Wednesday, November 22, 2023

LIÊN HIỆP QUỐC : TOÀN BỘ CAM KẾT GIẢM KHÍ THẢI MỚI CHỈ ĐỦ GIỮ NHIỆT ĐỘ KHÔNG TĂNG QUÁ 2,9 ĐỘ C (Trọng Thành / RFI)

 



LHQ: Toàn bộ cam kết giảm khí thải mới chỉ đủ giữ nhiệt độ không tăng quá 2,9°C

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 21/11/2023 - 15:24

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231121-lhq-to%C3%A0n-b%E1%BB%99-.....BB%99-kh%C3%B4ng-t%C4%83ng-qu%C3%A1-2-9%C2%B0c

 

Một tuần trước hội nghị khí hậu COP28 tại Dubai, hôm qua 20/11/2023, Liên Hiệp Quốc công bố một báo cáo cho thấy, ngay cả trong trường hợp các nước thực thi đầy đủ các cam kết cắt giảm khí thải, nhiệt độ Trái đất vẫn sẽ tăng 2,9°C, vượt xa mục tiêu của Hiệp định khí hậu Paris 2015. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh lãnh đạo các nước ‘‘cần hết sức nỗ lực’’ để thực thi Hiệp định Paris.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ece19692-3aa3-11ec-8caf-005056bf30b7/w:980/p:16x9/climate-change-thermometer-forest-fire-forest.webp

Ảnh minh họa : Trái đất bị hâm nóng, cháy rừng ngày càng dồn dập và quy mô ngày càng lớn hơn. © pxfuel

 

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc cho biết cụ thể là, nếu tính gộp ‘‘các cam kết vô điều kiện’’ với ‘‘các hứa hẹn kèm theo các điều kiện’’, ví dụ như gắn liền việc thực hiện với một số điều kiện tài chính hay hành động phối hợp của các quốc gia khác, thế giới mới cũng chỉ có thể giữ được nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2,5°C, vượt xa mức tăng từ 1,5°C đến 2°C như cam kết trong Hiệp định Paris, so với thời tiền công nghiệp. Cao hơn mức này, biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những tác động vượt quá khả năng đối phó của con người.

 

Theo AFP, trả lời báo giới, giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, bà Inger Andersen, khẳng định là căn cứ vào hàng loạt hậu quả của biến đổi khí hậu mà nhân loại đã chứng kiến (như cháy rừng vượt tầm kiểm soát, hạn hán, lũ lụt trầm trọng…), ‘‘cả hai kịch bản’’ nêu trên đều không phải là ‘‘điều đáng mong muốn’’. Về phần mình, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres một lần nữa nhấn mạnh ‘‘các năng lượng hóa thạch’’ là cội rễ của các thảm họa khí hậu.

 

Theo tính toán của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, ‘‘xác suất’’ để nhân loại giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, tức kịch bản lạc quan nhất, giờ chỉ ở mức 14%. Trách nhiệm chính thuộc về nhóm G20, 20 nền kinh tế lớn nhất, với tổng lượng phát thải 76% toàn cầu. Lãnh đạo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Nairobi, hối thúc các nền kinh tế phát thải hàng đầu thế giới, như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út… ‘‘hành động mạnh mẽ hơn gấp bội’’.

 

Khí thải toàn cầu vào năm 2030 phải thấp hơn mức dự kiến hiện nay là 28%, để giữ được nhiệt độ không tăng quá 2°C, và thấp hơn 42%, nếu hướng đến mục tiêu không tăng quá 1,5°C. Nhiệt độ trung bình Trái đất trong hiện tại đã tăng hơn 1,2°C. Theo AFP, lãnh đạo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc đặt hy vọng là các nước sẽ có những nỗ lực vượt bậc tại COP28, bất chấp các chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế do cuộc xâm lăng Ukraina của Nga và cuộc chiến tranh Israel – Hamas.

 

-------------------------

Các nội dung liên quan

 

NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

COP 28: Pháp, Mỹ, Anh kêu gọi gia tăng sản xuất điện hạt nhân để ứng phó với biến đổi khí hậu

 

NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH

Khí hậu : Nhu cầu năng lượng hóa thạch « quá cao » đe dọa các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc

 

KHÍ HẬU - NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH

‘‘Giã từ năng lượng hóa thạch’’: Tâm điểm của Hội nghị khí hậu COP28

 





No comments: