Friday, October 2, 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 02/10/2020 (The Economist)

 


Thế giới hôm nay: 02/10/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

02/10/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/10/02/the-gioi-hom-nay-02-10-2020/

 

EU kiện Anh về dự luật thị trường nội bộ vốn đảo ngược các cam kết trong hiệp ước Brexit. Tranh chấp có thể được trình lên Tòa án Công lý Châu Âu. Anh có một tháng để trả lời trước khi vụ kiện được tiến hành. Hai bên vẫn đang đàm phán; vụ kiện, mặc dù đã được đoán trước, làm tăng sức nóng cho cả hai bên.

 

Đại học Cambridge hứa sẽ thoái khoản tài trợ 3,5 tỷ bảng Anh (4,5 tỷ USD) khỏi nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Quyết định này đến sau áp lực liên tục từ các nhà vận động sinh viên, những người đã thúc đẩy các quyết định tương tự ở các trường đại học khác. Để thay thế, Cambridge có kế hoạch đầu tư vào năng lượng tái tạo, và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính xuống 0 vào năm 2038.

 

Bộ Thương mại Mỹ cho biết thu nhập hộ gia đình — tổng thu nhập từ tiền lương, đầu tư và phúc lợi chính phủ — đã giảm 2,7% trong tháng 8 so với tháng trước vì các khoản trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp hết hạn. Chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn, điều có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế Mỹ. Các chính trị gia đã thất bại trong việc thông qua một biện pháp cứu trợ kinh tế mới.

 

Carrie Lam, trưởng đặc khu Hồng Kông, chào mừng sự “trở lại ổn định” của thành phố tại buổi lễ thượng cờ nhân Ngày Quốc khánh Trung Quốc. Hàng trăm cảnh sát tuần tra trên đường phố, tìm kiếm các dấu hiệu của một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bị cấm. Biểu tình được lên kế hoạch phản đối luật an ninh quốc gia  và việc bắt giữ 12 người cố gắng chạy trốn sang Đài Loan.

 

Chính phủ Tây Ban Nha áp đặt các hạn chế cách ly lên vùng Đại Madrid, điểm nóng coronavirus của đất nước, nơi chiếm một phần ba số ca nhiễm covid-19 gần đây của đất nước. Các chuyến đi không cần thiết vào và ra khỏi khu vực sẽ bị cấm và các cuộc tụ họp xã hội chỉ được tối đa sáu người. Song chính quyền bảo thủ của Madrid nói chính phủ quốc gia của Đảng Xã hội không có cơ sở pháp lý để áp đặt các biện pháp này.

 

Nga đề xuất tổ chức đàm phán hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia để chấm dứt giao tranh ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã thảo luận về cuộc xung đột với tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Cả hai nhà lãnh đạo đều kêu gọi ngừng bắn. Hơn 100 người đã chết trong những ngày gần đây vì các cuộc đụng độ trong khu vực, chính thức là của Azerbaijan nhưng có dân tộc Armenia sinh sống.

 

Tòa án Tối cao Ireland ra phán quyết rằng bánh mì được phục vụ trong sandwich của hãng Subway không đáp ứng định nghĩa pháp lý của “bánh mì” hay “thực phẩm chủ yếu”, vì nó chứa quá nhiều đường. Các cửa hàng nhượng quyền địa phương của hãng đã kháng cáo quyết định trước đó nhằm để các sản phẩm của họ có thể được miễn thuế giá trị gia tăng.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Vấn nạn hiếp dâm tiếp diễn ở Ấn Độ

Số phận của thiếu nữa 19 tuổi đến từ Hathras ở Uttar Pradesh thật kinh hoàng đến mức khó có thể miêu tả được. Mười lăm ngày sau khi bị hãm hiếp tập thể và cắt xẻo, hôm thứ Ba cô đã chết trong bệnh viện ở Delhi. Điều này gợi nhớ vụ sát hại một thiếu nữ khác ở Delhi vào tháng 12 năm 2012. Hơn nữa, cô gái trẻ đến từ Hathras là người Dalit, tầng lớp bị áp bức nhất của chế độ đẳng cấp truyền thống; những kẻ giết cô thuộc Thakurs, một nhóm hiện đang thống trị Uttar Pradesh.

 

Sự đối xử tệ bạc của nhà nước đối với nạn nhân đã châm thêm dầu vào lửa. Cảnh sát tự ý hỏa táng hài cốt của cô mà không được gia đình đồng thuận. Hôm qua những người tuần hành đến Hathras còn bị đánh đập và giải tán. Như trường hợp năm 2012, các tờ báo bỗng nhiên dành trang nhất cho những tội danh tương tự. Không khó để tìm thấy chúng: các bài báo về ba vụ cưỡng hiếp kinh hoàng không kém ở những nơi khác ở miền bắc Ấn Độ vừa xuất hiện trong hai ngày qua.

 

Kyrgyzstan chuẩn bị bầu quốc hội

Mặc dù không có tên trong lá phiếu, tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeyenbekov có nhiều toan tính trong cuộc bầu cử quốc hội vào Chủ nhật. Ông muốn củng cố quyền lực trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ, và rõ ràng là đang cân nhắc số phận của những người tiền nhiệm. Các công dân bất mãn đã lật đổ hai nhà lãnh đạo kể từ năm 2005. Một cựu tổng thống khác đang ngồi tù. Ở Trung Á, các nhà độc tài thường làm lãnh đạo nhưng Kyrgyzstan là một ngoại lệ; họ có các cuộc bầu cử cạnh tranh (mặc dù có chơi bẩn) và hệ thống nghị viện của họ có khả năng thành lập chính phủ liên minh.

 

Các bên dẫn đầu trong số 16 đảng đang tranh giành ghế là đảng Thống nhất, đảng ủng hộ ông Jeyenbekov, và Tổ quốc Kyrgyzstan, một đảng giàu sụ có liên hệ với Raimbek Matraimov, nhà tài phiệt mà các cáo buộc rằng ông dính líu đến một đường dây buôn lậu đã gây ra biểu tình giận dữ hồi năm ngoái. Ông phủ nhận. E ngại về mua phiếu tràn lan đã phủ bóng  lên cuộc bầu cử. Tổng thống kỳ vọng người dân đến các phòng bỏ phiếu chứ không phải trên đường phố.

 

Biden và Trump tranh giành từng cử tri ở Florida

Donald Trump đang chiến đấu hết sức ở Florida. Chỉ hai bang (California và Texas) là có nhiều phiếu đại cử tri hơn, trong khi Florida là bang chiến trường. Chỉ một lần trong 12 cuộc bầu cử tổng thống trước đây — vào năm 1992 — bang này bỏ phiếu cho người thua cuộc. Các cuộc thăm dò cho thấy một cuộc đua đặc biệt sát sao. Hôm nay tổng thống sẽ xuất hiện tại một cuộc mít tinh ở thành phố Sanford. Ông và ông Biden đang tranh giành đặc biệt gay gắt các cử tri người Latinh và người cao tuổi của bang.

 

Ông Trump thu hút hơn với người Latin nhưng kém hơn với người lớn tuổi. Một cuộc thăm dò gần đây của Univision cho thấy Joe Biden giành được 52% cử tri Latin ở Florida, so với 66% ở Texas. Điều đó một phần là do khoảng một phần ba số người gốc Tây Ban Nha ở Florida là người Cuba, một nhóm theo truyền thống ủng hộ Đảng Cộng hòa. (Người Mỹ gốc Mexico thường bỏ phiếu cho đảng Dân chủ.) Tuy nhiên, dân Florida tóc bạc có thể giúp ông Biden. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông giành được 49% – 48% số cử tri trên 65 tuổi, những người chiếm 21% dân số Florida. Florida sẽ còn được hai bên chú ý nhiều.

 

Đức kỷ niệm 30 năm tái thống nhất

Ngày mai nước Đức đánh dấu kỷ niệm 30 năm thống nhất. Sẽ là một lễ kỷ niệm tương đối yên ắng, một phần là vì các hạn chế covid-19 đối với tụ họp công khai. Tuy nhiên, nước Đức có nhiều điều để tự hào. Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, nhiều người châu Âu lo ngại việc thống nhất đông tây sẽ làm sống lại mối đe dọa xưa cũ của Đức đối với an ninh châu Âu. Nhưng giờ đây, họ đã tìm được sự lãnh đạo từ một quốc gia vẫn miễn cưỡng dẫn dắt các đối tác châu Âu, đặc biệt là về chính sách đối ngoại.

 

Song ở trong nước thì phức tạp hơn. Khoảng cách đông tây dai dẳng về thu nhập và năng suất tỏ ra khó thu hẹp, và một số người Đông Đức vốn âm ỉ phẫn nộ về vị trí của họ trong nước đã tìm cách để thể hiện tiếng nói của mình, thông qua đảng cực hữu Sự Lựa chọn khác cho nước Đức. Dù sao thì không như thế hệ trước, người Đông Đức giờ sẽ không bị bỏ tù vì quan điểm của mình.

 

Mỹ sắp công bố dữ liệu việc làm

Trong những tháng gần đây, số liệu việc làm của Mỹ đã làm kinh ngạc ngay cả những nhà kinh tế lạc quan nhất. Sau khi đạt đỉnh gần 15% vào tháng 4, tỉ lệ thất nghiệp kể từ đó đã giảm xuống mức một con số – phá vỡ dự báo được nhiều người chấp nhận, đó là phải tới 2021 mới có thể xuống dưới mức 10%. Liệu báo cáo việc làm tháng 9, được công bố vào sáng nay và một bản sau đó trước ngày bầu cử, có chứa nhiều tin tức tốt?

 

Dữ liệu “thời gian thực” từ khu vực tư nhân cho thấy việc làm đã bị đình trệ trong nhiều tuần. Nhưng các nguồn này trong những tháng gần đây là không đáng tin trong việc giúp dự đoán các số liệu chính thức. Các chỉ số khác, bao gồm chi tiêu thẻ tín dụng hàng ngày, cho thấy rằng mặc dù virus lây lan, mọi người vẫn ra ngoài và mua sắm. Các nhà dự báo tin Mỹ đã có thêm 850.000 việc làm trong tháng 9, đủ để giảm rất nhẹ tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng đừng ngạc nhiên nếu thị trường lao động một lần nữa vượt qua kỳ vọng.

 

 

 

 

 

 


No comments: