Indonesia
và Mỹ nâng cấp ‘‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’’: Khai thác đất hiếm là trọng
tâm
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 14/11/2023 - 14:24
Washington
và Jakarta nâng cấp quan hệ lên mức ‘‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’’. Hôm
qua, 13/11/2023, tại Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đồng nhiệm Joko
Widodo thỏa thuận siết chặt hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực, từ năng lượng và
khí hậu đến kết nối kỹ thuật số và quốc phòng. Khai thác đất hiếm, nguyên liệu
chiến lược đối với năng lượng tái tạo và công nghệ bán dẫn, là một lĩnh vực hợp
tác chủ chốt.
Tổng thống
Hoa Kỳ Joe Biden (P) tiếp đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo tại Phòng Bầu Dục ở
Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 13/11/2023. © AP/Andrew Harnik
Thông báo của Nhà Trắng cho biết Indonesia và
Hoa Kỳ đã nâng mức hợp tác lên cấp độ ‘‘chưa từng có’’, được xây dựng
trên ‘‘các giá trị chung dân chủ và đa nguyên’’. ‘‘Đối tác Chiến
lược Toàn diện’’ là cấp độ hợp tác song phương cao nhất đối với
Indonesia, tương tự như Mỹ vừa ký với Việt Nam. Trong thông báo nói trên, Hoa Kỳ
tái khẳng định cam kết hợp tác với Indonesia trong việc ‘‘giải quyết cuộc
khủng hoảng khí hậu’’. ‘‘Khai thác khoáng sản bền vững’’ là nội dung số
một trong hợp tác khí hậu song phương.
Nhân dịp này, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và bộ Năng
lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia ký kết một văn bản ghi nhớ (MOU), nhằm
thúc đẩy các hợp tác ‘‘để tạo điều kiện về pháp lý giúp tăng cường sử dụng
các nguồn năng lượng tái tạo’’, ‘‘hỗ trợ Indonesia phát triển lĩnh vực khoáng sản
trọng yếu với mức phát thải thấp, thực hiện mục tiêu của JETP (Đối tác Chuyển đổi
Năng lượng Công bằng)’’. JEPT là cơ chế được công bố tại Hội nghị thượng
đỉnh G20 2022 ở Bali.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế
Theo báo Nhật Nikkei Asia, trước thềm thượng định
Biden – Widodo, giới chức cao cấp Hoa Kỳ cho biết hai bên đang có ‘‘các thảo
luận bước đầu’’ về hợp tác khai thác khoáng sản, và hướng đến đàm phán
về một hiệp định thương mại tự do (FTA) hạn chế, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp
Indonesia được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của chính quyền Mỹ, theo Đạo luật
Giảm lạm phát (IRA), với nội dung chủ yếu là tài trợ cho lĩnh vực năng lượng
tái tạo, liên quan chủ yếu đến các doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước ngoài
thuộc các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ, như Canada hay
Úc.
Theo đánh giá từ phía Hoa Kỳ, “Indonesia
có nguồn cung cấp tài nguyên quan trọng khổng lồ của nền kinh tế ô tô (chạy điện)
của thế kỷ 21’’. Indonesia được coi là quốc gia ‘‘có trữ lượng niken lớn nhất
thế giới” cùng tiềm năng năng lượng tái tạo lên đến 3.600 gigawatt,
theo tổng thống Indonesia. Tuy nhiên, chủ trương hợp tác về khai thác đất hiếm
tại Indonesia của chính phủ hai nước vấp phải nhiều phản đối trong chính giới
Hoa Kỳ.
Theo Nikkei Asia, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ
đã lên tiếng phản đối hợp tác với Indonesia, do ‘‘các tiêu chuẩn về quyền của
người lao động, bảo vệ môi trường, an toàn và nhân quyền’’ không bảo đảm.
Nhóm nghị sĩ này cũng nhấn mạnh đến “sự thống trị” của Trung
Quốc trong hoạt động khai thác và tinh luyện khoáng sản tại Indonesia, đặc biệt
trong ngành khai thác niken. Bà Julie Lucas, giám đốc điều hành
MiningMinnesota, một tổ chức tập hợp nhiều tập đoàn khai khoáng Mỹ, dự báo là
Hoa Kỳ và Indonesia ‘‘sẽ phải mất nhiều năm mới’’ mới vượt qua các
trở ngại để có thể hợp tác khai thác đất hiếm tại Indonesia.
----------------------------
Các nội dung liên quan
INDONESIA - HOA KỲ
Mỹ
và Indonesia lần đầu tiên đối thoại Ngoại Giao - Quốc Phòng
No comments:
Post a Comment