Sunday, November 19, 2023

DƯ LUẬN NGƯỜI DÂN VỀ VIỆC ÔNG LƯU BÌNH NHƯỠNG BỊ BẮT (Nguyễn Văn Đài / Blog RFA)

 



Dư luận người dân về việc ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt

Nguyễn Văn Đài

Thứ Sáu, 11/17/2023 - 05:21 — nguyenvandai

https://www.rfavietnam.com/node/7833

 

Chiều muộn ngày 14 tháng 11 năm 2023, khi ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội vừa xuống sân bay Nội Bài. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã chờ sẵn và đọc quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam với ông Lưu Bình Nhưỡng. Công an tỉnh Thái Bình đã cáo buộc ông Lưu Bình Nhưỡng có hành vi “cưỡng đoạt tài sản” theo điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, trong vụ án Phạm Minh Cường, tức Cường quắt, đang được công an tỉnh Thái Bình điều tra.

 

Sau khi báo chí đưa tin về vụ việc, hầu hết người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đều bất ngờ, nhiều người bị sốc trước việc ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt với cáo buộc “cưỡng đoạt tài sản”.

 

Đa số ý kiến người dân trên mạng xã hội đều bày tỏ sự nghi ngờ về tội danh “cưỡng đoạt tài sản” mà ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc.

 

Người dân cho rằng vụ bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng có động cơ chính trị. Bởi vì những phát biểu của ông động chạm trực tiếp tới rất nhiều bộ ngành, thể chế và quan chức chóp bu của chế độ như Bộ Công an và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

 

Năm 2019, ông Lưu Bình Nhưỡng đã từng làm dậy sóng nghị trường khi phát biểu: "Vì sao người dân thể hiện thái độ gay gắt với ông bộ trưởng này, ông quan tỉnh, ông quan huyện kia? Điều đó là do họ không còn niềm tin với các vị được gán mác cán bộ, công chức đó.

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng nói tiếp: "Cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo cao cấp, mà không khiêm tốn, thiếu gương mẫu, sống như thái tử, hoàng tử, như là chúa rừng xanh, thái độ như tuần phủ, tri phủ, chánh tổng… Có người lợi dụng chức vụ quyền hạn, vun vén đủ thứ, từ học hàm học vị, bằng cấp, sắp xếp bộ máy toàn cánh hẩu đệ tử, sống xa hoa, thậm chí cờ bạc thâu đêm, đi nước ngoài ăn chơi bằng tiền ngân sách, thì thử hỏi, sao cử tri và nhân dân có thể yêu mến, kính trọng và ủng hộ?"

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị: “Đề nghị cán bộ công chức sai phạm, không được Nhân dân tín nhiệm, dư luận lên án thì nên tự xử bằng cách từ chức để gỡ gạc một chút danh dự. Không nên tham quyền cố vị khi người dân không còn tôn trọng nữa.”

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đã biết trước những rủi ro sẽ đến với mình khi ông nói “Khi nói ra điều này, tôi chấp nhận việc nói rất động chạm, nhưng vì lương tâm đại biểu Quốc hội trước Nhân dân. Tôi xin được phép chịu một cái rủi ro này.”

 

Người dân cho rằng phát biểu trên của ông Lưu Bình Nhưỡng động chạm trực tiếp tới Bộ trưởng công an Tô Lâm và ngành công an.

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng còn chỉ trích Bộ Công an tìm cách thâu tóm quyền lực. Ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị "cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế", làm sao để xây dựng một Quốc hội nhân văn, không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là trung tâm dân chủ và đoàn kết của quốc gia, dân tộc.

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh:

 

"Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân, đặc biệt không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực của đất nước".

 

Dư luận người dân càng cho rằng vụ bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng có động cơ chính trị và trả thù khi mối quan hệ giữa ông Lưu Bình Nhưỡng và Phạm Minh Cường, tức Cường quắt được làm sáng tỏ phần nào.

 

Phạm Minh Cường, sinh năm 1986 (thường gọi là Cường "quắt", là đối tượng hình sự, có 3 tiền án), trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

 

Chính quyền xã Thuỵ Xuân khẳng định ông Lưu Bình Nhưỡng và Phạm Minh Cường không có quan hệ họ hàng. Và ông Lưu Bình Nhưỡng chưa bao giờ về địa phương.

 

Phạm Minh T, anh trai của Phạm Minh Cường cũng khẳng định ông Lưu Bình Nhưỡng và gia đình anh không có quan hệ họ hàng. Anh T cho biết không thấy người em trai Cường quắt có quan hệ với ông Lưu Bình Nhưỡng. Và ông Lưu Bình Nhưỡng chưa bao giờ về gia đình của anh.

 

Cuối cùng, việc cơ quan cảnh sát điều tra cáo buộc ông Lưu Bình Nhưỡng ‘cưỡng đoạt tài sản” theo điều 170 Bộ luật hình sự là điều đáng nghi ngờ nhất.

 

Bởi ông Lưu Bình Nhưỡng đã có hơn 20 năm là giảng viên Đại học Luật Hà Nội, từng hành nghề Luật sư, có bằng Tiến sĩ luật thì không thể phạm tội “cưỡng đoạt tài sản” bởi những lý do sau:

 

Về mặt hành vi khách quan, ông Lưu Bình Nhưỡng phải có hành vi đe dọa dùng vũ lực uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Được hiểu là hành vi của người phạm tội đe dọa thực hiện một hành động (hay đe dọa sẽ dùng sức mạnh vật chất) để gây thiệt hại cho người bị hại. Mục đích của việc đe dọa này là làm cho người bị hại sợ và giao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra gắn liền với hành vi đe dọa nêu trên.

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng có đe dọa trực tiếp bằng lời nói, cử chỉ, hành động… công khai, trực tiếp với người bị hại. Hoặc có thể đe dọa gián tiếp thông qua các hình thức như: nhắn tin, điện thoại, thư… mà không gặp người bị hại.

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng có thể đe doạ sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhưng cũng có thể đe doạ sẽ dùng vũ lực đối với người khác (chủ yếu là đối với người thân của người có trách nhiệm với tài sản).

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng có thể có hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác. Được hiểu là dùng các thủ đoạn gây áp lực rất lớn về tinh thần của người bị hại để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra, kèm với việc dùng thủ đoạn đó.

 

Các thủ đoạn thường sử dụng là lợi dụng những lỗi lầm, khuyết điểm của người bị hại mà người phạm tội biết được để đe dọa sẽ làm ảnh hưởng đến uy tin, danh dự, nhân phẩm của họ (ví dụ: dọa tố cáo bí mật đời tư của một người, mà bí mật sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của ho) hoặc dọa gây ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ xã hội khác như các mối quan hệ kinh doanh (ví dụ: Phát hiện nước giải khát, đóng chai của một công ty có tạp chất, đã dọa công ty này phải đưa ra một khoản tiền lớn để người phạm tội không tiết lộ thông tin này…)

 

Với những mô tả về hành vi khách quan của tội phạm như trên thì không một người nào có thể tin rằng một người như ông Lưu Bình Nhưỡng có thể thực hiện.

 

Thứ hai, về mặt chủ quan, ông Lưu Bình Nhưỡng thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Tức là ông Lưu Bình Nhưỡng hiểu rõ hành vi đe doạ sử dụng vũ lực hay dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản là tội phạm mà vẫn cố ý thực hiện. Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản tội phạm này.

 

Về nguyên tắc mục đích chiếm đoạt tài sản phải có trước hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn uy hiếp tinh thần khác. Nhưng cũng có trường hợp chuyển hóa tội phạm, có nghĩa là người phạm tội  đã thực hiện một tội phạm khác nhưng sau đó lại xuất hiện mục đích chiếm đoạt tài sản.

 

Như vậy cả về mặt hành vi khách quan, lẫn ý thức chủ quan. Không người dân nào có thể tin rằng ông Lưu Bình Nhưỡng đã có ý thức thực hiện hành vi phạm tội “cưỡng đoạt tài sản.”

 

nguyenvandai's blog

 

================================

LIÊN QUAN

 

Phó Ban Dân Nguyện đồng phạm với xã hội đen, chuyện lạ mà quen!

 

Dư luận người dân về việc ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt

 

Hai cánh cổng to bằng gỗ có liên quan gì với tội danh đồng phạm của vụ án "cưỡng đoạt tài sản"?

 

Nguyễn Văn Hùng, Lưu Bình Nhưỡng và sân khấu Quốc hội

 

Vì sao ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt?






No comments: