Wednesday, November 8, 2023

VỪA TUYÊN BỐ KHÔNG MỞ RỘNG ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM, INTER NHANH TAY ĐỔ VÀO MALAYSIA $7 TỶ (Lê Thiệt / Saigon Nhỏ)

 



Vừa tuyên bố không mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Inter nhanh tay đổ vào Malaysia $7 tỷ

Lê Thiệt  -  Saigon Nhỏ

8 tháng 11, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/vua-tuyen-bo-khong-mo-rong-dau-tu-tai-viet-nam-inter-nhanh-tay-do-vao-malaysia-7-ty/

 

Ngày 8 Tháng Mười Một, Báo Tuổi Trẻ đưa tin “Tại Việt Nam, Intel luôn cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư trong tương lai”, thì trang mạng VOV (của Đài Tiếng nói Việt Nam) lại cho biết “Intel “gác” kế hoạch mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam”!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/02-Intel-1.jpg

Công nhân làm việc trong nhà máy Intel tại Việt Nam – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Thế là thế nào? “Có nghĩa là khi bạn đọc báo Việt Nam bạn phải động não một chút, đừng tin những lời khen ‘có cánh’”. Đó là một lời khuyên trên mạng xã hội.

 

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một quan chức (giấu tên) từ cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài cho biết: Tại Việt Nam, Intel luôn cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư trong tương lai. Còn việc họ mở rộng đầu tư ở nước khác phụ thuộc vào chiến lược của tập đoàn trong từng giai đoạn.

Ông giấu tên này còn nhận định chắc nịch rằng, không có chuyện Intel không mở rộng đầu tư ở Việt Nam và chuyển vốn sang nước khác để mở rộng đầu tư.

 

Vẫn câu chuyện về Intel, trong cùng ngày ông quan chức giấu tên phát biểu, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ông cũng mới tiếp nhận thông tin Intel “gác” kế hoạch đầu tư thêm $1 tỷ mở rộng nhà máy tại Việt Nam. Theo ông Dũng, lý do đơn giản mà Intel không tiếp tục “xuống tiền” là vì “họ nói chúng ta thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/02-Intel-2.jpg

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Ảnh: VOV

 

Hãng thông tấn Reuters cũng đã đề cập đến vấn đề này từ hồi Tháng Bảy. Theo nguồn tin từ Reuters, trong một số cuộc họp gần đây giữa các công ty Mỹ và các quan chức hàng đầu của Việt Nam, Intel đã bày tỏ lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp điện và thủ tục hành chính.

 

Vẫn theo bản tin VOV, ông Dũng nói lý do thiếu điện có thể chỉ là một lý do phụ, vì trước đó Việt Nam đã từng để xảy ra thiếu điện ở một số nơi, nên họ đem vấn đề đó vào để “gác” kế hoạch mở rộng sản xuất chip. Ông Dũng khẳng định rằng “Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp không chỉ riêng doanh nghiệp nào”.

 

Có vẻ như Intel không tin vào lời cam kết chính thức của chính phủ Việt Nam (qua lời ông Dũng). Sự kinh doanh độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không chỉ là rào cản lớn nhất, mà còn là một thế lực biến tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trở thành “con tin” với chiêu trò “tắt mở” điện (?!)

 

Mở rộng hơn, một số nhà phân tích cho rằng do chính phủ Việt Nam chưa tạo được môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, hơn nữa, cho dù Việt Nam có “khua chiêng gõ trống” diệt tham nhũng, nhưng xem ra “càng đánh tham nhũng, tham nhũng càng… ổn định”.

 

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đồng ý với ý kiến trên, khi cho rằng thủ tục đầu tư phức tạp, quy trình thực hiện thủ tục không rõ ràng,… đã khiến Việt Nam bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/02-Intel-3.jpg

Chip Intel – Minh họa: Omar Marques/SOPA/LightRocket/Getty Images

 

 

Tài khoản Một Góc Nhìn Khác trên Facebook, dẫn lời ông Han Jae Jin, Trưởng ban Quan hệ đối ngoại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham) cho biết tại Việt Nam, thủ tục cấp phép bị nhiều doanh nghiệp FDI “kêu” nhất. Ông Han Jae Jin than phiền về tình trạng cấp giấy phép đầu tư mà có khi đến 6 tháng mới có kết quả. Khi nộp hồ sơ cấp giấy phép thì được hẹn 30-45 ngày. Khi đến ngày hẹn thì lại tiếp tục đề nghị các thủ tục bổ sung và thời gian lại đến 30-45 ngày nữa. Cứ như thế doanh nghiệp phải đi lại rất nhiều lần, tốn nhiều thời gian, công sức và có khi mất luôn cơ hội làm ăn.

 

Nhiều người khác trên Facebook cùng đồng quan điểm khi cho rằng với chính sách ngoại giao “đu dây”, một tay chìa ra cho Mỹ, tay còn lại giấu sau lưng nắm chặt “lưng quần” Trung Cộng, thì chẳng ai tin được những bí mật kinh doanh hay bí mật công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được an toàn.

 

Ông Quân Vũ còn có cái nhìn “bi quan” hơn cho Việt Nam: “Rồi sẽ còn nhiều công ty nối gót Intel, Mỹ và châu Âu đang áp dụng tiêu chuẩn kép kinh tế đi với chính trị, sẽ đầu tư vào những nước có lập trường giống Mỹ, Nato, EU trong các vấn đề quốc tế ví như chiến tranh Ukraine-Nga, Do Thái- Hamas, Trung Cộng-Đài Loan…”

 

Tại Đông Nam Á, tính đến thời điểm hiện tại, Intel đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với $1.5 tỷ. Tuy nhiên, từ Tháng Mười Hai 2021, Intel đã “rót” $7 tỷ đầu tư xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip mới tại Malaysia, dự kiến, nhà máy này sẽ hoạt động sản xuất vào năm 2024.

 

Chính phủ Malaysia cho biết, khoản đầu tư $7.1 tỷ (30 tỷ ringgit) dự kiến sẽ tạo ra hơn 4,000 việc làm cho Intel và hơn 5,000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng.

 

“Thế Malaysia có gì hơn Việt Nam?” Nhiều người đặt câu hỏi như thế.

 

Thực tế, Malaysia thua Việt Nam rất nhiều, kể cả tham nhũng, và họ chỉ hơn Việt Nam có một vài thứ thôi, trong đó có sự minh bạch, và không bị tập đoàn độc quyền nào xem họ như một thứ “con tin kinh tế” cả.






No comments: