Nguyễn
Đình Cống
17/11/2023
https://baotiengdan.com/2023/11/17/neu-phan-chau-trinh/
.
1.
Vào đề
Có nhiều bài viết ca ngợi tầm nhìn, tư tưởng của Phan Châu Trinh (PCT) với
khẩu hiệu “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”. Gần đây tôi để ý đến
hai bài có những ý mới lạ. Đó là bài của TS Nguyễn Quang A: “Vì sao PCT chưa
thành công” và bài của TS Hà Sĩ Phu: “Nhà cách mạng PCT như tôi đã hiểu” (1).
TS Nguyễn Quang A dựa vào Lý thuyết hiện đại mới (của Christian Welzel),
vận dụng những số liệu thống kê để chứng minh một cách khoa học rằng, vào thời
PCT, nước ta chưa có được các nguồn lực cần thiết về vật chất, trí tuệ và kết nối,
chưa có đủ dân khí để thực hiện ba khẩu hiệu của cụ Phan.
TS Hà Sĩ Phu nhận ra rằng, thực chất ba khẩu hiệu là nhằm con đường cứu
nước và dân chủ hóa. Ông viết “Dân chủ = Hợp tác Tả-Hữu. Trong thực tế PCT
đã tìm cách tạo ra một liên minh Tả-Hữu giữa những người yêu nước. Đáng tiếc là
sau khi PCT qua đời sự công phá của thực dân (cực hữu) lẫn phe cực tả (cộng sản),
liên minh này đã bị phá vỡ. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hai cuộc chiến
tranh đẫm máu giữa những người Việt yêu nước”.
Cuối bài, Hà sĩ Phu viết “Nếu VN biết theo PCT…? Ôi! Ước mơ! Nhưng lịch
sử chẳng bao giờ có chữ Nếu ấy. Vấn đề là phải biết bài học của quá khứ để nhìn
ra con đường và các ứng xử xán lạn nhất cho ngày hôm nay”.
Tôi đang định suy luận một chút về nhà yêu nước PCT, mà trong suy luận rất
khó tránh chữ nếu, chỉ không ghép nó với lịch sử mà ghép với con người. Cụ thể
là câu hỏi sau: Nếu PCT không mất vào năm 1926 mà sống thêm vài chục năm nữa,
thì dân Việt có được bao nhiêu người theo Cụ để thực hiện các khẩu hiệu được đề
ra và đến bây giờ đã thực hiện được đến đâu.
2.
Vài bình luận bài của Nguyễn Quang A
Chắc rằng ông Quang A đã bỏ nhiều công sức để thu thập, xử lý nhằm thể hiện
biểu đồ các nguồn lực vật chất, trí tuệ và kết nối, cũng như dân khí của Việt
Nam để so sánh với các nước trong khu vực (so sánh theo không gian và theo thời
gian).
Trong các chỉ tiêu đưa ra để so sánh, tôi thấy có hai chỉ tiêu còn mơ hồ
là nguồn lực trí tuệ và dân khí, mà theo tôi là hai chỉ tiêu quan trọng nhất,
liên quan đến các khẩu hiệu của cụ Phan.
Nguồn lực trí tuệ phải chăng là dân trí. Để đánh giá, ông Quang A dựa vào
tỷ lệ số người mù chữ, số người đi học các cấp, thời gian học, số sách báo xuất
bản, số cuốn sách mỗi người đọc trong một năm v.v… Những số liệu đó là cần,
nhưng chưa nói lên được bản chất dân trí gồm ba lĩnh vực: Khoa học, nghề nghiệp
và chính trị mà dân trí chính trị mới có tính quyết định đến giác ngộ của người
dân, đến dân chủ hóa xã hội.
Đành rằng nâng cao dân trí khoa học và nghề nghiệp sẽ có tác dụng nâng
cao dân trí chính trị, nhưng giữa chúng không có tỷ lệ thuận. Trong thực tế thường
gặp, một số người có dân trí khoa học khá cao mà dân trí chính trị không bằng một
số người khác có trình độ khoa học thấp mà hiểu biết nhân quyền và dám đấu
tranh cho dân chủ, vì người có dân trí khoa học cao ấy chịu cúi đầu, phục vụ độc
tài, chà đạp nhân quyền.
Tôi đã từng chứng kiến có những lớp học mà càng học càng hạ thấp dân trí
chính trị vì bị nhồi sọ những giáo điều lỗi thời.
Nhưng nghĩ ra và thực hiện được việc đánh giá trình độ dân trí chính trị
là quá phức tạp mà chưa thể thực hiện chính xác được.
Về dân khí, TS Nguyễn Quang A đưa ra chỉ số các giá trị giải phóng (EVI),
xem Nguyễn Quang A [2017] (tôi không biết tìm ở đâu nên vẫn còn mơ hồ). Tôi
theo cách nghĩ thông thường, hiểu rằng dân khí thuộc về lĩnh vực ý chí, nghị lực,
bản lĩnh của người dân, là tinh thần hăng hái, là động lực của họ khi tham gia
một hoạt động xã hội nào đó. Nếu vậy thì tôi đã chứng kiến dân khí của người
dân Việt trong cuộc cướp chính quyền 1945 và trong một số cuộc biểu tình do Việt
Minh tổ chức, trong việc chuẩn bị trường kỳ kháng chiến cuối năm 1946, đầu năm
1947, trong cuộc cải cách ruộng đất 1953- 1956, trong việc chi viện cho chiến
trường miền nam v.v…
Như vậy dân khí sẽ là động lực tốt chỉ khi nó được hướng dẫn bởi dân trí
chính trị đúng.
3.
Vài nhận xét bài của Hà Sĩ Phu
Hà tiên sinh dẫn bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc chứng minh rằng PCT
là nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam, chứ không chỉ là nhà giáo dục, nhà
văn hóa, nhà yêu nước, hay chiến sĩ giải phóng dân tộc.
Nhà cách mạng là người chủ trương và thực hiện một cuộc thay đổi tận gốc
xã hội, chuyển từ xã hội này sang xã hội khác. PCT khác Hồ Chí Minh ở hai điểm
quan trọng là về con đường cứu nước và dân chủ hóa xã hội.
Con đường cứu nước của ông Hồ là dùng bạo lực theo Lê Nin, với sự giúp đỡ
của Quốc tế thứ ba; con đường của cụ Phan là đấu tranh ôn hòa và không cầu viện
ngoại quốc (2).
Một phát hiện rất hay của Hà Sĩ Phu là việc PCT muốn lập liên minh Tả-Hữu
nhưng lại bị chống đối kịch liệt của phe cực hữu lẫn phe cực tả, mà sự chống của
cực tả là vô cùng nguy hiểm.
4. Trả lời câu: Nếu PCT…?
Cụ Phan mất ở tuổi 54, chưa đến 60, như vậy là đoản thọ. Mọi người vô
cùng thương tiếc và nghĩ rằng, nếu cụ sống thêm vài chục năm nữa thì chắc sẽ
làm nên sự nghiệp lớn, cứu dân cứu nước. Một số người còn nhận định rằng, PCT
không thất bại mà chỉ chưa thành công thôi. Riêng tôi không nghĩ như vậy. Có
khi vì cụ đoản thọ nên tư tưởng của cụ mới được truyền đến bây giờ. Còn nếu cụ
sống thêm vài chục năm thì không khéo tư tưởng của cụ bị vứt vào sọt rác, tên của
cụ bị bêu riếu là một kẻ xét lại hiện đại cực kỳ nguy hiểm, và chưa chắc đã giữ
được tính mệnh trong thời gian xảy ra cách mạng tháng Tám. Vì sao vậy?
Vì Việt Nam không có cách gì thoát khỏi họa độc tài toàn trị cộng sản mà
toàn bộ tư tưởng, đường lối của PCT là ngược lại với họ.
Trong cách mạng tháng Tám, một số khá đông nhà yêu nước bị người của Việt
Minh giết hại chỉ vì họ không cùng quan điểm. Nếu may mắn thoát chết trong năm
1945, thì liệu cụ Phan có chịu từ bỏ tư tưởng của mình để theo phò tá Hồ Chí
Minh hay không, chắc là không’ có lưu vong ở nước ngoài hay không, chắc cũng
không.
Nhận xét về PCT, Tố Hữu viết trong Trường ca Theo chân Bác: “Muôn nẻo đường
đi biết đến đâu/ Phan Châu Trinh lạc lối trời Âu…”
Vậy con đường có nhiều khả năng cụ Phan sẽ theo là con đường nào? Một
trong những con đường đó đã được Ngô Đình Diệm chọn và nhận một kết thúc thảm hại.
Ở thế kỷ 21 này, mặc dầu PCT được lấy để đặt tên đường phố này, trường học
kia, viện nghiên cứu nọ, nhưng chỉ còn có một số người Việt biết đến và ca ngợi
PCT, những người đó bị chính quyền kỳ thị, theo dõi, hành hạ, kết án.
Tôi có đủ luận cứ thực tế và luận chứng để chứng minh các ý kiến vừa rút
ra ở trên, đồng thời nêu ra nhiều dẫn chứng minh họa. Nhưng để tránh dài dòng,
tôi chủ trương không chứng minh vì tin rằng độc giả sẽ dễ dàng tự chứng minh được.
Về ý kiến cho rằng PCT không thất bại mà chỉ là chưa thành công. Ý này
người ta hay vận dụng cho những người nghiên cứu khoa học hoặc khởi nghiệp, lúc
ban đầu gặp rất nhiều khó khăn mà vẫn quyết tâm tiếp tục. Người ta cho rằng chỉ
thất bại khi bỏ cuộc.
Tư tưởng, chủ trương của PCT là đúng đắn, là sáng suốt, sẽ tồn tại lâu
dài với thời gian, nhưng về con người thì thật tình PCT đã thất bại, mặc dầu đó
không phải là do cụ tự chọn, nhưng “Trời đã bắt” bỏ dở giữa chừng.
Tóm lại:
Phan Châu Trinh là một nhân tài đã được sinh ra không gặp thời nên chỉ có thể “Thành
Nhân” mà không thể “Thành công” (3). Việc PCT đoản thọ tưởng là một
điều rủi nhưng lại là may cho danh tiếng của cụ (4).
-------------
Ghi
chú:
(1) https://boxitvn.blogspot.com/2023/11/vi-sao-phan-chau-trinh-chua-thanh-cong.html
https://boxitvn.blogspot.com/2023/03/nha-cach-mang-phan-chau-trinh-nhu-toi.html
(2) Cầu viện
ngoại quốc để đuổi hổ thực dân giành độc lập là hình thức “Đuổi hổ cửa trước,
rước sói cửa sau”, vô cùng nguy hiểm.
(3) Câu
nói của Nguyễn Thái Học: Không thành công cũng thành nhân.
(4) Gọi PCT bằng
cụ là theo thói quen, chứ mất ở tuổi 54 thường chỉ được gọi bằng ông.
No comments:
Post a Comment