Friday, November 17, 2023

TỪ CHUYỆN ĐINH CÔNG HƯỚNG NHỚ CHUYỆN PHẠM QUỐC THÁI (Trân Văn / Blog VOA)

 



Từ chuyện Đinh Công Hướng nhớ chuyện Phạm Quốc Thái

Trân Văn

16/11/2023

https://www.voatiengviet.com/a/tu-chuyen-dinh-cong-huong-nho-chuyen-pham-quoc-thai/7356425.html

 

Vào thời điểm các cơ quan truyền thông chính thức “phát hiện” ra Thái, Thái đã làm công việc “nhập liệu” hơn nửa năm. Thu nhập một tháng tròm trèm… 2,8 triệu đồng, thua cả phụ hồ!

 

https://gdb.voanews.com/AA0F7494-CF46-48A9-87A8-E56ECD9A8CDE_cx0_cy15_cw0_w650_r1_s.jpg

Phạm Quốc Thái đang chạy Grab. (Hình: Trích xuất từ trang web báo Thanh Niên)

 

Phần 2

 

Câu chuyện ông Đinh Công Hướng – thành viên Hội đồng chuyên ngành về Toán của NAFOSTED (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) – bị tố cáo “vi phạm liên chính khoa học” vì bán các bài nghiên cứu cho Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng và ĐH Thủ Dầu Một để hai trường này có cơ hội xuất hiện trên một số tạp chí khoa học quốc tế, nhằm nâng cao tên tuổi, uy tín của họ, chỉ là một trong vô số ví dụ liên quan đến thân phận của những người có thực học, thực tài tại Việt Nam.

 

Một tuần trước khi câu chuyện vừa kể bùng lên và lan rộng, hôm 24/10/2023, khi tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, ông Lê Quân, người vừa là Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, vừa là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), than rằng, hệ thống đại học – nơi đào tạo nhân lực cho quốc gia không thể tuyển dụng và lưu giữ những cá nhân có thực học, thực tài. Theo ông Quân, các đại học chỉ có khả năng trả 15 triệu đồng/tháng cho một tiến sĩ có năm năm kinh nghiệm.

 

Tình trạng vừa kể không phải chỉ là chuyện của các đại học ở Hà Nội. Hồi 2021, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) công bố một báo cáo về “tự chủ đại học”, theo đó, khoảng 60% giảng viên đại học tại Việt Nam có thu nhập hàng năm dao động trong khoảng từ 100 triệu đến 150 triệu, nghĩa là chỉ từ 8,3 triệu đến 12,5 triệu mỗi tháng. Cũng vì vậy, theo ông Quân, cơ sở đào tạo nào tuyển được tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học cơ bản từ nước ngoài về và trả được cho người ta từ 15 triệu đến 20 triệu/tháng thì rất... phấn khởi (1)!

 

Đó là ông Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐBQH – nói, còn những tiến sĩ có thực học, thực tài, có thực sự ... phấn khởi khi thu nhập của họ chỉ ngang, thậm chí chỉ bằng một nửa so với thu nhập của những người giúp việc nhà loại... cao cấp (2)?

 

                                                         ***

 

Ông Hướng và những tiến sĩ từ nước ngoài về được các đại học tuyển dụng, trả cho mức lương từ 15 triệu đến 20 triệu/tháng là những ví dụ về đãi ngộ trí thức làm... thầy. Trí thức có thực học, thực tài muốn làm việc cũng chẳng khá hơn!

 

Năm 2019, có một câu chuyện làm dư luận rúng động: Phạm Quốc Thái, 26 tuổi, cựu sinh viên từng theo học chương trình “Kỹ sư tài năng” thuộc Khoa Kỹ thuật xây dựng của Đại học Bách khoa TP.HCM, từng là một trong sáu người được Intel – một tập đoàn công nghệ của Mỹ - chọn trao học bổng, trị giá 65.000 Mỹ kim để theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ tại Đại học Arizona, đang vừa làm việc cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) của TP.HCM, vừa chạy xe ôm nhưng không đủ… sống (3).

 

Trước đó, sau khi tốt nghiệp đại học, Thái từng được một doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam tuyển dụng, lương 12 triệu đồng/tháng. Vì muốn tiến xa hơn, Thái nộp hồ sơ xin học bổng và được cả chính phủ Ý lẫn Intel cùng chọn để trao học bổng. Thái bỏ học bổng do chính phủ Ý cấp để đi theo chương trình mà Intel vạch ra: Hỗ trợ chính quyền TP.HCM thực hiện “Chương trình Đô thị thông minh” bằng cách chọn trao sáu học bổng – đài thọ cho sáu người mà Intel tin là sau khi hoàn tất chương trình tu nghiệp, cả sáu sẽ giúp chính quyền TP.HCM triển khai thành công “Chương trình Đô thị thông minh”. Tốt nghiệp, Thái quay về Việt Nam, trình diện chính quyền TP.HCM và được phân công về Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Nơi này giao cho Thái “nhập liệu”.

 

“Nhập liệu” – tên gọi loại việc vốn xa lạ với nhiều người – chỉ là chuyển dữ liệu từ giấy tờ vào máy tính, còn nói theo kiểu bình dân, “nhập liệu” là… đánh máy vi tính. Vào thời điểm các cơ quan truyền thông chính thức “phát hiện” ra Thái, Thái đã làm công việc “nhập liệu” hơn nửa năm. Thu nhập một tháng tròm trèm… 2,8 triệu đồng, thua cả phụ hồ! Bởi không thể bỏ việc vì đã cam kết sẽ phục vụ chính quyền TP.HCM ít nhất ba năm, để không chết đói, không thành vô gia cư vì không trả được tiền thuê nhà, buổi tối, Thái chạy… xe ôm. Công việc duy nhất mà Thái làm, có liên quan đến chuyên môn là tham dự một chương trình do một tổ chức ngoại quốc tài trợ - mỗi cuối tuần, theo xe buýt đến Tây Ninh, truyền bá kiến thức khoa học cho dân chúng vùng sâu, vùng xa!

 

Theo các cơ quan truyền thông chính thức, Phạm Quốc Thái không phải là trường hợp cá biệt. Cậu chỉ là một ví dụ. Trong kế hoạch trợ giúp TP.HCM thực hiện “Chương trình Đô thị thông minh”, Intel đã chi khoảng 400.000 Mỹ kim để đào tạo sáu thạc sĩ các chuyên ngành: Công nghệ thông tin, Vật liệu xây dựng, Giao thông Vận tải, Môi trường,… Tuy nhiên khi quay về, chỉ có hai trong sáu người là may mắn - được sắp đặt vào những vị trí đúng chuyên môn!

 

-----------

Chú thích

 

(1) https://vnexpress.net/dai-hoc-gap-kho-vi-chi-tra-luong-tien-si-duoc-15-trieu-4668378.html

 

(2) https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/giup-viec-luong-gan-40-trieu-dongthang-gap-10-lan-cu-nhan-moi-ra-truong-20231108104443285.htm

 

(3) https://thanhnien.vn/thoi-su/lang-phi-nguoi-tai-du-hoc-thac-si-ve-lam-nhap-lieu-1095840.html

 

 

===================================================

 

Từ vụ TS Đinh Công Hướng: Khi nhân tài ở dưới ách nhân tai

Trân Văn

15/11/2023

https://www.voatiengviet.com/a/tu-vu-ts-dinh-cong-huong-khi-nhan-tai-o-duoi-ach-nhan-tai/7355972.html

 

Thế thì tại sao một người có thực tài như ông Hướng lại rơi vào tình huống trớ trêu như vậy?

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-df1e-08dbe5f39874_cx0_cy4_cw0_w650_r1_s.jpg

Tiến sĩ Đinh Công Hướng. (Hình: Đại Học Quy Nhơn via VnExpress)

 

 

Phần 1

 

Tranh cãi liên quan đến việc bán nghiên cứu cho các đại học vẫn chưa kết thúc (1). Vụ tranh cãi này bắt đầu hồi hạ tuần tháng trước trên mạng xã hội và nay đã trở thành đề tài của không ít cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức.

 

Cuối tháng trước, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Công Hướng làm việc tại Đại học (ĐH) Quy Nhơn bị tố cáo “vi phạm liên chính khoa học” vì bán các bài nghiên cứu cho hai đại học, một mang tên Tôn Đức Thắng, một mang tên Thủ Dầu Một.

 

Cả hai đại học vừa kể đã trả tiền cho ông Hướng để có thể xuất hiện trên các bài nghiên cứu của ông Hướng như nơi ông đang làm việc trước khi bài được gửi đến một số tạp chí khoa học quốc tế, nhằm nâng cao tên tuổi, uy tín của trường.

 

Sau tố cáo vừa kể, ông Hướng đã xin rút khỏi xin rút tên khỏi Hội đồng chuyên ngành về Toán của NAFOSTED (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) vì việc hợp tác với ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Thủ Dầu Một “đã làm ảnh hưởng đến hội đồng” (2).

 

Xin được miễn, không bàn đến những khía cạnh mà nhiều người sử dụng mạng xã hội cũng như các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã và đang thảo luận rôm rả: Ông Hướng đúng hay sai? Cần cảm thông hay phải phê phán, thậm chí phải sớm đặt định những biện pháp nhằm bảo vệ “liêm chính trong nghiên cứu, trong hoạt động khoa học công nghệ, góp phần tạo dựng môi trường nghiên cứu chuẩn mực, hội nhập quốc tế”,... vì có một khía cạnh khác, dường như quan trọng hơn nhưng chưa được đề cập.

 

                                                       ***

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên tờ Dân Trí về bị tố cáo “vi phạm liên chính khoa học”, ông Đinh Công Hướng cho biết, ngay sau khi biết tin, ông đã lập tức gửi đơn, xin rút khỏi Hội đồng chuyên ngành về Toán của NAFOSTED vì: NAFOSTED chọn thành viên các hội đồng từ giới thiệu của cộng đồng các nhà khoa học trong nước và hình như cả các nhà khoa học nước ngoài. Có thể có nhiều ứng viên giỏi hơn mình, có nhiều khía cạnh khác tốt hơn mình nhưng đồng nghiệp đã cân nhắc, tin tưởng, giới thiệu tôi. Khi họ phát hiện điều chưa tốt về tôi thì họ phản ánh. Không nói đến mức độ đúng sai trong sự việc như thế nào nhưng tôi thấy mình cần chủ động xin rút. Bởi mục tiêu cuối cùng là làm sao để hội đồng quy tụ được những người phù hợp nhất, được tin tưởng nhất. Ông Hướng kể thêm, trong đơn, ông xác nhận, ông đã nhìn ra khuyết điểm của ông, ngoài việc xin rút khỏi Hội đồng chuyên ngành về Toán của NAFOSTED, ông đã gửi lời xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến hội đồng.

 

Cứ như lời ông Hướng – nay đã chuyển về ĐH Công nghiệp TP.HCM – thì sự việc xảy ra trong thời gian làm việc tại ĐH Quy Nhơn, trong thời gian đó, ông có ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Thủ Dầu Một vì ĐH Quy Nhơn chỉ yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở trường, không cấm ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác trong khi ông viết nhiều nên... thừa rất nhiều giờ nghiên cứu khoa học theo quy định của ĐH Quy Nhơn.

 

Ông khẳng định ông không sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của ĐH Quy Nhơn, không dùng cơ sở của nơi này làm nghiên cứu cho nơi khác mà chỉ sử dụng laptop và chất xám của ông. Việc ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Thủ Dầu Một diễn ra trong bối cảnh phải mất rất nhiều thời gian, công sức để hoàn tất một bài nghiên cứu. Ngoài cảm giác hạnh phúc, sung sướng ông còn mong muốn có thêm thu nhập: Tôi là người miền núi, đời cha mẹ rất khổ, đời mình cũng lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Tôi mong muốn đời con mình sẽ tốt hơn bằng năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống.... Ông Hướng thú thật, ông không biết phải nói thế nào về chuyện đã xảy ra nhưng bản thân ông rất áy náy. Ông mong sự việc trôi qua để có thể tập trung cho công việc hiện tại. Hiện tại ông vẫn giảng dạy nhưng không thể nghiên cứu gì thêm vì làm khoa học tâm phải thật tĩnh mới làm được!

 

Ông Hướng đã thôi không ký “hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học” với các đại học bên ngoài trường ông đang làm việc vì ĐH Công nghiệp TPHCM không cho phép, quy định và chế tài đối với chuyện này rất rõ ràng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, tại nơi làm việc mới, những nghiên cứu vượt mức đã qui định có thể được quy đổi ra giờ giảng, được trả tiền phụ trội, được khen thưởng, ghi nhận nên điều đó giúp ông yên tâm làm việc (3).

 

                                                        ***

Không thể phủ nhận việc ông Hướng là một người có thực tài. Dựa trên thống kê của MathSciNet (cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ), các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam ghi nhận: Đinh Công Hướng có tất cả 42 tác phẩm nghiên cứu khoa học. 13/42 tác phẩm nghiên cứu này ghi nhận ĐH Tôn Đức Thắng là nơi tác giả Đinh Công Hướng làm việc và 4/42 tác phẩm nghiên cứu ghi nhận ĐH Thủ Dầu Một là nơi tác giả Đinh Công Hướng làm việc.

 

Thế thì tại sao một người có thực tài như ông Hướng lại rơi vào tình huống trớ trêu như vậy? Ở Cộng hòa XHCN Việt Nam – nơi mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không ngừng chiêu mộ nhân tài – có không ít người như ông Hướng!

 

(còn tiếp)

 

----------------

Chú thích

 

(1) https://thanhnien.vn/ban-bai-bao-khoa-hoc-co-thuc-la-chi-ban-chat-xam-cua-minh-185231112233110079.htm

 

(2) https://nafosted.gov.vn/thong-tin-bao-chi-ve-viec-pgs-ts-dinh-cong-huong-xin-rut-khoi-hdkh-nganh-toan-hoc-cua-quy-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-quoc-gia/

 

(3) https://dantri.com.vn/giao-duc/pho-giao-su-bi-to-ban-nhieu-bai-nghien-cuu-toi-lam-vay-de-kiem-tien-20231103155011206.htm





No comments: