Câu chuyện lớn ở ao Hạ Long (Phần 2)
08/11/2023
https://baotiengdan.com/2023/11/08/cau-chuyen-lon-o-ao-ha-long-phan-2/
Tiếp theo phần 1
Một nhà báo tầm trung có một phản biện câu chuyện “hòn non bộ” với vài luận điểm, đại ý như sau:
A. Khu vực này khi nước thuỷ triều xuống thì dơ bẩn, hôi hám, chỉ đẹp khi nước thuỷ triều lên. Nên việc đổ đất lấp cái dơ bẩn thay vào bằng cái đẹp đẽ, hiện đại, sinh lợi là hợp lý.
Nhà báo này và phe cánh của anh gọi những người phản đối vụ “hòn non bộ” Hạ Long là bầy đàn, nông nổi và phi lý, họ dùng nhiều câu chữ rất nặng nề để phỉ báng. Bài phản biện tại đây: https://tinyurl.com/2s3uxu4r
B. Dân sở tại không ai thắc mắc, chỉ thấy người ngoài thắc mắc.
C. Từ ngày Quảng Ninh đầu tư xây dựng nhiều công trình ven biển tương tự như thế này thì tỉnh giàu đẹp thêm.
Tôi đã comment vào bài viết đó rằng: Biết một (như nội dung báo Tiền Phong phản ánh) là biết hiện tượng. Biết hai (như ý kiến phản bác của hnà báo này) là kiến thức (có giới hạn). Biết hơn hai là tri thức, là văn hoá, là trách nhiệm và chất lượng công dân.
Thưa quý bạn. Bây giờ tôi phản biện hai điều A và C.
Riêng việc nêu ở mục B là tình cảm của người dân sở tại, tôi sẽ có những cuộc phỏng vấn họ tại chỗ trong vài ngày tới. Không bàn hôm nay.
Dưới đây là nhìn nhận từ điểm A.
Hiện tượng nền đáy biển ở trong phạm vi nhỏ (khoảng 15 mét từ mép biển trở ra) phơi ra lớp bùn, cát khi thuỷ triều xuống là có thật. Nó có thể dơ bẩn là do con người xả rác.
Nếu ai đó có thiện ý lấp kín diện tích này thì có nhiều biện pháp khác, trong đó có cả biện pháp sinh học như là dùng những thứ cây thuỷ sinh, cây nước lợ v.v… trồng vào.
Việc “phủ tràn” bằng vài trăm biệt thự và những dự án sặc mùi thương mại như ở Quang Hanh, Cẩm Phả nêu trên một diện tích lớn hơn khu vực “dơ bẩn” nhiều lần, là một lối biện minh rất ấm ớ.
Hơn nữa, việc chuẩn bị giải quyết cái “dơ bẩn” kia bằng cách đem đến gần ba ngàn dân cư trú tại chỗ ở “làng biệt thự” đang hình thành ở đó, đồng nghĩa với việc mỗi 5 năm đổ xuống khu vực kế cận này khoảng một triệu mét khối nước thải sinh hoạt và phân, nước tiểu, hoá chất từ dầu gội, xà bông… (Mỗi người một ngày trung bình dùng 20 lít nước cho vệ sinh, tắm gội) thôi, 5 năm sẽ có con số trên ngấm xuống biển.
Trong khi các bờ kè vuông vức đã giới hạn giao lưu nước không khu vực này với bên ngoài thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Với ý kiến C, nhà báo trên nói đúng. Nếu chỉ nhìn riêng quan điểm kinh tế (cục bộ) thì anh ấy đúng. Đúng khi quan sát vào túi tiền của nhà đầu tư. Đúng khi nhìn vào thu nhập trong một giới hạn thời gian của chính quyền địa phương.
Không những Hạ Long, Cẩm Phả mà cả Đà Nẵng, Sài Gòn, Đà Lạt, nếu bám sát chủ trương bê tông hoá, phát triển kiểu “bằng mọi giá” thì trước mắt, địa phương có nguồn thu thơm tho như miếng tóp mỡ trên bát canh dưa chua.
Tôi đang đi (rất sâu) vào một đề tài xem xét 5 huyện ở Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, với nét chung là ở thời điểm 5 năm sau khi khởi phát GDP các huyện này tiến như vũ bão, Bình Dương gọi bằng cụ nhưng sau đó là bao nhiêu hệ quả tai hại đã xảy ra.
Hy vọng tôi sẽ “trả bài” này thật cụ thể ở một bài sau.
Nói cho công bằng, nếu có một chính sách thật công chính, minh bạch, toàn diện và những quy hoạch thông minh, hợp lý để phát triển du lịch bờ biển thì chính là ta đã mở cửa kho vàng tiềm tàng.
Không nên ào ào phản đối nếu xuất hiện hình thái này. (Như Sài Gòn đang hướng tâm vào Cần Giờ hiện nay, rất có lý).
Nhưng nếu phát triển bằng kiểu của tư bản thân hữu, tư bản hoang dã, bằng cách bất chấp hệ quả, thì thật là tai hại.
Phần kết:
Hồi công tác tại báo Tầm Nhìn, tôi đã có một bài nêu những âu lo khi người ta dẹp bỏ 26 công trình thủy điện. Những công trình này có giấy phép. Chủ đầu tư đã đổ vào đây hàng trăm ngàn tỷ đồng, nay “đùng một cái” ông nhà nước giật mình vì cái gì đó, thổi còi chấm dứt! Doanh nghiệp chết.
Hôm nay, với câu chuyện “Ao Hạ Long” phải tính đến chuyện này. Cái “chướng tai gai mắt” thì ai cũng thấy, mà coi chừng nó sẽ bị chế tài bởi phía quốc tế nữa thì lôi thôi to.
Tôi đã comment trên trang bạn về chuyện này bằng một ước đoán: “Rồi sẽ chẳng chết thằng Tây nào, sẽ xử ‘phạt’ giả vờ chút chút, rồi chờ công luận nguội đi, lại rón rén làm tiếp”.
Có vẻ dự đoán của tôi đang… đúng. Trên mạng đã xuất hiện những đề nghị cưỡng chế nhà kia, buộc họ xúc hết đất đi, trả lại hiện trạng như năm ngoái.
Không ổn. Nếu làm vậy thì tuyệt vời nhưng nếu thế thì còn gì là … Việt Nam nữa. Cái toà nhà ở Lê Trực, Hà Nội gọn hơn nhiều mà mười năm nay chưa đâu vào đâu!
Nay tôi mạnh dạn đề xuất một hướng giải quyết như thế này.
1. Huỷ bỏ giấy phép cấp cho anh này. Kỷ luật những người cấp giấy phép.
2. Tỉnh tiếp thu công trình ẩm ương này và biến đổi công năng nó thành có lợi.
Thay kế hoạch xây làng biệt thự để quy ra thóc bằng một khu điều dưỡng cho người già với quy mô mini, chứa không quá 200 người mỗi chu kỳ ấn định.
3. Kiến tạo một con đường hoa thật đẹp trên diện tich đã đổ đất hiện nay nó sẽ thành một điểm nho nhỏ đến du lịch kiểu city tour.
4. Phá huỷ vài đoạn đang khép kín, mỗi đoạn chừng 20 mét cho thông thuỷ. Bắc cầu bên trên để khách du lịch đi lại.
5. Tạo một mặt bằng có giới hạn dành cho học sinh, sinh viên sinh hoạt ngoại khoá.
6. Có tính đến việc cân bằng ngân sách của tỉnh, bù trả cho nhà đầu tư một số tiền phù hợp, không để họ một mình chịu thiệt thòi khổng lồ khi mà họ thi công công khai, có giấy phép đàng hoàng.
7. Chuyển những vị đã tham mưu, ký kết những giấy phép cho nhà đầu tư này lên… Ban Kinh tế Trung ương.
8. Cứ lỳ ra, kệ công luận, kệ thiên hạ, vài tháng sau tình hình mờ nhạt dần, tính sau.
Đó, tôi rút gan rút ruột trình Quảng Ninh sáng kiến 7 + 1 điểm trên đây, tuỳ chọn. Hoặc không chịu, thì tùy.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/2-7-1024x569.jpg
Chú thích ảnh: Thành phố Bê tông Đà Lạt, nó phát triển và tạo hiệu ứng như ý kiến của anh nhà báo nêu ở điểm C.
Ngày 08/11/2023
Huy Cường.
.
No comments:
Post a Comment