Tại
sao Hezbollah ở Liban vẫn chưa tấn công Israel ?
Phan Minh - RFI
Đăng ngày: 01/11/2023 - 12:02
Nhân ngày Lễ
Các Thánh, hôm nay 01/11/2023, chỉ có các báo Le Monde và Le Figaro ra số mới,
cùng với Libération và La Croix ra số kép từ hôm qua.
Các chiến
binh Hezbollah tập trận tại làng Aaramta ở quận Jezzine, miền nam Liban, ngày
21/05/2023. AP - Hassan Ammar
Trang nhất của nhật báo Le Monde tiếp tục quan
tâm đến xung đột giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas, và đặt câu hỏi – tại
sao tổ chức Hezbollah ở Liban vẫn chần chừ, không phát động một cuộc tấn công
vào Israel ?
Chỉ cần một đoạn video dài 10 giây, cho thấy
thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, xuất hiện trước nền phông vàng của phong
trào Hồi Giáo Shia, được phát trên mạng xã hội hôm 29/10, là đủ để kích động những
người ủng hộ ông và khiến tất cả người dân Liban cảm thấy hồi hộp. Cụ thể,
Hassan Nasrallah, người đang « nắm giữ vận mệnh » của Liban, sẽ
có bài phát biểu trên truyền hình trong buổi lễ vinh danh các « liệt sĩ » vào ngày 03/11,
bài phát biểu đầu tiên của ông kể từ khi xung đột giữa Hamas
và Israel nổ ra hôm 07/10.
Việc Hassan Nasrallah vẫn « im
lặng » cho đến nay đã làm dấy lên lo ngại về việc liệu
ông có định mở mặt trận thứ hai chống lại Israel hay không. Sau bài phát biểu vào thứ
Sáu tới, người dân Liban có thể sẽ chưa có câu
trả lời. Nhưng phát biểu của ông rất được những người ủng hộ Hezbollah
mong chờ, một tổ chức vốn đang trong tình trạng bị chia rẽ giữa sự
hoài nghi và hy vọng. Nancy Ezzeddine, chuyên gia thuộc tổ chức cố vấn Hà Lan, Clingendael,
nhận xét rằng các ý kiến phân cực đang dần xuất hiện trong suy nghĩ
của hàng ngũ lãnh đạo Hezbollah, đặt tổ chức này vào một tình
thế « tiến thoái lưỡng nan ». Một quyết định leo
thang sẽ đẩy Liban vào một cuộc xung đột tàn khốc, nhưng một phản ứng « nhu
nhược » sẽ đi ngược lại với « luận điệu cứng
rắn » mà họ vẫn luôn sử dụng, đe dọa đến tính chính
đáng của tổ chức và thậm chí còn làm dấy lên những nghi ngờ về khả
năng huy động lực lượng ra chiến trường.
Những người ủng hộ Hezbollah nhiệt
thành nhất, những người luôn đề cao sự nghiệp của người Palestine
và bày tỏ sự thù địch với Israel, không hiểu được sự do dự của Hezbollah, khi tổ
chức này vẫn chần chừ, chưa quyết định tuyên chiến với « kẻ
thù », sau khi Israel phát động cuộc tấn công trên bộ vào dải Gaza.
Họ thường xuyên đồng thanh hô khẩu hiệu « Hỡi Nasrallah, hãy tấn
công Tel Aviv » trong các cuộc biểu tình, đám tang và thậm chí
trong các bài hát họ sáng tác và đăng lên mạng xã hội.
Còn những người ủng hộ Hezbollah một cách chừng
mực hơn, mà phần đông sống ở miền nam Liban, sát với biên giới Israel, thậm chí
còn nghi ngờ về tính khả thi của một cuộc xung đột mới, trong khi đất nước đang
bị suy yếu bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị. Bà Nancy Ezzeddine giải
thích : « Nhiều người thậm chí còn băn khoăn không biết Hezbollah
có đáng phải chiến đấu vì người Palestine hay không. »
Sự hoài nghi của họ được chứng thực bởi số lượng
lớn các chiến binh Hezbollah, gần 50 người, đã thiệt mạng kể từ ngày 07/10. Hầu
hết đều bị chết do các cuộc oanh kích bằng drone, và nhiều binh sĩ mới có 20 tuổi.
Le Monde kết luận rằng mọi người có lý do để
lo ngại về một cuộc xung đột ở phía bắc Israel, song vẫn muốn tỏ ra lạc quan
khi cho rằng Hezbollah sẽ không mặn mà trong việc tiến hành một cuộc xung đột
tàn khốc chống lại Israel vì lợi ích của Hamas, trừ khi sự tồn tại của Hamas thực
sự bị đe dọa. Nancy Ezzeddine cho biết thêm : « Ưu tiên của
Hezbollah vẫn là bảo vệ trục kháng chiến do Iran lãnh đạo, chứ không phải bảo vệ
người Palestine. »
Xung đột Israel-Hamas : Các bệnh viện ở Gaza
trở thành « bia đỡ đạn »
Nhật báo thiên hữu Le Figaro thì dành trang nhất
chú ý đến tình trạng ngày càng « thê thảm » của các
bệnh viện nằm ở dải Gaza, kể từ khi xung đột nổ ra. Trưởng khoa phẫu thuật thẩm
mỹ tại bệnh viện Nasser ở Khan Younes, phía nam dải Gaza, bác sĩ Ahmed Mougrabi
tận dụng thời gian nghỉ giữa hai ca phẫu thuật để bế con gái 3 tuổi trên tay.
Vì ngôi nhà của họ bị hư hại sau một vụ oanh kích, nên gia đình bác sĩ phải trú
ẩn trong bệnh viện.
Bác sĩ Mougrabi cho biết rằng cả gia đình
phải ngủ trong phòng làm việc của anh : « Tôi
đang phẫu thuật ở một bệnh viện khác thì em trai báo cho tôi biết
là một quả bom đã phát nổ rất gần nhà tôi. Tôi thực sự không
biết gia đình tôi còn sống hay đã chết. Lúc đó, tôi băn khoăn không
biết có nên ngừng ca phẫu thuật hay không. Tôi nói với em trai hãy đưa gia đình
tôi đến bệnh viện Nasser. Dù họ có chết thì tôi vẫn muốn nhìn thấy họ lần cuối.
Cảm ơn Chúa, khi tôi về đến bệnh viện, họ chỉ bị sốc, và đứa con gái bé bỏng của
tôi bị thương. Nhưng họ vẫn sống. »
Kể từ ngày 07/10, bác sĩ Mougrabi đã làm việc
không ngừng nghỉ : « Bệnh viện bị quá tải. Chúng tôi có 350
giường, nhưng có đến hàng nghìn người bị thương. Chúng tôi đang thiếu rất nhiều
thiết bị y tế. Giờ đây, tôi có thể bị buộc phải phẫu thuật mà không gây mê, và
nhiều bác sĩ đã thiệt mạng trong các vụ oanh kích. Cá nhân tôi thì đã mất ba
người bạn bác sĩ. »
Theo một tài liệu được bộ Y tế Hamas ở dải
Gaza công bố hôm 29/10, đã có 124 nhân viên y tế thiệt mạng kể từ khi xung đột
nổ ra, 25 xe cứu thương đã trở thành mục tiêu của các cuộc không kích, cùng với
12 bệnh viện và 32 trung tâm y tế đã ngưng hoạt động hoàn toàn.
Về phần mình, quân đội Israel khẳng định là
Hamas đã thành lập các trung tâm chỉ huy được bố trí trong các bệnh viện ở
Gaza, điển hình là bệnh viện Al-Shifa. Israel cáo buộc phong trào Hồi Giáo sử dụng
những cơ sở hạ tầng này làm « bia đỡ đạn ».
Chính phủ Pháp « lạm dụng » điều
49.3 của Hiến Pháp
Về tình hình chính trị ở Pháp, bài xã luận của
tờ Libération cảm thấy bất bình với một chính phủ dường như đang « đi
quá giới hạn » ?! 15 lần viện dẫn điều 49.3 của Hiến Pháp, chính
phủ đang thực sự nghĩ gì ? – Điều khoản này cho phép chính phủ thông qua các
văn bản pháp luật mà không cần đến các cuộc thảo luận và bỏ phiếu tại Quốc Hội.
Thật vô lý khi thủ tướng Elisabeth Borne lại quyết định dùng điều 49.3, lần
này, để thông qua dự luật tài trợ An sinh xã hội, mà không cần ý kiến của Quốc
Hội. Nhật báo thiên tả nhận định rằng dường như điều tồi tệ nhất là người dân
đã thực sự cảm thấy quen thuộc với hiện tượng này. Trong quá khứ, việc sử dụng
điều 49.3 luôn gây chú ý, nhất là hồi chính phủ thông qua dự luật về cải cách
hưu trí. Giờ đây, hầu như không còn ai bận tâm đến việc chính phủ sử dụng điều
khoản này, trong khi đáng lẽ mọi người phải thảo luận về sự « hợp
hiến » của việc dùng 49.3.
Libération thực sự chú ý đến những mặt trái của
việc sử dụng công cụ Hiến Pháp này một cách tùy tiện. Năm ngoái, các nghị sĩ ít
ra đã có những cuộc tranh luận ở mức tối thiểu khi họp bàn về dự luật ngân sách
Nhà nước. Giờ đây, dường như tiếng nói của họ thực sự không còn trọng lượng. Những
nghị sĩ mà tờ báo thiên tả đã phỏng vấn, bao gồm cả những nghị sĩ thuộc phe đa
số, ghi nhận về một « sự thay đổi » trong những cuộc
thảo luận gần đây giữa các ủy ban, và những cuộc họp do các bộ trưởng chủ trì.
Tóm lại, giờ đây, dường như quyền lực của Quốc
Hội đang thực sự bị đe dọa. Và điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu việc chính
phủ viện dẫn 49.3 trở thành thông lệ và các dự luật được thông qua mà không cần
có sự tranh luận, không kể đến các dự luật hết sức quan trọng, chẳng hạn như dự
luật thắt chặt nhập cư. Làm thế nào có thể vui mừng trước viễn cảnh này ? Bài
xã luận kết luận rằng đáng lẽ ra quyền lực của Quốc Hội phải ngày càng được gia
tăng, song thật không may là điều ngược lại đang xảy ra.
Tổng thống Pháp công du Trung Á để kiềm chế ảnh hưởng
của Nga và Trung Quốc
Về mặt ngoại giao, tờ Le Monde có bài viết chú
ý đến chuyến công du Kazakhstan và Uzbekistan, ở Trung Á, của Emmanuel Macron để
tăng cường quan hệ kinh tế và chống lại ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong
khu vực.
Cụ thể, trong hai ngày 01-02/11, nguyên thủ
Pháp tới hai nước nói trên, hai cường quốc Trung Á thuộc Liên Xô cũ, vốn có
quan hệ gần gũi với Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo điện Elysée, ông Macron
rất « coi trọng » chuyến đi nhằm thắt chặt mối quan
hệ chiến lược với Kazakhstan, đầu tàu kinh tế trong khu vực, có rất nhiều dầu mỏ,
than đá, uranium và kim loại quý.
Vốn chịu sự chi phối của Nga, Kazakhstan cũng
đang tìm cách đa dạng hóa những mối quan hệ của mình, trong bối cảnh chiến
tranh Ukraina hoành hành, tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, và đồng
thời cũng muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Matxcơva. Do vậy, Liên Hiệp châu Âu
(EU) thực sự không có ý định « khoanh tay đứng nhìn ». Với
chiến lược của mình, được gọi là « Global Gateway », EU
đang tính đầu tư ồ ạt vào các dự án và cơ sở hạ tầng trong nước.
Le Monde nhận định rằng Kazakhstan chỉ có lợi
khi quyết định hợp tác với Liên Âu nói chung và Pháp nói riêng trong việc đa dạng
hóa các mối quan hệ. Với diện tích lớn gấp 5 lần xứ lục lăng, nhưng chỉ có 19
triệu dân, chính quyền Astana vẫn luôn phải nhượng bộ trước láng giềng Nga, khi
Matxcơva đã và đang nhập rất nhiều dầu mỏ của Kazakhstan.
Về phần Uzbekistan, nơi có rất nhiều dầu mỏ và
đông dân nhất trong khu vực với 35 triệu người, nước này cũng đang tìm cách mở
rộng các mối quan hệ. Paris và Tashkent đang lên kế hoạch mở lại phòng thương mại
Pháp-Uzbekistan và tìm kiếm một « lộ trình hợp tác » giữa
hai nước. Le Monde nhắc lại rằng dưới thời cố tổng thống Islam Karimov, từ trần
vào năm 2016, Uzbekistan thực sự « đóng cửa » với thế
giới, song kể từ khi người kế nhiệm Karimov, là ông Chavkat Mirzioiev lên lãnh
đạo đất nước, Uzbekistan mới bắt đầu có dấu hiệu « mở cửa ».
Trung tâm tiếng Pháp Quốc tế được khánh thành
Về văn hóa xã hội, tờ La Croix dành bài xã luận
quan tâm đến sự kiện Trung tâm tiếng Pháp Quốc tế - Cité internationale de la
langue française được khánh thành tại lâu đài Villers-Cotterêts, vùng Aisne,
chính nơi François I đã ký sắc lệnh bắt buộc sử dụng tiếng Pháp trong các văn bản
hành chính vào năm 1539. Giống như hầu hết các người tiền nhiệm (trừ Nicolas
Sarkozy và François Hollande), nhật báo Công Giáo nhận định rằng tổng thống
Emmanuel Macron có thể tự hào vì đã hoàn thành tâm nguyện khi để lại cho hậu thế « dấu
ấn » của mình.
Những cụ già 80 tuổi đang « khỏe mạnh » hơn
bao giờ hết
Để kết thúc mục điểm báo hôm nay, RFI xin đề cập
đến một chủ đề có thể giúp những người, tạm gọi là « lo sợ về tuổi
già », bớt hoang mang. Tờ La Croix có bài viết nói về việc những người
ở độ tuổi 80 đang « sung sức » hơn bao giờ hết.
Catherine Deneuve, Mick Jagger hay Martin Scorsese, ở độ tuổi « bát
tuần », vẫn quay phim, biểu diễn ca nhạc và tham gia quảng cáo tác phẩm
mới. Họ không phải là những người duy nhất có thể trạng tốt : sức khỏe thể chất
và tinh thần của những người trên 80 tuổi đã được cải thiện rõ rệt trong những
năm gần đây.
La Croix đặt câu hỏi, liệu 80 có phải là tuổi
hoàng kim mới của con người ? Trong những tuần gần đây, những nhân vật kể trên
vẫn còn hoạt động rất tích cực trong các lĩnh vực của họ. Nữ diễn viên
Catherine Deneuve, người vừa đóng bộ phim Bernadette, được công chiếu từ hôm
04/10, mới tổ chức sinh nhật vào ngày 22/10. Cách đây 3 tháng, danh ca Mick
Jagger cũng đã bước sang tuổi 80. Sau khi dành năm 2022 cho những chuyến lưu diễn,
ca sĩ của nhóm nhạc Rolling Stones đang tích cực làm công tác quảng cáo cho
album thứ 24 của nhóm. Đạo diễn Martin Scorsese sẽ tròn 81 tuổi vào ngày 17/11.
Bộ phim mới nhất của ông, Killers of the Flower Moon, ra rạp ở Pháp vào giữa
tháng 10, thì có sự góp mặt của ngôi sao điện ảnh Robert De Niro, cũng vừa bước
sang tuổi 80.
Alexandre Jost, người sáng lập Trung tâm
Spinoza, nơi đã công bố những nghiên cứu liên quan đến tuổi già, nhận xét
: « Giờ đây, con người vẫn còn trẻ khi bước sang tuổi 80. Những
khuôn mẫu liên quan đến tuổi già thực sự là điều tiêu cực. Khi chúng ta nhìn
vào định nghĩa trong từ điển nói về các hiện tượng liên quan đến tuổi già, những
thuật ngữ xuất hiện nhiều nhất là : “suy tàn”, “suy sụp”, “đắm chìm”, “bệnh tật”.
Điều đấy không còn đúng nữa. »
Bởi vì tình trạng sức khỏe, cả về thể chất lẫn
tinh thần của những người 80 tuổi đã tiến bộ rõ rệt trong những năm gần đây, mặc
dù vấn đề này còn phụ thuộc vào ngành nghề và thu nhập của mỗi người.
Alexandre Jost nói thêm : « Khi
nói về những người trên 80 tuổi, chúng ta nghĩ ngay rằng họ đều phải sống trong
nhà dưỡng lão, nhưng trên thực tế, chỉ có 20% những người trên 85 tuổi phải sống
phụ thuộc vào người khác. » Theo La Croix, độ tuổi trung bình của
những người vào nhà dưỡng lão đang giảm từ năm này qua năm khác.
Điều đáng chú ý là con người càng lớn tuổi bao
nhiêu, thì lại càng yêu đời bấy nhiêu. Alexandre Jost nhấn mạnh : « Chúng
tôi nhận thấy rằng niềm vui cuộc sống của những người từ 18 đến 45-50 tuổi có dấu
hiệu thuyên giảm, nhưng lại tăng trở lại từ 45-50 cho đến 80-85 tuổi. »
Duy trì tinh thần lạc quan là điều tối quan trọng
để tận hưởng tuổi già. Pierre Krolak-Salmon, giám đốc y tế của tập đoàn Orpea của
Pháp, vốn quản lý một chuỗi các nhà dưỡng lão, cơ sở chăm sóc y tế và các dịch
vụ giúp việc tại nhà, phân tích : « Tò mò, ham học hỏi và duy trì
khát vọng sống là điều rất quan trọng ở độ tuổi này. »
No comments:
Post a Comment