George
Orwell, Đoan Trang và tôi – Một tự sự về nghề viết
Vincente Nguyen - Luật
Khoa
14/10/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/10/george-orwell-doan-trang-va-toi-mot-tu-su-ve-nghe-viet/
Nhà báo Đoan Trang
và nhà văn George Orwell. Ảnh: Phong Quang và lithub. Đồ họa: Luật Khoa
Tôi chưa từng có cái hân
hạnh gặp Đoan Trang. Và tôi lại càng không có cái hân hạnh gặp Orwell (hay Eric
Arthur Blair). Nhưng cái hân hạnh nhất của đời người có lẽ là được đọc những thứ
mà người khác viết ra. Xét trên phương diện ấy thì tôi may mắn được diện kiến cả
hai.
Khác với những lời xã
giao, những câu ý tứ, những chú ý về vẻ bề ngoài đậm chất “nhìn mặt mà bắt hình
dong”, chữ nghĩa là thứ giúp người ta đi thẳng vào tâm hồn, vào nguyện vọng,
vào tư tưởng, vào lòng tham, vào những nỗi lo sợ thầm kín không giấu đi đâu được.
Có lẽ vì vậy mà trước nay tôi chỉ dám tin vào những người dám viết; và viết nhiều.
Orwell, người đứng ở đầu
bên kia thế kỷ 20, tưởng tượng và dự đoán về một tương lai của các chính thể, của
các xã hội toàn trị. Người ta có thể biết George Orwell thông qua các tác phẩm
như “1984”
hay “Animal farm”
(Trại súc vật) đã quá nổi tiếng, nhưng ít ai biết rằng ông cũng có những tham
luận như những lá thư gửi lại tương lai. “Chặn ngòi viết lách” (The
Prevention of Literature), là một trong những bức thư như thế.
Đoan Trang, người đứng
bên này thế kỷ 21, mơ màng nhớ nhung những điều đáng lẽ phải là. Một chính phủ
có giới hạn. Một công dân được nói, được viết…
Và Tôi, kẻ cuồng vọng viết
nên những điều hoang dại, dành cuộc đời mình ngấu nghiến hàng nghìn chữ mỗi
ngày nhưng chưa từng mở cửa sổ nhìn trời tự hỏi mình viết vì điều gì.
Cả ba tìm ra những vị trí
của riêng mình về viết lách trong một xã hội toàn trị.
***
Orwell hẳn nhiên là một
nhà tiên tri về viết lách trong xã hội toàn trị.
Là một tác gia – triết
gia người Anh, Orwell chưa từng sống, lớn lên hay trải nghiệm một xã hội toàn
trị. Song sự trỗi dậy của chính quyền Soviet phía bên kia bờ của eo biển
Manche, cùng giới cánh tả ủng hộ Soviet tại Vương quốc Anh, đã cho Orwell những
chất liệu đáng tin cậy trên con đường tìm hiểu và phán đoán tương lai của một
xã hội toàn trị.
Chính bản thân Orwell
cũng đã nhìn nhận được trước không gian và văn hóa chính trị của thời đại cùng
tác hại của nó trong quyển tham luận “Nghệ thuật nào cũng là tuyên giáo” (All
Art is Propaganda):
“Trong thời đại chúng ta, không việc gì nằm bên
ngoài chính trị. Vấn đề gì cũng là vấn đề chính trị; trong khi chính trị bản chất
của nó thôi đã là một khối dối trá, mưu mô, điên rồ và thù hận. Nếu chúng ta để
nó thoái hóa, nếu chúng ta cho phép chính trị ăn mòn không gian chung, ngôn ngữ
sẽ phải thống khổ. Tôi cho rằng các ngôn ngữ Đức, Nga và Ý suốt mấy thập kỷ qua
đã hư hại phần nào vì các chế độ độc tài thống trị chúng (ám chỉ Đức Quốc xã,
Phát xít Ý và Đảng Cộng sản Liên Xô – ND)”
Nhà văn George
Orwell. Ảnh: lithub
Với tư cách của một tác
gia với nhân sinh quan và triết lý viết rất đặc trưng, Orwell có vẻ đã đoán
đúng. Trong tác phẩm đột phá “Ngôn ngữ học và Đệ tam Đế chế” (Linguistic
and the Third Reich), tác giả Christopher Hutton thành công trong việc giải
thích bằng cách nào chủ nghĩa phát-xít biến ngôn ngữ Đức trong thời kỳ Nazi trở
thành một loại ngôn ngữ bài ngoại nhưng bại hoại, và biến ngôn ngữ học trở
thành một môn khoa học bổ trợ cho các lý thuyết phân biệt chủng tộc.
Dựa trên nền tảng lý thuyết
này, Orwell tranh biện trong “Chặn ngòi viết lách” rằng chủ nghĩa toàn trị sẽ
khiến cho việc viết lách trở nên bất khả.
Từ văn xuôi, đến các tác
phẩm giả tưởng; từ nghiên cứu khoa học đến báo chí chính trị, các thuật ngữ,
các thể loại có thể thay đổi hay sản sinh thêm theo thời gian, nhưng viết lách
nhìn chung không còn cửa sống.
Làm sao có thể thế được?
Orwell tự hỏi.
Giả sử như các cây bút chỉ
bị cấm viết về một số đề tài nhất định, giả như họ sẽ chỉ bị trừng phạt khi nào
dám đụng chạm đến những nhân vật hay một định chế chính trị nào đó nhất định,
chẳng lẽ họ không còn gì khác để viết?
Chẳng lẽ họ không còn
cách nào khác để ngụy trang những tư tưởng phi chính thống của họ trước con mắt
tà quyền?
Hay giả như nếu một cây
bút đã đồng tình, đã ủng hộ chính thể toàn trị, những lệnh cấm đoán đó có ảnh
hưởng gì đến họ và cái nghiệp viết lách của họ đâu?
Chẳng lẽ người viết nào
cũng phải là một kẻ nổi loạn?
Theo Orwell, những người
lập luận kiểu này hiểu sai về viết lách, hiểu sai vì sao những tác phẩm, bất kể
thể loại, lại có thể ra đời.
Họ luôn mang trong đầu giả
định rằng người viết hoặc chỉ là một đơn vị để giải trí mua vui, hoặc chỉ là một
kẻ sao chép dễ mua chuộc có thể đổi giọng văn – tư tưởng từ một định hướng
tuyên giáo này sang một định hướng tuyên giáo khác như thể đàn organ đổi thanh
điệu.
Ở tầng ý nghĩa thấp nhất,
viết lách là một nỗ lực tác động lên quan điểm của những người đương thời bằng
cách ghi nhận lại kinh nghiệm và quan điểm của người viết. Hiểu theo cách này,
một nhà báo hay một nhà viết truyện giả tưởng không khác gì nhau.
Một nhà báo sẽ đánh mất tự
do, và nhận thức được vì sao mình bị đánh mất tự do, khi người này bị ép buộc
hay chủ động phải viết những lời nói dối, hay từ bỏ những đề tài mà anh ta nghĩ
là quan trọng với công chúng.
Một người viết truyện viễn
tưởng sẽ đánh mất tự do, và nhận thức được vì sao mình bị đánh mất tự do, khi
mà người này đánh mất xúc cảm chủ quan của mình vốn vẫn phải dựa vào những câu
chuyện có thật (vì chúng không thể xuất hiện trước công chúng, hay đã bị thay đổi).
Anh ta có thể bóp méo và họa biếm hiện thực, nhưng không thể xuyên tạc chính
tâm trí mình. Trong một chế độ toàn trị, ngay cả những nhà thơ, những tác giả
ngôn tình cũng khó mà nói bằng cả niềm tin rằng họ thích gì và không thích gì,
họ tin gì và không tin gì.
Trong bối cảnh đó, ngôn
ngữ hay viết lách đều khó lòng mà thăng hoa.
Nhưng thú vị hơn, Orwell
cho rằng thi ca có thể vẫn sẽ sống tốt trong một xã hội toàn trị. Một chính quyền
dù có hà khắc đến mức nào cũng cần những vần thơ dễ nhớ, những câu ca hào hùng
để tô vẽ cho tính chính danh và sự cao thượng của nó.
Viết lách văn xuôi lại là
một câu chuyện hoàn toàn khác. Một ngòi bút văn chương, báo chí hay khoa học
không thể thu hẹp phạm vi suy nghĩ của mình mà không cùng lúc giết chết năng lực
sáng tạo của mình. Môi trường của chủ nghĩa toàn trị, chứ không phải cơ chế quyền
lực của nó, bào mòn và tha hóa kinh nghiệm sống, tâm tư và tầm nhìn của một
ngòi bút. Cùng với những lời nói dối không hồi kết mà nó trang bị, tác động của
chủ nghĩa toàn trị lên viết lách, lên văn chương, lên khoa học xã hội dài hơn
và kinh khủng hơn rất nhiều so với những cuộc khủng bố bạo lực mà một chính quyền
có thể duy trì.
***
Những lo ngại và phán
đoán (hầu như chính xác đến 100%) của Orwell là lý do những gì Đoan Trang viết
quý hơn báu vật trong cái môi trường xã hội Việt Nam đương đại ngày nay.
Với “Chính
trị bình dân”, “Cẩm
nang nuôi tù”, “Phản
kháng phi bạo lực”… và gần đây nhất là “Báo
cáo Đồng Tâm”, Đoan Trang theo đuổi những sự thật bị gán nhãn tiêu cực, xấu
độc và phản động, nhưng lại là những sự thật duy nhất có thể đối trọng với “sự
thật” mà chính quyền Việt Nam đang xây dựng và quảng bá.
Đoan Trang từng là phóng
viên chính thức, là thư ký tòa soạn, từng có một tương lai tươi sáng và êm đềm
nếu đi theo các bậc thang mà xã hội toàn trị của quốc gia hình chữ S khốn khổ vạch
ra sẵn cho những người như chị.
Vậy mà chị thức tỉnh. Chị
không để trải nghiệm hạnh phúc với tư cách là một người bên trong bộ máy mài
mòn ngòi bút chị, tha hóa văn chương chị.
Nhà báo Đoan Trang. Ảnh: Facebook Pham Doan Trang.
Cần nhớ rằng cái viết của
Đoan Trang không phải chỉ là vài lời chửi đổng bạn có thể tìm thấy trên bất kỳ
trang mạng xã hội hay phần comment nào của các bài báo chính thống. Họ là những
người chợt nhận ra cái không khí chính trị ngột ngạt mình đang sống, nói lên
vài lời không rõ nghĩa, nhưng rồi cũng lầm lũi trở lại thói quen chịu đựng xưa
cũ.
Nói cách khác, những lần
lên tiếng này ít khi đóng góp được gì cho sự nghiệp viết lách để chống lại chế
độ toàn trị. Họ nghĩ rằng họ phản kháng, nhưng họ lại chỉ trở thành một cộng đồng
không thể thiếu của các xã hội toàn trị, điều mà tôi xin được phép trở lại khi
nói về bản thân mình dưới đây.
Năng lực viết của Đoan
Trang đi ngược lại với những dự đoán của Orwell về viết lách trong một xã hội
toàn trị. Chị viết rất nhiều, viết rất hăng, viết có tính toán, viết có hàm lượng
tri thức cao. Không chỉ vậy, chị viết trong bối cảnh phải chuyển nhà, phải chạy
trốn mỗi tháng, có khi mỗi tuần. Cái công cuộc chạy đua với con chữ của Trang
là thứ níu giữ lại khí chất và sự chính trực của con chữ như thể chúng còn tồn
tại trong một xã hội cấp tiến.
Có người bảo Đoan Trang cực
đoan khi các tác phẩm không lộ rõ thì cũng ngầm ý đòi xóa bỏ chế độ, đòi xây dựng
chính quyền mới.
Nhưng chính nhờ cái sự “cực
đoan” này mà giới hạn suy nghĩ của những cây bút “hòa hảo” như tôi mới có thể được
cơi nới, sức tưởng tượng và khả năng khoa học của tôi mới có thể được duy trì.
Những tác phẩm có góc nhìn khác về Việt Nam Cộng hòa, về Pháp, về chủ nghĩa thực
dân, về nhà Nguyễn, về văn hóa xưa cũ hàng ngàn năm của Việt Nam… có lẽ cũng đã
bị bứng rễ, tróc nóc nếu không có sự cực đoan của Đoan Trang.
Cũng sẽ có quan điểm cho
rằng những gì Đoan Trang viết là bình thường, ai cũng có thể viết, nên không có
gì đáng tung hô như thế. Với tư cách là một người theo đuổi chính trị học và luật
học, tôi đồng ý một phần với lập luận này. Sách của Đoan Trang có thể được xem
là giáo trình, là cẩm nang, là đầu mối tham khảo cho các thảo luận kinh tế –
chính trị – xã hội; nhưng không thể được xem là những tác phẩm khoa học chấn động
nền học thuật hay nền báo chí nước nhà.
Nhưng đó dường như cũng
chính là những tác phẩm mà Đoan Trang có chủ đích viết, và những tác phẩm mà
George Orwell cho rằng cần được bảo
vệ.
Thứ biến mất trong các xã
hội toàn trị không chỉ là những kiệt tác, thứ biến mất trong những xã hội toàn
trị còn là những tác phẩm tốt, chấp nhận được nhưng nghịch nhĩ nhà cầm quyền.
Chúng có thể là những tác phẩm khá phổ biến, thắng vài giải thưởng sách rồi
nhanh chóng chìm vào quên lãng. Những quyển sách tổng hợp tri thức; những quyển
sách tò mò tìm tòi lại về một thời kỳ xưa cũ đã qua; những quyển sách nhẹ nhàng
về âm nhạc, về văn hóa; những quyển sách về một sự kiện chính trị nhất định… chắc
chắn sẽ hết thời chỉ sau vài thập kỷ.
Song cũng chính những quyển
sách này là điểm khởi đầu cho các thảo luận mới sáng tạo hơn, chúng tạo nên và
duy trì không gian tinh thần công cộng, từ đó khuyến khích các ngòi bút mới
tham gia vào những cuộc đại thảo luận của quốc dân trong tương lai. Thiếu vắng
những quyển sách bình thường như thế, ngồi lại với nhau để bàn về một thành phố,
một con sông, một trận bão, một quê hương chung và làm thế nào chúng ta có thể
sống hài hòa bằng những thể chế tốt hơn là bất khả thi.
***
Tôi là những gì hoàn toàn
ngược lại với Đoan Trang. Tôi, một kẻ ẩn danh núp sau bàn phím, tự cho rằng
mình vượt hơn hẳn cái nền chính trị nghèo nàn của nước nhà.
Tôi viết nhiều, nhưng giấu
giếm.
Tôi viết nhiều, nhưng tìm
cách giải tỏa cơn khát văn chương và tri thức của mình qua những tạp chí nước
ngoài, những hội thảo quốc tế.
Đó là trốn tránh, là bỏ
cuộc.
Những kẻ như tôi trong xã
hội toàn trị được Orwell gọi là nhóm các “cộng đồng một sự thật” (single-truth
community), các cộng đồng thích nghi với xã hội toàn trị. Họ có thể không ủng hộ
chính thể toàn trị, họ có thể có hẳn tư tưởng chính trị của riêng mình, nhưng
cũng chính họ bị đóng khung vào cái sự thật của riêng họ để trốn tránh cái thực
tại xã hội đang bị kiểm soát. Trong những cộng đồng ấy, lẽ thường và công lý dường
như vẫn tồn tại, thậm chí giúp toàn bộ xã hội vận hành một cách dường như hoàn
hảo. Song những điều ấy nhanh chóng biến thành xa xỉ và có thể đánh đổi chỉ với
một cái búng tay của nhà cầm quyền.
Orwell gọi đó là hệ thống tư duy thần tâm loạn trí (schizophrenic)
trong những xã hội toàn trị, và đáng tiếc thay, tôi chỉ là một kẻ lệ thuộc vào
nó. Việt Nam, vì vậy, cần những Đoan Trang nhiều hơn là những kẻ múa bút qua
ngày như tôi.
No comments:
Post a Comment