Thích Tuệ Sỹ và con đường khác cho
Phật tử, Phật giáo
Thứ Bảy,
11/25/2023 - 22:57 — DongPhungViet
https://www.rfavietnam.com/node/7846
Sự kiện
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch đang khuấy động dư luận. Bên cạnh tiếc thương
và kính phục về đức độ, sự uyên bác của một cao tăng (1), dù muốn
hay không thiên hạ cũng phải chú ý đến một thực thể không những không được
chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam thừa nhận mà còn tìm đủ mọi cách để loại trừ
trong bốn thập niên: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT.
Đa số Phật
tử nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung vốn đang thất thần trước một “Phật
giáo” như khái quát của Canh Lê: “Chùa to, tượng lớn xa hoa kệch cỡm, bày biện
diêm dúa, trang hoàng sặc sỡ, thờ cúng loạn ngầu,... sư sãi tiêu xài xa xỉ,
hoang phí tham mạn, dốt nát đọc chưa thông, viết chưa thạo, vô sỉ, hám danh,
hám lợi luồn cúi cường quyền, tư biện cá nhân lòe bịp bá tánh, lợi dụng ‘kinh
Phật’, ‘pháp Phật’ để rêu rao những chuyện chính trị mập mờ, mê tín dị đoan,
yêu ma quỷ quái nhằm mê hoặc tín đồ, dụ dỗ ‘cúng dường chuyển nghiệp’, ‘bố thí
tạo phước’, ‘hóa vàng cúng vong’, ‘cầu an cầu siêu’, ‘dâng sao giải hạn’, ‘giải
oan cắt kết’... để kiếm chác” trở thành một trong những lý do chính “khiến con
người kinh loạn thân tâm, u mê ám chướng, mịt mù Nhân - Quả, lạc lầm Tội - Phước,
hối hả hối lộ quan chức và thần thánh để thỏa mãn lòng tham vô độ, sẵn sàng hãm
hại lẫn nhau để mưu cầu lợi ích bất chính, cấu kết cướp đất phân lô bán nền, đồng
lõa buôn gian bán lận, đồng phạm hàng gian hàng giả, gian dối “trồng lúa hai thửa,
trồng rau hai luống, nuôi lợn hai máng, nuôi gà hai chuồng,...”, nhẫn tâm trộn
thuốc kháng sinh, pha thuốc tăng trưởng, phun thuốc kích thích, tiêm thuốc bảo
quản... không thể kể xiết” (2) – qua sự kiện Hòa thượng
Thích Tuệ Sỹ viên tịch có cơ hội nhận ra một kiểu TĂNG khác, một kiểu TU khác
và một PHẬT GIÁO khác.
Tuy kiểu
TĂNG đó, kiểu TU đó và PHẬT GIÁO đó bị đọa đày hết sức tàn khốc nhưng rất ít
người, kể cả Phật tử biết và bận tâm vì sao lại thế? Nay, dù muốn hay không thì
những thông tin liên quan đến cuộc đời và di nghiệp của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
khi ông tạ thế chắc chắn sẽ gợi ý cho nhiều Phật tử, cũng như dân chúng Việt
Nam ngẫm nghĩ, so sánh giữa PHẬT GIÁO mà Hòa thượng hiến thân phụng sự với Giáo
hội Phật giáo Việt Nam đang theo đuổi đường hướng “đạo pháp – dân tộc – chủ
nghĩa xã hội”.
Không phải
tự nhiên mà Giác Ngộ - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở
TP.HCM - loan tin Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch vừa với sự trân trọng hiếm
có (3), vừa lờ đi chuyện ông bị chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam
cưỡng bức “cải tạo” từ 1978 đến 1981. Đến 1984, lại bị tống giam lần hai, rồi
ông và nhiều tăng, ni của GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT bị cáo buộc “lật
đổ chính quyền”, bị phạt tử hình cùng với Đại đức Thích Trí Siêu (Giáo sư Lê Mạnh
Thát). Tuy cương quyết không xin ân xá vì: “Lập trường của chúng
tôi là lập trường của Phật giáo và Đại khối Dân tộc” nhưng
do áp lực của cộng đồng quốc tế, chính quyền Việt Nam tự động chuyển án tử hình
đã tuyên với ông và Đại đức Thích Trí Siêu thành án tù có thời hạn (20
năm) và đến năm 1998, tự động phóng thích ông bởi ông từ chối thừa nhận “quyền
khoan hồng hay ân xá” của bộ máy đã xét xử ông (4). Cho dù trung
thành với “đạo pháp – dân tộc – CNXH” nhưng Giác Ngộ không thể lờ đi việc Thích
Tuệ Sỹ viên tịch, dù điều ông răn dạy đệ tử rõ ràng là sự chê trách việc dán
CNXH vào Phật giáo: “Chớ khoa trương bảo vệ Chánh Pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ
chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma Vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội. Chớ hô
hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu
xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức”.
Cũng không
phải tự nhiên mà ông Thích Nhật Từ - Thượng tọa, Phó ban Trị sự của Giáo hội Phật
giáo Việt Nam ở TP.HCM, vốn nổi tiếng về sân, si – thừa nhận: “Tấm gương của
Hòa thượng Tuệ Sỹ đã trở thành niềm khích lệ rất lớn đối với các thế hệ tăng ni
bất luận đi theo bất cứ ý thức hệ giao tiếp nào, sa môn pháp phái nào” và việc
Hòa thượng Thích Tuệ sĩ phủ nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam – tổ chức tôn giáo
phục vụ đảng CSVN là: “Không có gì đáng tiếc vì mỗi người một hạnh nguyện hành
đạo riêng” (5).
***
Bất kể thế
nào, cuộc đời và di nghiệp của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chắc chắn sẽ gợi mở cho
mọi người, đặc biệt là gợi mở cho Phật tử Việt Nam về một PHẬT GIÁO khác đúng với
tinh thần PHẬT GIÁO, khác hẳn “Phật giáo” đang làm nhiều người ủ ê tới mức phải
than “mạt pháp”. Trên mạng xã hội, tâm tình của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ gửi
tăng sinh Thừa Thiên – Huế cách nay 20 năm bỗng nhiên rất mới với rất nhiều người:
“... So
với khối lượng Tăng Ni sinh trong cả nước, các con chỉ là một nhóm nhỏ. Ít,
nhưng đấy là những hạt lúa chắc. Nhiều, nhưng chỉ là vỏ trấu, và là những hạt
chưa được ủ mầm mà đã mục rỗng bên trong. Các con hãy tự hào, với niềm tự hào
trong trắng và vô tư của tuổi trẻ, từ thời điểm cột mốc này, đã một lần và mãi
mãi đứng thẳng trên đôi chân của chính mình, bằng đôi mắt trí tuệ và hùng lực
mà nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự định hướng
đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.
Thế hệ
của Thầy, những thanh niên trang lứa được nuôi dưỡng để đưa vào chiến trường của
cuộc chiến tranh ý thức hệ, được giáo dục để biết hận thù giai cấp. Nhưng may
thay, dòng suối từ vẫn âm thầm tuôn chảy để xoa dịu những đau thương mất mát, để
hàn gắn những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc.
Các con
lớn lên trong thời đại thanh bình, nhưng các con lại bị ném vào giữa một xã hội
mất hướng. Quê hương và đạo pháp là những mỹ từ thân thương nhưng đã trở thành
sáo rỗng. Các bậc Cao tăng Thạc đức, một thời đã đánh thức lương tâm nhân loại
trước cuộc chiến hung tàn, đã giữ vững con thuyền đạo pháp trong lòng dân tộc,
nay chỉ còn lại bóng mờ và quên lãng…
Thế hệ
các con được giáo dục để quên đi quá khứ. Nhiều người trong các con không biết
đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là gì, đã làm gì và đã cống hiến những
gì cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, hòa bình dân tộc trong những giai đoạn hiểm
nghèo của lịch sử dân tộc và đạo pháp, của đất nước. Một quá khứ chỉ mới như
ngày hôm qua mà di sản vẫn còn đó nhưng đã bị chối bỏ một cách vội vàng. Di sản
được tích lũy ròng rã hằng thế kỷ, bằng tâm tư của bao khổ lụy đau thương, bằng
máu và nước mắt của biết bao Tăng Ni, Phật Tử mà những người gầy dựng nên di sản
đó bằng bi nguyện và hùng lực của mình, có vị bị bức tử bởi bạo quyền, có vị suốt
năm tháng dài chịu tù đày, bị lăng nhục. Nhưng sống hay chết, vinh hay nhục
không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm
cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.
Người
xuất gia, khi cất bước ra đi là hướng đến phương trời cao rộng, tâm tính và
hình hài không theo thế tục; không buông mình chiều theo mọi giá trị hư dối của
thế gian; không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền, bạo lực... Một chút
phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại, đấy chỉ là những giá trị
nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không
tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh Pháp, mà thực tế
chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn nấp cho ma vương, làm nơi tụ hội cho cặn bã
xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh
vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức. Xưa
kia, khi vua chúa bắt sư tăng cúi đầu nhận tước lộc của triều đình để làm tôi tớ
cho vương hầu, Chư Tổ đã sẵn sàng đặt đầu mình trước gươm bén, giữ vững khí tiết
của người xuất gia, bước theo dấu chân vô úy, vô cầu của các Thánh đệ tử, được
gói gọn trong thanh quy: ‘Sa-môn bất kỉnh vương giả’.
Nhẫn nhịn
đời, nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian,
nhưng không tự đánh chìm trong vòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự
rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự
huân tập trí tuệ bằng Văn-Tư-Tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết
rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy
bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng.
Mỗi thế
hệ có vấn đề riêng của nó do những biến thiên của xã hội chung quanh, do những
biến cố dao động mang tính thời đại. Thế hệ của thầy thừa hưởng được nhiều từ
Thầy Tổ nhưng chưa hề báo đáp được ân đức giáo dưỡng cao dày trong muôn một. Chỉ
mới tròn ba mươi tuổi, đã phải khép lại cổng chùa, vác cuốc lên rừng, xuống biển,
cũng mưu sinh lao nhọc như mọi người; rồi lại vào tù ra khám, lênh đênh theo vận
nước thăng trầm; sở học và sơ tri cũng cùn mòn theo tuổi đời, năm tháng. Duy,
chưa có điều gì thất tiết để điếm nhục tông môn, uổng công Sư Trưởng tài bồi. Một
chút niềm tin chưa hề thoái thất, chỉ mong cùng chia sẻ với thế hệ kế thừa, một
thế hệ đang trưởng thành để khơi tỏ ngọn đèn Chánh Pháp giữa một đất nước thấm
nhuần phong hóa.
Cầu
mong các con có đủ dõng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của
mình, tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với
các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình” (6).
------------------
Tham khảo
(3) https://giacngo.vn/hoa-thuong-thich-tue-sy-vua-vien-tich-post69454.html
(4) https://tuesy.net/tieu-su/
(5) https://www.voatiengviet.com/a/thich-tue-sy-vi-tu-sy-xuat-chung-ve-tri-thuc-va-giao-duc/7368637.html
(6) https://thuviengdpt.info/thu-gui-tang-sinh-thua-thien-hue-cua-thay-tue-sy/
.
No comments:
Post a Comment