Wednesday, November 15, 2023

ĐẠI DƯƠNG XANH : EU VỚI TRUNG QUỐC và VẤN ĐÊ ĐÁNH BẮT CÁ BIỂN (Thục Quyên / Diễn Đàn BBC)

 



Đại Dương Xanh: EU với Trung Quốc và vấn đề đánh bắt cá biển

Thục Quyên

Gửi bài cho Diễn đàn BBC từ Munich, Đức

13 tháng 11 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g2wln6lz9o

 

Hôm thứ Ba (17/10/2023), Chủ tịch Ủy ban Thủy sản của Nghị viện Âu châu Pierre Karleskind, một nhà hải dương học và chính trị gia người Pháp, đã đưa ra Nghị viện Âu châu bỏ phiếu một nghị quyết đòi hỏi việc minh bạch và giám sát gắt gao hơn các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc.

 

Nghị quyết này, được đa số phiếu bầu – 573 phiếu thuận, 11 phiếu chống – có mục đích “nâng cao nhận thức” về tác động của ngành đánh bắt cá công nghiệp đối với hệ sinh thái, kinh tế và nhân đạo, trong tình hình Trung Quốc tiếp tục tăng cường xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu (EU).

 

Để chống đánh bắt trái phép, Ủy ban châu Âu (EC/European Commission) ra một quy định năm 2007 kiểm soát các tàu thuyền và các quốc gia bán sản phẩm của họ cho Âu châu và áp dụng các hình phạt đối với các hành vi phạm luật.

 

Hiện nay, khoảng 10 quốc gia bị loại khỏi thị trường EU, mới nhất là Trinidad và Tobago vì không hợp tác đắc lực trong cuộc chiến chống đánh bắt trái phép.

 

Thế nhưng cho tới nay, Trung Quốc nằm ngoài thủ tục này. Cách đối xử thuận lợi được giải thích bằng thoả thuận Đối tác Xanh vì Đại dương, một thỏa thuận được ký giữa Trung Quốc và EU vào năm 2018.

 

Hai bên cam kết bảo vệ đại dương và chống đánh bắt quá mức và đánh bắt bất hợp pháp, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về Phát triển Bền vững.

 

Nghị sĩ Karleskind phê bình:

 

“Theo Ủy ban (EC), đối tác thương mại này quá quan trọng để có thể bị phạt thẻ vàng hoặc thẻ đỏ. Nghị viện Âu châu không thể hài lòng với điều này.”

 

Báo cáo về đánh bắt trái phép năm 2022 của Nghị viện Âu châu cũng đã lưu ý đến sự mong manh của các cam kết được đưa ra trong Đối tác Đại dương Xanh do tính chất “mâu thuẫn” trong các chương trình nghị sự của Trung Quốc và EU cũng như việc EU không thể kiểm soát các thỏa thuận giữa Trung Quốc và từng quốc gia EU.

 

Rất khó để nắm vững tình hình do sự mù mờ chung quanh hoạt động đánh bắt cá trên biển, các báo EU viết.

 

Trước hết là số lượng tàu Trung Quốc, ước tính khoảng 900 đến 2.900 chiếc đang hoạt động, nhưng cũng có thể lên tới 17.000 theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) Liên Hiệp Quốc.

 

Trung Quốc đã có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới chỉ trong vài thập kỷ. Kể từ khi Chính sách Nghề cá chung (CFP/ Common Fisheries Policy) của EU được ban hành vào năm 1983, thị phần đánh bắt trên thế giới của Trung Quốc đã tăng từ 5% lên 15%.

 

Karleskind cho biết: “EU nhập khẩu 70% thủy sản tiêu thụ, bao gồm nhiều sản phẩm của Trung Quốc, nhưng lại không hề đặt ra mọi câu hỏi cần thiết về điều kiện đánh bắt chúng.”

Trong phiên họp ngày 16/10, một ngày trước cuộc bỏ phiếu, Karleskin nhấn mạnh, “Các chính phủ và tổ chức phi chính phủ đã chỉ ra một số hành vi (của Trung Quốc) mà chúng tôi tin rằng có thể là bất hợp pháp và gây nguy hiểm cho an toàn thực phẩm”.

 

Báo cáo công bố năm 2022 theo yêu cầu của Ủy ban đánh cá (PECH) của Nghị viện EU ghi rõ, từ năm 1980 đến năm 2019, một nửa số tàu liên quan đến hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là của Trung Quốc; 65% sản lượng đánh bắt của họ vi phạm IUU và 17% tổng sản lượng đánh bắt lại có khả năng bị buôn bán bất hợp pháp.

 

Cũng theo báo cáo, các hành vi phạm tội chính là đánh bắt cá mà không có giấy phép hoặc ủy quyền, sử dụng ngư cụ bất hợp pháp và đánh bắt các loài được bảo vệ.

 

Hơn nữa, trong cuộc điều tra “Dự án đại dương ngoài vòng pháp luật” được công bố vào giữa tháng 10/2023, tờ Le Monde đã đưa tin về sự ngược đãi người lao động nước ngoài trên các tàu xa bờ của Trung Quốc.

 

Theo một nghiên cứu của Quỹ Công lý Môi trường (Environmental Justice Foundation) của Anh, phỏng vấn những người lao động Indonesia mới được tuyển dụng, phần lớn (97%) đã bị ngược đãi về thể chất hoặc tinh thần (bắt nợ, tịch thu tài liệu cá nhân).

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/d07d/live/9dd4e6c0-820f-11ee-b7d2-dd851f00eaeb.jpg

Trung Quốc từng công bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông

 

 

Truy xuất nguồn gốc, minh bạch, kiểm soát

 

Nghị quyết mới chuẩn thuận đề xuất dựa trên “Quy định đánh bắt trái phép” năm 2007 để chống lại việc đánh bắt trái phép của tàu Trung Quốc.

 

Mặc dù quy định năm 2007 đã yêu cầu khai báo và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nhập khẩu, nhưng nghị quyết mới được đề xuất củng cố với hệ thống truy tìm CATCH, một công cụ có khả năng số hóa, thu thập và chia sẻ dữ liệu đánh bắt nhanh chóng.

 

Karleskind, người mong muốn các quốc gia thành viên EU triển khai hệ thống này nhanh chóng để ngăn chặn nhập khẩu bất hợp pháp, cho biết thêm: “Về mặt kỹ thuật, thông qua hệ thống CATCH, có thể biết được từng con cá vào thị trường châu Âu được đánh bắt ở đâu và như thế nào.”

 

Theo Nghị quyết mới, các công ty cũng được khuyến khích tuân thủ Chỉ thị Thẩm định (Due Diligence Directive), trong đó yêu cầu họ đảm bảo rằng hoạt động của họ tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền và môi trường.

 

Karleskind đòi hỏi: “Chúng ta cần nói chuyện với Trung Quốc trong khuôn khổ các thỏa thuận mà chúng ta đã ký với họ. Nhưng chúng ta cũng phải có lập trường mạnh mẽ và nói với Trung Quốc rằng chúng ta sẽ cấm mọi hoạt động xuất khẩu những sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và nhân quyền của chúng ta.”

 

Theo Karleskind, các quốc gia ngoài EU cho phép Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng biển của họ cũng phải đồng chịu trách nhiệm về sự thiếu minh bạch. “Chúng ta không biết Trung Quốc được phép đánh bắt như thế nào tại Senegal hay Madagascar. Ủy ban (EC) nên yêu cầu các quốc gia này công khai các thỏa thuận đánh bắt cá của họ, giống như EU vẫn làm.”

 

Ông nói thêm, EU cũng có các thỏa thuận đánh bắt cá với các nước đối tác của Trung Quốc, đặt ra câu hỏi về sự cạnh tranh không đồng đều ở các vùng biển chung.

 

Điều này càng quan trọng hơn vì sau cuộc bỏ phiếu này, các tàu EU sẽ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn.

 

Karleskind đồng thời nhắm tới hoạt động chung với các nước ngoài EU trong cuộc chiến chống đánh bắt trái phép, như trường hợp năm ngoái với chương trình Pescao (Chương trình cải thiện quản trị nghề cá khu vực tại Tây Phi) ở Vịnh Guinea.

 

Mục đích là giúp các nước tránh sự xâm nhập của Trung Quốc vào không gian biển của họ.

Karleskind cũng đưa ra câu hỏi “Nếu chúng ta có thể chống lại nạn cướp biển ở vùng biển quốc tế, tại sao chúng ta lại không thể chống lại việc đánh bắt trái phép?”

 

----

Bài thể hiện quan điểm riêng của bà Thục Quyên, nhà phân tích thời sự hiện sống tại Munich, Đức.

 

--------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Trung Quốc cấm đánh bắt cá đơn phương: Việt Nam có nên khởi kiện?

27 tháng 4 năm 2023

·         

Biển Đông: Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc

21 tháng 4 năm 2023

·         

35 năm trận Gạc Ma và di sản nhức nhối của ‘cuộc thảm sát’

14 tháng 3 năm 2023

·         

Trung Quốc gây sức ép với Nga, có thể tạo xung đột cao 'chưa từng có' trên Biển Đông

8 tháng 4 năm 2023

·         

Tàu VN 'đánh cá phi pháp' bị Indonesia đánh chìm

5 tháng 5 năm 2019

·         

Tàu cá TQ đổ xuống Biển Đông sau thời gian tạm nghỉ

19 tháng 8 năm 2019

 





No comments: