Cần
thêm bộ sách giáo khoa nữa không?
17/11/2023
https://baotiengdan.com/2023/11/17/can-them-bo-sach-giao-khoa-nua-khong/
Với Việt Nam hiện nay, nội dung sách giáo khoa (SGK) cho học sinh phổ
thông là vô cùng quan trọng. Nếu các nước có nhiều chương trình, nhiều bộ SGK,
và giáo viên giữ vai trò quyết định trong lựa chọn nội dung và phương thức truyền
dạy, thì ở nước ta, giáo viên chỉ được dạy những nội dung đã được phê duyệt
trong SGK. Mọi sự dạy ngoài SGK, nếu không cẩn trọng, có thể dẫn đến bị coi là
vi phạm pháp luật. Bởi thế, nội dung SGK phải được xem xét kỹ lưỡng. Trước khi
quyết định dạy điều gì và không dạy điều gì thì yêu cầu đầu tiên phải là không
có sai sót.
Hiện tại có ba bộ SGK đang được biên soạn được Bộ Giáo dục và Đào tạo
(BGD&ĐT) cho phép dùng trong chương trình cải cách giáo dục. Nhưng cả ba bộ
SGK đều có nhiều khiếm khuyết. Vì nội dung SGK quyết định tri thức của nhiều thế
hệ học sinh phổ thông, nên xã hội yêu cầu phải có những bộ SGK tốt hơn. Uỷ ban
Thường vụ Quốc hội đã đề nghị QH quyết định thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13
[1] về việc giao cho BGD&ĐT biên soạn một bộ SGK [2].
Nghe các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu trên nghị trường trong các
ngày qua, một phía yêu cầu BGD&ĐT phải làm thêm một bộ SGK, một phía thì
cho rằng không cần thiết. Trên mạng xã hội cũng chia làm hai phía, ủng hộ và
không ủng hộ. Viện dẫn đủ lý do, từ các Nghị quyết Quốc hội (NQQH), cho đến tốn
kém tài chính, cuộc tranh luận ủng hộ và chống đối chưa đi đến hồi kết. Cách tiếp
cận theo chiều hướng này sẽ không đưa đến lời giải.
I. NHỮNG CÂU HỎI MANG TÍNH TIÊN ĐỀ
Để thoát khỏi các cuộc tranh luận pháp lý về NQQH không đưa đến hồi kết,
cũng như giúp cho QH, Chính phủ (CP) và BGD&ĐT thêm phương án để quyết định,
chúng ta sẽ thay đổi cách tiếp cận. Trước hết là trả lời những câu hỏi khung,
mang tính tiên đề, từ đó suy ra lời giải.
1. THỰC TIỄN QUYẾT ĐỊNH
Bộ Tổng tham mưu của một chiến dịch đưa ra kế hoạch tác chiến. Nhưng thực
tế trên chiến trường thay đổi, dẫn đến phải thay đổi kế hoạch tác chiến. Như vậy
là “Thực tiễn quyết định Nghị quyết”, chứ không phải “Nghị quyết quyết định Thực
tiễn”. Cũng như vậy, các NQQH đưa ra về sách giáo sẽ còn phải thay đổi chừng
nào chưa có ít nhất là một bộ SGK được xã hội chấp nhận. Nghĩa là chất lượng
SGK đạt yêu cầu hay chưa đạt yêu cầu quyết định việc phải có thêm SGK nữa hay
không. “Thực tiễn quyết định Nghị quyết” làm cho chúng ta thoát khỏi cuộc tranh
luận pháp lý về các NQQH mà đi đến câu hỏi thực chất tiếp theo…
2. CÁC BỘ SGK ĐẠT YÊU CẦU HAY CHƯA?
Chưa, các bộ SGK đã biên soạn chưa đạt yêu cầu. Đây là câu hỏi mang
tính quyết định. Nếu ba bộ SGK cải cách đã biên soạn và đang biên soạn đạt yêu
cầu thì chưa cần có thêm ngay bộ SGK nữa. Nhưng tiếc thay, các cuốn SGK đã biên
soạn của cả ba bộ SGK đều có sai sót, chưa đạt yêu cầu. Các cuốn SGK sắp biên
soạn cũng không đảm bảo là chắc chắn tốt. Vì thế, thực tiễn đòi hỏi phải có
thêm những bộ SGK khác tốt hơn.
3. TẠI SAO CÁC BỘ SGK ĐÃ BIÊN SOẠN CHƯA ĐẠT YÊU CẦU?
Cần thiết phải trả lời câu hỏi này để tránh sai lầm khi đưa ra quyết định
có thêm các bộ SGK khác nữa.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng của ba bộ SGK đang được lựa
chọn cho chương trình cải cách giáo dục. Nhưng chỉ xin nêu mấy nguyên nhân.
– Vừa viết SGK vừa đưa vào giảng dạy. Không có thời gian kiểm nghiệm thực
tế. Không có nước nào liều lĩnh như nước ta. Đây là một trong những nguyên nhân
chính ảnh hưởng xấu đến chất lượng SGK
– Mang tính độc quyền, chưa có sự cạnh tranh.
– Độc quyền của nhà xuất bản (NXB). Chỉ số ít NXB được phép biên soạn
SGK.
– Độc quyền lựa chọn các tập thể tác giả biên soạn. Chỉ các NXB được
phép biên soạn SGK mới có quyền lựa chọn ai được quyền viết SGK.
– Chất lượng SGK phụ thuộc vào tầm của Giám đốc Nhà Xuất bản. Vì chất
lượng SGK phụ thuộc vào các tác giả viết SGK. Mà các tác giả viết SGK lại do
Giám đốc (người có quyền hạn và trách nhiệm cao nhất) NXB quyết định. Thêm nữa
NXB quyết định giá SGK, quyết định trả thù lao. Nên cuối cùng chất lượng SGK phụ
thuộc vào “nhãn quan” của Giám đốc NXB.
4. TẠI SAO GIÁ THÀNH CỦA BA BỘ SGK HIỆN HÀNH CAO?
Là bởi vì độc quyền. Chỉ có hai NXB và ba bộ SGK nên dễ dàng giữ mặt bằng
giá SGK để có lợi nhuận.
Đây cũng là vấn đề mấu chốt dẫn đến yêu cầu phải có bộ SGK mới. Nó gây
ra phản ứng dữ dội trong xã hội. Bởi xã hội hàng năm phải bỏ ra một nguồn kinh
phí rất lớn để mua SGK. Đến mức phải yêu cầu QH can thiệp quản lý giá SGK.
5. CÓ THỂ CÓ NHỮNG BỘ SGK KHÁC TỐT HƠN VỀ NỘI DUNG
VÀ GIÁ KHÔNG?
Có. Vì nới lỏng sự độc quyền. Muốn có thêm SGK thì sẽ có thêm các tác
giả mới ngoài các tác giả của ba bộ SGK hiện hành. Số lượng người viết SGK sẽ rộng
hơn. Các NXB nhiều hơn. Sự cạnh tranh lớn hơn. Kết quả là chất lượng tốt hơn và
giá thành cũng hạ hơn.
6. CÓ QUAY LẠI THỜI KỲ MỘT CHƯƠNG TRÌNH MỘT BỘ SGK
KHÔNG?
Không. Không quay lại thời kỳ một chương trình một bộ SGK. Vì nó bảo
toàn sự độc quyền, trói buộc sự tự do sáng tạo. Phải tiến đến nhiều chương
trình, nhiều bộ SGK, như nhiều nước tiến tiến đã lựa chọn.
7. XÃ HỘI HOÁ HAY BAO CẤP CHO SGK?
Phải hiểu đúng phạm vi xã hội hoá ở nước ta. Muốn xã hội hoá tốt thì phải
có thị trường cạnh tranh tự do. Nước ta, sở hữu nhà nước giữ vai trò quyết định.
Lãnh đạo chỉ do một đảng. Nên sẽ có sự ngự trị của độc quyền. Ở nước ta sẽ
không có thị trường cạnh tranh tự do toàn phần, chỉ xã hội hoá được phần nào ở
một số lĩnh vực. Chỉ khi sở hữu tư nhân áp đảo, đa đảng tranh quyền, thì lúc đó
mới có thị trường cạnh tranh tự do toàn phần, và sẽ xã hội hoá được ở nhiều
lĩnh vực.
Riêng về lĩnh vực giáo dục, thì nhiều nước xem phổ cập Giáo dục phổ
thông (GDPT) như thực hiện quyền cơ bản của con người. Bởi vậy, nhờ sự giàu có
về tài chính giúp gia tăng mức độ an sinh xã hội, GDPT được bao cấp toàn phần ở
các nước văn minh. Nước ta rồi cũng phải tiến đến GDPT miễn phí.
8. NHƯNG NẾU BAO CẤP, DÙNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO
SGK CÓ TRÁNH ĐƯỢC LÃNG PHÍ VÀ QUAY TRỞ VỀ TRẠNG THÁI ĐỘC QUYỀN?
Vấn đề là sử dụng kinh phí nhà nước phục vụ mục đích miễn phí GDPT, chứ
không phải sử dụng kinh phí nhà nước để bao cấp cho bộ SGK này mà không bao cấp
cho bộ SGK kia. Nghĩa là phải tạo ra mội trường cạnh tranh sòng phẳng. Có cách
thức sử dụng ngân phí nhà nước một cách khoa học cho mục tiêu miễn phí GDPT.
Các nước họ cũng đã làm rồi. Không phải chúng ta là nước đầu tiên.
Nếu chúng ta duy trì chỉ có ba bộ SGK hiện nay, chính là duy trì sự độc
quyền cho ba bộ SGK đó. Có thêm các bộ SGK mới, rõ ràng sự cạnh tranh gia tăng,
không thể quay về thế độc quyền hơn tình trạng hiện nay. Nguyên nhân quan trọng
khác, như đã phân tích ở trên là chất lượng các SGK đã xuất bản của cả ba bộ
SGK không đạt yêu cầu. Chúng ta không thể sử dụng các sản phẩm khuyết tật. Nhất
là sách để dạy người.
9. KẾT LUẬN
Từ những điều nêu trên có thể đi đến các kết luận cốt lõi sau đây.
9.1. Việc phải có thêm các bộ SGK mới là do đòi hỏi của thực tiễn,
không phụ thuộc vào các Nghị quyết của QH. Ba bộ SGK hiện có chưa đạt yêu cầu.
Bởi thế cần thiết phải có các bộ SGK mới có chất lượng tốt hơn. SGK không phải
để cho một năm mà cho nhiều năm. Nhiều thế hệ con em của chúng ta không thể học
theo các bộ SGK chưa đạt yêu cầu. Chúng ta cần không chỉ một bộ SGK tốt.
9.2. Ngoài ba bộ SGK hiện có, thì việc tiếp tục có thêm các bộ SGK mới
làm cho sự cạnh tranh trong biên soạn và xuất bản SGK tăng lên, bớt đi tính độc
quyền, do đó sẽ cho ra đời các bộ SGK tốt hơn về nội dung, hạ hơn về giá thành.
9.3. BGD&ĐT có thể tự đứng ra biên soạn SGK, cũng có thể đặt hàng
những đối tác có thể biên soan SGK. Trước hết là đưa ra cơ chế công bằng để các
đối tác có năng lực đều có thể tham gia biên soạn và xuất bản các bộ SGK. Cơ chế
này phải bảo đảm ba điều quan trọng: công bằng, quyền tự do tham gia, không bỏ
sót tài năng.
9.4. Phải tiến tới nhiều chương trình, nhiều bộ SGK như các nước tiên
tiến đã lựa chọn.
9.5. Cùng với việc cho giáo viên quyền lựa chọn SGK là nới rộng tự do
cho giáo viên trong biên soạn nội dung giáo án. Nghĩa là mở rộng sự tự do của
giáo viên đối với SGK.
Để cho giáo viên tự do đổi mới kiến thức và phương pháp giảng dạy. Để
cho học sinh được tự do toả sáng suy nghĩ cá nhân, không ràng buộc vào SGK và
giáo viên. Khai phóng cho thầy và khai phóng cho trò là hai trụ cột chính của
giáo dục khai phóng.
II. ĐỀ XUẤT MỘT CÁCH TIẾP CẬN VỀ BIÊN SOẠN SGK
BGD&ĐT là cơ quan thay mặt Chính phủ phụ trách về lĩnh vực giáo dục.
Nhưng Chính phủ mới là người cuối cùng chịu trách nhiệm trước toàn dân về giáo
dục. Đề xuất dưới đây là để cho Chính phủ. Cụ thể là cho Phó thủ tướng Chính phủ
phụ trách về lĩnh vực giáo dục.
Để cho SGK rơi vào tình trạng hiện nay, lỗi đầu tiên thuộc về
BGD&ĐT. Qua nhiều đời Bộ trưởng, BGD&ĐT đã mắc rất nhiều sai lầm, dẫn đến
đời Bộ trưởng hiện nay phải gánh chịu hậu quả.
Sai lầm đầu tiên là chọn “tổng công trình sư” không đủ năng lực. Sai lầm
tiếp theo là phó thác cho NXB độc quyền biên soạn SGK, độc quyền lựa chọn các
tác giả viết SGK. Sai lầm lớn nữa là vội vã vừa viết SGK vừa đưa vào giảng dạy
mà không có thời gian để kiểm nghiệm thực tiễn. Đó là những sai lầm khó chấp nhận.
Âu cũng là do tầm nhìn của người đứng đầu. Người đứng đầu yếu kém thì không có
gì cứu vãn khỏi thất bại, trừ phi thay thế.
1. GIAO NHIỆM VỤ BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA CHO BA
TRUNG TÂM KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC LỚN NHẤT NƯỚC
Ở nước ta, hiện có ba trung tâm khoa học và giáo dục lớn nhất nước: Viện
Hàn lâm Khoa học Việt Nam (VHLKHVN), bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ
Việt Nam (VHLKH&CNVN) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VHLKHXHVN);
Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM).
Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam (VHLKHVN), bao gồm Viện hàn lâm Khoa học
và Công nghệ Việt Nam (VHLKH&CNVN) và Viện hàn lầm Khoa học xã hội Việt Nam
(VHLKHXHVN) trực thuộc Chính phủ, độc lập với BGD&ĐT.
Theo báo cáo năm 2022 của VHLKH&CNVN [3] thì VHLKH&CNVN có
3.183 cán bộ, viên chức, bao gồm 55 giáo sư, 151 Phó giáo sư, 869 TSKH và Tiến
sĩ, 843 Thạc sĩ [3]. Dự toán chi ngân sách năm 2022, từ nguồn vốn trong nước là
2.402 tỷ đồng, và từ nguồn vốn ngoài nước là 2.944 tỷ đồng.
Còn theo giới thiệu, VHLKHXHVN có hơn 2.000 cán bộ nhân viên, với hơn
700 giáo sư, Phó giáo sư TSKH, Tiến sĩ, Thạc sĩ [4]. Tiêu đề công khai ngân
sách hàng năm có trên trang Web của VHLKHXHVN nhưng chưa tìm được tổng số.
Nhưng từ ngân sách của VHLKH&CNVN thì cũng ước lượng được mức chi ngân sách
hàng năm của VHLKHXHVN cả nguồn vốn trong nước lẫn ngoài nước cũng khoảng 3.000
tỷ đồng.
Đại học quốc gia Hà Nội cũng chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ
[5]. ĐHQGHN có 3.476 công nhân viên, trong đó có 1876 cán bộ khoa học với 44
giáo sư, 274 phó giáo sư, 827 TSKH và Tiến sĩ, 1.330 thạc sĩ [6].
Về tài chính, theo báo cáo tài chính 2010, nguồn ngân sách nhà nước cấp
cho ĐHQGHN là 457,78 tỷ đồng, nguồn thu sự nghiệp là 534,21 tỷ đồng, nguồn thu
khác là 4,552 tỷ đồng; tổng ba nguồn thu là 996,542 tỷ đồng [7].
Đại học quốc gia TP HCM có hơn 6000 cán bộ công nhân viên. Trong đó có
hơn 35000 cán bộ giảng dạy với hơn 400 giáo sư và phó giáo sư, 1.300 tiến sĩ và
TSKH, 2.200 thạc sĩ [8]. Ngân sách 2022 được giao là 464,73 tỷ đồng, trong đó từ
nguồn vốn trong nước là 431,88 tỷ đồng, và từ vốn ngoài nước 32,85 tỷ đồng [9].
Nguồn thu của ĐHQG TP.HCM cũng rất lớn, nếu tính cả 6 trường đại học thành viên
tự chủ tài chính, thì con số sẽ lên đến trên ngàn tỷ đồng [10].
Câu hỏi hiển nhiên là, với đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu như vậy,
hàng năm dùng đến nhiều ngàn tỷ đồng tiền ngân sách, VHLKHVN (VHLKH&CNVN,
VHLKHXHVN), ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM mỗi đơn vị có viết được một bộ SGK hay không?
Nhận nguồn tài chính thì phải nhận nhiệm vụ. Chính phủ giao nhiệm vụ
cho ba trung tâm khoa học và giáo dục lớn nhất cả nước – VHLKHVN
(VHLKH&CNVN, VHLKHXHVN), ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM, mỗi đơn vị viết một bộ SGK.
Chính phủ và nhà nước không phải bỏ tiền. Bản thân ba đơn vị đó hàng
năm đã nhận một khoản tiền khổng lồ từ nhà nước rồi. Ba đơn vị đó thừa năng lực
tài chính và khoa học để biên soạn và xuất bản SGK. Nếu các NXB còn tự biên soạn
và xuất bản được SGK thì không có lý gì ba trung tâm khoa học và giáo dục đứng
đầu cả nước lại không đủ năng lực để biên soạn và xuất bản SGK.
Đừng lý luận rằng, viết SGK phải là người đang đi dạy phổ thông. Những
người đang nghiên cứu và giảng dạy tại ba trung tâm nêu trên đều đã học qua phổ
thông. Họ lại tiếp cận thường xuyên với tiến bộ khoa học và giáo dục của nhiều
nước. Họ cũng có con cháu đang học phổ thông. Trong số họ, có nhiều người đủ
năng lực để viết SGK.
Tin chắc rằng các bộ SGK của VHLKHVN (VHLKH&CNVN, VHLKHXHVN),
ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM là những bộ SGK tốt. Với tiềm lực khoa học và giáo dục lớn
như vậy mà không ra được một bộ SGK tốt thì đơn giản là người đứng đầu kém, nên
cách chức mà không phải băn khoan một điều chi.
2. MUA VÀ CẤP CHO HỌC SINH MƯỢN MIỄN PHÍ
Đề xuất vừa nêu trên đây có thể giúp cho BGD&ĐT hoá giải tình thế bất
lợi hiện nay. Với tiềm lực to lớn cùng với sự bảo vệ thể diện trong tư cách ba
trung tâm khoa học và giáo dục lớn nhất nước, các bộ SGK được biên soạn bởi
VHLKHVN, ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM chắc chắn sẽ không tầm thường. Trong cuộc cạnh
tranh vì sự tồn tại và vì uy tín, ba bộ SGK hiện hành cũng buộc phải thay đổi về
chất lượng và giá thành. Với 6 bộ SGK cùng đua tranh, xã hội và nền giáo dục nước
nhà tất đắc lợi. Cũng khômg loại trừ khi có sự xuất hiện ba đối thủ mới, một ai
đó sẽ rời cuộc chơi.
Hiện nay, cả nước có khoảng 18 triệu học sinh phổ thông. Theo giá SGK
hiện hành thì một bộ phải mua với giá trung bình khoảng 500 ngàn đồng. Nếu tính
theo giá hiện hành thì mỗi năm cả nước phải chi cho SGK 9.000 tỷ đồng, 5 năm là
45.000 tỷ đồng.
Sau khi có thêm ba bộ SGK mới, dự đoán rằng SGK sẽ mỏng đi còn lại
không quá 2/3 số trang hiện nay. Không còn độc quyền về giá. Sự cạnh tranh sẽ
đưa giá SGK về giá trị thực, trung bình khoảng 300 ngàn đồng một bộ.
BGD&ĐT có trách nhiệm đánh giá các bộ SGK và lựa chọn khoảng 3 bộ để
khuyến cáo sử dụng trong các nhà trường. Đồng thời, nên cấp phát một bộ miễn
phí cho học sinh trên cả nước mượn, tuỳ theo sự lựa chọn của từng trường. Nghĩa
là BGD&ĐT chỉ cấp miễn phí một bộ. Các trường phải tự lựa chọn sử dụng bộ
sách nào.
Giả thiết một bộ SGK được cho mượn trong vòng 5 năm, mất hay hỏng học
sinh phải đền. BGD&ĐT mua một bộ SGK cho mượn miễn phí theo sự lựa chọn của
các trường, tính thời hạn sử dụng chỉ 5 năm, thì phải chi 5.400 tỷ đồng. Như vậy,
thay vì 5 năm phụ huynh phải trả 45 000 tỷ đồng theo giá SGK hiện hành, và
27.000 tỷ đồng theo giá SGK dự báo, thì một cách tương đối, toàn xã hội sẽ tiết
kiệm được một khoản tiền 39.600 tỷ đồng theo giá SGK hiện hành, hay 21.600 tỷ đồng
theo giá 300 ngàn/bộ. Đó là một lợi ích khổng lồ dù tính theo giá nào.
Con đường cho mượn miễn phí SGK là con đường bắt buộc. Trước hết là vì
tiết kiệm cho toàn xã hội. Sau nữa là vì mục đích giáo dục miễn phí.
3. AI SẼ PHẢN ĐỐI ĐỀ XUẤT NÀY
Sẽ có các nhóm sâu đây phản đối cách biên soạn SGK vừa nêu.
– Nhóm thứ nhất là các NXB.
– Nhóm thứ hai là các tác giả của các bộ SGK đã được lựa chọn hiện
hành.
– Nhóm thứ ba là những người thu được lợi ích từ cách biên soạn, xuất bản
và phân phối ba bộ SGK hiện hành.
– Nhóm thứ tư là từ một bộ phận ở các cơ quan được phân công biên soạn
SGK ở VHLKHVN, ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM.
– Nhóm thứ năm là từ một bộ phận của BGD&ĐT.
Sự phản đối của 5 nhóm nêu trên đều liên quan đến lợi ích. Cũng sẽ có một
nhóm thứ sáu nữa không đồng ý với cách tiếp cận nêu trên, xuất phát từ quan điểm
chứ không bị lợi ích chi phối.
Nhưng với cách đề xuất biên soạn thêm ba bộ SGK nêu trên, nền giáo dục
nước nhà chắc chắn có thêm những bộ SGK tốt.
TRĂN TRỞ
Kế hay mà không hiểu được thì không khác gì kế dở. Kế hay, hiểu được mà
yếu đuối thì không thể thực thi. Kế hay cần người sáng trí để hiểu, mạnh mẽ để
hành động. Ấy là MINH CHỦ CÁI THẾ.
Tiếc thay MINH CHỦ CÁI THẾ nhô lên từ đấu tranh sinh tồn của số đông,
chứ không xuất hiện từ chu trình lựa chọn bồi dưỡng của số ít.
_____
TƯ LIỆU DẪN
[3] https://vast.gov.vn/documents/20182/9960576/2022.tieng-viet.pdf/
[4] https://vass.gov.vn/noidung/gioithieu/Pages/gioi-thieu.aspx
[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đại_học_Quốc_gia_Hà_Nội
[6] https://www.vnu.edu.vn/home/?C2571/N14444/Chat-luong-doi-ngu-can-bo
[7] https://www.vnu.edu.vn/home/?C2572/N10536/Thu,-chi-tai-chinh.htm
[8] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đại_học_Quốc_gia_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh
[9] https://static.vnuhcm.edu.vn/images/DT-2023-B01-TT61-%C4%90HQG%20TP.HCM-230627025057.pdf
No comments:
Post a Comment