Tham
vọng sản xuất linh kiện bán dẫn của Việt Nam : Một kế hoạch tốn kém, khó thu
hút đầu tư Mỹ ?
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 31/10/2023 - 14:24
Việt Nam
thúc đẩy đàm phán với nhiều công ty Mỹ nhằm thu hút đầu tư và thực hiện tham vọng
xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử đầu tiên từ nay đến năm 2030, song song
với hoạt động lắp ráp, đóng gói, kiểm tra. Tuy nhiên, chi phí để theo đuổi mục
tiêu này sẽ rất tốn kém, theo cảnh báo của một số quan chức trong ngành công
nghiệp linh kiện điện tử Mỹ.
https://s.rfi.fr/media/display/17dc5aec-77ee-11ee-bf3e-005056a90284/w:980/p:16x9/AP10102901100.webp
Ảnh minh họa : Cơ sở sản xuất chip điện tử của tập đoàn Mỹ Intel (DR) tại
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 29/10/2010. ASSOCIATED PRESS - Le
Quang Nhat
Tại Hội nghị cấp cao về
công nghiệp bán dẫn, tổ chức tại Hà Nội chiều 29/10/2023, Mạng lưới bán dẫn Việt
Nam đã chính thức ra mắt để khẳng định cam kết « trở thành đối tác
tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu »,
theo phát biểu của bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng. Việt Nam đang
nghiên cứu một chiến lược để thu hút thêm đầu tư trong lĩnh vực này, đặc biệt
là phần đúc chip điện tử, trước mắt có thể là sẽ sản xuất những loại chip ít
tinh vi hơn, ví dụ loại chip được sử dụng trong ô tô hoặc các ứng dụng truyền
thông.
Việt Nam muốn xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử
đầu tiên
Để từng bước thực hiện tham vọng này, nhiều cuộc
họp đã được tổ chức trong những tuần qua giữa Việt Nam và khoảng 6 doanh nghiệp
chip điện tử Mỹ, trong đó có nhiều nhà sản xuất lớn, theo phát biểu với Reuters
của ông Vũ Tú Thành, trưởng văn phòng Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN
(USABC) nhưng không tiết lộ thông tin vì vẫn trong giai đoạn đàm phán sơ khởi.
Còn một quan chức khác ẩn danh cho biết GlobalFoundries, nhà
sản xuất linh kiện bán dẫn theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới và tập đoàn Đài
Loan PSMC cũng có mặt trong các cuộc họp. GlobalFoundries từng được đích thân tổng
thống Mỹ mời tham gia một cuộc họp cấp cao nhân chuyến công du Hà Nội. Nhưng kể
từ đó, tập đoàn Mỹ chưa thể hiện quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Một người phát
ngôn của GlobalFoundries « không bình luận tin đồn trên thị trường ».
Còn PSMC không hồi âm đề nghị phản hồi của Reuters.
Các cuộc gặp ở giai đoạn hiện tại chủ yếu nhằm
khảo sát lợi ích và thảo luận về những chương trình khuyến khích và hỗ trợ
trong tương lai, kể cả về cung ứng điện, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực có tay
nghề. Để khẳng định quyết tâm của Việt Nam, tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp
bán dẫn, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết : « Việt Nam đã
xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000
kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Đồng thời xây dựng nhiều cơ chế
ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư
ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất
trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam ».
Những trở ngại trước mắt
Tuy nhiên, thách thức lớn
trước mắt của Việt Nam là thiếu kỹ sư công nghệ thông tin. Mỗi kỹ sư cần đến 4
năm đào tạo và nếu chờ thế thệ kỹ sư mới, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội. Cho nên, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, phó cục trưởng phụ trách Cục Công
nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền Thông, bộ Văn Hóa-Thông Tin, được trang
VnBusiness trích dẫn ngày 31/10, Việt Nam có thể tận dụng đội ngũ kỹ sư công
nghệ thông tin khoảng 300.000 người để phát triển thêm các năng lực, kỹ năng để
có thể trở thành lực lượng lành nghề trong thiết kế chip.
Về hỗ trợ từ phía chính phủ cho cơ sở hạ tầng,
một chuyên gia phụ trách chương trình chuỗi cung ứng, Đại Học Quốc Gia Hà Nội,
cho rằng Việt Nam có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, như tập đoàn
Viettel, xây dựng các nhà máy với trang thiết bị nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Robert Li, phó chủ tịch
Synopsys Mỹ, một công ty thiết kế chip điện tử Mỹ hiện hoạt động ở Việt Nam,
kêu gọi chính phủ « suy nghĩ kỹ » trước khi tài trợ
xây dựng nhà máy. Tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn, ông nhấn mạnh đến
chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất có thể lên đến 50 triệu đô la, cùng với
nguy cơ cạnh tranh về trợ cấp với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Liên Hiệp Châu
Âu, trong khi những bên này cũng lần lượt công bố kế hoạch tài trợ sản xuất
chip điện tử từ 50 đến 150 tỉ đô la.
Còn đối với ông John Neuffer, chủ tịch Hiệp hội
Mỹ công nghiệp linh kiện bán dẫn, chính phủ Việt Nam nên tập trung vào những
lĩnh vực liên quan đến chip điện tử mà Việt Nam có thế mạnh, như lắp ráp, đóng
gói và kiểm tra. Việt Nam hiện là đối tác lý tưởng của nhiều tập đoàn trong
lĩnh vực này, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ.
Từ 10 năm qua, tập đoàn Mỹ Intel đã đặt nhà
máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới tại Việt Nam, với vốn
đầu tư hơn 1 tỉ đô la. Ngày 11/10/2023, tập đoàn Amkor đã khánh thành nhà máy
Amkor Technology Việt Nam (ATV) tại khu công nghiệp Yên Phong II-C, tỉnh Bắc
Ninh, tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra cho các
công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới. Đây là giai đoạn I trị
giá 520 triệu đô la trong dự án có tổng vốn đầu tư 1,6 tỉ đô la của Amkor.
No comments:
Post a Comment