13/11/2023
https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/11/duong-quoc-chinh-quach-am-va-cho-binh.html
Chuyện Hoa kiều Quách Đàm tặng chợ Bình Tây cho
chính quyền Chợ Lớn thì báo Dân Trí viết nhảm cái tít, cũng có mấy người nhắc rồi.
Nhưng mình thấy mọi người tấn công bài báo đó hơi quá.
Tác giả bài báo ban đầu viết là ông Quách Đàm
tặng TP HCM, đã buồn cười rồi, sau thấy bị chê thì sửa ra là tặng Saigon, lại
sai lần nữa. Vì lúc đó Saigon và Chợ Lớn là hai thành phố riêng biệt. Chuyện
này không lạ lắm, vì cơ bản dân Việt Nam cũng dốt sử, không mấy người rành được
Saigon, Chợ Lớn, Gia Định, TP HCM khác nhau thế nào.
Tuy nhiên nội dung chính của bài báo thì cũng
không sai.
Ở đây mình muốn nhắc tới bài viết của bạn Thái
Hạo, thì lại đi theo một thái cực khác. Có xu hướng dìm hàng ông Quách Đàm, đại
ý nói là ông ấy không phải làm từ thiện, mà là kinh doanh bất động sản thôi,
xây chợ để bán nhà. Thái Hạo dựa trên sách của Vương Hồng Sển. Cụ Sển thì đúng
là người am hiểu lịch sử, văn hóa miền Nam. Nhưng sách của cụ nói chung đều là
dạng hồi ký, tản văn, không phải lịch sử. Lịch sử nó khác chút, phải có nguồn,
số liệu cụ thể, chứ không chỉ dựa vào trí nhớ, truyền khẩu, giai thoại kiểu cụ
Sển.
Lai lịch chợ Bình Tây (Chợ Lớn mới, bây giờ
cũng cũ rồi) thì không có gì là lạ, Google 15 phút ra một đống link. Nhưng
không có nguồn nào nói ông Quách Đàm là người làm giàu nhờ bất động sản cả. Ông
ấy đi lên từ ve chai, rồi buôn da trâu, vi cá mập rồi buôn gạo. Ông ấy có công
ty tên là Thông Hiệp.
Ông Quách Đàm hiến đất và tiền xây chợ là có
thật. Ảnh đính kèm mình trích từ sách sử, có số liệu chi tiết, không phải dòng
giai thoại. Hai dãy phố ông Quách xây vẫn trên đất của ông ta để cho thuê, nay
là phố Lê Tấn Kế và Nguyễn Xuân Phụng, cũng ngắn thôi. Nếu so với diện tích đất
chợ hiến tặng thì hai dãy phố đó có diện tích nhỏ, không nhà đầu tư nào đầu tư
bất động sản kiểu lỗ to như vậy!
Bây giờ có kiểu đầu tư BT, đổi đất lấy hạ tầng,
thì chẳng bao giờ phần trả cho nhà nước lại to hơn cả phần bán được. Nhất là ở
đây diện tích bán/cho thuê được đó vẫn là đất và tiền của ông Quách Đàm cả.
Ông Quách Đàm không bỏ tiền xây toàn bộ chợ
Bình Tây, chi tiết này hầu hết các báo đều đăng sai. Cụ thể là ông ấy chi khoảng
hơn 70 % chi phí, chính quyền Chợ Lớn chịu phần còn lại, coi như đối ứng. Đấy
là riêng tiền xây. Còn đất xây chợ thì ông ta hiến cả. Nhưng có đổi lấy đất
khác của thành phố. Đại khái là đất thì có phần trao đổi, có phần hiến tặng.
Nhìn ảnh thì thấy chợ này xây rất kiên cố, tức
là tốn kém, quy mô đồ sộ, bền vững, chi phí cũng rất lớn. Vậy không nên nói là
ông ta không làm từ thiện mà chỉ kinh doanh bất động sản. Hơn nữa, ông Quách chết
khi chợ chưa xây xong và chục năm sau chợ này mới tấp nập, thì lúc đó công ty
Thông Hiệp cũng lụi tàn. Nên việc "đầu tư" này của ông ấy là thất bại.
Bạn Thái Hạo có nhắc tới cái chết và việc công
ty của Quách Đàm phá sản, cũng nhầm lẫn với ông em ruột của Quách Đàm, là Quách
Tiên, người kế nghiệp thứ ba sau con trai ông ấy tiếp quản công ty Thông Hiệp.
Ông Quách Đàm chết khi vẫn đang giàu có nên đám tang rất hoành tráng, không có
chuyện khổ sở như Thái Hạo viết. Mười năm sau công ty Thông Hiệp mới lụi tàn
cơ.
Mình thấy có nhiều người Việt Nam có lẽ vì tâm
lý bài Hoa cố hữu nên thường cố tình hiểu sai lịch sử, hoặc thiên kiến xác nhận.
Có người cực đoan hơn thì lao vào chửi. Ở đây mình chỉ viết về sự thật lịch sử
mà mình biết, kèm theo các suy luận logic, chứ không có thiên kiến gì cả.
Bản chất vụ hiến chợ này không thể là đầu tư bất
động sản, vì đầu tư thế ngu quá, mất nhiều hơn được, để phủ nhận tấm lòng của
người ta. Ông Quách Đàm được chính quyền thuộc địa tặng rất nhiều bội tinh về
công lao đóng góp cho xã hội. Đâu dễ lừa bọn Tây đâu.
Bức tượng gốc của Quách Đàm ở chợ Bình Tây sau
75 bị di chuyển về bảo tàng Mỹ Thuật, sau khi đem cất kho một thời gian. Có lẽ
lúc đó chống Tàu nên bức tượng nhạy cảm. Sau này bà con kinh doanh ở chợ tự dựng
tượng khác của ông ấy thế vào chỗ cũ và coi ông ấy như thần tài, cũng coi như
ghi ơn người tạo dựng. Giờ sổ toẹt là ông ta buôn bất động sản ấy mà nghe nó
sai sai. Người ta làm kinh doanh thì chuyện xây nhà quanh chợ cũng không lạ,
nhưng nếu xét nó là kinh doanh thuần túy thì không thể có lãi được.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 13.11.2023
Publié par Thụy My RFI à 16:38
No comments:
Post a Comment