Phù
Nam Techo, con kênh lịch sử và những bước tiến hành dự án giữa triều đại cha và
con
Ngô Thế Vinh
01/11/2023
Biết mình biết người, trăm trận không nguy
Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất đãi – Tôn Tử
知己知彼, 百戰不殆_孫子
***
Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL
không được quyền cất tiếng nói
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-1.jpg
Hình
1: Viễn cảnh một ĐBSCL khô hạn và sa mạc hoá, không lẽ
đây là “gia tài của mẹ”, một di sản thế hệ này để lại cho các thế hệ con cháu
trong tương lai. Đây là cái giá rất đắt mà Việt Nam phải trả cho chuỗi những
con đập thuỷ điện thượng nguồn và các dự án chuyển dòng lấy nước từ con sông
Mekong, trong đó có con Kênh Phù Nam Techo. Nguồn ảnh: TTXVN – Cảnh hạn hán trên một cánh đồng lúa vốn
phì nhiêu của tỉnh Sóc Trăng 03/2016.
MỘT TRIỀU ĐẠI CHA VÀ CON
Hun Sen đã chính thức chuyển quyền cho con từ
ngày 22/8/2023. Tuy Hun Manet là Thủ tướng mới nhưng Hun Sen vẫn có một ảnh hưởng
gần như tuyệt đối từ phía sau hậu trường. Hun Sen viết trên trang Facebook
– “Đây chưa phải là kết thúc. Tôi còn tiếp tục phục vụ ở những cương
vị khác ít nhất cũng tới năm 2033” (tức là mười năm nữa, lúc đó Hun
Sen 81 tuổi). Tìm hiểu về giới lãnh đạo bao gồm hai thế hệ Cha
và Con của chính trường Cam Bốt hiện nay và ít ra trong 10 năm tới thiết
nghĩ là điều rất cần thiết.
– Tiểu sử
Hun Sen: Sinh năm 1952 tại một
ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Kampong Cham bên bờ sông Mekong, nhưng khai sinh sớm
hơn [4/4/1951], để đủ tuổi gia nhập Khmer Đỏ. Tên thật là Hun Bunal, học vấn
qua bậc tiểu học, sau đó tham gia các phong trào tranh đấu. Có gốc là sĩ quan
Khmer Đỏ, với cấp bậc Tiểu Đoàn trưởng vào những năm 1970s. Bị chiến thương hư
một mắt trái khi theo Pol Pot tấn công thủ đô Phnom Penh tháng 4/1975. Để tránh
một cuộc thanh trừng của Khmer Đỏ, Hun Sen đào ngũ năm 1977 sang chiến đấu
trong quân đội Việt Nam. Hun Sen nói được tiếng Việt với “accent Khmer” và có
tên Việt là Hai Phúc. Khi hơn 100 ngàn quân CS Việt Nam tràn qua Cam Bốt, lật đổ
được chính quyền Khmer Đỏ, Hun Sen được Việt Nam đưa lên làm Ngoại trưởng trong
một chính phủ mới do Việt Nam thiết lập. Lúc đó Hun Sen mới 27 tuổi, rồi trở
thành Thủ tướng Cam Bốt từ tháng 1/1985 lúc mới 33 tuổi, được coi là trẻ nhất,
và giữ ghế Thủ tướng lâu nhất không chỉ ở châu Á mà cả với thế giới hiện nay.
Hun Sen thống lĩnh chính trường Cam Bốt và là khuôn mặt lớn của khối ASEAN
trong mấy thập niên qua. Hun Sen lãnh đạo Đảng Nhân Dân Cam Bốt /
CPP, được giới ngoại giao và báo chí coi như một thứ “Người Hùng”.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-2.jpg
Hình
2: Hun Sen từng tham gia lực lượng Khmer Đỏ những năm
1970s với cấp bậc Tiểu Đoàn Trưởng. Bị chiến thương hư một mắt trái khi
theo Pol Pot tấn công thủ đô Phnom Penh tháng 4/1975. Sợ bị Khmer Đỏ thanh
trừng, Hun Sen đào ngũ năm 1977 tham gia
chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Việt Nam, có tên Việt là Hai Phúc. Nguồn:
The New York Review 23/7/2012
Năm 1987, Hun Sen bị Amnesty
International lên án vi phạm nhân quyền vì các vụ tra tấn tù nhân
chính trị. Từng bị các đối thủ lên án là “bù nhìn” của Hà Nội, nhưng thực tế
Hun Sen đã rất bản lãnh và độc lập khi chọn tách ra khỏi Việt
Nam và đưa đất nước Cam Bốt đi vào quỹ đạo của Bắc
Kinh. Nổi tiếng cai trị bằng đôi bàn tay sắt, nhưng cũng không thiếu tai tiếng
về các vụ tham nhũng về đất đai, dầu khí và các hợp đồng khai thác tài nguyên của
Cam Bốt.
Sẽ thiếu sót, nếu không ghi nhận ở đây, trong
thời gian làm Thủ tướng, Hun Sen đã nhận được khoảng hơn 10 học vị Tiến
sĩ Danh dự từ các đại học khác nhau trên khắp thế giới, trong đó
có 2 học vị Tiến sĩ của Hà Nội: Một về Chính trị học (1991), và một
về khoa Giáo Dục (2007); chưa kể tới hàm Giáo sư về khoa Bang giao Quốc tế của
một Đại học Costa Rica, Trung Mỹ. Với từng ấy quyền lực và hào quang, Hun Sen
được Quốc vương Sihanouk phong cho phẩm tước cao quý “Samdech” [Wikipedia] và
còn được mệnh danh là “Đứa Con của Đế quốc Khmer / The Son of the
Khmer Empire”.
– Tiểu sử
Hun Manet: Hun Manet với tước
hiệu đầy đủ là: Samdech Moha Bovorthipadi Hun Manet, sinh ngày
20/10/1977 một tướng lãnh quân đội Hoàng gia và chính khách thuộc thế hệ thứ
hai của Cam Bốt sau thời kỳ Khmer Đỏ. Hun Manet học trung học tại Phnom Penh.
Năm 1995, ở tuổi 18, gia nhập Quân đội Hoàng gia Cam Bốt. Cùng năm, Hun Manet
được nhận vào Học viện Quân sự West Point nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Tốt nghiệp
West Point 4 năm sau ở tuổi 22 (1999) với học vị Cử nhân, là người Khmer đầu
tiên tốt nghiệp học viện này. Manet có thêm hai bằng cấp về Kinh tế: Thạc sĩ
M.A. Đại học New York và Tiến sĩ Ph.D. Đại học Bristol Anh Quốc.
Hun Sen đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi quyết
định chuyển quyền cho con trai Hun Manet với đầy đủ mọi nghi thức trước đó:
ngày 7/8/2023, Vua Norodom Sihamoni đã ký văn bản chính thức bổ nhiệm Hun Manet
làm Thủ tướng kế vị Hun Sen, để thành lập nội các mới với điều kiện được
Quốc hội thông qua. Dĩ nhiên phiên họp Quốc hội khoáng đại lần thứ 7 đã bỏ phiếu
thuận với đa số tuyệt đối ngày 22/8/2023 cũng là ngày Hun Manet tuyên thệ nhậm
chức.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-3.jpg
Hình
3: Hun Manet tốt nghiệp Học viện West Point, New York
tháng 5/1999, cũng là người Khmer đầu tiên xuất thân từ học viện quân sự danh
tiếng này của Hoa Kỳ. Nguồn: AP
Không giống như thân phụ trưởng thành và vươn
lên từ một đất nước Cam Bốt tao loạn và chiến tranh, Hun Manet được lớn lên
trong một gia đình đã bước vào giai cấp quyền quý, được hưởng một nền giáo dục
Tây phương sâu đậm với văn võ gần như song toàn. Nhưng xem ra, Hun Manet chưa đủ
khả năng thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của thân phụ – ít nhất là ở những năm đầu,
cho dù có ước muốn thay đổi hướng đi của Cam Bốt hay không. Giới quan sát am hiểu
tình hình xứ Chùa Tháp cho đây là một ước đoán với kỳ vọng quá sớm.
MỘT BẢO ĐẢM MỐI QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC
Trong cuộc họp báo ngày thứ Tư, 26/7/2023 Hun
Sen chính thức thông báo sẽ từ chức sau ngót 40 năm cầm quyền và Hun Manet sẽ
là Thủ tướng mới của nội các. Chu đáo hơn nữa, Hun Sen trước đó còn
gửi thư cho Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường / Li Qiang, với cam kết bảo
đảm sẽ tiếp tục mối liên hệ thắm thiết với Bắc Kinh sau khi chuyển quyền cho
người con trai lớn của ông vào tháng tới.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-4.png
Hình
4a: Ngày 10/02/2023, Thủ tướng Hun Sen (giữa) dẫn người
con trai cả là Hun Manet (trái), tới diện kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
(phải). Đây là lần đầu tiên có một cuộc viếng thăm chính thức của “cha và
con” tới Bắc Kinh, chuẩn bị cho bước nhường ngôi cho con. Nguồn: Facebook Hun Sen
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-4.jpg
Hình
4b: Ngày 14/9/2023, bảy tháng sau, Hun Manet chính thức
viếng thăm Bắc Kinh lần thứ hai nhưng với cương vị là tân Thủ tướng Vương Quốc
Cam Bốt. Hun Manet đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với hứa hẹn sẽ thắt
chặt hơn nữa mối giao hảo tốt đẹp đang có giữa hai quốc gia. Ngày 17/9/2023 Hun
Manet tới thăm Hội chợ Triển lãm Trung Quốc và các Quốc gia ASEAN tại thành phố
Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Nguồn: Khmer Times
TRỤC PHNOM PENH – BẮC KINH VÀ DỰ ÁN KÊNH PHÙ NAM
Chiếu theo điều khoản 4.3.2 của Hiệp Định Sông
Mekong 1995, tuy không một quốc gia nào có quyền phủ quyết nhưng Dự án Kênh Phù
Nam Techo vẫn phải trải qua 3 giai đoạn: Thông Báo, Tham Vấn và Thỏa Thuận
viết tắt là PNPCA.
– Vậy Dự án Kênh Phù Nam Techo hôm nay đang ở
giai đoạn nào? Tuy mới là Giai đoạn I, với Thủ tục Thông báo / Procedures
of Notification tới các thành viên của 4 quốc gia trong MRC. Do Thái Lan và Lào
là hai quốc gia phía trên nguồn, Dự án kênh Phù Nam Techo sẽ không ảnh hưởng
xuyên biên giới trực tiếp tới hai quốc gia này nên họ không có nhiều quan tâm
và có lẽ sẽ không phản đối. Kênh Phù Nam Techo trở thành vấn đề của hai nước
láng giềng Việt Nam và Cam Bốt. Do Việt Nam ở phía cuối nguồn, giáp ranh với Cam
Bốt nên ảnh hưởng xuyên biên giới / transboundary effects hiển nhiên là
có thật nên đã làm dấy lên mối lo ngại về phía Việt Nam khi mà ĐBSCL
đang thiếu nước và ngày càng bị nhiễm mặn. [4]
Nhận được Thông báo của Chính phủ Cam Bốt ngày
8/8/2023, lẽ ra là bắt đầu bước vào Giai đoạn II, mỗi nước thành viên có thời
gian 6 tháng để Tham vấn trước /Prior Consultation.
Nhưng chính phủ Cam Bốt và các công ty xây dựng
Trung Quốc đã rầm rộ khẩn trương tiến hành Dự án với liên tiếp những ký kết:
– Ngày 11/10/2023 lễ ký kết Khung
Thỏa thuận sơ bộ [Framework Agreement] ở Nam Vang
Vào ngày 11/10/2023, Sun Chanthol Đệ nhất Phó
Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Phát triển Cam Bốt đã chủ trì một cuộc họp
để thảo luận với ông Chu Dũng / Zhou Yong* đại diện Công ty Cầu
Đường Trung Quốc (CRBC) về một bản dự thảo Khung Thỏa thuận FA
/ Framework Agreement về Dự án Hệ thống Tonle Bassac Thủy lộ và Hậu cần
(Tonle Bassac Navigation & Logistics System Project) hay có tên là “Funan
Techo Canal Project”.
Khung Thỏa thuận FA sau khi ký kết, sẽ được
xem xét, để xác định tiềm năng của Dự án Kênh Phù Nam Techo qua các cuộc nghiên
cứu sâu rộng không chỉ về giao thông đường thủy mà còn bao gồm mọi khía cạnh về
những lợi ích kinh tế và xã hội.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-5.jpg
Hình 5
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-6.jpg
Hình
5: Trên, ngày 11/10/2023, Đệ nhất
Phó Thủ Tướng Cam Bốt Sun Chanthol đã chủ trì một phiên họp với ông Chu Dũng*,
đại diện công ty Cầu Đường Trung Quốc [CRBC] để ký kết một Khung Thỏa thuận
/ Framework Agreement về Dự án Kênh Phù Nam Techo. Dưới: Chu
Dũng* là: Phụ tá Tổng Giám đốc Cầu Đường của Trung Quốc,
kiêm Tổng Giám đốc các dự án cầu đường ở Cam Bốt. [nguồn:
*SOHU, Beijing] [1]
– Ngày 17/10/2023, chỉ 6 ngày sau là lễ ký kết chính thức cấp chính
phủ ở ngay tại Bắc Kinh.
Ngày 17/10/2023, Vương quốc Cam Bốt đã ký một
thỏa hiệp cho phép các công ty Trung Quốc thực hiện cuộc nghiên cứu tính khả
thi của Dự án Kênh Phù Nam Techo. Lễ ký kết đã đặt dưới quyền chủ tọa của Thủ
tướng Cam Bốt Hun Manet vào chiều thứ Ba 17/10/2023 tại Bắc Kinh.
Phó Thủ tướng Sun Chanthol, kiêm Đệ nhất Phó
Chủ tịch Ủy ban Phát triển Cam Bốt (CDC / Council of the Development of
Cambodia) đã ký bản thỏa hiệp với các đại diện Công ty Cầu Đường của Trung Quốc
(CRBC / China Bridge and Road Corporation). Chanthol nhấn mạnh, “Lễ ký
kết hôm nay là một bước khác tiến tới thành công trong dự án tiếp vận quan trọng
của Cam Bốt”. Ông hy vọng sẽ khởi công xây dựng dự án vào năm 2024.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-7-1068x712.jpg
Hình
6a: Chiều thứ Ba 17/10/2023 tại Bắc Kinh, đặt dưới quyền chủ tọa của Thủ
tướng Cam Bốt Hun Manet, Phó Thủ tướng Sun Chanthol, kiêm Đệ nhất Phó Chủ tịch Ủy
ban Phát triển Cam Bốt đã ký bản thỏa hiệp với các đại diện Công ty Cầu Đường của
Trung Quốc cho phép họ thực hiện cuộc nghiên cứu tính khả thi của Dự án Kênh
Phù Nam Techo.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-8-768x491.jpg
Hình
6b: Lễ ký kết cũng bao gồm cả các quan chức của Bộ Bưu
điện và Viễn thông (MPTC / Ministry of Posts and Telecommunications) Cam Bốt với
các đối tác của Công ty Kỹ thuật Viễn thông, tư vấn và quản lý công nghệ đa
phương tiện Hoa Vi Trung Quốc (Huawei Technologies Co., Ltd.) [2]
– Ngày 25/10/2023, sau chuyến viếng
thăm chính thức từ Bắc Kinh về, Hun Manet đã tới tỉnh Kampong Cham, trong một
chương trình có tên “get-together / cùng gặp nhau”, và trước đông đảo các công
nhân may mặc Khmer, Hun Manet đã rất tự tin và hùng biện khi nói về Dự án Kênh
Funan Techo có tính cách lịch sử của dân tộc Khmer, sẽ đem lại cho đất nước Cam
Bốt bao nhiêu phúc lợi về kinh tế / economic dividends.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-9.jpg
Hình
7: Ngày 25/10/2023 Thủ tướng Hun Manet với phong cách rất
bình dị và gần gũi khi tới tỉnh Kampong Cham thăm một xưởng may mặc, gặp gỡ
đông đảo các công nhân nam nữ ở lứa tuổi thế hệ trẻ hơn ông, Hun Manet đã rất tự
tin và hùng biện khi nói về Dự án Kênh Funan Techo có tính cách lịch sử, sẽ đem
lại cho đất nước Cam Bốt bao nhiêu phúc lợi về kinh tế. Nguồn: Khmer Times
Dự án lịch sử thủy lộ vận tải đầu tiên của Cam
Bốt nối liền hệ thống sông Mekong và đường biển, không chỉ có mục đích đơn thuần
nhằm giải quyết những thách đố khó khăn trong lãnh vực vận chuyển đường thủy,
nhưng xa hơn thế, đây là một Con Kênh Đa Năng / Multipurpose Canal với nhiều
tham vọng, nhằm kích hoạt các hoạt động kinh tế và xã hội tới một tầm mức cao mới.
Với tầm nhìn là bảo đảm sự độc lập có tính cách chiến lược cho một quốc gia nhỏ
bé chỉ với ngót 17 triệu dân, ít hơn dân số ĐBSCL là 20 triệu.
Với những bước tiến hành ồ ạt tới mức báo động về Dự
án Kênh Phù Nam Techo về phía Cam Bốt, rõ ràng chính phủ Phnom Penh đã đốt 2
giai đoạn II (Tham vấn trước) và III (Thỏa thuận) và quyết tâm nhanh chóng bằng
những bước “nhảy vọt” thực hiện cho bằng được dự án này, đặt Việt Nam trước một
tình trạng đã rồi / fait accompli, trong khi Việt Nam vẫn trong
giai đoạn thu thập ý kiến (25/10/2023) và rồi sẽ thảo luận giữa các chuyên gia,
sau đó mới có tổng kết báo cáo lên Thủ tướng chính phủ. [sic]
DI SẢN HUN SEN: MỘT THẾ HỆ CHA ĂN MẶN
Hun Sen đã để lại cho Hun Manet một di sản về
môi sinh rất nặng nề và cũng không dễ dàng gì để chuyển đổi. Khi mà Hun Sen đã
dứt khoát chọn đi với một “láng giềng xa” là Trung Quốc với bất cứ giá nào, với
cái giá rất đắt mà các “láng giềng gần” phải trả, kể cả với chính đất nước Cam
Bốt.
Khi nói về những con đập dòng chính sông Mekong,
Hun Sen đã có một tiếng nói nhất quán hậu thuẫn cho chuỗi những con đập
bậc thềm Vân Nam / Mekong Cascades của Trung Quốc, và cả các con đập dòng chính
ở Lào, cho dù điều đó đã đi ngược với tất cả mối quan tâm của các quốc gia hạ
lưu khác, trong đó có Việt Nam là quốc gia cuối nguồn bị thiệt hại nhất.
Ngay trên đất nước Cam Bốt, các khu rừng nguyên sinh
/ rainforest và rừng lũ / flood forest đã bị tàn phá rộng rãi, một Biển Hồ như
trái tim của Cam Bốt chỉ còn một nhịp đập thoi thóp do thiếu nước, không còn 6
tháng với nước sông Mekong chảy ngược vào Biển Hồ, nơi cũng là vựa cá lớn nhất
và là nguồn protein chính của người dân Cam Bốt. Tất cả ngày một cạn kiệt, chưa
kể vấn nạn cả một hệ sinh thái bị ô nhiễm: Nước, không khí và thực phẩm
đang hàng ngày đầu độc người dân Cam Bốt.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-10-768x549.jpg
Hình
8: Ai cũng biết rằng trái tim Biển Hồ chỉ còn nhịp đập
khi sông Mekong trong Mùa Mưa còn đủ nước đổ vào con sông Tonlé Sap tạo dòng chảy
ngược vào Biển Hồ như một hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu. Biển Hồ trong
Mùa Khô chỉ với diện tích 2.500 km2, nhưng từ tháng 5 đến tháng 9 bước
sang Mùa Mưa, khi nước con sông Mekong dũng mãnh đổ về, khiến con sông Tonlé
Sap đổi chiều, chảy ngược vào Biển Hồ làm nước hồ dâng cao hơn từ 8 tới 10 mét
và tràn bờ; diện tích Biển Hồ tăng gấp 5 lần, khoảng hơn 12.000 km2.
Những cánh rừng lũ / flooded forest của
Biển Hồ là cái nôi nuôi dưỡng và tái sinh nguồn thực phẩm khổng lồ chủ yếu là
cá, chiếm tới hơn 60% lượng cá của Cam Bốt. Chính con sông Mekong và Biển
Hồ từng là cái nôi của nền Văn minh Angkor Khmer và nay vẫn là mạch sống
/ lifeline của 17 triệu dân xứ Chùa Tháp.
Thủ tướng Hun Sen, thì vẫn bình chân như vại
trong suốt ngót 40 năm cầm quyền, với ông thì chẳng có gì phải lo lắng. Hồi
tháng 6 năm 2005, nhân buổi lễ thả cá giống vào một hồ phía đông Cam Bốt, Hun
Sen đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong lúc bấy giờ. Trước
khi bay sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, ông đã công khai lên tiếng ủng hộ
Bắc Kinh đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, cho dù điều ấy đi ngược lại ý
kiến quan ngại gần như báo động của các chuyên gia bảo vệ môi sinh. Đi xa hơn
thế nữa, ông Hun Sen còn cho rằng ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ là họ chú ý
tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn chặn sự hợp tác
nên có giữa 6 quốc gia. [AFP, 6/29/05].
Ngày 17/11/2010, tại thủ đô Nam Vang bên bờ
con sông Tonle Sap, một lần nữa Thủ tướng Hun Sen, sau Hội Nghị Thượng Đỉnh
ACMECS [Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong Economic Cooperation Strategy] gồm
5 nước Cam Bốt, Miến Điện, Lào, Thái Lan và Việt Nam, đã phủ nhận và bác bỏ mọi
mối quan ngại về ảnh hưởng của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng
chảy sông Mekong. Ông khẳng định rằng chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây là hậu
quả của thay đổi khí hậu chứ chẳng liên hệ gì tới chuỗi những con đập thủy điện
của Trung Quốc.
Khi nói chuyện với các phóng viên báo chí, Hun
Sen đã “giễu cợt / mocked” họ về các ý tưởng cho rằng các con đập trên thượng
nguồn sông Mekong đưa tới hậu quả làm tụt giảm mực nước có tính cách lịch sử
trong thời gian vừa qua. Như một thách đố, ông đưa ra câu hỏi: “Liệu mực nước
lên xuống dọc theo sông Mekong có phải là do các đập thủy điện hay không?”
Rồi cũng rất tự tin, ông Hun Sen tự đưa ra câu trả lời bằng những con số: “Năm
1998, mực nước sông Mekong tụt thấp tới mức kỷ lục 7,5 mét, nhưng tới năm 2000,
mực nước lại cao tới 12 mét.
Cần mở một dấu ngoặc ở đây về hai thời điểm mà ông
Hun Sen nêu ra:
– Năm 1998, đã có con đập thủy điện lớn đầu tiên của Trung Quốc chắn ngang
dòng chính sông Mekong: đập Mạn Loan / Manwan 1.500 MW hoàn tất từ 1993, tiếp tục
lấy nước và hoạt động toàn công suất từ 1995; lại thêm con đập thứ hai Đại Chiếu
Sơn / Dachaoshan 1.350 MW cũng đang được xây cất. Không đủ mưa, lại bị giữ nước
trong hồ chứa, đã khiến mực nước hạ lưu sông Mekong xuống rất thấp tới 7,5 mét.
– Năm 2010, mực nước lại xuống thấp tới mức kỷ lục
trong vòng 50 năm qua ở vùng đông bắc Thái và Lào, gây bao nhiêu lo ngại về an
toàn thực phẩm, nước uống và thủy lộ giao thông. Đây cũng là thời kỳ con đập thứ
tư Tiểu Loan/ Xiaowan 4.200 MW, sau con đập Cảnh Hồng / Jinghong, còn được gọi
là “con đập mẹ” với dung lượng hồ chứa lên tới 15 tỉ mét khối – bằng tổng số
dung lượng tất cả các hồ chứa khác của tỉnh Vân Nam, đang lấy nước vào hồ chứa
và bắt đầu hoạt động phát điện.
Nhưng cũng vẫn theo ông Hun Sen, thì đơn giản
đó chỉ là do “biến đổi khí hậu và khí thải carbon; chính khí thải carbon đã
làm những cơn mưa thay đổi bất thường”. Rồi ông mạnh miệng khuyên
nhủ: “Vậy các nhà hoạt động môi sinh đừng có quá đáng / don’t be too
extreme, và cũng đừng nói rằng vì các đập thủy điện mà thiếu nước ở hạ nguồn.
Đó là một sai lầm.” [6]
Phải nhìn bức tranh toàn cảnh phức tạp, với những
tác hại tích lũy và dây chuyền của các con đập thủy điện trên nguồn nước, nguồn
cá, nguồn phù sa, lúa gạo, và cả gây ô nhiễm nơi hạ nguồn, chứ không thể như
ông Hun Sen giản lược một cách thô thiển bằng “vài con số” và một cụm từ
“thay đổi khí hậu” rất thời thượng.
Trong khi chính Bắc Kinh đang phải vất vả chống đỡ
với sức ép của dư luận và cả cố gắng xoa dịu sự chống đối của các nhóm cư dân
vùng Bắc Thái và Lào đang là nạn nhân trực tiếp của các con đập Vân Nam, thì
ông Hun Sen lại tự nguyện biến mình thành “một luật sư hùng biện cho Trung
Quốc / nhưng bất cần lý lẽ.”
Ông Hun Sen lãnh đạo quốc gia Cam Bốt, khi đứng
trước nguy cơ cả một hệ sinh thái của con sông Mekong và Biển Hồ đang bị suy
thoái “một cách hiển nhiên và nhãn tiền” thì chính ông đã lại cố ý phủ nhận bao
nhiêu mối quan tâm chính đáng và đầy trí tuệ trong suốt mấy thập niên qua của rất
nhiều chuyên gia bảo vệ môi trường và của các tổ chức môi sinh phi chính phủ
như TERRA/ Towards Ecological Recovery and Regional Alliance, IRN /
International River Network, Viet Ecology Foundation…
Thái độ của ông Hun Sen rõ ràng là “phủi tay rũ bỏ
trách nhiệm” bằng cách đổ lỗi “cho thiên nhiên, cho thay đổi khí hậu” thay vì
do sự bất lực của chính quyền do ông lãnh đạo từ bấy lâu nay. Trước hết ông đã không màng gì tới bao nhiêu nỗ lực để bảo vệ Biển Hồ
– là trái tim của Cam Bốt, cũng là nguồn cá nguồn lúa gạo của ngót 17 triệu người
dân Cam Bốt, rộng hơn là bảo vệ nguồn tài nguyên mong manh của con sông Mekong,
đang đe dọa trên đời sống của ngót 70 triệu cư dân của 7 quốc gia ven sông.
Cứu Trái Tim Biển Hồ – là cứu được cả hai vùng châu
thổ Tonle Sap và ĐBSCL của Việt Nam; phục hồi hệ sinh thái: đất, nước và rừng của
Cam Bốt là một thách đố và là nhiệm vụ vô cùng khăn của Hun Manet, của thế hệ
lãnh đạo mới có trí tuệ và có tầm nhìn xa cho những bước phát triển bền vững (sustainable
development) và tương lai thịnh vượng của xứ Chùa Tháp.
MEKONG SỢI DÂY XÍCH ĐỊNH MỆNH
Trong một bài viết nhan đề “Ngoại giao
Láng giềng Cam Bốt, hướng đi trên Con Nước Cuộn Sóng” / Cambodia’s
Neighbourhood Diplomacy, Navigating Turbulent Waters. (Khmer Times
25/10/2023), khi đề cập tới thời kỳ lãnh đạo của Thủ tướng mới Hun Manet, học
giả Chheang Vannarith, Chủ tịch của một think tank có tên là Học viện
Viễn kiến Á châu (Asian
Vision Institute) đã viết:
“Cam
Bốt đang tiến sâu hơn nữa trong kết hợp vùng / regional integration – với tin
tưởng rằng tương lai hay định mệnh của Cam Bốt không thể tách rời ra khỏi vùng.
Chuyển đổi Cam Bốt thành một cửa ngõ / gateway, một trục / hub, hay là một quốc
gia cầu nối / bridging state trong lưu vực sông Mekong là một nỗ lực lâu dài /
long-term endeavor.”
Chheang Vannarith viết tiếp: “Chính
sách ngoại giao láng giềng của Cam Bốt / Cambodia’s Neighbourhood Diplomacy, phải
bắt rễ từ những nguyên tắc cơ bản / fundamental principles mà ông viết tắt bằng
4 chữ M và 2 chữ P theo tiếng Anh [M4P2]: Mutual respect /
kính trọng nhau, Mutual understanding / hiểu biết nhau, Mutual trust / tin cậy
nhau, và Mutual interest of Peace and Prosperity / cùng quan tâm tới Hòa Bình
và Thịnh Vượng.” [3]
Nhận
định của người viết: Vận mệnh hai dân tộc Khmer và Việt Nam, giống
như bối cảnh thu hẹp của một tác phẩm điện ảnh lừng danh của đạo diễn Stanley
Kramer, phim Xiềng xích / La Chaine (1958):
câu chuyện của hai tù nhân khác chủng tộc một trắng, một đen vừa vượt thoát ra
khỏi tù, cả hai vốn không ưa nhau nhưng lại bị trói buộc chung vào một sợi xích
không sao tách ra được, cứ thế mà họ tìm cách hành hạ nhau để rồi cuối cùng cả hai hiểu được rằng họ phải sống hòa hợp để thoát
cảnh trở lại với cuộc sống ngục tù.
Sau bao nhiêu đau thương và thăng trầm lịch sử, cuối
cùng, đã đến một lúc cả hai dân tộc Khmer và Việt Nam sớm nhận thức ra rằng, Sông
Mekong là sợi xích ràng buộc định mệnh của cả hai dân tộc, và Biển Hồ là trái
tim chung, sớm muộn họ phải tìm cho ra một giải pháp lâu dài, làm sao giải được
lời nguyền để hai dân tộc cùng tồn tại, cùng phát triển thịnh vượng và chung sống
trong hòa bình.
_______________
NGÔ THẾ VINH
California, 01/11/2023
.
Tham
Khảo:
1/ Progress of the Funan Techo Canal Project.
Harbor Property. Latest news 12/10/2023 https://www.harbor-property.com/news/detail/1801/progress-of-the-funan-techo-canal-project
2/ China to Conduct Feasibility Study on “Funan
Techo Canal” Project, Beijing (FN), October 18, 2023 http://m.en.freshnewsasia.com/index.php/en/localnews/41715-2023-10-18-02-08-54.html
3/ Cambodia’s Neighbourhood Diplomacy,
Navigating Turbulent Waters. Chheang Vannarith. Khmer Times Oct 25,
2023 https://www.khmertimeskh.com/501381319/cambodias-neighbourhood-diplomacy-navigating-turbulent-waters/
4/ Từ Đế chế Phù Nam Khmer tới con Kênh Lịch sử
Funan Techo của Vương quốc Cam Bốt. Ngô Thế Vinh, Việt Ecology
Press 10/10/2023:
https://vietecologypress.blogspot.com/2023/10/tu-e-che-phu-nam-khmer-toi-con-kenh.html
5/ Đại Vận Hà Phù Nam của Vương Quốc Cam
Bốt – Âm mưu thâm độc của Bắc Kinh. Phạm Phan Long,
VEF 10/10/2023 http://vietecology.org/article/article/6445
6/ Thủ tướng Hun Sen với Thảm họa Môi sinh lớn nhất
khi “Trái tim Biển Hồ” ngưng đập. Ngô Thế Vinh, Việt Ecology Foundation
http://vietecology.org/article/article/57
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-11.jpg
BS Ngô Thế Vinh, tác giả 2 cuốn sách: Cửu
Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng [2000], và ký sự
Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch [2007]; liên quan tới các vấn
đề môi sinh và phát triển Lưu vực sông Mekong và ĐBSCL. Hình: tác giả
đang băng qua Biển Hồ, tới khu Bảo Tồn Sinh Thái Tonle Sap. [12/2001]
No comments:
Post a Comment