Nguyễn
Quang Dy - Viet-Studies
04/10/2020
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_VNNgaBaDuong.html
Sau 75 năm chiến tranh và
cách mạng liên miên (kể từ 1945), Việt Nam vẫn ở ngã ba đường ý thức hệ, nay lại
bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu chiến lược Mỹ-Trung, buộc phải đối phó bằng cách
giữ thăng bằng (như hedging game). Nhưng không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng
đang ở ngã ba đường. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 đang
xô đẩy nhiều nước đến bên bờ vực của điểm bùng phát (tipping point). Trong khi
thế giới biến đổi quá nhanh và khó lường, thì tư duy con người lại đổi mới quá
chậm nên không theo kịp, làm bộc lộ các mâu thuẫn tiềm ẩn, và làm cho quá trình
phân hóa càng thêm trầm trọng.
.
Mỹ và bước ngoặt mới
Trong bối cảnh đó, bầu cử
tổng thống Mỹ vào cuối năm (3/11/2020), chứng kiến sự phân hóa ngày càng lớn. Đó là khủng hoảng lãnh đạo
Mỹ và toàn cầu. Điều đó không chỉ vì các nhân vật lãnh đạo gây tranh
cãi, mà nó còn phản ánh thực trạng nước Mỹ, với các xu thế mới đang xô đẩy nước
Mỹ và thế giới đến một bước ngoặt mới. Xu thế toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa
phương đang thoái trào trước xu thế biệt lập và chủ nghĩa quốc gia và dân túy.
Trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu đang bị Trung Quốc trỗi dậy thách thức trên nhiều
lĩnh vực.
Bài diễn văn của Ngoại
trưởng Mike Pompeo Communist China and the Free world’s Future (23/7/2020)
là bài cuối trong bốn bài diễn văn như “xa luân chiến” của các quan chức chủ chốt
trong chính quyền Trump, gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien nói về ý thức
hệ (26/6), Giám đốc FBI Chris Wray nói về gián điệp Trung Quốc (7/7), và Bộ trưởng
Tư pháp William Barr nói về kinh tế (16/7). Tiếp theo là diễn văn cứng rắn của
Tổng thống Donald Trump tại lễ kỷ niệm 75 năm Liên Hiệp Quốc ra đời (22/9).
Trump thẳng thừng lên án Trung Quốc là nguyên nhân chính, và kêu gọi thế giới
nhìn thẳng vào sự thật.
Trong cuộc đấu khẩu thứ
nhất (29/9) như một bi hài kịch, ông Trump và ông Biden đã cướp lời để đối phó
với nhau mà không đưa ra được cái gì mới đáng kể. Các nhà bình luận có thể cho
rằng các bài diễn văn nói trên chủ yếu nhằm giúp Trump lấy điểm để tranh cử khi
Biden đang dẫn điểm. Nhưng nếu chịu khó đọc kỹ sẽ thấy sự thay đổi khá lớn và
nhất quán về nhận thức chiến lược của Mỹ trước thách thức của Trung Quốc. Nếu
quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc hợp lòng dân Mỹ thì đó chính là đồng thuận
quốc gia mà bất cứ ai làm Tổng thống cũng không thể làm khác. Đã đến lúc nước Mỹ
sẵn sàng “ly hôn” (decoupling) với Trung Quốc, và thẳng thừng chỉ rõ bản chất của
nó “là cái xẻng” (calling a spade a spade).
Ông Pompeo đã tổng kết
“21 điểm nền tảng” trong chính sách Trung Quốc của chính quyền Trump. Ông hệ thống
hóa và cụ thể hóa những gì trước đây ông Donald Trump và Mike Pence đã đề cập,
cũng như giáo sư Michael Pillburry đã phân tích trong cuốn The Hundred-
year Marathon: China's Secret Strategy to Replace America as the Global
Superpower (2016). Nói cách khác, cuối cùng người Mỹ đã phản tỉnh sau
gần năm thập kỷ theo đuổi chủ trương hợp tác (Constructive Engagement), với ảo
tưởng Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”.
Trước khi chết, Richard
Nixon đã nhận ra sai lầm vì chính ông và Henry Kissinger đã mở cái “hộp
Pandora” cho con quái vật Frankenstein trỗi dậy. Mike Pompeo khẳng định “Trung
Quốc là kẻ phản trắc, không được tin Trung Quốc, và đối thoại với Trung Quốc là
vô vọng. Nếu không thay đổi Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ thay đổi thế giới.
Trung Quốc phụ thuộc vào thế giới nhiều hơn thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc.
Phải lập liên minh chống Trung Quốc”. Có thể nói đó là những viên đá tảng trong
tầm nhìn chiến lược mới của Mỹ.
Theo Washington Times
(27/9), Mỹ không giấu diếm ý định lập một “NATO Châu Á” để đối phó với Trung Quốc,
do “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) làm nòng cốt. Cuộc họp ngoại trưởng bốn nước “Bộ
Tứ” (Quad) tại Tokyo (6/10) chắc sẽ bàn vấn đề này, và Mỹ muốn đi trước một bước.
Theo Michael Kugelman (Wilson Center) “BôTứ” lúc này có cơ hội, vì họ cũng như
các nước khu vực đều cho rằng Trung Quốc trỗi dậy đang đe dọa sự ổn định của thế
giới. Lẽ ra Mỹ không nên bỏ TPP. Sắp tới, “Bộ Tứ” cần tiếp tục duy trì hợp tác
với các nước ASEAN trong nhiều lĩnh vực, và mở rộng khuôn khổ hợp tác “Quad+3”
(với Việt Nam, Hàn Quốc, Tân Tây Lan). Củng cố liên minh ở Ấn Độ-Thái Bình
Dương là ưu tiên cao của Mỹ.
Sau khi Mỹ đóng cửa tổng
lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston (22/7), Trung Quốc trả đũa bằng đóng cửa tổng
lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán. Đại sứ Mỹ Terry Branstad đã từ chức và rời Trung Quốc
(14/9). Các sự cố ngoại giao nói trên cùng với quyết định của Mỹ trừng phạt 24
công ty Trung Quốc đã tham gia thay đổi thực địa tại Biển Đông, xô đẩy quan hệ
Trung-Mỹ tới khủng hoảng chưa hề có, kể từ thảm sát Thiên An Môn.
Nay Cục Di trú Mỹ đang lên kế hoạch ngăn cấm tất cả đảng viên đảng CSTQ nhập
cảnh, và Hạ viện Mỹ đang xem xét một dự luật xác định rằng đảng CSTQ là “tập
đoàn tội phạm quốc tế”. (US Ambassador to China Terry Branstad Is Stepping
Down, Ken Moritsugu, Time, September 14, 2020).
Theo các chuyên gia, nếu
ông Joe Biden thắng cử thì chính quyền Biden vẫn phải thừa nhận Trung Quốc đã
vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Ông Biden coi sự trỗi dậy của Trung Quốc
là một thách thức nghiêm trọng, và kêu gọi chống lại Trung Quốc bằng cách sử dụng
các luật thương mại hiện hành và xây dựng mặt trận thống nhất với các đồng
minh. Nói cách khác, dù ai làm tổng thống thì Mỹ cũng sẽ “không thoái lui”, mà
sẽ tăng cường sự hiện diện của hải quân Mỹ, và làm sâu sắc hơn quan hệ với các
nước khu vực. Các nước đồng minh phải đoàn kết lại để đối phó với “chủ nghĩa độc
tài công nghệ cao” của Trung Quốc. Nói cách khác, kiềm chế Trung Quốc là ý
đồ chung của Mỹ, vượt ra khỏi ranh giới đảng phái.
Không phải chỉ có Mỹ mà
Châu Âu nay cũng quyết định coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”
và đang ưu tiên cao cho các vấn đề an ninh (như mạng 5G). Trung Quốc đang điều
chỉnh chiến lược phát triển bằng “vòng tuần hoàn kép” (dual circulation), tăng
cường “vòng tuần hoàn nội địa” để thay thế dần “Vòng tuần hoàn quốc tế”. Nhưng
trên thực tế, chuyển dịch nền kinh tế khổng lồ vốn dựa vào xuất khẩu để dựa vào
thị trường nội địa là một chuyện nan giải. Trung Quốc tìm cách tách dần khỏi
Phương Tây và để bù lại, Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào các nước láng giềng
(hoặc thống trị họ như “thực dân mới”). Trong khi “Vòng tuần hoàn quốc tế” bị
giới hạn bởi tái cấu trúc kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đang phải tăng cường
bành trướng tại Đông Á, nhưng tính năng động của họ nay không còn.
.
Các đồng minh đang
ở đâu
Tại Nhật Bản, tuy ông
Shinzo Abe từ chức để lại một khoảng trống quyền lực cá nhân mà trước mắt chưa
thấy ai có tầm vóc tương xứng để thay thế. Nhưng về mặt đối ngoại và chính sách
kinh tế (Abenomics), ông Yoshihide Suga là người thay thế tốt nhất mà đảng LDP
đã chọn để duy trì “chính phủ của ông Abe mà không có Abe”. Ông Suga đã cam kết
tiếp tục Abenomics, là đồng minh chiến lược của Mỹ, và giữ quan hệ ổn định với
Trung Quốc. Nói cách khác, trong một năm tới (đến 9/2021), chính phủ Suga vẫn
là cái bóng của Abe. Thủ tướng Yoshihide Suga dự kiến sẽ chọn Việt Nam và
Indonesia để đi thăm lần đầu vào trung tuần tháng 10.
Sách trắng quốc phòng hàng năm của Nhật (4/7) đã chỉ trích các nỗ lực
không ngừng và đơn phương của Trung Quốc nhằm “thay đổi hiện trạng bằng cách cưỡng
bức khu vực”. Để giảm thiểu lệ thuộc
vào Trung Quốc, Nhật đã quyết định chi US$3 tỉ để hỗ trợ các công ty Nhật rời
khỏi Trung Quốc. Trong tháng 8/2020, Tokyo đã chi $746 triệu để hỗ trợ 57 công
ty đầu tư về Nhật và 30 công ty khác đầu tư vào các nước Đông Nam
Á. Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi đã đến Pháp gặp ngoại trưởng
Jean-Yves Le Diran và hội đàm trực tuyến với ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ba nước
Châu Âu là Pháp, Đức, Anh (E3) đã gửi công hàm chung tới Liên Hợp Quốc (16/9) để
phản bác lại Trung Quốc đã đưa ra các yêu sách phi lý ở Biển Đông. Việt Nam
hoan nghênh lập trường của các nước dựa trên UNCLOS.
Tại Châu Âu trong vòng một
năm tới, chính sách Trung Quốc của chính phủ Merkel chắc không thay đổi, tuy Đức
không thành công trong việc “thay đổi bằng thương mại” (change through trade).
Chính sách đối ngoại của Đức được ủy thác (outsourced) cho doanh nghiệp, và
truyền thông Đức gây ấn tượng là Đức phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Nhưng đó chỉ là ấn tượng, còn thực chất xuất khẩu của Đức tới Châu Âu chiếm tới
68,5% (đứng đầu), tới Mỹ chiếm 8,7% (đứng thứ hai), và tới Trung Quốc chỉ chiếm
7,1% (đứng thứ ba).
Theo Nikkei (30/9) và
Diplomat (2/10) ngoại trưởng Anh Dominic Raab đến thăm Việt Nam (29-30/9). Hai
bên đã thỏa thuận sẽ sớm ký hiệp định tự do thương mại (FTA) để Anh tham gia
EVFTA và CPTPP. Điều đáng chú ý là quan hệ Anh-Việt được cải thiện trong bối cảnh
quan hệ Anh-Trung đang xấu đi vì Trung Quốc tráo trở ở Hong Kong bắt nạt các nước
ở Biển Đông. Chuyến thăm của ngoại trưởng Anh trùng hợp với tin Hải quân Anh có
thể triển khai tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth, tới vùng
biển Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tuy Chính quyền Trump đã làm mất lòng các nước đồng minh truyền thống ở
Châu Âu và Châu Á, nhưng các nước đồng minh ngày càng tỏ ra cứng rắn với Trung
Quốc. Điều đó chủ yếu là do
Trung Quốc hành xử thô bạo, xô đẩy họ phải liên kết để đối phó. Trong khi Nhật
tham gia Five Eyes (thành Six Eyes) thì Úc sẽ tham gia tập trận hải quân
Malabar ở Ấn Độ Dương (với Mỹ, Ấn Độ, Nhật). Gần đây, Úc bị Trung Quốc đối xử
thô thạo, liên tiếp bị trừng phạt kinh tế, nên đã đến lúc Canberra buộc phải
tìm cách khác để giảm thiểu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nước Úc đang ở
ngã ba đường để tìm hướng đi mới cho tương lai.
Đây là cơ hội tốt để Úc
làm chủ vận mệnh của mình, và làm một thành viên sáng lập của hiệp ước tay ba
(cùng với Nhật và Ấn Độ) để đảm bảo hệ thống cung cấp toàn cầu, nhằm giảm lệ
thuộc vào Trung Quốc. Đó là “Sáng Kiến Chuỗi Cung ứng Bền vững” (Supply
Chain Resilience Initiative). Sáng kiến này cần để ngỏ cho các nước ASEAN tham
gia. Sau khi Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc của coronavirus làm Trung Quốc tức
giận, sáng kiến liên kết khu vực này của Canberra-Tokyo-New Delhi chắc sẽ làm Bắc
Kinh càng tức giận.
Trong khi Ấn Độ coi đây
là một cơ hội tốt để nhảy vào thị trường dược phẩm của Úc và Nhật, thì Úc và Nhật
coi Ấn Độ là một trung tâm xuất khẩu lớn sang Trung Đông và Châu Phi, giúp cân
bằng sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực đó. Canberra và New Delhi nhất trí
cộng tác để đa dạng hóa nguồn cung cấp vào một thời điểm sớm nhất năm nay.
Canberra đang soạn thảo luật không cho các tiểu bang và trường đại học thỏa thuận
riêng với nước ngoài, và Canberra có quyền phủ quyết những thỏa thuận đó. Trước
đó (1/7), Canberra đã công bố bản cập nhật chiến lược và kế hoạch cơ cấu lực lượng
để đối phó với Trung Quốc.
Các nước khu vực đang đi về đâu
Theo Nikkei Asian Review
(13/1/2020), Derek Grossman (Rand Corporation) cho rằng một số nước trong khu vực
đang tăng cường quan hệ an ninh với nhau và với Mỹ để giảm thiếu mối đe dọa từ
Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh
tiếp tục ứng xử một cách thô bạo, nhiều quốc gia khác có thể sẽ liên kết với
nhau, khiến Trung Quốc càng bị cô lập. Theo Sách trắng Quốc phòng 2019,
Việt Nam có quyền tăng cường quan hệ với các đối tác khác, đặc biệt là Mỹ.
Ngoài Mỹ, Việt Nam đang tăng cường quan hệ an ninh với các cường quốc như Nhật,
Úc, và Ấn Độ (Quad members). Điều đó đang trở thành xu hướng chủ lưu
trong các nước ASEAN.
Tuy lâu nay Manila ngả
theo Bắc Kinh, nhưng có dấu hiệu họ đang điều chỉnh. Tổng thống Rodrigo Duterte
đã hoãn quyết định về việc chấm dứt Thỏa thuận VFA, chủ yếu do thái độ ứng xử
thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 22/7, Indonesia tổ chức một cuộc tập
trận quân sự lớn trong khu vực, nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập sâu hơn của
Trung Quốc. Ngày 9/9, tại cuộc họp ngoại trưởng ASEAN (online), Ngoại trưởng Phạm
Bình Minh tuyên bố: “Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp mang tính xây dựng và
đáp ứng của Mỹ đối với nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát
triển ở Biển Đông”.
Bangkok cũng đang phải điều
chỉnh, trong đó có dự án kênh đào Kra (nối Songkhla ở Vịnh Thailand với Krabi ở
biển Andaman). Cũng như các cứ cứ hải quân và không quân mà Trung Quốc xây dựng
gần Sihanoukville, kênh đào Kra có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng để
Trung Quốc kết nối các căn cứ của họ ở Biển Đông với Ấn Độ Dương như “một chuỗi
ngọc trai” (a string of pearls), để tàu của họ không phải vòng qua eo biển
Mallaca (xa hơn 700 dặm). Kênh đào Kra không chỉ giúp Trung Quốc bao vây Ấn Độ,
mà còn đe dọa an ninh của Thailand và Việt Nam, làm tổn hại đến độc lập của
Campuchia và Myanmar.
Theo các nguồn tin báo
chí, tập đoàn dầu khí Rosneft (của Nga) đã cắt hợp đồng thuê dàn khoan với hãng
Noble (của Mỹ) và dừng khoan tại lô 06-01 (Lan Đỏ) tại Nam Côn Sơn, trước sức
ép của Trung Quốc. Rosneft là đối tác lớn nhất của Nga tại Trung Quốc, có nhiều
hợp đồng dài hạn với tập đoàn CNPC (China National Petroleum Corporation) và
China Energy, nên gắn liền với bàn cờ kinh tế Nga-Trung tại khu vực như một con
tin (hostage). Việt Nam không thể chỉ dựa vào Nga làm đối trọng với Trung Quốc
(như bỏ trứng vào một rổ).
Rosneft không dám chọc tức
Bắc Kinh, mà phải quan sát xem phản ứng của Trung Quốc thế nào để điều chỉnh
hành động, vì quy mô và trọng lượng kinh tế của Trung Quốc đối với Nga rất lớn. Vì
vậy, Nga phải thuận theo thái độ của Trung Quốc. Điều đó cũng như Trung Quốc và
các nước khác phải quan sát xem phản ứng của Mỹ để điều chỉnh. (Rosneft’s
Vietnam Exit Hints at Russia Inc.’s Future in Asia, Nick
Trickett, Diplomat, August 28, 2020).
Muốn hay không, Việt Nam
phải tăng cường hợp tác với Mỹ để đảm bảo an ninh năng lượng, và bảo vệ chủ quyền
ở Biển Đông. Hợp tác khai thác dầu khí (như dự án Cá Voi Xanh) hay hợp tác làm
điện khí hóa lỏng LNG (như dự án Chân Mây) giúp Việt Nam giảm thiểu thâm hụt
thương mại với Mỹ, và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. (The Strategic
Significance of Vietnam-US Oil and Gas Cooperation, Le Hong
Hiep, Diplomat, September 7, 2020).
Ngọai trưởng Vương Nghị vừa
đi thăm năm nước Châu Âu (từ 12/9). Tuy cố gắng tỏ ra mềm mỏng để lấy lòng các
nước EU, nhưng cố gắng đó của họ “quá ít và quá chậm”, làm chuyến đi thất bại.
Tại Đức, ngay sau khi Vương Nghị rời Berlin, chính phủ Đức đã tuyên bố điều chỉnh
chiến lược, ủng hộ tầm nhìn Indo-Pacific của Mỹ, và sẽ đánh giá lại lập trường
đối với Trung Quốc. Sau khi Pháp tuyên bố ủng hộ tầm nhìn Indo-Pacific (5/2019)
Đức là nước EU thứ hai lên tiếng ủng hộ chiến lược mới của Mỹ nhằm đối phó với
Trung Quốc.
.
Thay lời kết
Đối đầu Mỹ-Trung là hệ quả
tất yếu của các mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia và trật tự thế giới, nhưng đại
dịch Covid-19 là một thách thức toàn cầu, đòi hỏi thế giới phải liên kết để chống
dịch. Đến nay, hơn một triệu người trên thế giới đã bị chết do đại dịch. Các
siêu cường có vũ khí hạt nhân cũng bất lực, và Tổng thống Mỹ cũng bị lây nhiễm
như 7.5 triệu người dân Mỹ. Thế giới đang bị xô đẩy vào một cuộc khủng
hoảng mới tại một khúc quanh của lịch sử. Muốn thoát hiểm, các nước phải đổi mới
thể chế và tầm nhìn. Nhưng nhiều nước trên thế giới vẫn đang ở ngã ba đường, bị
khủng hoảng lãnh đạo và lòng tin. Trước một thế giới diễn biến khó lường, Việt
Nam phải cảnh giác để sẵn sàng đối phó với tình huống bất ngờ.
--------------
Tham khảo
1. Biden
is already forming a government. Here's what his Cabinet could look like, David
Siders, Politico, August 21, 2020
2. Rosneft’s
Vietnam Exit Hints at Russia Inc.’s Future in Asia, Nick
Trickett, Diplomat, August 28, 2020
3. The
Next Front in the India-China Conflict Could Be a Thai Canal, Salvatore
Babones, Foreign Policy, September 1, 2020
4. The
Strategic Significance of Vietnam-US Oil and Gas Cooperation, Le
Hong Hiep, Diplomat, September 7, 2020
5. US
Ambassador to China Terry Branstad Is Stepping Down, Ken Moritsugu,
Time, September 14, 2020
6. China
Is Merkel’s Biggest Failure in Office, Andreas Fulda, Foreign Policy,
September 15, 2020
7. Donald
Trump and Joe Biden 1st Presidential Debate Transcript, September 29,
2020
8. Vietnam,
the UK Eye Free Trade Agreement, Sebastian Strangio,
Diplomat, October 2, 2020.
9. No,
Biden Will Not End Trade Wars, Edward Alden, Foreign Policy, October
2, 2020
NQD. 04/10/2020
No comments:
Post a Comment