Thursday, October 15, 2020

CÁC NHÀ NƯỚC ĐỘC TÀI ĐANG NGÀY CÀNG MẠNH BẠO? (VOA Tiếng Việt)

 


Các nhà nước độc tài đang ngày càng mạnh bạo?   

VOA Tiếng Việt

16/10/2020

https://www.voatiengviet.com/a/c%C3%A1c-nh%C3%A0-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%E1%BB%99c-t%C3%A0i-%C4%91ang-ng%C3%A0y-c%C3%A0ng-m%E1%BA%A1nh-b%E1%BA%A1o-/5623321.html

 

Việc các nhà nước khét tiếng về đàn áp như Trung Quốc, Nga và Cuba được bầu chọn để phán xử về nhân quyền trên thế giới khiến các tổ chức nhân quyền phẫn nộ trong khi có ý kiến cho rằng chính sách ‘Nước Mỹ trước tiên’ khiến các nước độc tài ngày càng mạnh bạo.

 

Hôm 13/10, Trung Quốc, Nga, Cuba, Pakistan và Uzbekistan được bầu trong số 15 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Điều này gióng lên hồi chuông báo động với các tổ chức nhân quyền vốn cho rằng việc đàn áp ở các nước đó đe dọa tính hợp pháp của Hội đồng Nhân quyền.

 

.

‘Không đủ tư cách’

 

Cơ quan này lâu nay đã bị chỉ trích là ‘đạo đức giả’ và ‘chính trị hóa’ vì đã đưa đại diện của các nước có những vi phạm nhân quyền trắng trợn vào các vị trí lãnh đạo, theo Al Jazeera.

 

Luis Charbonneau, Giám đốc phụ trách Liên hiệp quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói với Đài Al Jazeera rằng ‘những nước vi phạm nhân quyền hàng loạt không nên được có ghế trong Hội đồng Nhân quyền’.

 

“Điều nhức nhối là việc các chế độ chuyên chế như Ả Rập Xê-út, Trung Quốc và Cuba thậm chí còn đủ tư cách ra ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền là sự phỉ báng và là lời lên án đối với chính sự tồn tại của cơ quan nhân quyền này,” ôngThor Halvorssen, chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Nhân quyền (HRF), tuyên bố hồi tuần trước trong thông cáo báo chí được The Hill dẫn lại.

 

HFR phối hợp với các tổ chức như UN Watch và Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg công bố một phúc trình dài 30 trang đánh giá hồ sơ nhân quyền của các quốc gia tranh cử trước cuộc bỏ phiếu. Phúc trình chỉ ra các nước Trung Quốc, Cuba, Pakistan, Nga và Uzbekistan có thành tích tồi tệ về nhân quyền và cho rằng họ không xứng tham gia Hội đồng.

 

Trung Quốc đang bị quốc tế săm soi về sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương cũng như việc áp đặt Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong và việc đẩy lùi các quyền tự do ở vùng lãnh thổ này.

 

Nga đối mặt những quan ngại tiếp diễn về cáo buộc họ đứng sau vụ đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Alexi Navalny, việc Moscow chiếm đóng bất hợp pháp bán đảo Crimea của Ukraine, và sự tham gia của Moscow vào cuộc nội chiến Syria để hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

 

Riêng Pakistan cũng có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm giết người bất hợp pháp hoặc tùy tiện; giam giữ và tra tấn; hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và bạo lực nhắm vào các sắc tộc thiểu số cũng như cộng đồng LGBTQ.

 

Còn ở Uzbekistan, phúc trình của HRF được tờ The Hill dẫn lại cho biết các vi phạm nhân quyền bao gồm giết ngườikhông thông qua xét xử; tra tấn; điều kiện nhà tù khắc nghiệt và đe dọa tính mạng; hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đàn áp một cách bạo lực các cuộc biểu tình ôn hòa và sự tham gia chính trị.

 

Cuba bị chỉ trích là đang thực hiện một chiến dịch trấn áp liên tục những người bất đồng và những người chỉ trích công khai.

 

.

‘Mỹ rút ra là đúng’

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hội đồng Nhân Quyền hồi năm 2018 trước những lời phàn nàn rằng các chính phủ vi phạm nhân quyền tránh khỏi sự lên án do họ có ghế trong Hội đồng và rằng cơ quan này có ‘thành kiến kinh niên’ đối với Israel.

 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng kết quả bầu cử vào Hội đồng là minh chứng cho quyết định của Washington rút ra khỏi cơ quan này hồi năm 2018.

 

Ít nhất sáu nước mới được bầu vào Hội đồng – Bờ Biển Ngà, Bolivia, Nepal, Malawi, Mexico, Senegal và Ukraine - được phúc trình nêu ra là có hồ sơ nhân quyền ‘có vấn đề’ hoặc có lịch sử bỏ phiếu có vấn đề tại Liên hiệp quốc.

 

Chỉ có Anh và Pháp, đều mới được bầu vào Hội đồng, được phúc trình đánh giá là ‘xứng đáng’ có ghế.

 

“Thật là phẫn nộ khi các chế độ vi phạm một cách có hệ thống các quyền con người mà đáng ra họ phải bảo vệ lại được trao cơ hội trở thành người bảo vệ và quan tòa phán xử nhân quyền trên thế giới,” ông Halvorssen nói trong thông cáo báo chí. “Thật không còn lời nào để nói, không thể tưởng tượng được và hết sức gây ức chế cho những người đấu tranh cho nhân quyền ở khắp mọi nơi.”

 

Riêng Ả Rập Xê-út không hội đủ số phiếu để vào Hội đồng.

 

Các nước vừa được bầu này sẽ có nhiệm kỳ ba năm. Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc với 47 nước thành viên có nhiệm vụ duy trì các chuẩn mực nhân quyền, xử lý các vi phạm trên khắp thế giới và đưa ra các khuyến nghị để các nước tăng cường tính giải trình.

 

.

‘Nhường sân khấu cho Trung Quốc’

 

Có thêm Nga, Cuba, Pakistan, Uzbekistan và các nước vi phạm nhân quyền khác cùng tham gia thì Trung Quốc ‘càng có thêm đồng minh và vây cánh’ trong Hội đồng Nhân quyền, nhà hoạt động Nancy Nguyễn từ California, người tích cực tranh đấu cho các phong trào nhân quyền trên thế giới, nhận định với VOA.

 

“Mỹ cho rằng Trung Quốc thao túng các cơ quan Liên hiệp quốc nên họ tẩy chay, nhưng đó là quyết định rất đáng tiếc,” cô Nancy lý giải. “Nếu đối thủ đứng lên giành thế chủ đạo thì mình nên đấu tranh để giành lại vị thế của mình thay vì rút lui nhường cả sân khấu cho họ.”

 

Nhà hoạt động này cho rằng phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ của chính quyền Tổng thống Donald Trump ‘đi ngược lại việc thúc đẩy dân chủ, nhân quyền trên thế giới’.

 

“Khi Mỹ chỉ tập trung vào bản thân mình thì không thể nào quan tâm đến tình hình nước khác,” và “kết quả nhãn tiền là Hong Kong đã rơi vào tay Trung Quốc trong khi Bắc Kinh mạnh bạo hơn trong nhiều vấn đề,” cô Nancy nói.

 

“Không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết vấn đề của quốc gia mình mà không có sự giúp đỡ của nước ngoài,” cô nhận định và đưa ra dẫn chứng là nhờ có sức ép phối hợp của Mỹ và các đồng minh châu Âu, Úc và Canada mà tập đoàn quân phiệt Miến Điện đã phải dân chủ hóa đất nước cách nay gần 10 năm.

 

Từng sang Hong Kong ủng hộ phong trào dân chủ Hong Kong, cô Nancy Nguyễn bày tỏ bi quan rằng ‘tình hình Hong Kong đang gặp bế tắc lớn mà chính các bạn Hong Kong cũng không biết làm thế nào’.

 

“Từ Luật Dẫn độ cho đến Luật An ninh Quốc gia là một bước nhảy quá lớn, quá bất ngờ,” Nancy nói và cho rằng trong tương lai trước mắt phong trào dân chủ Hong Kong khó mà vận động quốc tế đứng ra bảo vệ cho họ.

 

Cô dẫn giải những sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Hong Kong như đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong vốn áp đặt chế tài lên các quan chức Hong Kong đàn áp biểu tình ‘là không đủ’ mà cần phải có sự phối hợp của các đồng minh như trong áp lực đối với Miến Điện trước đây.

 

“Kết quả rất nhãn tiền là Luật An ninh ra rồi cho nên không thể nói rằng những đạo luật ủng hộ Hong Kong của Mỹ là có kết quả khả quan,” nhà hoạt động gốc Việt chia sẻ.

 

------------------------

 

Mỹ bổ nhiệm đặc sứ nhân quyền Tây Tạng, Trung Quốc phẫn nộ

Trung Quốc bênh vực chương trình ‘huấn nghiệp’ ở Tây Tạng

 

 

 

 

 


No comments: