Mưa lũ
tàn phá miền Trung Việt Nam, 122 người chết và mất tích
Người
Việt
Oct 18, 2020
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/122-nguoi-chet-mat-tich-vi-mua-lu-thuy-dien-o-mien-trung/
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Số người chết vì thiên tai lũ lụt tại miền
Trung Việt Nam tăng nhanh trong lúc dự báo thời tiết “còn nhiều khả năng xảy ra
lũ quét, sạt lở đất.”
Báo chí tại Việt Nam nói
rằng “Ban Chỉ Ðạo Trung Ương về phòng chống thiên tai” đưa tin cho biết chỉ
trong 12 ngày từ mùng 6 Tháng Mười đến 18 Tháng Mười “mưa lũ làm 84 người chết,
38 người mất tích.”
Đoàn cứu hộ khiêng
xác một nạn nhân bị vùi lấp ở huyện Hương Hóa, Quảng Trị, ngày 18/10/2020.
(Hình: VNA/AFP/Getty Images)
Trong số này, 13 người gồm
hầu hết là sĩ quan quân đội đi tìm kiếm công nhân thủy điện mất tích, đã được tổ
chức tang lễ vào sáng 18 Tháng Mười tại Thừa Thiên Huế. Đồng thời, 14 thi thể
tìm thấy trong số 22 binh sĩ bị núi lở vùi lấp tại doanh trại “làm kinh tế”
ở huyện Hướng Hoá, Quảng Trị.
Theo các nguồn tin vừa kể,
sự thiệt hại vật chất “rải khắp 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm 12 tuyến
quốc lộ, hơn 17 km đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng, trong đó nặng
nề nhất là Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam,” theo VNExpress thuật lại.
Hiện mưa lớn vẫn còn diễn
ra ở khu vực mà các đập thủy điện từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam vẫn tiếp tục xả lũ,
làm gia tăng ngập lụt, người chết.
“Lũ trên các sông tăng
nhanh. Hồ thủy điện trên lưu vực sông Hương, lưu vực Vu Gia – Thu Bồn đã đầy,
nước đang xả tràn để đón lũ.” VNExpress viết. Còn tờ Tuổi Trẻ kể là “Mưa lớn
kéo dài cộng với nhiều hồ thủy lợi, thủy điện xả tràn làm nhiều khu dân cư ở
các huyện Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) ngập lụt, chia cắt. Bà con đang hối hả
chạy lụt.”
Lũ Quảng Bình nhà
ngập tới nóc. (Hình: Thanh niên)
Trong khi đó, “Trung Tâm
Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia” buổi tối ngày 18 Tháng Mười “phát cảnh báo
nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam
và Bình Định. Nguy cơ cao ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng
thấp, các khu đô thị tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên
Huế,” tờ Tuổi Trẻ viết.
“Các tỉnh từ Thanh Hóa đến
Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to. Dự báo trong đêm nay 18-10 và rạng sáng
mai 19-10, lượng mưa các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình phổ biến từ 50-100mm, có
nơi trên 200mm; lượng mưa các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế phổ biến
từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.”
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/10/VN-dan-HaTinh-chay-lu-TT-101820.jpg
Người dân hối hả
đưa tài sản lên cao khi nước lũ dâng. (Hình: Tuổi Trẻ)
Báo Thanh Niên cho biết tại
Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, mưa lớn và nước lũ kéo về nhanh chưa từng
thấy, nhiều nhà ngập đến mái.
Hai ngày trước, người ta
thấy VNExpress đưa tin “Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu các thủy điện
lớn trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn hạ thấp mực nước hồ để đón lũ.” Các đập
thủy điện A Vương, xã Macooih, huyện Đông Giang, thủy điện Sông Bung 4, xã Tà
Pơ, huyện Nam Giang, thủy điện Đak Mi 4, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, đua
nhau “xả tràn” về sông Vu Gia làm ngập lụt vùng hạ lưu.
Theo thống kê, chỉ trong
6 tháng đầu năm nay, 16 loại thiên tai khác nhau gồm 186 trận dông, lốc, mưa lớn;
hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê
biển tại đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó 47 người chết, 130 người bị thương;
1,765 nhà sập, 59,961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108,458 ha lúa và hoa màu bị thiệt
hại; 7,955 con gia súc, gia cầm chết. Thiệt hại về kinh tế ước lượng lên tới
3,383 tỷ đồng (hay khoảng $145 triệu).
Bên cạnh đó là “nhân tai”
tức các đập thủy điện gấp rút xả lũ để chống vỡ đập làm ngập lụt nhà cửa, đồng
ruộng, người chết hàng năm không thấy ai chịu trách nhiệm.
Khi loan báo xây dựng các
đập thủy điện, báo chí nhà nước tuyên truyền rằng không những nguồn thủy điện
mang lại lợi ích kinh tế nhiều mặt mà còn giúp các khu vực hạ lưu “cắt lũ”. Thực
tế chứng minh ngược lại từ năm này qua năm khác. (TN) [kn]
No comments:
Post a Comment