NỘI DUNG :
Ghi chép từ tang lễ của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ
Tuấn
Khanh
.
Thầy Thích Tuệ Sỹ viên tịch ở chùa
Phật Ân, Đồng Nai
Tuấn
Khanh
.
Hòa thượng Thích
Tuệ Sỹ viên tịch
BBC
News Tiếng Việt
.
=================================================
.
.
Ghi chép từ tang lễ của hoà thượng
Thích Tuệ Sỹ
Thứ Bảy,
11/25/2023 - 09:12 — tuankhanh
https://www.rfavietnam.com/node/7845
Buổi tối
24 Tháng Mười Một, không khí trong chùa đã bắt đầu xôn xao đón những người
khách đầu tiên đến chờ viếng. Những người thân quen của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ
tề tựu chung quanh ngài, thảo luận về công việc cho ngày mai: Lễ nhập kim quan,
lễ giác linh an vị, thọ tang… Nhiều Gia đình Phật tử từ Bình Thuận, Huế, Nha
Trang, Đồng Nai… bắt đầu tập họp nhận công việc từ các huynh trưởng Gia Đình Phật
tử Khánh Ân, tức nhóm sinh hoạt ngay tại chùa Phật Ân.
Ở ngoài cổng
và trong chùa, đã xuất hiện các an ninh mặc thường phục tới lui, nhin ngó và thỉnh
thoảng lấy máy ra chụp hình, quay phim. Trước nay thì những chuyện như vậy thường
gây khó chịu và căng thẳng nhưng giờ thì mọi thứ đã trở nên bình thường và mọi
người cũng học cách đi lại và không quan tâm những người như vậy, ngoại trừ như
trường hợp bất thường cần phải can thiệp.
Sáng 25
Tháng Mười Một, Con đường bên ngoài chùa Phật Ân đã đầy các xe hơi 4,7,16 chỗ từ
các nơi đổ về. Con đường Khu 14, An Phước, Long Thành, Đồng Nai trước
chùa vốn xưa nay vắng lặng, nay chợt đông đúc bất thường, nhiều người qua
lại.
Sáng sớm,
gần 7 giờ, phái đoàn đầu tiên trịnh trọng xuất hiện là của hoà thượng Thích
Chân Quang, nhân vật nổi tiếng của Phật giáo nhà nước. Một vị sư trẻ kể lại,
phái đoàn xin gặp thầy Trụ trì Thích Minh Tâm nhưng bị từ chối vì đang lo chuẩn
bị lễ. Nhưng theo mô tả, các tang lễ hay các dịp trọng đại của Giáo hội Phật
giáo Thống Nhất, các tăng ni hay phái đoàn của Phật giáo nhà nước vẫn hay xuất
hiện, đòi đứng chung ban tổ chức… mục đích là tạo hình ảnh lẫn lộn khó phân biệt
đâu là giáo hội nhà nước, đâu là giáo hội độc lập. Nhưng với các vị cao tăng của
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thì cách thức này quá dễ đối
phó. Dù mặc áo gì, danh thế nào, họ được tiếp đón như khách.
Sự kiện
hoà thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trở thành tin tức lớn nhất của những ngày cuối
tháng Mười Một của cả nước, nhưng là chỉ có báo Tuổi Trẻ, Một Thế Giới và báo
Giác Ngộ của Giáo hội nhà nước đưa tin. Đáng chú ý, Trong cách đưa tin của báo
Giác Ngộ là kiểu ăn theo hết sức trơ trẽn và cố ý chỉ đưa tên của hoà thượng
Thích Phước Trí, nguyên Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung Ương Giáo hội nhà nước - Một
cách lập lờ với đại chúng như kiểu hòa thượng Thích Tuệ sỹ là người của Giáo hội
nhà nước. Trên thực tế là ngay khi đau yếu, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã tính
toàn việc đám tang có thể bị gây khó, nên chọn hoà thượng Thích Phước Trí làm
chủ nghi lễ để nhằm hoá giải mọi chuyện. Bài viết trên báo Giác Ngộ ký tên nặc
danh là “nhóm phóng viên” đã không dám nhắc gì đến các vị cao tăng khác có mặt,
vốn là người của GHPGVNTN, và cũng lờ đi thời gian tù tội, và cả án tử hình đã
áp vào thầy Tuệ Sỹ.
Ăn theo,
thao túng và mưu tính đồng hoá GHPGVNTN vào hệ thống tăng ni nhà nước đã là vệt
đáng xấu hổ của những người mặc áo cà sa, xưng là học Phật. Còn nhớ đám tang của
Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ vào năm 2020, hoà thượng Thích Thanh Phong, trụ
trì chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, cùng với số đệ tử trà trộn vào chùa Từ Hiếu, mưu
tính cướp tro cốt đem đi về thờ trong hệ thống chùa nhà nước, nhằm đồng hoá
hình ảnh GHPGVNTN. Chuyện diễn ra gay gắt với sự phản đối của hoà thượng Thích
Nguyễn Lý (trụ trì chùa Từ Hiếu) và chúng tăng, nên âm mưu bất thành.
Gần 8 giờ
sáng ngày 25 Tháng Mười Một, một phái đoàn của bên an ninh, ban tôn giáo, chính
quyền địa phương đến tìm thầy Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Phật Ân, đòi tháo tấm
biểu ngữ trong điện thờ và tất cả những gì có ghi danh tính của hoà thượng
Thích Tuệ Sỹ với hàng chữ Chánh thư ký, kiêm xử lý thường vụ, Viện Tăng Thống
Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Tên của một giáo hội hình thành từ năm
1964, nay bỗng trở thành nhạy cảm ghê gớm. Báo Giáo Ngộ với nhóm phóng viên viết
bài, quay hình, theo dõi sự kiện đến 4-5 người, cũng hoàn toàn như không biết
gì về chuyện này. Dĩ nhiên, việc đòi hỏi đó không được đáp ứng. Một tăng sĩ kể
lại là khi phái đoàn của nhà nước bị đặt câu hỏi “tại sao?”, đã có người nói
GHPGVNTN là một tổ chức không được công nhận. Câu trả lời dứt khoát của các thầy
ở chùa Phật Ân là “khi nào GHPGVNTN có văn bản đặt ra ngoài vòng pháp luật,
chúng tôi sẽ bàn thảo về chuyện này”.
Vào lúc
12g, đúng ngọ, lễ nhập kim quan bắt đầu. Mọi chuyện diễn ra trang nghiêm và
không ồn ào, bởi đã loại bỏ các hình thức phóng thanh. Sân chùa Phật Ân đầy người
đến dự lễ. Nhìn quy cũ và hàng hàng lớp lớp tăng ni, các Gia đình Phật tử, tín
đồ lẫn giới mộ tín, khó ai tưởng được đây là một nghi lễ của GHPGVNTN đang trải
qua vô cùng những khó khăn, kể từ khi nhà nước dựng lên giáo hội mới, nằm trong
Mặt Trận Tổ Quốc, từ năm 1981. Sự có mặt đông đảo các thành phần tham dự, các lứa
tuổi, từ những cụ già cho đến những thiếu nhi, thật sự đem lại một cảm giác lạ
lùng và xúc động.
Đây là lúc
các nhân viên an ninh xuất hiện dày đặc hơn, ngoài cửa đã có thêm xe cảnh sát
giao thông và dân quân địa phương. Những chiếc máy quay liên tục chĩa và người
và sự kiện. Một thành viên nữ, thuộc ban truyền thông của gia đình Phật tử kể,
cô bị một nhân viên an ninh đến, yêu cầu giao nộp những gì cô đã quay, chụp. “Tại
sao?”, cô này kể đã hỏi dứt khoát, và bỏ đi quay nhìn lại.
Thầy Thích
Nguyên Lý chưa khoẻ lại sau một vụ đụng xe lạ lùng, sau lễ ngài phải về sớm
để làm lễ ở chùa quận 8, Sài Gòn. Thầy kể khi ra cửa, gặp ngay một sĩ quan an
ninh của TP.HCM đang đi vào.
·
“Sao
chuyện ở Đồng Nai mà công an Sài Gòn cũng phải chạy xuống vậy?”, thầy cười hỏi.
·
“Công
việc phải vậy mà thầy”,
viên công an đáp.
·
“Hôm
nay không có gì đâu, mai mốt có đại hội tui báo cho”, thầy Thích Nguyên Lý vừa cười vừa
nói.
·
“Chắc
không có đại hội được đâu”, viên công an đáp nhanh.
Hoá ra,
theo nhận định của thầy Thích Thiện Minh, phía công an căng thẳng là vì dự đoán
có thể trong tang lễ của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, các thầy lớn trong GHPGVNTN tụ
về, sẽ có việc tiến hành bầu Đệ Lục Tăng Thống, người lãnh đạo mới của
GHPGVNTN. Nhưng ngay cả việc này, cũng không nằm ngoài dự đoán của hoà thượng
Thích Tuệ Sỹ lúc sinh thời.
=======================================
.
.
Thầy Thích Tuệ Sỹ viên tịch ở chùa
Phật Ân, Đồng Nai
Thứ Sáu,
11/24/2023 - 06:04 — tuankhanh
https://www.rfavietnam.com/node/7843
Vậy là người
thầy lớn của Phật giáo đã ra đi, lúc 16 giờ, ngày 24 tháng 11, 2023.
Ngày hôm
qua, thầy được đưa về chùa Phật Ân, Đồng Nai từ bệnh viện, sau những lúc tưởng
đã thôi không còn có thể chống chọi đến giờ phút cuối những căn bệnh trầm kha,
vốn theo đuổi biết bao lâu nay.
Thầy Lê Mạnh
Thát quyết để thầy Tuệ Sỹ - người bạn đường thân thiết của mình - ra đi theo
cách tự nhiên ở chùa. Các bác sĩ đến theo dõi bệnh tình của thầy ngay khi được
đưa về chùa, đã hết sức ngạc nhiên khi thấy các chỉ số sức khỏe lại ổn định,
sinh hiệu đầy lạc quan. “Có thể mọi sự kéo dài thêm hơn tuần nữa”, thầy Hạnh
Viên, thị giả của thầy Tuệ Sỹ nhắn tin trong đêm cho biết. Niềm hy vọng mong
manh chợt bùng lên ở nhiều chúng đệ tử, lòng không muốn chia lìa với người thầy
của mình trước hiện thực trần trụi.
Nhưng từ
hôm qua 23 tháng 11, giới đệ tử và các thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất ở các tỉnh xa đã bắt đầu tập họp ở chùa Phật Ân, chờ đón chuyện cuối
của đời người theo lẽ tự nhiên, hầu như ai cũng bình lặng nhưng đầy xót xa vào
lúc Phật giáo Việt Nam mất đi người thầy lớn cầm ngọn đèn soi đường, giữa đêm tối
của niềm tin hôm nay.
Chiều 24,
tin dữ lan nhanh, mọi người vẫn theo dõi sát sao tin tức của thầy Tuệ Sĩ, lại vẫn
hụt hẫng dù không còn bất ngờ. Điều gì phải đến, đã đến.
Hơn ai hết,
thầy Tuệ Sỹ như đã bước vào chuẩn bị những giây phút này của mình kể từ khi nhận
trọng trách với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Giờ thì những người gần
gũi với thầy mới hiểu vì sao thầy cố tận lực dành những ngày tháng cuối đời của
mình, để làm việc không ngừng, ghi chép, để lại những kinh văn quan trọng cho đời
sau. Bởi một điều đơn giản và sâu thẳm: con người thì hữu hạn nhưng chánh Pháp
nguyên khôi thì vô hạn, và đó chính là ngọn đuốc trí tuệ mà thầy muốn trao lại
cho thế hệ Việt Nam ngày sau, để tiếp tục đi trên con đường dài thăm thẳm phía
trước, giữa mây mù, không còn người chỉ lối bên cạnh.
Là bậc đại
sư im lặng và kiên tâm với con đường của mình đi, dù trải qua miên trường sóng
gió của thời thế, của những khúc quanh số phận, và kể cả những sự chia rẽ trong
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đáp lại những thách đố thù địch, thầy mỉm
cười đối diện với an nhiên. Với tăng chúng, bằng hành động chứ không bằng lời
nói, thầy đã chứng minh tâm nguyện đời cho những thế hệ hôm nay, mai sau, như
thầy đã từng cam kết “Nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò. Nơi nào tối
tăm, tôi nguyện sẽ ngọn đuốc sáng”.
Vào những
ngày tháng hoang mang khi thầy Tuệ Sĩ phải liên tục ra vào bệnh viện, sức khỏe
yếu dần. Những người bạn phật tử của tôi đã từng đăm chiêu và hỏi rằng liệu
không còn thầy thì mai chúng ta sẽ ra sao? Trong thế giới Phật giáo hôm nay rầm
rộ tượng đài, đền chùa vô hồn, quả thật là hoang mang khi mất lối.
Ngày mai
chúng ta sẽ ra sao? Đó là câu hỏi lớn khi tin về sự ra đi của thầy Tuệ Sỹ ập đến.
May thay, Phật giáo Việt Nam vẫn còn những điều để soi lại, noi theo. Người Việt
đã có nửa thế kỷ lịch sử Phật giáo trắc trở và bi hùng, và những người thầy vĩ
đại đã nguyện hy sinh đời mình để giữ lại những áng kinh, lời soi sáng con đường
phía trước.
Không chỉ
có thầy Tuệ sỹ, ở phía trước đã có nhiều những bậc thầy khai mở Phật giáo Việt
Nam qua những thăng trầm như thầy Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Minh, Thích Huyền
Quang, Thích Quảng Độ… Là người Phật tử nhận thức đủ và đúng, không có thầy,
thì với chánh pháp, lời Phật cần ghi nhớ: "Chúng sanh là kẻ thừa tự những
hành vi mà nó đã làm", và điều thầy Tuệ Sỹ mượn lời Phật dặn dò để
"Hãy là kẻ thừa tự Chánh pháp của Như lai; chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật".
Không ngã
nghiêng theo mê đồ, không để bị thao túng của kẻ giả tăng, không quỵ luỵ với
quyền thế. Sống như một Phật tử Việt Nam, biết đau với nỗi đau của con người và
thế giới của mình. “Đi với Chánh pháp - đó chính là mặt đất kim cang để trên đó
tuổi trẻ tự vạch hướng đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho
chính đời mình”, thầy viết trong lời dạy về “Giáo dục Phật giáo cho tuổi trẻ”.
(Tháng 5-2004)
================================================
.
.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch
BBC News Tiếng Việt
24 tháng
11 năm 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cg3px1l39xzo
Hòa thượng
Thích Tuệ Sỹ, người từng bị chính quyền Việt Nam kết án tử hình, lãnh đạo Giáo
hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - một tổ chức tôn giáo không được chính quyền
Việt Nam công nhận, vừa qua đời.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d64a/live/0ebe99f0-8ab5-11ee-952c-5f8de97ee99b.jpg
Hòa thượng
Thích Tuệ Sỹ
Báo Giác
Ngộ xác nhận Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch lúc 16 giờ ngày 24/11/2023, thọ
81 tuổi.
Hòa thượng
Thích Tuệ Sỹ vốn nổi tiếng là một nhà tu hành uyên bác, là dịch giả của nhiều bộ
kinh, luật, luận, tác giả của các công trình nghiên cứu Phật học giá trị.
Ông thông
thạo nhiều ngoại ngữ, là nhà thơ, dịch giả và từng có nhiều hoạt động được cho
là bất đồng với chính phủ CHXHCN Việt Nam.
Nhà thơ,
thiền sư Tuệ Sỹ là một trong những tên tuổi trẻ có uy tín nhất trong những
danh tính nổi bật của văn học miền Nam giai đoạn 1963-1975, theo các tài
liệu sau này công bố ở hải ngoại.
Nhà văn
Viên Linh từng
viết về uy tín của thầy Tuệ Sỹ trên lĩnh vực Phật học và Triết
học ở Viện Đại học Vạn Hạnh:
“Trong các
nhà tu hành trẻ tuổi hồi thập niên ’70, khuôn mặt của Tuệ Sỹ, vóc dáng của một
hiền giả, nhìn vào, nói tới, là nhìn vào, nói tới một tinh thần, một phong cách
sáng lạn."
Giai
đoạn sau 1975
Trong số
các sự kiện gây chấn động Phật giáo Việt Nam thời gian trước là việc ông bị bắt
năm 1984, sau đó bị chính quyền Việt Nam tuyên án tử hình năm 1988, với tội
danh "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân".
Sau các đợt
vận động và sự can thiệp của các tổ chức quốc tế, tu sĩ Thích Tuệ Sỹ thoát án tử
năm 1998.
Cũng trong
năm này, ông cùng bảy người Việt khác được Tổ chức Human Rights Watch tặng giải
thưởng nhân quyền Hellmann-Hamett Awards.
Thời điểm
tháng 9/2022, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nhận vai trò lãnh đạo Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thay Hòa thượng Thích Quảng Độ, người
viên tịch vào ngày 22/02/2020. Đây là giáo hội không được nhà nước công
nhận.
Trên mạng
xã hội, nhiều người bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Hòa thượng Thích
Tuệ Sỹ. Một số người trích đăng lại một đoạn trong ‘Thư gửi các tăng sinh Thừa
Thiên-Huế’ của ông:
“Nhẫn nhịn
đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian,
nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự
rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự
huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết
rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy
bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng..."
Các quan
điểm nói trên không được báo chí chính thống Việt Nam thừa nhận và
đăng tải.
Báo Giác
Ngộ chỉ giới thiệu đóng góp của ông về mặt học thuật,
triết học và Phật học và không đề cập đến phần hoạt động khác:
"Hòa
thượng Thích Tuệ Sỹ được biết nổi tiếng về sự uyên bác, thông thạo nhiều loại cổ
ngữ lẫn sinh ngữ như: Hán văn, Phạn văn, Tạng văn, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga…
Trong gần trọn cuộc đời, Hòa thượng dành phần lớn thời gian và tâm huyết của
mình cho việc phiên dịch và chú giải kinh điển, đặc biệt là tạng kinh A-hàm.
Các dịch phẩm nổi bật của Hòa thượng đã được xuất bản chính thức, đến với độc
giả trong và ngoài nước."
---------------------
BBC
sẽ đăng thêm các bài về Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Phật giáo Việt
Nam trong những ngày tới.
Tin
liên quan
·
Tu sỹ từng lãnh án tử
Thích Tuệ Sỹ trở thành lãnh đạo GHPGVN Thống Nhất
5 tháng 9
năm 2022
·
Lãnh đạo Việt Nam đang dịch
chuyển về gần các biểu tượng quá khứ?
15 tháng 2
năm 2022
·
Tự do tôn giáo VN: Khi
tu sĩ muốn đứng ngoài giáo hội 'chính thống'
14 tháng 1
năm 2022
No comments:
Post a Comment