Sunday, November 19, 2023

MỸ - VIỆT - TÀU : CHỨ CÒN GÌ NỮA! (Jackhammer Nguyễn)

 



Mỹ – Việt – Tàu: Chứ còn gì nữa!

Jackhammer Nguyễn

19/11/2023

https://baotiengdan.com/2023/11/19/my-viet-tau-chu-con-gi-nua/

 

Con gấu Panda

 

Hoa Kỳ nói rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Joseph Biden – Tập Cận Bình, bên lề APEC (Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) đã khai thông một số bế tắc trong quan hệ Mỹ – Trung, trong đó quan trọng nhất là nối lại đối thoại quân sự giữa hai quốc gia.

 

Ngay sau đó, ông Biden trả lời một nhà báo là liệu ông còn nghĩ ông Tập là một nhà độc tài hay không. Với nụ cười nhếch mép cố hữu, tổng thống Mỹ nói nhẹ nhàng: Chứ còn gì nữa! (Nguyên văn: Look, he is!). Mời xem clip:

 

Biden Again Calls Xi a Dictator, Risking China Backlash  

https://www.youtube.com/watch?v=-lQ7H_Mh9Vo

 

[GH1] Diễn biến lý thú này thể hiện rất rõ chính sách của Mỹ từ hơn chục năm nay, một mặt là vẫn hợp tác với quốc gia cộng sản Hoa lục, mặt khác là bao vây về địa chính trị, quân sự, kỹ thuật.

 

Với một thứ hỗn hợp: Độc đảng toàn trị, văn hóa Khổng nho độc tài, đám đông dân chúng tuân lệnh và có kỷ luật, chủ nghĩa tư bản nhà nước, chủ nghĩa tư bản thân hữu… Trung Quốc trở thành một nước có sức mạnh kinh tế không thể bỏ qua được đối với bất cứ cường quốc dân chủ nào, dù muốn hay không. Sức mạnh đó gồm hai thành phần chính, thị trường mênh mông, và nền sản xuất hàng hóa tiêu dùng.

 

Khuyết điểm của nền kinh tế khổng lồ của Hoa lục là không có kỹ thuật sáng tạo. Bắc Kinh thường sao chép lại kỹ thuật sáng tạo của phương Tây, vì bản thân văn hóa Khổng nho lai tạp với toàn trị cộng sản là không thể có sức sáng tạo. Tình trạng này càng gia tăng với sự nắm quyền của Tập Cận Bình. Và khuyết điểm này chính là nơi Mỹ và phương Tây nhắm vào, với một loạt chính sách cấm xuất cảng công nghệ, máy móc, đầu tư… vào Hoa lục trong thời gian gần đây.

 

Bắc Kinh có lẽ cũng không còn chọn lựa nào khác, cho nên mới đồng ý tái lập đối thoại quân sự, sau khi làm mình làm mẩy cắt đứt đối thoại gần đây. Rõ ràng là Bắc Kinh “chịu trận”, ráng nương theo để tìm cách trục lợi, điều ngày càng khó, vì phương Tây giờ không còn là thời chiến tranh lạnh nữa. Thời ấy họ cần Bắc Kinh để đập tan khối Soviet, và cũng có những ý tưởng khuếch trương dân chủ cho cả tỷ dân đại lục. Nhưng nay mọi thứ lộ rõ.

 

Nghe nói là ông Tập sẽ cho các sở thú Mỹ tiếp tục mượn các con gấu trúc Panda.

 

Con Trâu đồng sình

 

Điều mà nhiều người Việt, trong cũng như ngoài nước, quan tâm là, Mỹ đối xử ra sao với nước cộng sản đàn em của Hoa lục là Việt Nam.

 

Con Trâu nước Việt Nam không có tham vọng như con gấu Panda của Tàu, hiện nay nó chỉ muốn yên thân.

 

Nhiều người bàn đến việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ lên tầm cao nhất trong thời gian gần đây. Chúng ta không hề nghe bất cứ lời bình luận nào “tiêu cực” về Việt Nam, từ chính giới Hoa Kỳ, dù rằng chuyện bắt bớ, đàn áp xã hội dân sự vẫn đang diễn ra.

 

Mà không phải chỉ ở thời điểm quan trọng trong chuyến đi của ông Biden đến Hà Nội, mà Washington giữ gìn lời ăn tiếng nói như thế. Ngược dòng thời gian cho đến thời của tổng thống Bush (con), cũng thấy Hoa Kỳ rất nhẹ nhàng với Việt Nam. Chúng ta chưa bao giờ thấy những câu tương tự như câu nói khá sỗ sàng như của ông Biden (Chứ còn gì nữa!) nói về ông Tập, sau khi tiếp ông ta.

 

Trong bàn cờ địa chính trị hiện nay, Việt Nam một mặt là một con cờ quan trọng ở châu Á đối với người Mỹ. Mỹ cũng biết rõ dù rằng đồng ý thức hệ độc đảng cộng sản cầm quyền, nhưng khối dân gần 100 triệu người Việt Nam là khối người có rất nhiều kinh nghiệm đối phó với Bắc Kinh, nói không ngoa là nhất thế giới, với cả ngàn năm chinh chiến.

 

Đó là điều thứ nhất giải thích sự nhẹ nhàng của Washington đối với Hà Nội.

 

Điều thứ hai là tầm vóc cộng sản toàn trị của Việt Nam không dữ dội như Trung Quốc, Mỹ nghĩ rằng họ có thể kiểm soát được Việt Nam, để đưa quốc gia này phục vụ lợi ích địa chính trị của Mỹ. Có thể Mỹ cũng đang nhìn Việt Nam toàn trị giống như họ nhìn các ông tướng Thái Lan, các nhà độc tài Indonesia, Philippines, Đài Loan… trước đây. Tất cả các chế độ này, dù phi dân chủ, nhưng đã đi vào quỹ đạo Mỹ và thay đổi.

 

Có thể có người sẽ phản biện rằng, Việt Nam vẫn là cộng sản, với sự ương bướng cố chấp và ranh mãnh của Đảng cộng sản Việt Nam, thì liệu Mỹ có đúng không khi cho rằng mình đang kiểm soát được Hà Nội?!

 

Có thể phản biện đó là đúng, nhưng mọi sự đều có thể thay đổi, với một tương lai các thế hệ trẻ Việt Nam đào tạo ở Mỹ và phương Tây, não trạng người Việt ngày càng gần với phương Tây hơn. Có bao nhiêu sinh viên Việt Nam được đào tạo ở Trung Quốc? Không bao nhiêu cả so với số du học sinh đang học ở phương Tây.

 

Chắc chắn nhà cầm quyền Hà Nội để ý tới câu nói của ông Biden dành cho ông Tập (Chứ còn gì nữa!) Nhưng tôi cho rằng, họ cũng không quá “sốc” (có thể trừ ông Nguyễn Phú Trọng chăng!) Bao nhiêu vị cầm quyền ở Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên có con đi du học ở Mỹ hay Anh?

 

Tôi nghĩ là không ít đâu. Chứ còn gì nữa!






No comments: