Thursday, October 15, 2020

HOA KỲ NÊN CÓ MẶT Ở VỊNH CAM RANH NHIỀU HƠN (Dov S. Zakheim)

 


Hoa Kỳ nên có mặt ở Vịnh Cam Ranh nhiều hơn

Dov S. Zakheim 

DCVOnline biên dịch

Posted on October 14, 2020   

http://54.213.87.54/2020/10/14/hoa-ky-nen-co-mat-o-vinh-cam-ranh-nhieu-hon/

 

Cách đây 45 năm, vào tháng 4 năm 1975, quân cộng sản Bắc Việt Nam vào chiếm Vịnh Cam Ranh, hải cảng được nhiều người coi là nơi trú ẩn nước sâu tốt nhất cho tàu bè ở Đông Nam Á.

 

https://thehill.com/sites/default/files/styles/thumb_small_article/public/cam_ranh_bay_us_visit_06032012_1.jpg?itok=9XrKqG8O

Hoa Kỳ nên có mặt ở Vịnh Cam Ranh nhiều hơn. Ảnh © Getty Images

 

Cho đến năm 1972, Vịnh Cam Ranh từng là một căn cứ hải quân Mỹ, một căn cứ Không quân và một cơ sở hậu cần của Lục quân. Tuy nhiên, vào năm 1980, Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô bắt đầu hoạt động ở đó.

 

Liên Xô không còn nữa và việc Nga sử dụng căn cứ này đã chấm dứt vào năm 2002. Các chiến hạm Mỹ đã cập bến cảng Vịnh Cam Ranh từ năm 2016 và các hộ tống hạm đã đến vài năm trước đó. Một cách hợp lý, một trong hai chiến hạm đầu tiên ghé thăm Vịnh Cam Ranh tên là John McCain, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và là cha của cố thượng nghị sĩ và tù nhân chiến tranh Việt Nam.

 

Tuy nhiên, đã đến lúc Hoa Kỳ vượt lên trên những chuyến thỉnh thoảng ghé hăm hải cảng này. Hải quân, và có lẽ cả các lự lượng khác, một lần nữa nên hoạt động ở Vịnh Cam Ranh một cách thường xuyên hơn.

 

Chính sách của Mỹ đã nhấn mạnh “những nơi không phải là căn cứ”, vì các căn cứ có thể là mục tiêu cố định dễ bị kẻ thù tấn công. Tuy nhiên, căn cứ vẫn chưa phải là lỗi thời. Hoàn toàn ngược lại. Sau khi rời khỏi “Đông Suez” vào năm 1971, Anh Quốc hiện đang hoạt động tại một căn cứ ở Bahrain và đầu tháng này, Anh Quốc đã đạt được thỏa thuận với Muscat để mở rộng Căn cứ Hỗ trợ Hậu cần chung ở Oman. Pháp đã hoạt động ở căn cứ hải quân tại Abu Dhabi từ năm 2009. Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành căn cứ quân sự ở Qatar, lần đầu tiên kể từ thời Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ có mặt toàn thời gian ở vùng Vịnh. Trung Hoa điều hành một căn cứ hỗ trợ quân sự ở Djibouti, cũng như Hoa Kỳ. Thật vậy, Mỹ duy trì nhiều căn cứ khác trong vùng Vịnh/Biển Ả Rập, trong số đó có căn cứ không quân al Udeid rộng lớn ở Qatar, trụ sở Hạm đội 5 ở Bahrain và việc sử dụng căn cứ không quân Al Dhafra của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

 

Việc Mỹ khôi phục các đặc quyền đặt căn cứ lâu đời của họ ở Vịnh Cam Ranh có lẽ là một kỳ vọng quá lớn. Việt Nam hiện chưa sẵn sàng để Hoa Kỳ độc quyền sử dụng căn cứ. Họ không quan tâm đến bất kỳ mối quan hệ đồng minh chính thức nào với Hoa Kỳ. Mặt khác, việc Washington theo đuổi một thỏa thuận với Việt Nam tương tự như Bản ghi nhớ mà nước này đã đàm phán với Singapore lần đầu tiên vào năm 1990, được sửa đổi vào năm 2005 và gia hạn thêm 36 năm vào năm 2019 là việc rất có thể thực hiện được.

 

VIDEO :

Why Does The U.S. Have So Many Military Bases Overseas?

Tại sao Mỹ có nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài? Nguồn: NowThis World

 

Singapore không phải là đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ; đảo quốc này giữ quan hệ thân thiện với Trung Hoa. Tuy nhiên, một loạt các thỏa thuận với Washington đã cho phép Hoa Kỳ không chỉ hưởng lợi từ hỗ trợ hậu cần trong việc chuyển tiếp nhân viên, máy bay và tàu bè. Nó cũng cho phép Hải quân Mỹ được hỗ trợ tại căn cứ hải quân Changi của Singapore và đưa các tàu chiến đấu Littoral và máy bay P-8 ra tập trận, tiếp nhiên liệu và bảo trì.

 

Các hiệp định của Singapore không chính thức quy định về căn cứ của Mỹ nhưng rất gần như một hiệp định về căn cứ. Việt Nam có thể lập một tiến trình mang lại kết quả tương tự. Việt Nam đã sửa chữa nhỏ cho 5 tàu chiến Mỹ từ năm 2010 đến năm 2012. Hiện Hà Nội đang xây dựng các ccơ xưởng sửa chữa tàu để phục vụ các tàu chiến nước ngoài, họ có thể tăng mức độ hỗ trợ có thể cung cấp cho các tàu Hải quân Mỹ đến thăm.

 

Việt Nam có mọi động lực để làm như vậy. Nó, cũng như Mỹ, không hài lòng với chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Hoa ở Biển Đông. Thật vậy, cuộc chiến gần đây nhất của Việt Nam không phải chống lại Hoa Kỳ mà là chống lại Trung Hoa, vào năm 1979. Hơn nữa, không giống như mối quan hệ của Hà Nội với Washington, tình bạn mất đi giữa hai nước cộng sản chẳng là bao nhiêu.

 

Hà Nội chưa sẵn sàng cho một liên minh chính thức với Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ không cần một căn cứ nào khác ở Đông Nam Á vào lúc này. Tuy nhiên, sự có mặt luân phiên thường xuyên của Mỹ ở Vịnh Cam Ranh sẽ gởi đi một tín hiệu khác cho Bắc Kinh biết rằng Washington sẽ không chỉ là người quan sát thụ động trước những hành động của Trung Hoa nhằm thu phục các nước láng giềng nhỏ hơn của họ. Thay vào đó, điều đó sẽ nhấn mạnh sự Mỹ sẵn sàng đứng về phía bạn bè của mình và bảo đảm rằng dù Bắc Kinh có mở rộng khả năng quân sự đến đâu đi nữa, họ vẫn sẽ không thể hiện thực hóa tham vọng trở thành bá chủ của khu vực đó ở châu Á.

 

                                                         ***

Tác giả | Dov S. Zakheim là cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là phó chủ tịch hội đồng quản trị của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại. Ông là thứ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng (kiểm toán) và giám đốc tài chính của Bộ Quốc phòng từ năm 2001 đến năm 2004 và là thứ trưởng dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1985 đến năm 1987.

 

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

 

-----------------------------------------------------------------------------------

Nguồn:

 

America's presence in Cam Ranh Bay should be more than occasional  

Dov S. Zakheim

September 29, 2020

The Hill

 

 

 

 

 

No comments: