Ảo ảnh hài hòa xã hội: Nhà xe Thành Bưởi, bài viết mất tích, và câu nói
của Chủ tịch nước
Nov 1, 2023 12:00 PM
Sự hài hòa trong xã hội
có bao giờ đồng nghĩa với sự công bằng?
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/11/H-i-h-a-2.jpg
Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.
Để nói về một xã hội hài hòa, đại đồng ở các quốc gia châu Á, người viết
xin được dẫn ba câu chuyện.
Câu chuyện đầu tiên là bài viết “Ảo ảnh
trung lưu” của người viết đăng tải trên trang Facebook cá nhân. Bài viết
này đã từng được đăng tải trên trang của Luật Khoa tạp chí, tác giả dùng một phần
nội dung của bài này đăng lên trang cá nhân với kỳ vọng nền tảng này sẽ giúp tiếp
cận được nhiều độc giả hơn.
Cho đến lần cuối cùng mà người viết còn nhìn thấy bài đăng, nó đạt được
khoảng hơn 2.500 lượt thích và khoảng 700 lượt chia sẻ. Rõ ràng đây không phải
là một bài viết có độ thu hút cao so với tiêu chuẩn của các trang mạng xã hội
ngày nay. Tuy nhiên, người viết tin rằng bài đăng đã đến được với số người đọc
nhất định.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/11/Untitled.png
Bài viết bị biến mất
không rõ lý do trên trang Facebook cá nhân của tác giả Nguyễn Quốc Tấn Trung. Ảnh
chụp màn hình.
Tại thời điểm này, dù hình ảnh đính kèm bài viết vẫn còn (có thể vì lỗi
hệ thống), song toàn bộ nội dung và các chỉ số tương tác liên quan đến bài viết
đã biến mất.
Không có một thông báo hay cơ hội kháng cáo nào được đưa ra từ phía
Facebook.
Câu chuyện thứ hai là về Thành Bưởi - một trong những doanh nghiệp kinh
doanh vận tải lâu năm ở các tỉnh thành phía Nam.
Trong mớ thông tin hỗn độn hiện nay, khó có thể nói Thành Bưởi đang có
những vi phạm rõ ràng đến đâu, tình tiết nặng đến chừng nào, và các biện pháp
can thiệp có hợp lý và tương xứng với khả năng vi phạm hay không.
Công an cùng các cơ quan chức năng kiểm
tra văn phòng nhà xe Thành Bưởi ở Quận 5, TP. HCM. Ảnh: TTXVN.
Tuy nhiên, việc toàn bộ hệ thống máy chủ cũng như các công cụ công nghệ
vận hành thường nhật của công ty bị này bị tịch thu mà không có bất kỳ cân nhắc
nào đến khả năng hoạt động của doanh nghiệp và công ăn việc làm của hàng ngàn
người lao động. Điều này khiến cho công ty phải tạm ngừng hoạt động và viết một
thông cáo báo chí gửi cho cộng đồng để giải thích khó khăn và kêu gọi sự ủng hộ.
Mặc dù vậy, chỉ vài giờ sau khi thông cáo báo chí này của công ty Thành
Bưởi được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, công ty phải đăng tải thư đính
chính, xin lỗi và quyết tâm “hợp tác” với cơ quan chức năng.
***
Câu chuyện thứ ba là một phát biểu mà người viết khá tâm đắc của Chủ tịch
nước Võ Văn Thưởng.
Trong đó, tại phiên thảo luận sáng ngày 24/10/2023 với đoàn đại biểu
thành phố Đà Nẵng, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Tuyên Quang, và tỉnh Sơn La trong Kỳ họp
Quốc hội Khóa 15, ông đưa ra nhận định:
“Dân khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, phải nghĩ ngay đến ủy ban,
phải nghĩ ngay đến luật pháp… Đó mới là tư duy lành mạnh.
Chúng
ta phải hướng đến điều đó.
Đừng để
khi dân khó, muốn làm gì là lại nghĩ bây giờ gặp ai, nhờ ông nào.” [1] [2]
https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/11/2410ctnnn-2132.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu
tại phiên thảo luận ngày 24/10/2023. Ảnh: Như Ý/ Báo Tiền Phong.
Nhận định này cho thấy chủ tịch nước tường tận sâu văn hóa chính trị Việt
Nam đương đại, hiểu nguồn gốc của vấn đề và hệ quả của nó.
Chúng ta không thể cứ nói mãi về pháp quyền khi thực tế cho thấy tư duy
pháp quyền đang thoi thóp.
Cách can thiệp và xử lý các tranh chấp không chỉ giữa nhà nước với cá
nhân (vốn chắc chắn có nhiều lợi thế cho nhà nước), mà thậm chí giữa các cá
nhân, tổ chức tư với nhau, v.v. cho thấy cả thiên vị chính trị (political
favouritism) lẫn gia đình trị (nepotism) vẫn còn đang rất phổ biến tại Việt
Nam.
***
Ba câu chuyện tưởng chừng như không liên quan gì, nhưng có thể dùng để
nói về nhau trong khung tư tưởng xã hội hài hòa, đại đồng đã trở thành một quan
điểm chính thống trong xây dựng nhà nước tại nhiều quốc gia châu Á.
Vấn đề ở chỗ là, sự hài hòa hay tính đại đồng chưa bao giờ đồng nghĩa với
sự công bằng.
Nói theo cảm tính, danh nghĩa hài hòa luôn có thể được sử dụng để ngăn
chặn những tranh luận cần thiết, những bất công đang tồn tại.
Nói theo một số lý thuyết khoa học được đề xuất, chúng ta có thể nhắc đến
khái niệm hài hòa cưỡng ép (coercive harmony). Đây là một khái niệm nổi tiếng
được giới thiệu bởi học giả Laura Nader, vốn dùng được dùng để chỉ trích công
cuộc truyền đạo của Cơ Đốc Giáo ở các vùng thuộc địa. [3]
Tuy nhiên, xét về mặt lý luận, khái niệm này có nhiều thành tố mà chúng
ta có thể sử dụng để phân tích tình huống này. Trong đó, Nader cho rằng hài hòa
cưỡng ép đơn giản chỉ là một kỹ thuật kiểm soát xã hội thông qua những thỏa hiệp
và hòa đồng bắt buộc, dù là bằng bạo lực công cụ hay bạo lực tư duy.
Sự thẩm thấu của một tư duy hài hòa thỏa hiệp như vậy vào xã hội thường
dẫn đến các hiện tượng như né tránh pháp luật (law avoidance) và ác cảm với
pháp luật (law aversion), v.v. Trong khi đó, theo đuổi một công lý tường minh
trong pháp luật lại trở thành đột biến, gây sự, khuấy đảo bất hòa.
***
Với cách tiếp cận này, chúng ta trở lại với ba câu chuyện.
Bài viết biến mất trên Facebook có thể xem là một sự bất công. Nhưng
hài hòa xã hội không “được” vì thế mà mất đi?
Trong bối cảnh văn hóa đó, sự im lặng, chấp nhận, hay tìm kiếm các
phương pháp thỏa hiệp hiệu quả khác (nhờ vả người quen ở Facebook chẳng hạn) có
lẽ là một lựa chọn sáng suốt.
Sự bất bình của của công ty Thành Bưởi trong việc toàn bộ hệ thống công
nghệ vận hành bị tịch thu sau một đợt kiểm tra ngắn ngủi là có thể hiểu được.
Nhưng hài hòa xã hội cũng không “được” vì thế mà mất đi?
Khiếu nại hành chính, công bố thông tin cho đại chúng vì vậy cũng trở
thành các biện pháp gây sự, gây bất hòa, và như dân chúng thường nhận định là
chỉ mang thiệt thêm vào thân mà thôi. Thư đính chính của Thành Bưởi có lẽ thể
hiện điều đó rõ hơn hết.
Vấn đề ở chỗ là, nếu né tránh pháp luật để thỏa hiệp, để có được sự hài
hòa, cả hai trường hợp đều dẫn chúng ta đến điều mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
lo lắng: Công dân không nghĩ đến luật pháp, đến ủy ban, họ sẽ nghĩ đến việc “gặp
ai”, “nhờ ông nào” để mọi việc được giải quyết êm xuôi và nhanh chóng nhất có
thể.
***
Sự hài hòa của một xã hội không thể được cân đo đong đếm khi mọi thứ diễn
ra như kế hoạch của bạn, khi bạn đang yên ổn. Một người chỉ có thể trải nghiệm
tính “hài hòa” thật sự của một xã hội khi quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm.
Và đặc biệt hơn khi người đó bị xâm phạm bởi một thế lực có sự hậu thuẫn xã hội
- chính trị vững chắc hơn họ.
Nếu mọi sự tường minh và lành mạnh như chủ tịch nước mong muốn (dân gặp
khó nghĩ ngay đến pháp luật), xã hội chưa chắc đã hài hòa. Nếu mọi sự được giải
quyết một cách hài hòa, người trong xã hội chưa chắc gặp khó đã nghĩ ngay đến
pháp luật.
No comments:
Post a Comment