Thursday, October 15, 2020

KINH TẾ BIDEN : MẶT TỐT, MẶT XẤU và MẶT CHƯA BIẾT (The Economist)

 


Kinh tế Biden: Mặt tốt, mặt xấu và mặt chưa biết  

The Economist

Người dịch: Luong Ta, Ren Dinh

12/10/2020

https://www.the-interpreter.org/post/kinh-te-biden-mat-tot-mat-xau-va-mat-chua-biet

 

Translated from The Economist article Bidenomics: the good the bad and the unknown

 

Trong buổi tranh luận tổng thống đầu tiên vào tuần trước, tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Joe Biden là một kẻ nhu nhược và sẽ quy phục theo những sách lược của cánh tả nhằm mở rộng đáng kể quyền lực chính phủ và làm tê liệt việc kinh doanh. Tuy nhiên, lời cáo buộc này không hề chính xác. Thực chất, khiếm khuyết trong kế hoạch của ông Biden lại là việc ông chưa đủ quyết liệt trong một số lĩnh vực.

 

Chuyên mục Leaders, xuất bản ngày 3 tháng 10, 2020

 

Joe Biden nên quyết đoán và đặt tham vọng lớn hơn vào tương lai kinh tế Mỹ

https://static.wixstatic.com/media/3b4a8d_16fc345887654de79cf00752fe801a99~mv2.jpg/v1/fill/w_740,h_416,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01/3b4a8d_16fc345887654de79cf00752fe801a99~mv2.webp

 

Nỗi lo sợ ông Biden sẽ ngả về phe cánh tả đang là chuyện được bàn tán giữa một số lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, như chúng tôi đã giải thích tại đây, lời cáo buộc này không hề chính xác. Ông Biden đã chối bỏ tư tưởng xã hội “thiên đường” (utopian) của cánh tả. Đề xuất thuế và chi tiêu của ông khá hợp lý, trong đó chính phủ sẽ chỉ mở rộng hơn một chút và cố gắng xử lý những vấn đề nhức nhối nước Mỹ đang phải đối mặt như cơ sở hạ tầng tồi tàn, biến đổi khí hậu và sự trầy trật của những doanh nghiệp nhỏ. Thực chất, khiếm khuyết trong những kế hoạch của ông Biden là chúng chưa đi đủ xa trong một số lĩnh vực.

 

Khi lên nắm quyền năm 2017, ông Trump đã hy vọng có thể cởi trói cho bản năng thú tính (animal spirits) của doanh nghiệp bằng việc kết nối giới chủ tới Phòng Bầu dục qua một đường dây nóng, tinh giản cácthủ tục và giảm thuế. Trước Covid-19, kế hoạch này đã có hiểu quả trên vài khía cạnh với sự trợ giúp của chính sách lỏng lẻo tại Cục Dữ trữ Liên bang. Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ gần đạt mức cao nhất trong 30 năm vừa qua; chứng khoán tăng trưởng bứt phá và thu nhập của những người trong nhóm 25% nghèo nhất tăng 4.7% mỗi năm, tốc độ nhanh nhất tính từ 2008. Cử tri coi nền kinh tế là một ưu tiên hàng đầu, và nếu không có đại dịch thì những thành tựu này là đủ để ông tái đắc cử.

 

Tuy nhiên, một phần vì đại dịch, những thiếu sót của ông Trump cũng trở nên rõ nét hơn. Những vấn đề lâu dài bắt đầu trở nên tồi tệ hơn: cơ sở hạ tầng rệu rã và mạng lưới an sinh xã hội chắp vá. Tương tác bản lề giữa các doanh nghiệp vẫn yếu ớt. Đầu tư thì im ắng và các công ty mọc lên ít hơn trong khi những thương hiệu lớn lại tiếp tục lớn mạnh. Phong cách hỗn loạn của ông Trump, bao gồm việc làm nhục công khai các công ty và chê bai pháp luật, chính là một thứ thuế đánh vào sự phát triển. Sự cởi bỏ chế tài trở thành một đám lửa bừa bãi đốt cháy các quy định.Việc đối đầu Trung Quốc đã không dẫn đến sự nhượng bộ nào đáng kể, trong khi hệ thống thương mại toàn cầu bị đẩy vào tình trạng bất ổn.

 

Với tư cách là tổng thống thứ 46, ông Biden sẽ giải quyết phần nào những vấn đề này đơn giản vì ông có năng lực quản lý và tin vào các thể chế, lắng nghe tư vấn và quan tâm tới kết quả. Những tố chất này sẽ rất cần thiết trong năm 2021, bởi vì khoảng 5 triệu người sẽ phải đối mặt với thất nghiệp dài hạn và nhiều công ty nhỏ sẽ phá sản. Ưu tiên kinh tế của ông Biden là cho thông qua một dự luật “hồi phục” đồ sộ, có thể trị giá từ 2 đến 3 ngàn tỷ USD, tuỳ vào Quốc hội liệu có thông qua một gói kích cầu trước cuộc bầu cử hay không. Dự luật này sẽ gồm tiền trợ cấp ngắn hạn, tăng bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp chính phủ địa phương và tiểu bang đang thất thu ngân sách. Ông Biden cũng sẽ mở rộng các gói trợ cấp hoặc vay nợ cho những doanh nghiệp nhỏ chưa nhận được nhiều trợ cấp như doanh nghiệp lớn. Ông sẽ xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc, cũng như các thị trường . Và nếu có vaccine, chủ trương quan hệ quốc tế mang tính hợp tác thay vì thuần tuý giao dịch của ông sẽ giúp điều phối vaccine toàn cầu dễ dàng hơn, thúc đẩy biên giới mở lại và giúp hoạt động thương mại hồi phục nhanh hơn.

 

Dự luật cũng nhắm tới “xây dựng lại tốt hơn” bằng cách tập trung vào một số vấn đề dài hạn của nước Mỹ, đồng thời cũng là ưu tiên của Biden từ nhiều năm qua. Để sửa sai cho nhiều thập kỷ đầu tư nghèo nàn, ông mong muốn phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng mở rộng hơn hẳn và thân thiện với môi trường. Ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) của chính phủ đã giảm từ 1.5% tổng GDP năm 1960 xuống còn 0.7% hiện tại, trong lúc Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa cấp bách với nền khoa học Mỹ. Ông Biden cũng sẽ xoay chuyển tình thế này bằng cách tăng cường ngân sách R&D vào lĩnh vực công nghệ và năng lượng tái tạo. Ông sẽ gỡ bỏ những hạn chế di cư nghiêm ngặt của ông Trump, thứ đang đe doạ tính cạnh tranh của người Mỹ. Và ông muốn tăng mức sống và sự cơ động xã hội của tầng lớp trung lưu. Điều này có nghĩa là đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, chăm sóc y tế, nhà ở, và mức lương tối thiểu $15, qua đó giúp đỡ 17 triệu người lao động hiện đang được trả ít hơn như vậy. Đây hầu như không phải là chương trình nghị sự của một kẻ xã hội chủ nghĩa. Ông Biden đã bỏ qua những ảo tưởng lạc quan thái quá từ cánh tả, bao gồm Medicare Cho Tất Cả, lệnh cấm năng lượng hạt nhân và đảm bảo việc làm. Các kế hoạch của ông có quy mô cũng như phạm vi vừa phải, và tổng cộng lại sẽ tăng chi tiêu công hàng năm lên 3% GDP, nếu như tất cả các đề luật của ông đều có thể thông qua Thượng viện. Con số này không thể so với 16-23% chi tiêu công cho những đề xuất của Elizabeth Warren và Bernie Sanders. Ông ta sẽ tăng thuế để trả cho khoảng một nửa các khoản chi nếu được thông qua, với mức thuế cao hơn đối với các công ty và người giàu. Ngay cả khi tất cả kế hoạch thuế của ông được ban hành, mặc dù điều này rất khó xảy ra, các nghiên cứu cho thấy lợi nhuận sau thuế của các công ty có thể giảm tới 12%, và thu nhập của những người nhóm 1% giàu nhất có thể giảm đến 14%. Nếu bạn giàu có, bạn có thể khó chịu, nhưng đây không phải là thảm họa cho bạn.

 

Rủi ro thực sự của Bidenomics là tính thực dụng của ông ta sẽ khiến ông không đủ táo bạo. Đôi khi ông không thể dung hoa được những mục tiêu xung khắc nhau. Ví dụ, ông ủng hộ đúng mức những nấc thang cơ động xã hội cũng như một lưới an sinh xã hội tốt hơn cho những người lao động bị mất việc làm; kế hoạch của ông bao gồm từ nhà ở giá phải chăng đến các miễn học phí đại học công lập. Nhưng với những bước đệm an toàn này, ông nên sẵn sàng chào đón nhiều hơn những sự huỷ diệt sáng tạo (creative destruction) để nâng cao mức sống lâu dài. Thay vào đó, bản năng của ông Biden là muốn bảo vệ các công ty và ông nói quá ít về việc thúc đẩy cạnh tranh, bao gồm phá vỡ thế độc quyền của nhiều tập đoàn công nghệ. Các công ty hiện hữu và những người trong cuộc thường khai thác các quy định phức tạp như một rào cản để ngăn các công ty khác tham gia. Kế hoạch của ông ta vướng đầy những luật lệ nhiêu khê.

 

Làm cho các liên minh thương mại tuyệt vời trở lại

 

Chính sách về khí hậu của ông Biden thể hiện sự tiến bộ thực sự. Việc xây dựng các trục lưới điện thân thiện môi trường và mạng lưới sạc điện là điều hợp lý vì khu vực tư nhân có thể không cố hết sức để làm điều này. Nhưng, một lần nữa, tác dụng của nó sẽ bị giảm bớt bởi quy tắc rằng 40% chi tiêu phải dành cho các cộng đồng khó khăn và đặc quyền cho các nhà cung cấp trong nước: một công thức dẫn đến sự kém hiệu quả. Kế hoạch cắt giảm khí thải của ông có đặt ra các mục tiêu, nhưng né tránh thuế carbon, một công cụ khai thác sức mạnh của thị trường để phân bổ lại các nguồn lực. Đó là một cơ hội bị bỏ lỡ. Mới tháng trước, tại Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh, đại diện cho giới tập đoàn Mỹ, cho biết họ ủng hộ định giá carbon.

 

Sự thiếu táo bạo này cũng phản ánh việc thiếu một chiến lược được phát triển đầy đủ. Ông Biden có thành tích là một người ủng hộ kinh doanh tự do, nhưng ông sẽ không nhanh chóng dỡ bỏ hàng rào thuế quan và kế hoạch của ông dung túng cho chủ nghĩa bảo hộ nhỏ nhen bằng cách buộc hàng hóa phải được vận chuyển trên tàu chở hàng của Mỹ. Điều đó sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ khó khăn trước mắt ông ta: tạo ra một khuôn khổ mới để điều chỉnh mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bao gồm việc thuyết phục các đồng minh của Mỹ tham dự, ngay cả khi họ cũng đang xem xét chủ nghĩa bảo hộ (xem bài viết).

 

Chính sách tài khóa cũng vậy. Ông Biden muốn thanh toán cho một số chi tiêu của mình - một điều mới lạ ngày nay. Tuy nhiên, đến năm 2050, nợ công đang trên đà đến gần 200% tổng sản lượng quốc gia. Hiện tại, có rất ít lý do để lo lắng khi lãi suất gần bằng 0 và Fed đang mua nợ chính phủ. Nhưng Mỹ sẽ được lợi nếu tổng thống tiếp theo chịu đối mặt với thách thức lâu dài này. Điều đó có nghĩa là bắt đầu xây dựng một sự đồng thuận chặt chẽ hơn về chi tiêu cho những vấn đề xã hội, và một nền tảng thuế bền vững.

 

Ông Biden vẫn phải giành chiến thắng vào tháng 11 nên dự tính mơ hồ của ông là điều dễ hiểu. Nhưng vẫn có nguy cơ ông kết luận quá sớm khi cho rằng chiến thắng của ông cũng như sự phát triển và năng lực quay trở lại Nhà Trắng sẽ đủ để đưa nước Mỹ đi đúng hướng. Nếu ông ấy muốn đổi mới nền kinh tế của Mỹ và đảm bảo nó sẽ dẫn đầu thế giới giàu có trong nhiều thập kỷ tới, ông ấy sẽ phải táo bạo hơn thế. Trước ngưỡng cửa của quyền lực, ông ta phải quyết tâm hơn về những ưu tiên của mình và nhìn xa trông rộng hơn.

 

Người dịch: Luong Ta, Ren Dinh

Biên Tập: Khoa Le

 

 

 

 

 


No comments: