữa lúc Vịnh Hạ Long bị liệt vào danh sách “không nên tới”

Tạp chí Mỹ khuyên khách du lịch không nên đến Vịnh Hạ Long vì quá nhiều rác

Chính phủ yêu cầu kiểm tra dự án khu đô thị ở Vịnh Hạ Long

Chủ đầu tư dự án đô thị mới ở khu vực Vịnh Hạ Long bị phạt tiền

.

.

TẠI SAO QUỐC CA VIỆT NAM CỘNG HÒA LẠI LÀ MỘT BÀI HÁT CỦA MỘT ĐẢNG VIÊN CỌNG SẢN (Bạch Diện Thư Sinh  -  Nghiên Cứu Lịch Sử)

 



Tại sao Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa lại là một bài hát của một Đảng viên Cộng Sản  

Bạch Diện Thư Sinh  -  Nghiên Cứu Lịch Sử

Tháng Bảy 13, 2015

https://nghiencuulichsu.com/2015/07/13/tai-sao-quoc-ca-viet-nam-cong-hoa-lai-la-mot-bai-hat-cua-mot-dang-vien-cong-san/

 

Tại sao Việt Nam Cộng Hòa lại lấy một bài hát của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, một Đảng viên Cộng Sản, để làm bài Quốc ca ? Để góp phần giải tỏa phần nào thắc mắc, trước hết, nên tìm về lai lịch khá đặc biệt của bài hát danh tiếng này.

 

Bối cảnh 

 

Nửa đầu Thế kỉ 20, cả Đông Dương thuộc Pháp (Việt-Miên-Lào) chỉ có một Đại học mang tên Đại Học Đông Dương (Université de L’Indochine) tại Hà Nội.  Hồi những năm 1940, có khoảng trên 800 sinh viên theo học ở đây, bao gồm phân nửa là sinh viên Việt Nam, còn lại là các sinh viên Miên, Lào, Pháp và có cả một ít sinh viên Tầu và vài nước Đông Nam Á nữa.

Thời đó, chỉ có con nhà khá giả mới có tiền học lên Đại học, nhất là phải đi học xa nhà.  Nói chung, hầu hết các sinh viên này chỉ lo “giật” lấy mảnh bằng để sau này có địa vị, có tiền bạc theo nguyện vọng của cha mẹ và gia đình họ.

 

Tuy nhiên, vẫn có một số sinh viên biết đặt dân tộc và đất nước lên trên những lợi lộc vật chất và công danh, sự nghiệp bản thân.  Do đã lĩnh hội được tư tưởng khai phóng và tinh thần cách mạng Pháp, họ hiểu biết về các quyền lợi căn bản của người dân, như các quyền bình đẳng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại… và hiểu như thế nào là chế độ thực dân, là áp bức bóc lột, là độc lập, tự do, dân chủ… cho nên họ đã đem những kiến thức mới mẻ ấy để nâng nhiệt tình yêu nước của chính mình lên một bước trưởng thành mới; sau đó, họ dùng báo chí, ca, kịch để khơi dậy lòng ái quốc và thúc giục đồng bào đứng lên chống lại thực dân Pháp, giành lại độc lập cho nước nhà.

 

Một điều khá lí thú là những sinh viên hoạt động văn hóa, văn nghệ hăng say và đều đặn nhất trong thời điểm ấy là nhóm sinh viên từ Miền Nam ra học tại Hà Nội, như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Tôn Hoàn, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Văn Khê, Phan Thanh Hòa, Đặng Ngọc Tốt, Nguyễn Thành Nguyên, Nguyễn Tú Vinh, Nguyễn Văn Thiêm, Hồ Văn Huê, Nguyễn Mỹ Ca, Phan Thị Bình, Nguyễn Thị Thiều…

 

Xuất sắc nhất trong số các sinh viên hoạt động văn nghệ thời đó là Sinh viên Lưu Hữu Phước.  Một mình Sinh viên Lưu Hữu Phước đã sáng tác ra nhiều bài hát ái quốc vượt thời gian, như Tiếng Gọi Sinh Viên, Người Xưa Đâu Tá, Bạch Đằng Giang (lời của Mai Văn Bộ), Ải Chi Lăng (lời của Mai Văn Bộ), Hội Nghị Diên Hồng, Hát Giang Trường Hận (Hồn Tử Sĩ), Xếp Bút Nghiên …

 

Đây là những bài hát có tính cách lịch sử, đã làm bừng sống dậy tình yêu quê hương đất nước.

 

 

Bài Sinh Viên Hành Khúc

 

Bài Sinh Viên Hành Khúc (La Marche des Étudiants) là bài hát có lịch sử rất đặc biệt.  Bài được sáng tác năm 1939, nhạc của Lưu Hữu Phước, lời tiếng Pháp của Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ và được chọn là bài hát của Câu Lạc Bộ Học Sinh Petrus Ký (chưa tìm thấy lời tiếng Pháp đầu tiên này).  

 

Từ khi ra đời, phần nhạc của bài hát không thay đổi, nhưng phần lời sẽ lần lượt được sửa chữa bởi tác giả, bởi các bạn sinh viên và sau này còn được sửa chữa coi như mới hẳn theo mục tiêu và chính kiến khác nhau của các tập thể chọn lựa bài hát này. Bài hát cũng sẽ mang các tên khác nhau:  Sinh Viên Hành Khúc, Tiếng Gọi Sinh Viên, Thanh Niên Hành Khúc, Tiếng Gọi Thanh Niên, Quốc Dân Hành Khúc,Tiếng Gọi Công Dân.

 

Trước hết, theo Ts. Trần Quang Hải và Báo Chuông Việt thì Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đặt lời tiếng Việt đầu tiên cho bài hát trước 1940, hồi còn là học sinh ở Sài Gòn với câu mở đầu : “Này anh em ơi ! Chúng ta kết đoàn hùng tráng. Đồng lòng cùng nhau, ta đi kiếm nguồn tươi sáng…“.   Khi ra học ở Đại Học Đông Dương, Hà Nội, khoảng 1940 – 1941, ông lại sửa chữa đôi chút với lời mới như sau : “Nào anh em ơi ! Tiến lên đến ngày giải phóng.  Đồng lòng cùng nhau, ta đi sá gì thân sống… ” và đặt tên cho bài hát là “Sanh Viên Hành Khúc” (Nguyễn Vĩnh Tráng.  Lời mới cho bài hát “Tiếng gọi thanh niên” dẫn theo DT Pho Rum của Đặc Trưng, năm 2000, với tài liệu lấy ở “Âm Nhạc Việt Nam ” của Trần Quang Hải, 1989, và Báo Chuông Việt 1966.  Chimviet,free.fr.).

 

Từ chỗ ít người biết đến, bài hát đã được một nhóm sinh viên đem ra hát công khai trong những buổi đi cắm trại hoặc đi viếng những địa danh lịch sử.  Và vì phần lời bằng tiếng Việt lúc đầu còn “thô kệch”, lại bị Sở Mật Thám Pháp làm khó dễ do nội dung thôi thúc sinh viên đứng lên đấu tranh giải phóng đất nước, cho nên các bạn sinh viên đã phải sửa lại lời cho trôi chảy hơn cũng như phải “đấu tranh” với cơ quan kiểm duyệt để bài hát trở thành hợp pháp, và sau đó được Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương (Association Générale des Étudiants Indochinois, viết tắt A.G.E.I.) chọn làm bài hát chính thức với danh xưng là “Sinh Viên Hành Khúc” hay “Tiếng Gọi Sinh Viện”, mở đầu bằng: “Nầy Sinh Viên ơi ! Đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi, đi đi mở đường khai lối… “.

 

Việc các sinh viên thuộc Tổng Hội Sinh Viên phân công nhau soạn ra phần lời mới cho bài Sinh Viên Hành Khúc được Gs. Nguyễn Ngọc Huy thuật lại với khá nhiều chi tiết.  Theo ông, chiều ngày 15 tháng 3 năm 1942, Tổng Hội Sinh Viên tổ chức tại Đại Giảng Đường của Viện Đại Học một buổi ca hát để lấy tiền giúp các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện được dùng làm nơi thực tập cho các sinh viên Khoa Y Dược.  Nhân dịp này, Tổng Hội Sinh Viên muốn tung ra một bài hát đặc biệt để làm bài hát chính thức của Tổng Hội. Trưởng Ban Âm Nhạc của Tổng Hội lúc đó là Sv. Nguyễn Tôn Hoàn nhận thấy nhạc điệu bài La Marche des Étudiants của Sv. Lưu Hữu Phước “có tánh cách khích động tinh thần tranh đấu hơn hết” nên đã chọn để làm phần nhạc cho bài hát chính thức của Tổng Hội Sinh Viên, lấy tên là Sinh Viên Hành Khúc và giao cho một Ủy ban soạn phần lời cho bản nhạc này.  Ủy Ban gồm có các Sinh viên Đặng Ngọc Tốt, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Thành Nguyên, Phan Thanh Hòa, Hoàng Xuân Nhị. (Gs. Nguyễn Ngọc Huy. Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam.  TTXVA.  Xem thêm bài Ký Ức Về Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê và Tổng hội Sinh viên Việt Nam của Ls. Lâm Lễ Trinh.  Vietnam Weekly News, Số 952, 27.7.2007).

 

 

Sinh viên Hành khúc

 

I.
Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi!
Đồng lòng cùng đi, đi, mở đường khai lối
Vì non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên,
Nào anh em Bắc Nam! Cùng nhau ta kết đoàn!
Hồn thanh xuân như gương trong sáng,
Đừng tiếc máu nóng, tài xin ráng!
Thời khó, thế khó, khó làm yếu ta,
Dầu muôn chông gai vững lòng chi sá
Đường mới kíp phóng mắt nhìn xa bốn phương,
Tung cánh hồn thiếu niên ai đó can trường

Điệp khúc:
Sinh viên ơi! Ta quyết đi đến cùng!
Sinh viên ơi! Ta thề đem hết lòng!
Tiến lên đồng tiến! Vẻ vang đời sống!
Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!

II.
Này sinh viên ơi! Dấu xưa vết còn chưa xoá!
Hùng cường trời Nam, ghi trên bảng vàng bia đá!
Lùa quân Chiêm nát tan, thành công Nam tiến luôn,
Bình bao phen Tống Nguyên, từng ca câu khải hoàn
Hồ Tây tranh phong oai son phấn,
Lừng tiếng Sát Thát Trần Quốc Tuấn
Mài kiếm cứu nước nhớ người núi Lam,
Trừ Thanh, Quang Trung giết hằng bao đám
Nòi giống có khí phách từ xưa chớ quên,
Mong đến ngày vẻ vang, ta thắp hương nguyền
(Điệp khúc)

III.
Này sinh viên ơi! Muốn đi đến ngày tươi sáng,
Hành trình còn xa, chúng ta phải cùng nhau gắng!
Ngày xưa ai biết đem tài cao cho núi sông,
Ngày nay ta cũng đem lòng son cho giống dòng
Là sinh viên vun cây văn hoá,
Từ trước sẵn có nhiều hoa lá
Đời mới kiến thiết đáp lòng những ai
Hằng mong ta ra vững cầm tay lái
Bền chí quyết cố gắng làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!
(Điệp khúc)

 

Phần lời tiếng Việt chỉ thích hợp với các sinh viên Việt Nam, do đó, để toàn thể sinh viên Đại học Đông Đương, gồm cả Pháp, Miên, Lào, có thể hát chung một bài hát. Ủy ban soạn lời đã viết thêm phần lời bằng tiếng Pháp và lấy lại tên cũ là La Marche des Étudiants.

 

La Marche des Étudiants

Étudiants! Du sol l’appel tenace
Pressant et fort, retentit dans l’espace.
Des côtes d’Annam aux ruines d’Angkor,
À travers les monts, du sud jusqu’au nord,
Une voix monte ravie:
Servir la chère Patrie!
Toujours sans reproche et sans peur
Pour rendre l’avenir meilleur.
La joie, la ferveur, la jeunesse
Sont pleines de fermes promesses.
Điệp khúc:
Te servir, chère Indochine,
Avec cœur et discipline,
C’est notre but, c’est notre loi
Et rien n’ébranle notre foi!

 

Sau buổi trình diễn ca nhạc chiều ngày 15.3.1942 thành công mĩ mãn, bài Sinh Viên Hành Khúc được công nhận là bài hát chính thức của Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Đông Dương.  Từ đó, các sinh viên trong Ban Âm Nhạc tiếp tục phổ biến bài hát này cho công chúng Hà Thành trong những buổi trình diễn tại Rạp Olympia, qua tiếng hát xuất sắc của hai Sinh viên Phan Thị Bình và Nguyễn Thị Thiều.  Hai sinh viên này cũng từ Miền Nam ra Hà Nội học Ngành Nữ Hộ Sinh (École des Sage-femmes) tại Bệnh viện René Robin.

 

Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1942, bài Sinh Viên Hành Khúc lại được các sinh viên Đại Học Đông Dương ca lên hùng tráng ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ), nơi tọa lạc Đền Hùng.

 

Sau Hà Nội, các sinh viên đã đưa bài Sinh Viên Hành Khúc trở lại Miền Nam để trình diễn tại Nhà Hát Lớn Sài Gòn và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

 

Sau buổi trình diễn ca nhạc tại Đại Giảng Đường Trường Đại học ngày 15.3.1942, mùa hè năm đó, Tổng Hội Sinh Viên lại tổ chức lễ mãn khóa cho các sinh viên tốt nghiệp tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, có Toàn Quyền Đông Dương Decoux (Le Gouverneur Général de l’Indochine) và nhiều viên chức người Pháp đến dự.  Lễ khai mạc bắt đầu, tất cả mọi người đứng lên nghiêm chỉnh, Ban Nhạc Hải Quân Pháp (Orchestre de la Marine) trổi Bài Quốc Ca Pháp La Marseillaise.  Tiếp ngay sau đó, ban nhạc cử Bài La Marche des Étudiants.  Nhạc tấu hùng tráng, lôi cuốn, hớp hồn, khiến Toàn Quyền Pháp và toàn thể cử tọa vẫn đứng nghiêm như đang chào Quốc Kì của một Quốc gia.  Nghi lễ khai mạc trang trọng chấm dứt, chương trình văn nghệ mới bắt đầu.

 

Bs. Nguyễn Lưu Viên, cựu sinh viên Đại Học Đông Dương, cũng kể về một buổi lễ diễn ra tương tự vào ngày 03.3.1945, chỉ có 6 ngày trước khi chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam bị quân đội Nhật đảo chính ngày 09.3.1945 (Bs. Nguyễn Lưu Viên.  Những Kỷ Niệm Với Bài Quốc Ca Của VNCH.  Tập San Y Sĩ Tháng 4.2008).

 

Đến năm 1945, tổ chức Thanh Niên Tiền Phong ra đời ở Miền Nam, họ cũng chọn bài này làm bài hát chính thức của tổ chức và đổi tên là Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên.

https://youtu.be/I7eM_Mt_Xm8

 

Khi bài hát mang tên Thanh Niên Hành Khúc thì thay 2 chữ “sinh viên” bằng 2 chữ “thanh niên” mà thôi.

 

Sau khi Vua Bảo Đại thoái vị, ngày 30.8.1945, Hồ Chí Minh cho đưa Cựu Hoàng ra Hà Nội và phong cho ông chức cố vấn.  Nhưng đến ngày 16.3.1946, Ông Hồ “cho” Cựu Hoàng tháp tùng phái đoàn Nghiêm Kế Tổ đi du lịch Nam Kinh, rồi ông “khuyên” Cựu Hoàng nên ở lại Tầu.  Vì thế, Cựu Hoàng mới đi Côn Minh rồi tới Hong Kong.  Năm 1947, Pháp bắt đầu muốn dùng con bài Bảo Đại và nhiều buổi tiếp xúc, nhiều cuộc vận động chính trị diễn ra bận rộn suốt năm 1947.  Trong một cuộc hội nghị tại Hồng Kông do Cựu hoàng Bảo Đại triệu tập, có sự tham dự của một số nhân sĩ và đại diện các tôn giáo, các đảng phái, Bs. Nguyễn Tôn Hoàn đã đề nghị hội nghị lấy bài Thanh Niên Hành Khúc của Ns. Lưu Hữu Phước làm bài Quốc Ca của Quốc Gia Việt Nam và đổi tên thành Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân.  Hội nghị chấp thuận.  Do đó, khi Chính phủ Nguyễn Văn Xuân ra đời tại Sài Gòn vào ngày 02.6.1948 thì bài Tiếng Gọi Công Dân nghiễm nhiên trở thành bài Quốc Ca.

 

Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa khai mạc vào tháng 3 năm 1956, một trong những nhiệm vụ của Quốc Hội Lập Hiến là chọn Quốc Kì và Quốc Ca.  Một số nhạc sĩ đã tham dự cuộc thi tuyển Quốc Ca, như  Phạm Duy với bài Chào Mừng Việt Nam, Hùng Lân với 2 bài Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam và Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Ngô Duy Linh với bài Một Trời Sao, Ngọc Bích và Thanh Nam với bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống (xin xem Biển Nhớ.  Quốc Ca VNCH ra đời như thế nào. Dactrung.com).

 

Mặc dù bài Minh Châu Trời Đông của Nhạc sĩ Hùng Lân được coi là sáng giá hơn và đã từng được Quốc Dân Đảng dùng làm Đảng Ca từ năm 1945, nhưng cuối cùng Quốc Hội Lập Hiến lại chọn bài Quốc Ca mà Chính phủ Nguyễn Văn Xuân (và cả Chính phủ Nguyễn Văn Tâm) đã chọn trước đó, rồi ra lệnh cho nhân viên Đài Phát Thanh Sài Gòn giữ nguyên phần nhạc, nhưng phải sửa lại lời ca cho phù hợp với giai đoạn mới và vận hội mới của đất nước, cũng lấy tên là Tiếng Gọi Công Dân.

 

https://nghiencuulichsu.com/wp-content/uploads/2015/07/quoc_ca_mien_nam_viet_nam1.jpg

Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa

 

Này Công Dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương lai Quốc Dân, cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dù cho phơi thây trên gươm giáo,
Thù nước, lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người Công Dân luôn vững bền tâm trí.
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!
Công Dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!
Công Dân ơi! Mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống
Xứng danh nghìn năm giòng giống Lạc Hồng!

 

Đó là bài Quốc Ca của cả hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa.

 

Ngày 30.4.1975, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, người ta lấy lại tên cũ cũng như phần lời của bài Tiếng Gọi Thanh Niên như thời Thanh Niên Tiền Phong 1945.

 

Tại sao Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa lại là một bài hát của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, một Đảng viên Cộng Sản?

 

Chẳng riêng gì giới trẻ ngày nay, mà cả những người dân Miền Bắc, nhất là các Đảng viên Cộng Sản đều không thể hiểu nổi, tại sao Miền Nam tự do có thiếu gì nhạc sĩ tài ba, thiếu gì bài hát hay với đầy đủ ý nghĩa, mà lại lấy ngay một bài hát của anh Cộng sản Lưu Hữu Phước để làm Quốc ca?

 

Chính Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, từ năm 1949, đã viết thư kịch liệt phản đối mạnh mẽ về việc này và sau đó, trong thời chiến tranh Nam Bắc, từ Hà Nội, Ns. Lưu Hữu Phước từng lên Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội) liên tục bác bỏ, giễu cợt và cả mắng nhiếc về việc bài hát Sinh Viên Hành Khúc của ông “vẫn cứ bị người bên kia chiến tuyến sử dụng vào một mục đích khác!”.

 

 

Thiển nghĩ, có thể luận giải vấn nạn này như sau:

 

Một:

Lí do đầu tiên khiến cho bài Sinh Viên Hành Khúc (Tiếng Gọi Sinh Viên, Thanh Niên Hành Khúc, Tiếng Gọi Thanh Niên) của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được Quốc Hội Lập Hiến VNCH chọn làm bài Quốc ca chính là vì giá trị nổi bật của bài hát đó.

 

Những ai đã biết bài Quốc ca Pháp, La Marseillaise, sẽ thấy bài này mang hơi hướng của bài Quốc Ca Pháp.  Điều đó là tự nhiên, bởi vì, thời đó, người Pháp đã ở nước ta xấp xỉ 80 năm, ảnh hưởng văn minh, văn hóa Pháp phổ biến khắp nơi, nhất là đối với giới trẻ theo Tây học như Lưu Hữu Phước và các bạn đồng trang lứa của ông.  Bài La Marseillaise được coi là mẫu mực của loại “Hành Khúc Âu Châu”, là bài hát đầu tiên trong thể loại này ở Âu châu.  Vì thế, cũng như bài La Marseillaise, nhạc điệu bài Sinh Viên Hành Khúc sáng tác theo thể loại hành khúc mạnh mẽ, dồn dập; còn lời thì réo gọi, thôi thúc, nhất là Điệp khúc uy lực như như một quân lệnh thét gọi tiến lên, hiến thân diệt thù, cứu nước.

 

Hai:

Bất cứ tác phẩm văn nghệ hoặc công trình nghiên cứu nào đã công khai xuất bản đều nhắm vào sự hưởng dụng của mọi người.  Như thế, mặc nhiên tác phẩm ấy thuộc về quần chúng và quần chúng có quyền xử dụng, miễn là không tìm cách kinh doanh kiếm lợi một cách trái phép hoặc chủ ý đạo văn, vi phạm tác quyền của tác giả.  Từ đó suy luận, Quốc Hội Lập Hiến VNCH chọn bài nhạc của Ns. Lưu Hữu Phước để làm Quốc ca là một vinh dự lớn cho Nhạc sĩ, bởi vì bài hát của ông đã được xử dụng nhằm mục đích chung cao cả, tốt đẹp, thúc giục lòng yêu nước, yêu đồng bào một cách vô vị lợi và luôn luôn nói rõ Ns. Lưu Hữu Phước là tác giả chứ không phải là bất cứ ai khác.

 

Về luận giải này đã có 2 tiền lệ nổi tiếng, một tại Việt Nam, một tại Pháp:

 

Tiền lệ tại Việt Nam:  Tác giả Xuân Ba viết trên mạng kể về một kỉ niệm “hằn trong tâm trí” với Nhạc sĩ Văn Cao vào năm 1991 như sau:  “Cũng chợt nhớ lần hầu chuyện trưa đó, khi chúng tôi gạn rằng, về nhạc và lời của Tiến Quân Ca (Quốc ca của Cộng Sản VN) nếu giờ cho biên tập lại, nhạc sĩ sẽ thêm bớt ở đoạn nào?”  Ông cười, lắc đầu: “Ngay trong cái đêm tình cờ lần đầu được nghe Tiến Quân Ca trong một ngõ vắng, tôi có nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa hoàn chỉnh nhưng bài hát đã in ra rồi, bài hát đã phổ biến và không còn là của riêng tôi nữa…” (Xuân Ba.  Sửa Lời Quốc Ca. tienphong.vn).

 

Tiền lệ tại Pháp:  Trong bài Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam, Gs. Nguyễn Ngọc Huy thuật lại lai lịch bài La Marseillaise, tức là bài Quốc ca của nước Pháp.  Tác giả bài Quốc ca nước Pháp là viên sĩ quan bảo hoàng Rouget de Lisle.  Ông sáng tác bài này vào năm 1792 dưới thời Vua Louis XVI.  Năm sau, 1793, nhà vua bị Cách mạng Pháp xử tử và Rouget de Lisle cũng bị bắt vì tội theo phe bảo hoàng và cũng đã bị lên án tử hình.  May mắn có Ông Lazare Carnot là Ủy viên Quốc phòng của Hội Đồng Cách Mạng muốn cứu mạng Rouget, vì cả hai cùng xuất thân từ một binh chủng.  Ông Lazarre đề nghị Rouget tuyên thệ trung thành với Cách Mạng, nhưng Rouget cự tuyệt, thà chết chứ dứt khoát không phủ nhận lí tưởng bảo hoàng của mình.  Cuối cùng Rouget de Lisle thoát chết chỉ vì Chính phủ Cách Mạng của tay đại khủng bố Robespierre bị lật đổ trước khi bản án tử hình Rouget de Lisle kịp thi hành.  Sau năm 1793 ấy, Rouget de Lisle tiếp tục chống Cách Mạng, nhưng chính quyền Cách Mạng Pháp vẫn dùng bài La Marseillaise của Rouget de Lisle và đến năm 1795 thì chính thức quyết định lấy bài này làm bài Quốc ca của nước Pháp.

Ba:

Người Cộng sản chủ trương điều tra lí lịch tam đại triệt để, đồng thời trù ếm đối thủ tới đời con đời cháu.  Trái lại, người Quốc gia không vơ đũa cả nắm, công tội phân minh.

 

Thơ tiền chiến của Thế Lữ vẫn được giảng dậy và lưu truyền ở Miền Nam trước 1975 cùng với những tập Điêu Tàn (1937) của Chế Lan Viên; Thơ Thơ (1938) của Xuân Diệu; Tiếng Thu (1939) của Lưu Trọng Lư; Lửa Thiêng (1940) của Huy Cận; Cô Hái Mơ (1939), Chân Quê (1940) và Lỡ Bước Sang Ngang (1940) của Nguyễn Bính…

 

Các nhà văn ở lại Miền Bắc có tác phẩm xuất bản thời tiền chiến vẫn được dân chúng Miền Nam tự do dành cho một chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn, như Nguyên Hồng với Bỉ Vỏ (1937);  Nam Cao với Chí Phèo (1941); Tô Hoài với Dế Mèn Phiêu Lưu Kí (1941) và O Chuột (1942) hay Nguyễn Tuân với Vang Bóng Một Thời (1940) và Chiếc Lư Đồng Mắt Cua (1941)…

 

Riêng về loại nhạc tiền chiến của các tác giả ở lại Miền Bắc lại càng được dân chúng Miền Nam yêu mến đặc biệt, như Văn Cao với Buồn Tàn Thu (1939), Thiên Thai (1941), Bến Xuân (1942), Trương Chi (1943); Hoàng Qúy với Cô Láng Giềng (1942-43); rồi Tô Vũ với Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa (1947); Nguyễn Văn Tý với Dư Âm hoặc Canh Thân với Cô Hàng Cà Phê, Khúc Ca Mùa Hè, Anh Còn Cây Đàn…

 

Một trong những lí do chính khiến các tác phẩm tiền chiến của các tác giả trên được dân Miền Nam tự do trân trọng và thưởng thức là vì khi sáng tác các tác phẩm trên đây, tất cả các tác giả ấy chưa biết Đảng, chưa theo Đảng, chưa trở thành Đảng viên Đảng Cộng Sản.  Và vì thế các tác phẩm ấy không có tính Đảng, không nhằm phục vụ Đảng. Lúc đó, các tác giả được tự do sáng tác theo cảm hứng tự nhiên, trung thực và đầy tính nhân bản.

 

Một khi các tác giả ấy đi vào tổ chức Đảng và bắt đầu bị chỉ đạo sáng tác để phục vụ chính trị, phục vụ tuyên truyền, sáng tác “để chào mừng”…, thì tác phẩm không còn tính khai phóng, không còn khả năng làm tròn sứ mệnh soi đường của một nghệ sĩ chân chính.  Tất cả mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật đều nằm trong tay Đảng theo kiểu “bảy trăm tờ báo trên toàn quốc chỉ có một Ban Biên Tập” như hiện nay.  Dân Miền Nam tự do rất bén nhậy.  Từ khi các tác giả tiền chiến sáng tác theo lệnh Đảng, dân Miền Nam không thèm biết tới những tác phẩm “văn nghệ” của các tác giả ấy nữa.

 

Trường hợp Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng giống như vậy.

 

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khi sáng tác những bài ca ái quốc, ông còn là một sinh viên yêu nước thuần túy, chưa theo Cộng sản.  Do đó, những bài hát ấy chưa có tính Đảng.

Thật vậy, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sinh năm 1921.  Năm 1940, sau khi đậu Tú Tài tại Sài Gòn, ông ra Hà Nội học Đại học Đông Dương, ngành Y Dược.  Vào thời điểm đó, Lưu Hữu Phước là một sinh viên trẻ mới 19 tuổi, có tài sáng tác các ca khúc, một thành viên trong nhóm sinh viên thuộc Đại Học Đông Dương Hà Nội đầy nhiệt tình yêu nước và tích cực trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ vào những năm đầu thập niên 1940.

 

Mãi mấy năm sau, khi Đảng Cộng Sản cướp được chính quyền, Lưu Hữu Phước mới tham gia Đảng Tân Dân Chủ cùng với một số sinh viên đồng trang lứa.  Trong kế hoạch lôi kéo hàng ngũ sinh viên trẻ về với mình, Cộng Sản dùng chiến thuật tuyên truyền, mua chuộc, thúc ép và cả khủng bố.  Điển hình là vào năm 1946, Việt Minh Cộng Sản đã cho người vào Đông Dương Học Xá để bắt cóc Sinh viên Phan Thanh Hòa, Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Sinh Viên, đem đi thủ tiêu.  Lí do là Sv. Phan Thanh Hòa “công khai chống sứ giả của Hồ Chí Minh là hai anh em Phan Anh, Phan Mỹ đến dụ THSV nhập vào Mặt Trận Việt Minh.  Hòa tuyên bố Tổng Hội đứng ngoài đảng phái”  (Ls. Lâm Lễ Trinh.  Bài đã dẫn).  Chiến thuật vừa lôi kéo mềm mỏng vừa bạo lực, sắt máu của Việt Minh Cộng Sản đã khiến cho một số khá đông thành viên Đảng Tân Dân Chủ ngả theo họ, trong đó có Sinh viên Lưu Hữu Phước và một nhóm bạn sinh viên người Miền Nam khác. (Sinh viên Phan Thanh Hòa là anh của Sinh viên Phan Thị Bình và là hậu duệ Cụ Phan Thanh Giản.  Sau này Sv. Phan Thị Bình kết hôn với Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn).

 

Về việc này, Gs. Nguyễn Ngọc Huy đã nhận xét:  “Lưu Hữu Phước thuộc thành phần đảng viên Tân dân chủ bị lôi kéo vào Đảng CS.  Anh ta không đủ khí phách để chống lại việc đó và bị loại ra khỏi trường chánh trị như Đặng Ngọc Tốt, cũng không đủ tinh thần sắt máu để được CSVN tin dùng như Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm.  Mặt khác, anh ta không có một khả năng đặc biệt về chánh trị mà CSVN có thể khai thác được như Mai Văn Bộ.  Trước sau, Lưu Hữu Phước chỉ là một nhạc sĩ.  Do đó, CSVN đã dùng anh ta như một văn công, sản xuất nhạc theo lịnh Đảng và lên tiếng về các vấn đề khác những khi Đảng thấy cần.  Nói tóm lại, Lưu Hữu Phước đã sáng tác bản nhạc Quốc dân hành khúc hay Tiếng gọi công dân lúc còn là một sinh viên có tinh thần quốc gia.  Ngày nay, anh ta là một văn công của CSVN và mọi lời phát biểu của anh ta chỉ là do Đảng CSVN mớm cho” (Gs. Nguyễn Ngọc Huy.  Bài đã dẫn).

 

 

Một số nhận xét

 

Ba luận giải trên đây cho thấy Quốc Hội Lập Hiến VNCH đã chọn bài Sinh Viên Hành Khúc của Sinh viên Lưu Hữu Phước để làm bài Quốc ca vì đó là một bài hát xuất sắc, đã được phổ biến rộng rãi, công khai và được dân chúng từ Bắc tới Nam đón nhận nhiệt liệt vì bài hát phản ánh tình yêu nước và ý chí chống giặc ngoại xâm của người dân Việt.

 

Xét về quan điểm chính trị, khi chọn bài này, Quốc Hội Lập Hiến VNCH đã phân biệt rõ ràng có 2 Lưu Hữu Phước, một Lưu Hữu Phước trước khi theo Đảng Cộng sản và một Lưu Hữu Phước sau khi theo Đảng.

 

Trước khi theo Đảng, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một nhạc sĩ trẻ, yêu nước thuần túy, trong sáng và ông đã sáng tác ra những ca khúc ái quốc bằng cảm hứng tự phát trong tự do tuyệt đối.

 

Sau khi theo Đảng, ông phải sáng tác theo lệnh Đảng, nhằm mục đích tuyên truyền, không còn được tự do sáng tác như trước nữa. Ông trở thành một “văn công”, không còn là một nghệ sĩ nữa.  Đến ngay cả việc ông lên Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam (Hà Nội) để bác bỏ, giễu cợt và cả mắng nhiếc về việc bài hát Sinh Viên Hành Khúc của ông “vẫn cứ bị người bên kia chiến tuyến sử dụng vào một mục đích khác!” cũng không chắc do ông tự nguyện hay là do lệnh bắt phải làm như vậy.  Bởi vì sau này người ta được biết cấp cao như Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng mà còn phải thú nhận “ tao cũng sợ nó, mầy biểu tao còn dám nói cái gì?”  (Nguyễn Văn Trấn. Viết Cho Mẹ Và Cho Quốc Hội. Bản in ở Tp. HCM.  Trang 303), hoặc “lừng danh thiên hạ” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà vào năm 1983 còn bị Lê Duẩn và Lê Đức Thọ hạ nhục bằng cách bắt đi làm Chủ Nhiệm Ủy Ban Sinh Đẻ Có Kế Hoạch, huống chi cỡ Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thì “sức mấy” mà dám chống lệnh Đảng.

 

Xin nêu một bằng chứng khác về thân phận “văn công” của Đảng viên Lê Hữu Phước:  Trong bài Lịch Sử Quốc Kỳ và Quốc Ca VNCH do NĐL tổng hợp, đã trích lời của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nói về bài Sinh Viên Hành Khúc như sau:  “Bài hát bí mật của chúng tôi được anh em sinh viên lấy làm bài hát công khai.  Anh em làm lại lời ca, và sau nhiều lần sửa đi sửa lại và đấu tranh với Sở kiểm duyệt, phong trào sinh viên đã có bài hát của mình tức là bài Tiếng gọi sinh viên, khi phong trào lan rộng, bài hát được nhân dân tự động đổi là Tiếng gọi thanh niên” (Dẫn theo bài Lịch Sử Quốc Kỳ và Quốc Ca VNCHdo NĐL tổng hợp. hoiquanphidung.com).

 

Chỉ có hơn ba hàng chữ mà Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã để lộ nhiều điều:

 

Một là dường như Nhạc sĩ sợ bóng sợ gió chi đó, cho nên ông không nhìn nhận bài Sinh Viên Hành Khúc đã được ông sáng tác năm 1939, hồi còn học Trung học Petrus Ký ở Sài Gòn với lời bằng tiếng Pháp của ông và bạn ông là Mai Văn Bộ.

 

Hai là ông không dám nói đúng tên Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương mà lại nói “phong trào sinh viên”, trong khi chính Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương thời đó đã chọn bài hát của ông, sau khi đã sửa phần lời, để làm bài hát của Tổng Hội Sinh Viên và đem ra trình diễn nhiều lần trước các viên chức lớn Pháp, Việt và công chúng.  Ông cũng không nhắc tới Phong trào Thanh Niên Tiền Phong là Phong trào đã dùng Bài Tiếng Gọi Sinh Viên làm bài ca chính thức vào năm 1945 với tên gọi là Tiếng Gọi Thanh Niên.

 

Ba là ông không dám nhắc tới tên những sinh viên đã góp công làm cho bài hát của ông được vang danh khắp nơi, như nhóm sinh viên đã viết lời tiếng Việt cũng như tiếng Pháp cho bài hát; rồi những người đã chọn, đã giới thiệu bài hát của ông, như Sinh viên Phan Thanh Hòa (Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Sinh Viên), Sv. Nguyễn Tôn Hoàn (Trưởng Ban Âm Nhạc của Tổng Hội), hay là hai Nữ sinh viên Nguyễn Thị Thiều (sau này là vợ của Bs. Nguyễn Tú Vinh) và Phan Thị Bình (sau này là phu nhân của Bs. Nguyễn Tôn Hoàn).  Hai Chị Bình và Thiều là hai ca sĩ sinh viên đầu tiên hát xuất sắc bài Tiếng Gọi Sinh Viên trước công chúng tại Hà Nội.

 

Bốn là ông không đả động gì tới vinh dự lớn lao vì bài hát của ông đã được các chính phủ Quốc gia trọng vọng, giữ nguyên phần nhạc và viết lại phần lời ca cho thích hợp với tình hình mới, rồi lấy làm bài Quốc ca.

 

Tóm lại, ông phủ nhận tất cả những tổ chức, những nhân vật, những buổi lễ, những buổi trình diễn có dính dáng tới người Pháp hoặc là những người bên phía Quốc gia đã trọng vọng và làm vinh danh bài nhạc của ông.

 

Tuy nhận xét như thế, nhưng chúng ta cũng có chút hồ nghi.  Hoặc giả, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã nhớ hết, đã muốn nói tới tất cả những chi tiết kể trên, nhưng lời phát biểu của ông đã bị cơ quan kiểm duyệt của Đảng cắt xén mất đi hoặc sửa chữa tùy tiện những chi tiết “nhạy cảm”.  Việc này rất có khả năng xẩy ra, vì trong chế độ Cộng Sản độc tài, mọi ấn phẩm văn hóa, văn nghệ, hồi kí… đều bị kiểm duyệt về chính trị hết sức gắt gao, nhất là những gì và những ai liên quan tới phía Quốc gia.

 

Một nhận xét khác, quyết định chọn bài Sinh Viên Hành Khúc của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước của Quốc Hội Lập Hiến VNCH còn là một công nhận, một tán thưởng cao qúy dành cho lớp thanh niên, sinh viên Việt Nam yêu nước chân chính, mà Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là đại diện thời ấy, thời mà Việt Minh Cộng Sản chưa cướp được chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim ngày 19. 8.1945.

 

Tháng 11. 2013

Bạch Diện Thư Sinh

Nguồn bài đăng