Sunday, October 4, 2020

30 NĂM SAU NGÀY THỐNG NHẤT, ĐỨC GÁNH VÁC TRÁCH NHIỆM LỚN HƠN (The Economist)

 


30 năm sau ngày thống nhất, Đức gánh vác trách nhiệm lớn hơn

The Economist  

Người dịch: Phan Nguyên

05/10/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/10/05/30-nam-sau-ngay-thong-nhat-duc-ganh-vac-trach-nhiem-lon-hon/

 

Margaret Thatcher sợ hãi và công khai phản đối việc thống nhất Đông và Tây Đức. François Mitterrand được cho là đã chia sẻ những lo lắng của bà, mặc dù ông chấp nhận đó là điều không thể tránh khỏi. Giulio Andreotti lặp lại một câu nói nổi tiếng: rằng ông rất yêu nước Đức, nên thật “thích khi có hai nước Đức”. Tuy nhiên, bất chấp sự dè dặt của các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Ý vào năm 1990, một quốc gia mới đã ra đời cách đây 30 năm vào ngày 3 tháng 10. Với 80 triệu dân, Đức ngay lập tức trở thành quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu mà cho đến thời điểm đó đã có tới bốn nước dẫn đầu gần như xấp xỉ nhau. Kể từ đó, các chính khách và học giả đã phải vật lộn với vấn đề làm thế nào để đối phó với một quốc gia bá chủ bất đắc dĩ ở trung tâm châu Âu. Đức nên dẫn dắt châu Âu như thế nào mà không tỏ ra thống trị? Thật vậy, sau tất cả những tai ương của chủ nghĩa Quốc xã, liệu Đức có thể được tin tưởng để lãnh đạo tiếp không?

 

Ba mươi năm sau, sự thống nhất nước Đức đã thành công vang dội. Người dân Đông Đức đã được giải phóng khỏi ách thống trị của chủ nghĩa cộng sản. Chỉ có ba vị thủ tướng trong ba thập niên, nước Đức mới được giải phóng đã tỏ ra vững vàng và thực dụng. Đức đã ủng hộ việc mở rộng Liên minh châu Âu về phía Đông và tạo ra đồng euro. Họ đã thúc đẩy sự tăng trưởng vững chắc trên khắp lục địa — ít nhất là cho đến lúc xảy ra đại dịch Covid-19. Châu Âu đã sống sót sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-08, khủng hoảng đồng euro 2010-12 và làn sóng di cư năm 2015-16. Đức đã can thiệp xung quanh ít hơn những gì những người hoài nghi lo ngại, mặc dù các nước Nam Âu đang ngập nợ vẫn còn ấm ức về chính sách thắt lưng buộc bụng (mà Đức yêu cầu) trong thời kỳ khủng hoảng.

 

Dưới thời những thủ tướng tương lai, Đức sẽ cần tham vọng nhiều hơn. Đây là điều cần thiết, nhất là trong lĩnh vực an ninh. Chi tiêu quốc phòng đang tăng lên ở Đức, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 2% GDP mà các thành viên NATO cần phải đóng góp. Ngay cả trong Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Angela Merkel, đây là một vấn đề nhạy cảm; thậm chí còn nhạy cảm hơn với các đối tác trong liên minh cầm quyền của bà, Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh, những bên có thể giúp hình thành liên minh cầm quyền sau cuộc bầu cử vào năm tới. Quan trọng hơn, Đức đã quá thận trọng trong chính sách đối với Nga và Trung Quốc, có xu hướng đặt lợi ích thương mại lên trên địa chính trị. Việc xây dựng dự án Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí đốt nối Nga và Đức, là một trường hợp điển hình. Dự án này làm suy yếu lợi ích của Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic, nhưng cho đến nay bà Merkel vẫn từ chối hủy bỏ nó, bất chấp hành vi gây phẫn nộ của Tổng thống Vladimir Putin. Bà cũng không lắng nghe nhiều người trong đảng của mình, những người cảnh báo rằng việc cho phép Huawei cung cấp thiết bị viễn thông 5G cho Đức là quá rủi ro.

 

Tuy nhiên, đã có dấu hiệu của sự thay đổi. Tuần này, bà Merkel đã đến thăm lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny trong bệnh viện ở Berlin, nơi ông đang hồi phục sau khi bị đầu độc (Putin tuyên bố là Navalny tự đầu độc chính mình). Huawei sẽ phải đối mặt với những rào cản quan liêu ở Đức cao hơn dự kiến ​​trước đây và bà Merkel đang thể hiện sự nghi ngờ, dù còn yếu, về Nord Stream 2. Bà ngày càng chấp nhận lập luận của Emmanuel Macron rằng Mỹ đang trở thành một đồng minh không chắc chắn và châu Âu sẽ phải làm nhiều hơn để tự giúp mình bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Điều này không mang lại ngay một nước Đức quyết đoán hơn dẫn dắt một châu Âu quyết đoán hơn, nhưng đó là một sự thay đổi đúng hướng.

 

Tương tự như vậy, Đức cần phải làm nhiều hơn nữa trên mặt trận kinh tế. Đại dịch đã mang lại điều mà cuộc khủng hoảng đồng euro không làm được, đó là buộc các nước giàu hơn của EU phải thể hiện tình đoàn kết lớn hơn với những người nghèo. Thỏa thuận vào mùa hè để thành lập một quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro (880 tỷ USD) được tài trợ bởi nợ chung là một sự thay đổi quan trọng mà Đức cho đến gần đây vẫn không chấp nhận. Hơn một nửa quỹ sẽ được cấp dưới dạng viện trợ thay vì thêm nợ cho cácnước nghèo. Quỹ có thể bị trì hoãn; nhưng đó là một dấu hiệu cho thấy Đức cuối cùng đã gánh vác trách nhiệm của mình. Sẽ cần nhiều điều tương tự hơn nữa trong 30 năm tới nếu liên minh tiền tệ của Châu Âu, và có lẽ cả chính EU, muốn tồn tại. Nhưng bản thân nước Đức cũng đang ngày một trưởng thành để gánh vác vai trò lớn hơn.

 

---------------

 

Nguồn:

 

Thirty years after reunification, Germany is shouldering more responsibility

Oct 3rd 2020 

The Economist 

 

 

 

 


No comments: