Tuesday, November 14, 2023

PHONG TRÀO CHỦ NGHĨA DÂN TỘC KITÔ GIÁO ĐE DỌA NỀN DÂN CHỦ MỸ (Mai Vũ Phạm / Saigon Nhỏ)

 



Phong trào chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo đe dọa dân chủ Mỹ

Mai Vũ Phạm  -  Saigon Nhỏ

13 tháng 11, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/phong-trao-chu-nghia-dan-toc-kito-giao-de-doa-dan-chu-my/

 

.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-1164929-1024x683.jpg

Một tấm biển phía trước Western Maine Christian Academy có dòng chữ “Chúa Jesus ngự trị, không phải Bin Laden” ngày 29 tháng 9 năm 2001 gần Farmington ở vùng nông thôn Maine khi người dân thể hiện lòng yêu nước của họ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 Tháng Chín. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)

 

Trong vài thập niên gần đây, những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo (Christian nationalism) đã tìm cách hợp nhất Kitô giáo vào bản sắc văn hóa, tuyên bố Hoa Kỳ được thành lập như một quốc gia Kitô giáo và lập luận rằng chính phủ nên bảo tồn đặc tính này. Thậm chí, có người ủng hộ phong trào này còn cho rằng: “Ai không theo Thiên chúa giáo là chống lại nước Mỹ và không yêu nước.

 

Kết quả của một cuộc thăm dò gần đây cho biết phần lớn cử tri Đảng Cộng Hòa ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo.

 

Theo nghiên cứu vừa được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng và Viện Brookings, chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo đang trở thành “mối đe dọa ngày càng lớn đối với nền dân chủ Hoa Kỳ.” Đáng chú ý, nghiên cứu còn cho biết chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo có mối tương quan chặt chẽ với sự ủng hộ dành cho QAnon, là một phong trào cực đoan về thuyết âm mưu, với giáo lý dạy rằng:

 

Chính phủ, giới truyền thông và thế giới tài chính ở Hoa Kỳ bị kiểm soát bởi một nhóm ấu dâm tôn thờ Satan… Sắp có một cơn bão quét sạch tầng lớp đang nắm quyền và khôi phục lại những nhà lãnh đạo chính đáng. Bởi vì mọi thứ đã đi quá xa, những người Mỹ yêu nước chân chính có thể phải dùng đến bạo lực để cứu đất nước chúng ta.”

 

VIDEO : 

Understanding the threat of white Christian nationalism to American democracy today  
Brookings Institution

https://www.youtube.com/watch?v=rZLpF-w8-lE&t=1s

 

Trong vụ tấn công Điện Capitol, ngày 6 Tháng Giêng, “những người theo chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo đã đóng một vai trò đáng báo động” – Ủy ban Tự do Tôn giáo và Tổ chức Tự do Tôn giáo ghi lại trong một báo cáo chi tiết công bố năm ngoái.

 

Có thể thấy ảnh hưởng của những người theo chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo trong những nỗ lực gần đây trên khắp Hoa Kỳ nhằm đưa Kitô giáo vào các trường công, yêu cầu chính phủ hỗ trợ các trường Kitô giáo, hạn chế quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT, và ban hành các dự luật tấn công tự do tôn giáo.

 

 

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson là đồng minh của phong trào chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo

 

Tân Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson (Đảng Cộng hòa, Louisiana) là một trong những đồng minh quyền lực nhất của phong trào chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo. Mặc dù nắm giữ chức chủ tịch Hạ viện đại diện cho dân chủ và đa nguyên, dân biểu đến từ Louisiana đã nhiều lần công khai sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo và phản đối sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-1756564693-1280x853.jpg

Tân Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson (Đảng Cộng hòa, Louisiana) là một trong những đồng minh quyền lực nhất của phong trào chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

 

Robert Jones, người sáng lập Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng, đã mô tả Johnson là hiện thân của chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo da trắng trong bộ vest được thiết kế riêng. Đối với Jones, việc Johnson trở thành Chủ tịch Hạ viện “là một sự xác nhận rằng Đảng Cộng hòa, chính đảng có 68% người da trắng và theo Kitô giáo, đã đảm nhận vai trò của mình với tư cách là chính đảng của chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo da trắng.”

 

Theo báo cáo mới nhất của Rolling Stone, Chủ tịch Hạ viện Johnson đã treo một lá cờ đại diện cho phong trào muốn biến Hoa Kỳ thành một quốc gia dành riêng cho Kitô giáo. Lá cờ có nền màu trắng, với cây thông xanh ở giữa, và dòng chữ “An Appeal to Heaven” (Lời Khẩn cầu tới God) ở trên cùng, được treo trước văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Johnson.

 

Lá cờ này lúc đầu được sử dụng làm biểu ngữ trong Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ (1775 – 1783), nhưng trong thập kỷ qua, nó đã được một phong trào Kitô giáo, New Apostolic Reformation (NAR), sử dụng như một biểu tượng chiến đấu cho tín ngưỡng. Hàng trăm lá cờ này cũng có mặt trong cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng. 

 

Nguyên lý chính của NAR là niềm tin cho rằng God muốn những người Thiên Chúa giáo sẽ nắm quyền kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội Hoa Kỳ, bao gồm giáo dục, nghệ thuật và giải trí, truyền thông, và kinh doanh, để tạo ra một quốc gia Kitô giáo. Rõ ràng, việc công khai treo lá cờ này của Chủ tịch Hạ viện Johnson là sự ủng hộ công khai cho phong trào chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo.

 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-1242535423-1280x853.jpg

Lá cờ có nền màu trắng, cây thông xanh ở giữa, và dòng chữ “An Appeal to Heaven” (Lời Khẩn cầu tới God) có từ năm 1775 và gần đây đã bị những người theo chủ nghĩa dân tộc Kito giáo chiếm đoạt và những người ủng hộ Trump sử dụng trong cuộc tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Giêng năm 2021. Lá cờ hiện được treo trước phòng của Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson. (Ảnh: Paul Weaver/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

 

 

Tách biệt tôn giáo và nhà nước

 

Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ nhấn mạnh tư tưởng cho rằng Hoa Kỳ là một quốc gia chỉ dành cho những người Thiên Chúa giáo là “phản dân chủ.” Đây là một sự xúc phạm cơ bản đối với Hiến pháp Hoa Kỳ, tấn công nguyên tắc nền tảng tách biệt tôn giáo và nhà nước. 

 

Vào thế kỷ XVII, đông đảo di dân từ châu Âu đến Bắc Mỹ, góp phần hình thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày nay, là để trốn thoát sự đàn áp tôn giáo, và được sống ở nơi có sự tách biệt rõ ràng giữa tôn giáo và nhà nước.

 

Lịch sử thế giới đã ghi lại vô số biến cố đầy máu và nước mắt liên quan đến sự áp đặt và đàn áp bạo lực của Kitô giáo. Trong suốt hơn 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVI ở châu Âu, Công giáo và Tin lành bức hại lẫn nhau; trong khi ở một số nơi khác Công giáo và Tin lành đàn áp những người theo tôn giáo khác.

 

Điển hình như cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn 30 năm giữa người Công giáo và Tin lành Huguenot ở Pháp từ năm 1562. Hàng ngàn người Tin lành Huguenot đã bị nhóm Công giáo La Mã tàn sát. Ước tính khoảng 400.000 người Tin lành đã phải chạy khỏi Pháp để di cư đến nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả các thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ.

 

Lịch sử nhân loại đã để lại bài học đắt giá rằng đàn áp tôn giáo gây ra những hệ quả đau thương và tang tóc. Nhận thức sâu sắc được bài học này, các vị Lập quốc Hoa Kỳ đã dứt khoát tách biệt tôn giáo khỏi chính trị bằng cách bổ sung vào Hiến pháp Tu chính Án Thứ nhất (First Amendment), nhấn mạnh rằng: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo, hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng…”  

 

Nghĩa là, Tu Chính án Thứ nhất ngăn cấm các cuộc kiểm tra tôn giáo để giữ công vụ, cấm can thiệp vào việc tự do thực hành tôn giáo, và cấm thành lập một tôn giáo chung cho Hoa Kỳ. Nhờ Tu Chính án Thứ nhất mà Hoa Kỳ đã tránh được hầu hết các cuộc xung đột tôn giáo đã hoành hành ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới.

 

James Madison, được ca ngợi là “Cha đẻ của Hiến pháp”, đã viết trong một lá thư phản đối việc sử dụng đất của chính phủ cho các nhà thờ năm 1803:

 

Mục đích của việc tách biệt tôn giáo và nhà nước là để ngăn chặn vĩnh viễn cuộc xung đột không ngừng đã tắm máu các vùng đất châu Âu trong nhiều thế kỷ.”

 

Thực vậy, việc tách biệt tôn giáo và nhà nước vẫn luôn là một tư tưởng chỉ đạo của Hoa Kỳ, với quyền tự do tôn giáo được Hiến pháp bảo vệ. Tự do tôn giáo đúng nghĩa phải bao gồm sự tự do không bị ràng buộc bởi bất kỳ tín ngưỡng nào. Thế nhưng, vài năm trở lại đây đã có nhiều cá nhân và chính trị gia Đảng Cộng hòa công khai ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo. Hành động này đồng nghĩa với việc phá hủy các nguyên tắc và chuẩn mực của nền Dân Chủ Hoa Kỳ. 

 

Đương nhiên, không phải người Kitô giáo nào cũng ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo. Trên thực tế, một số đoàn thể Kitô giáo đã dứt khoát chỉ trích phong trào cực đoan này, nhấn mạnh rằng Tất cả (tín ngưỡng) đều bình đẳng dưới Hiến pháp Hoa Kỳ.”

 

Các nhà bình luận chính trị và chuyên gia cảnh báo cử tri Mỹ phải cảnh giác trong các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và liên bang vào năm 2024. Bởi vì các ứng viên Cộng Hòa theo chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo ngày càng nhiều và công khai niềm tin vào các thuyết âm mưu phản Dân Chủ, phủ nhận kết quả bầu cử, tấn công đa dạng văn hóa và bình đẳng.

 

Dữ liệu thăm dò gần đây cho thấy phần lớn cử tri Đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu bầu chọn những ứng viên công khai ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo bằng mọi giá, thậm chí chà đạp các chuẩn mực Dân Chủ. Rõ ràng, chủ nghĩa cực đoan này thực sự là mối hiểm họa đối với nền Dân Chủ Hoa Kỳ.

 





No comments: