Israel
trả giá đắt cho cuộc chiến chống Hamas : Tối thiểu 50 tỉ đô la
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 09/11/2023 - 07:18
Sau mười ngày tiến quân một cách thận
trọng, quân đội Israel bước vào giai đoạn chiến tranh đô thị của chiến dịch tấn
công trên bộ tại Gaza. Theo Les Echos ngày 08/11/2023, bộ Tài
Chánh Israel ước tính để tiêu diệt Hamas tại Gaza phải tốn kém tối thiểu 50 tỉ
đô la, tương đương 10 % GDP.
https://s.rfi.fr/media/display/5bcea320-7e7b-11ee-983d-005056a97e36/w:980/p:16x9/gaz_13.webp
Các binh sĩ Israel trong chiến dịch trên bộ để tiêu
diệt nhóm Hồi giáo Hamas ở phía bắc Dải Gaza, ngày 08/11/2023. REUTERS -
RONEN ZVULUN
Sau khi bao vây Gaza, quân đội Israel tiến thận trọng vào trung tâm
Trên chiến trường Trung Đông, Le Figaro mô tả « Quân đội Israel trong
pháo đài thành phố Gaza ». Tsahal nay bước vào giai đoạn chiến tranh đô thị của
chiến dịch tấn công trên bộ, sau 10 ngày tiến quân một cách thận trọng, được
không quân yểm trợ. Dọc theo bờ biển, các vụ oanh tạc liên tục diễn ra và những
loạt súng có thể nghe thấy gần trại tị nạn Shati, bản doanh của Hamas, nơi từ
lâu thủ lãnh chính trị của phe này là Ismail Hanniyeh ẩn náu. Ở phía nam. Phát
ngôn viên Tsahal nói về một « môi trường khó khăn ».
Quân đội Israel bao vây thành phố theo ba trục khác nhau. Ở tây bắc, từ
căn cứ Zikkim đã vượt qua hàng rào an ninh và đi dọc theo phía biển ; ở đông bắc
toán quân thứ hai tiến về hướng Beit Hanoun và ở phía nam sư đoàn thiết giáp 36
dẫn đầu là lữ đoàn thám sát Golani đi xuyên qua dải đất này đến bờ biển, cô lập
thành phố Gaza với phần còn lại. Trung tá Conricus cho biết : « Lực lượng chúng
tôi hoạt động dưới dạng các nhóm chiến thuật gồm bộ binh, tình báo, hậu cần và
công binh, với sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân ».
Cuối tuần qua, màn bí mật về chiến dịch đã được vén lên phần nào khi các
phóng viên Israel và ngoại quốc được tháp tùng một đơn vị Israel vài tiếng đồng
hồ, trên xe thiết giáp Namer, Eitan hay xe tăng Merkava. Một số xe trang bị lưới
thép bảo vệ tháp pháo, chống lựu đạn do drone ném xuống. Nhưng các quân nhân
cho biết việc giáp mặt với quân Hamas là hiếm hoi. Israel loan báo đã tiêu diệt
được nhiều tay súng Hamas kể từ đầu chiến dịch, ước tính khoảng 900. Hiện giờ
phía Hamas chưa có dấu hiệu bấn loạn, vì vậy phe này không vội vã thương lượng
về số phận các con tin. Theo tin tức mới nhất, Hamas không còn kiểm soát được
phía bắc Dải Gaza.
Ít nhất 50 tỉ đô cho cuộc chiến chống Hamas
Tại Gaza « Một cuộc chiến chống Hamas sẽ khiến Israel tốn kém rất nhiều », theo phân
tích của Les Echos. Ước tính ban đầu của bộ Tài Chánh Israel cho thấy chi phí tối
thiểu lên đến 50 tỉ đô la, tương đương 10 % GDP. Tính toán này dựa trên giả thiết
lạc quan nhất về một cuộc chiến tranh kéo dài 8 tháng đến một năm, chỉ liên
quan đến những trận đánh ở Gaza, không lan sang Liban với Hezbollah, hay tệ hơn
nữa là với Iran.
Đương nhiên chi phí quốc phòng là quan trọng nhất, chiếm khoảng 25 tỉ đô
la. Quân đội Israel đã đặt mua 1,5 tỉ đô la vũ khí, để không phải bị động khi
phải chiến đấu trên nhiều mặt trận. Các công ty Israel và Mỹ sẽ cung cấp drone,
hỏa tiễn, hệ thống phòng không kiểu « Vòm Sắt » chặn
được trên 90 % rốc-kết và hỏa tiễn do Hamas bắn sang từ Gaza hay Hezbollah từ
Liban. Xe cấp cứu, thiết bị y tế và đủ loại xe quân sự được đặt mua khẩn cấp.
Joe Biden hứa tài trợ thêm 14,3 tỉ đô la bên cạnh số 3,8 tỉ hàng năm, để mua vũ
khí made in USA.
Chính phủ cũng phải chi cho việc tái thiết 24 địa điểm ở Israel bị quân
khủng bố Hamas tấn công và phá hủy hôm 07/10; trợ cấp cho 120.000 người dân phải
bỏ nhà cửa ở quá gần Gaza và Liban, hiện tạm ngụ ở khách sạn. Bên cạnh đó là
chi phí nằm viện cho hàng trăm người bị thương, vợ, chồng của các con tin được
trợ cấp 3.700 đô la. Mối đe dọa suy thoái đang hiển hiện. Hoạt động kinh tế chậm
lại vì trên 10 % lao động là quân dự bị đã được huy động, không còn 200.000
công nhân Palestine chủ yếu trong ngành xây dựng, tiêu thụ sút giảm, khiến tăng
trưởng không thể vượt quá 0,6 % trong năm tới. Kinh tế Israel sau thời kỳ chao
đảo vì Covid đã bật lên ngoạn mục với tăng trưởng 15 %. Đây cũng là hy vọng của
Ngân hàng Israel cho thời hậu chiến.
Mahmoud Abbas : Chật vật trong cuộc đua cuối đời
Hy vọng sẽ thay thế Hamas tại Gaza, nhưng lãnh đạo chính quyền Palestine
87 tuổi, sức khỏe kém, đang hụt hơi sau 16 năm nắm quyền. Gần 3/4 người
Palestine muốn ông nghỉ hưu, hầu hết cho rằng ông đại diện cho một chế độ tham
nhũng kinh niên, gia đình trị. Nhưng Abbas vẫn bám ghế, từ chối tổ chức bầu cử
kể từ 2005, không chịu chỉ định người làm phó. Hai con trai ông là Yasser và
Tarek bị cáo buộc gian lận đấu thầu của Cơ quan Mỹ trợ giúp người tị nạn, độc
quyền nhập khẩu thuốc lá Mỹ và quảng cáo trên truyền hình công Palestine.
Dù vậy tên ông vẫn được một số người ở Israel và các nước nêu ra cho thời
kỳ hậu chiến ở Gaza. Mahmoud Abbas cũng nuôi hy vọng này, ông nhấn mạnh Hamas «
không đại diện cho người Palestine » và thận trọng nói thêm sẽ không quay lại Dải
Gaza « trên xe tăng Israel ». Tại Cisjordanie dưới sự kiểm soát của Mahmoud
Abbas, ông cũng không ngăn được những nhóm vũ trang tự ý tấn công khủng bố người
Israel.
Abbas thường xuyên đòi ngưng hợp tác về an ninh với Jerusalem, nhưng chỉ
dừng lại ở lời nói vì sẽ thiệt thòi nếu đi xa hơn : Shin Bet (cơ quan chống khủng
bố của Israel) có sự hỗ trợ quý giá, mọi mưu toan đảo chánh của Hamas – kẻ thù
chung ở Cisjordanie – đều thất bại. Tại châu Âu, những tuyên bố bài Do Thái của
Mahmoud Abbas gây bất lợi cho ông, trong khi Liên Hiệp Châu Âu đã viện trợ gần
1 tỉ euro cho chính quyền Palestine từ năm 2000.
Ukraina, cuộc chiến
tranh ngưng đọng
Liên quan đến cuộc xâm lăng của Nga, Libération đăng ảnh những chiến binh
trong chiến hào với hàng tựa lớn « Ukraina, chiến tranh ngưng đọng ».Tờ báo phân tích « Phản công :
Ukraina từ bỏ cuộc chiến chớp nhoáng ». Sau khi hy vọng trả đũa nhanh chóng,
Kiev nay phải chấp nhận sự thật là cuộc chiến đang sa lầy, kéo dài hầu như bất
phân thắng bại. Ở mặt trận và xung quanh ông Zelensky, những chiến lược mới
đang được vạch ra.
Chiến tranh là súng ống, đại bác, xe tăng, xe phá mìn, phi cơ...Quá nhiều
thứ mà Ukraina đang có rất ít hoặc chẳng có gì cả trong cuộc phản công. Tổng
tham mưu trưởng Valeri Zaloujny kêu gọi có bước đột phá về công nghệ để tránh một
cuộc chiến tiêu hao theo kiểu Đệ nhất Thế chiến. Tuyên bố của ông vốn hướng về
Quốc hội Mỹ, đã gây tranh luận dữ dội tại Kiev. Một cố vấn tổng thống cho rằng
các quân nhân nên tránh bình luận với truyền thông về những gì diễn ra ngoài mặt
trận.
Một dấu hiệu đáng chú ý nữa là Volodymyr Zelensky đã cách chức thiếu tướng
Viktor Khorenko, chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt, thay thế bằng đại tá Serhiy
Lupanchuk, « một sĩ quan giàu kinh nghiệm ». Khorenko nói rằng ông biết tin này qua
báo chí, trong khi tướng Zaloujny không thể nào giải thích. Tình hình căng thẳng
vì những người lính đang hy sinh mà cuộc chiến chưa thấy lối ra. Cũng phải ghi
nhận răng nhờ hỏa tiễn Scalp-EG và Storm Shadow của Pháp, Anh, cùng một ít
ATACMS của Mỹ mà Ukraina đã giáng những đòn nặng nề cho hải quân và không quân
Nga, phá thế phong tỏa ở Hắc Hải, một thành công lớn.
Kiev thay đổi kế hoạch
phản công vì Nga phá đập Kakhovka
Stepan, một người lính tác chiến ở Donbass, nhận xét tình hình đang ngang
ngửa : Nga có số lượng còn Ukraina có khả năng tấn công chính xác. Đơn vị của
anh đã tham gia trận đánh ở làng Neskuchne hôm 19/06, 30 bộ binh Ukraina chống
lại 250 quân Nga. Người lính này nói : « Chúng tôi không có đủ vũ khí, nhất
là xe tăng, và sau hai tháng bị oanh kích, chúng tôi hiểu rằng đánh trận mà
không có không lực yểm trợ thì hầu như bất khả. Ai cũng nói đến F-16, nhưng trước
khi các chiến đấu cơ này đến nơi, có thể chẳng còn xe tăng nào. Nếu nói về phản
công, phải giao tất cả cùng một lúc để đánh một cú lớn ».
Theo Stepan, lẽ ra cuộc phản công được tiến hành tại Kherson để cắt đường
vào Crimée. Hôm 06/06, đúng vào ngày đồng minh đổ bộ ở Normandie, quân Ukraina
dự định vượt sông Dniepr. Nhưng kế hoạch này Nga cũng biết và đã cho nổ tung đập
Kakhovka, nên Kiev phải khẩn cấp thay đổi kế hoạch. Câu chuyện D-Day không
thành này được một nguồn tin thứ hai xác nhận với Libération. Nga bất chấp thảm
họa môi trường tệ hại nhất kể từ Tchernobyl, để đạt mục đích.
Ngày 07/10 nhân sinh nhật mình, Putin tung quân vào Avdiivka gần Donetsk,
tiếp tục chiến thuật cối xay thịt bất chấp mạng lính. Oleksiy Danilov, chủ tịch
Hội đồng Quốc phòng An ninh, bực tức : « Nếu viện trợ phương Tây đến sớm hơn
thì kết quả đã khác », đồng thời nhìn nhận Ukraina cũng phải thay đổi phương
pháp. Theo nhiều nguồn tin, tướng lục quân Oleksandr Syrsky vẫn chỉ huy theo kiểu
xô-viết, khác với các sĩ quan trẻ. Ông bị chỉ trích là « gởi lính đi
bộ đến tái chiếm những bụi cây », vào lúc mà việc bổ sung quân số đang cấp
bách. Stepan than thở xin nghỉ phép mà không được, có lẽ vì không có ai thay.
Philippines xích lại
gần Nhật Bản để đối phó Trung Quốc
Tại châu Á, Le Monde nhận thấy « Trước mối đe dọa Trung Quốc, Philippines
xích gần lại với Nhật Bản ». Những hiệp định quốc phòng mới giữa Tokyo và
Manila mang tính chất hầu như là « liên minh », trong khuôn khổ hợp tác ba bên
với Mỹ để đối phó với Trung Quốc ở Đài Loan và Biển Đông.
Địa chính trị châu Á đã thay đổi, mà bằng chứng là lần đầu tiên thủ tướng
Nhật Fumio Kishida phát biểu trước lưỡng viện Quốc Hội Philippines, sự kiện được
coi là lịch sử. Hai nước cam kết mở đàm phán về một hiệp định cho phép quân đội
của đôi bên huấn luyện và hoạt động trên lãnh thổ của nhau, việc đưa quân và vũ
khí vào được tạo điều kiện dễ dàng. Báo chí Nhật Bản cho rằng quyết định này
tương đương với việc ký kết hợp tác với Úc và Anh hồi đầu năm.
Tokyo đã thay đổi thái độ tại Đông Nam Á và từ 2022 đã hỗ trợ đất nước từng
thuộc Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á thời Đệ nhị Thế chiến, thông qua viện
trợ cụ thể về quốc phòng, được gọi là Official Security Assistance (OSA, « viện
trợ chính thức cho an ninh »). Philippines nằm trong số những nước đầu tiên được
thụ hưởng bên cạnh Malaysia, Bangladesh ở Nam Á và quần đảo Fidji ở Thái Bình
Dương. Với Philippines, Nhật cung cấp radar giám sát vùng duyên hải và nhiều
tàu tuần duyên.
Tokyo đánh giá cao
quyết tâm chống Bắc Kinh của Manila
Nhật Bản dưới thời cựu thủ tướng Shinzo Abe là quốc gia đầu tiên đưa ra
khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương, mười năm sau được Washington tiếp thu để đối
phó sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Kishida nêu
ra « hợp tác ba bên để bảo vệ tự do hàng hải », giữa Nhật Bản, Philippines và đồng
minh Mỹ. Tổng thống « Bongbong » Marcos, được bầu lên từ tháng 5/2022, đã đồng
ý mở 4 căn cứ quân sự mới cho Mỹ, thêm vào 5 căn cứ đã có.
Trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đã đào đắp nhiều đảo nhân tạo, biến thành
căn cứ quân sự, căng thẳng tăng cao từ khi ông Marcos lên nắm quyền. Không một
tuần nào mà không có va chạm hoặc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế. Chuyên
gia Zachary Abuza nhận định trên Japan Times, « Nhật Bản coi Philippines là một
nước có năng lực rất hạn chế nhưng quyết tâm chống lại sự hà hiếp của Trung Quốc
ngày càng mạnh hơn ».
Việc Bắc Kinh giương oai diễu võ với những cuộc tuần tra và các đảo nhân
tạo nằm trong một chiến lược dài hạn nhằm « thống nhất » Đài Loan. Và chính viễn
cảnh Trung Quốc tấn công Đài Loan đã khiến Mỹ, Nhật, Phi siết chặt hàng ngũ.
Chuyên gia địa chính trị Richard Heydarian trên Asia Times phân tích : « Nhật
coi việc hỗ trợ các nước Đông Nam Á, đặc biệt Philippines, là chủ yếu để răn đe
mọi hoạt động quân sự chống lại Đài Loan ».
Bắc Kinh trong bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo hôm 03/11 tố cáo việc «
quân sự hóa » của Nhật Bản tại Đông Nam Á thông qua OSA và các « gói quà » mới
dưới dạng « vũ khí sát thương ». Sau khi thống trị tại khu vực chiến lược này
nhiều thập niên, Nhật Bản đối mặt với « Con đường tơ lụa mới » của Tập Cận
Bình, mà Trung Quốc vừa kỷ niệm mười năm, pha trộn giữa viện trợ kinh tế, ảnh
hưởng chính trị và thủ đắc lợi ích chiến lược. Philippines không bị lừa. Cuối
tháng Mười, bộ trưởng giao thông loan báo dừng hẳn dự án đường sắt ký với Bắc
Kinh thời Duterte. Để trả đũa, Bắc Kinh chưa bao giờ hồi đáp yêu cầu tín dụng của
Manila.
No comments:
Post a Comment