The
Economist
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
13/10/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/10/13/the-gioi-hom-nay-13-10-2020/
Chính phủ Ấn Độ cho biết họ sẽ bơm 10 tỷ đô la vào nền
kinh tế để kích cầu trong đại dịch coronavirus. Bên cạnh các biện pháp khác, họ
sẽ chi thêm 3,4 tỷ đô la cho cơ sở hạ tầng và cung cấp các khoản vay không lãi
suất cho các bang trị giá 1,6 tỷ đô la. Một số nhà kinh tế cho rằng đợt kích
thích mới nhất là không đủ; GDP Ấn Độ đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái
trong quý 2.
Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ vốn cực kỳ chia rẽ đã bắt đầu các phiên
điều trần xác nhận việc bổ nhiệm Amy Coney Barrett làm thẩm
phán Tòa án Tối cao. Các nghị sĩ Dân chủ cảnh báo rằng Đạo luật Chăm sóc
Giá cả Phải chăng sẽ bị huỷ bỏ vì việc đề cử một thẩm phán mà họ cho là có tư
tưởng bảo thủ; còn Đảng Cộng hòa ca ngợi cam kết của bà Barrett đối với pháp
quyền. Việc đề cử bà gây tranh cãi vì hồi năm 2016, đảng Cộng hòa đã chặn ứng
cử viên của Barack Obama, vì cho rằng bổ nhiệm trong năm bầu cử là sai trái.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra kế hoạch cho một hệ
thống hạn chế địa phương ba cấp đối với nước Anh, được thiết kế để kiểm soát sự
lây lan của covid-19 mà không phải phong tỏa toàn quốc. Các khu vực sẽ ở trong
tình trạng cảnh báo “trung bình”, “cao” hoặc “rất cao”, với các quy tắc khác
nhau. Số ca mắc covid-19 ở Anh đã tăng đáng kể trong tháng 10, đặc biệt ở miền
bắc nước Anh.
Các bộ trưởng ngoại giao châu Âu đồng ý đưa ra các đề
xuất áp đặt biện pháp trừng phạt lên Nga vì vụ đầu độc Alexei
Navalny, một người thường chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin. Họ cũng bày
tỏ sẵn sàng đặt thêm trừng phạt đối với những người liên quan đến đàn áp người
biểu tình ở Belarus, bao gồm cả tổng thống Alexander Lukashenko, người đã gian
lận trong cuộc bầu cử tháng 8.
Các cổ đông của Unilever đã bỏ phiếu áp đảo — với hơn
99% ủng hộ — để chấm dứt cơ cấu niêm yết kép 90 năm nay của công ty ở Anh và Hà
Lan, và đưa công ty trở thành một thực thể chỉ ở London. Vào năm 2018, các nhà
đầu tư vào gã khổng lồ hàng tiêu dùng Anh-Hà Lan đã từ chối đề xuất thay đổi
cấu trúc thành chỉ niêm yết ở Rotterdam vì lo ngại việc không được tiếp cận các
nhà đầu ở London sẽ làm giảm giá cổ phiếu.
Nhật Bản tuyên bố tăng cường khả năng răn đe bằng
tên lửa để đối phó với các mối đe dọa “đa dạng và phức tạp hơn” từ Triều Tiên.
Hồi cuối tuần, Triều Tiên đã trình diễn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới –
tên lửa lớn nhất từ trước đến nay – trong một cuộc diễu binh đánh dấu 75 năm Đảng Lao động cầm quyền. Loại vũ khí dường như vẫn chưa được thử nghiệm này có khả năng đẩy đầu đạn hạt nhân bay đến tận nước Mỹ.
Cuộc bầu cử tổng thống của Bắc Síp đã không mang lại kết
quả chung cuộc. Cả Mustafa Akinci, người đương nhiệm ủng hộ thống nhất và Ersin
Tatar, người ủng hộ phân chia vĩnh viễn miền bắc Síp do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát –
và miền nam do Hy Lạp kiểm soát, đều không nhận được 50% phiếu bầu, mặc
dù hầu hết các khu vực bầu cử đều báo cáo rằng ông Tatar dẫn sít sao trước ông
Akinci. Hai người sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu phụ vào Chủ nhật.
TIÊU
ĐIỂM
Bầu Hội đồng Nhân quyền mới của Liên Hợp Quốc
Hôm nay Liên Hợp Quốc bỏ phiếu bầu 15 thành viên mới vào Hội đồng Nhân
quyền. Mỗi thành viên sẽ có trách nhiệm duy trì nhân quyền trong và ngoài nước.
Các ứng viên được chọn từ các nhóm khu vực và phải đạt được ít nhất 97 phiếu
bầu từ 193 thành viên của Đại hội đồng. Đối với nhiều nước, việc được bầu dường
như đã chắc chắn. Chẳng hạn một số nước, bao gồm Cuba và Nga, không có cạnh
tranh trong khu vực, khiến việc họ được chọn là gần như đảm bảo. Những nước
khác, như Trung Quốc, Pakistan và Saudi Arabia, đối mặt thách thức nhưng dự
kiến vẫn sẽ được bầu vì ảnh hưởng của họ tại LHQ.
Việc tất cả năm nước này đều
được biết đến là những nước vi phạm nhân quyền đã khiến các nhóm nhân quyền
phẫn nộ. Trung Quốc ứng cử đã gây
ra sự thịnh nộ đặc biệt vì cách họ đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, bao
gồm giam giữ hàng loạt, triệt sản không tự nguyện và lao động cưỡng bức. Những
nỗi tức giận này, mặc dù chính đáng, có thể chẳng mang lại kết quả gì: việc
phàn nàn về hồ sơ nhân quyền của những nước được Liên Hợp Quốc chỉ định thúc
đẩy nhân quyền là chuyện chẳng có gì mới ở tổ chức này.
Apple chuẩn bị công bố iPhone mới
Apple hôm nay sẽ tiết lộ các mẫu iPhone mới của mình. Như mọi khi, công
ty luôn kín tiếng về các tính năng nổi bật của thiết bị (ngoài việc đặt tên cho
sự kiện ra mắt là “Hi, Speed”). Nhiều người mong đợi chúng có kết nối mạng 5G,
thế hệ công nghệ di động siêu nhanh tiếp theo. Các nhà phân tích dự đoán, điều
này sẽ kích hoạt một “vòng xoáy siêu cấp” iPhone mới, với doanh số bán hàng
tăng hai con số.
Những dự đoán như vậy đã giúp giá cổ phiếu Apple tăng gần 60% trong năm
nay, đưa giá trị vốn hóa thị trường của họ lên trên 2 nghìn tỷ đô la. Tuy
nhiên, những tiếng nói thận trọng hơn cho rằng thời điểm vẫn chưa chín muồi.
Mạng 5G siêu nhanh vẫn chưa phổ biến, ít nhất là ở Mỹ, và ngày nay người tiêu
dùng có xu hướng dùng thiết bị của họ lâu hơn. Giữa đại dịch, nhiều người thiếu
tiền để mua máy mới. Nhưng nếu gã khổng lồ công nghệ chọn thời điểm phát hành
chính xác, đây sẽ là một mùa hái Táo bội thu.
Amazon khởi động mùa mua sắm cuối năm
Amazon hôm nay khởi động Prime Day — thực tế là kéo dài 48 giờ — cung cấp
các chương trình giảm giá sâu một loạt các mặt hàng. Cũng như năm ngoái, các
nhà bán lẻ khác, chủ yếu là Walmart và Target, đã nhảy vào cuộc chiến bằng cách
mở chương trình khuyến mãi online của riêng họ. Prime Day 2020 sẽ được tổ chức
vào tháng 10 thay vì tháng 7, khác với năm trước. Amazon nói việc lùi ngày là
do đại dịch gây ra, nhưng việc chuyển Prime Day sang tháng 10 cũng sẽ giúp khởi
động cho một mùa mua sắm cuối năm khó đoán vì covid-19.
Prime Day là một cỗ máy kiếm tiền thực sự của Amazon. Chỉ riêng sự kiện
năm ngoái đã tạo doanh thu 7 tỷ đô la và năm nay có thể đạt 10 tỷ đô la. Song,
những doanh số bán hàng đó chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong doanh thu hàng năm của
họ, năm ngoái đạt 280 tỷ đô la. Mục tiêu lớn hơn của chương trình khuyến mãi là
thu hút và giữ người đăng ký Prime, những người chi nhiều hơn gấp hai lần cho
các sản phẩm của Amazon trong một năm so với những người không đăng ký.
Ireland công bố ngân sách
Chính phủ liên minh của Ireland, bao gồm Fianna Fail, Fine Gael và Đảng
Xanh, đã có một khởi đầu khó khăn kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 6. Từ những
ngày đầu làm thủ tướng, Micheal Martin đã bị buộc phải sa thải một bộ trưởng.
Một người khác sớm từ chức, cùng với ủy viên EU của Ireland, sau khi họ vi phạm
các nguyên tắc về sức khỏe cộng đồng để tham dự một bữa tối của hội chơi golf.
Gần đây, làn sóng virus mới đã thúc đẩy các biện pháp phong tỏa chặt chẽ
hơn. Điều này làm tổn thương Fianna Fail, đảng lớn nhất trong liên minh, trong
các cuộc thăm dò. Họ bị dẫn trước bởi Fine Gael và đảng đối lập chính, Sinn
Fein. Ngân sách được công bố hôm nay có thể là ngân sách lớn nhất trong lịch sử
Ireland. Dự kiến sẽ có một gói kích thích trị giá lên tới 5 tỷ euro (5,9 tỷ
USD), với mục tiêu giải quyết các tác động của cả đại dịch và Brexit. Chi tiêu
cho y tế sẽ tăng và sẽ có các chương trình hỗ trợ đại dịch mới cho các doanh
nghiệp. Chính phủ kỳ vọng đây sẽ là cơ hội cho họ tái khẳng định mình.
Giải Nobel Kinh tế có chủ
Hôm qua, ngân hàng trung ương Thụy Điển Riksbank đã trao giải Nobel kinh
tế cho Paul Milgrom và Robert Wilson, cả hai đều thuộc Đại học Stanford, cho
công trình nghiên cứu lý thuyết và thực hành đấu giá. Nghiên cứu của họ đã làm
sâu sắc thêm sự hiểu biết của giới chuyên môn về các cuộc đấu giá trong các bối
cảnh phức tạp: chẳng hạn như khi những người đấu giá không chắc chắn về những
gì đối thủ biết, và khi nhiều hàng hóa khác nhau được bán.
Tuy nhiên, những đóng góp thực tiễn của họ cũng rất đáng kể. Các chính
phủ bán tài nguyên công có giá trị đều hướng tới hai mục tiêu: tìm được giá tốt
và bán tài nguyên cho những người mua nào sẽ khai thác hiệu quả nhất tài nguyên
đó. Các chủ nhân giải thưởng đã giúp phát minh ra các định dạng đấu giá cân
bằng được những mối quan tâm này, tạo điều kiện cho việc bán đấu giá các băng
tần vô tuyến. Những sáng kiến của họ kể từ đó đã được điều chỉnh cho việc bán
các tài sản khác, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và điện. Giải năm nay là một
trong số các giải trong những năm gần đây trao cho một phương pháp tiếp cận
kinh tế học mang hướng kỹ thuật hơn, với các ứng dụng trực tiếp, giúp nâng cao
phúc lợi. Có lẽ sẽ là một động lực cho các học giả trẻ.
No comments:
Post a Comment