Nguyên
Đại
01/10/2020
https://baotiengdan.com/2020/10/01/ong-tien-si-nao-phai-bi-bat/
Cách đây gần một năm,
tháng 11-2019, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị bắt với “tội”: “Làm, tàng trữ,
phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước
CHXHCN Việt Nam” (1). Từ đó đến giờ không có tin gì về ông.
Ông Phạm Chí Dũng, quê ở
Đồng Tháp, là nhà văn, nhà báo, Tiến sĩ Kinh tế. Cha của ông Dũng là ông Phạm
Văn Hùng, cựu Trưởng ban Tổ chức Thành ủy tp HCM. Sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ
thuật Quân sự, ông Dũng về làm việc tại Ban An ninh Nội chính tpHCM. Ông đã từng
phục vụ trong quân đội CSVN, và có 20 năm tuổi đảng (1993 -2013).
Ông viết rất nhiều về
kinh tế và chính trị VN, phê bình đường lối cai trị của đảng CS đối với người
dân VN. Năm 2012, ông bị công an CSVN bắt và giam giữ sáu (6) tháng về “tội”: “Âm
mưu lật đổ chính quyền”. Năm 2013, ông làm đơn xin ra khỏi đảng CSVN, vì
theo ông, “đảng cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại
đa số nhân dân”.
Năm 2014, tổ chức Phóng
Viên Không Biên Giới (RSF) đã vinh danh ông Phạm Chí Dũng là một trong 3 người
Việt trong số 100 “anh hùng thông tin” trên toàn thế giới. Cùng năm, tổ chức
giám sát về nhân quyền của Liên Hiệp quốc (UN Watch), đã mời ông tham dự hội thảo
về nhân quyền ở Geneva, Thụy sĩ. Ông không đi được vì bị công an thu hộ chiếu tại
phi trường Tân Sơn Nhất, Saigon. Tháng 7-2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam
tuyên bố thành lập, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội.
Năm 2020, Tổ chức Phóng Viên Không Biên
Giới (RSF) xếp hạng Việt Nam thứ 175 trên 180 về hồ sơ đàn áp nhân
quyền (Trung Cộng hạng 177, và Bắc Hàn cuối bảng 180/180).
Cách đây một tuần, ngày
23-9-20, Võ sư – Tiến sĩ Phạm Đình Quý ở tpHCM bị bắt về tội tố cáo Bí
thư tỉnh ủy tỉnh Đắk-Lắk đã “đạo văn” cho luận án tiến sĩ về “chân vịt” tàu thủy.
Ông Quý bị công an Đắk-Lắk quy tội hình sự là “vu khống” (2).
Việc bắt giữ Tiến sĩ Dũng
xảy ra một cách bài bản, có các nhà báo của đảng tham dự đưa tin. Nhưng, việc bắt
giữ Tiến sĩ Quý xảy ra hết sức tùy tiện như một vụ bị “sơn tặc” bắt đem lên núi
ngày xưa: Vây bắt trong đêm, đem lên “núi” (Đắk Lắk), không cho liên lạc với
người nhà, sau đó gởi thư bằng đường bưu điện tới nhà báo tin.
Có một điều mà bộ máy cai
trị của đảng không thấy (hoặc không muốn thấy) là: sự bắt bớ (điên cuồng) đó
không dập tắt được tiếng nói phản kháng. Càng ngày càng có nhiều nhà văn, nhà
báo, nhà giáo, trí thức bước sang hàng ngũ đối kháng với đảng.
Nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của tiểu thuyết “Đất Nước Đứng Lên”
viết về anh hùng “Núp” của Tây Nguyên, một tác phẩm điển hình của dòng “văn học
cách mạng” mà bất cứ một học sinh trung học nào sau năm 1975 đều phải biết.
Năm 2015, cùng với 19 nhà
văn, nhà thơ khác, Nguyên Ngọc tuyên bố rời khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam. Tháng
3-2018, ban tuyên giáo ra lệnh rút toàn bộ các tác phẩm của họ ra khỏi chương
trình sách giáo khoa. Nguyên Ngọc, với bút danh Nguyễn Trung Thành, viết “Đường
Chúng Ta Đi” tuyên bố rời khỏi đảng vào tháng 10-2018.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc, với bút danh Dương Hương Ly viết “Bài Thơ Về
Hạnh Phúc”, “Mẹ đào hầm”, những bài thơ làm sôi sục bao nhiêu thế hệ trẻ đi làm
“cách mạng”. Bùi Minh Quốc sau này phải viết “Cay Đắng thay” với: “Cái guồng
máy nhục mạ con người/ Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất/…Trọn tuổi xuân
ta hiến dâng cuồng nhiệt/ Lại đúc nên chính cỗ máy này”.
Bùi Minh Quốc bị khai trừ
khỏi đảng năm 1989 cùng với Tiêu Dao Bảo Cự, một nhà văn, trí thức phản chiến ở
miền Nam. Năm 2014, Bùi Minh Quốc cùng với Phạm Chí Dũng và một số nhà báo khác
thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, và giữ chức Phó Chủ tịch Hội.
Nếu trong thời chiến
tranh, đảng đã kết hợp được một đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo nên dòng “văn học
cách mạng” liều thuốc tinh thần cho nhiều thế hệ thanh niên “sinh Bắc tử Nam”;
cán bộ văn hóa của đảng đã lợi dụng hoàn cảnh xã hội phức tạp ở miền Nam trong
thời chiến để lôi kéo một số trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam “đi theo cách mạng”,
thì sau khi đã có chính quyền, đảng đã không nuôi dưỡng được cái tinh thần cách
mạng đó, không khơi rộng được dòng văn học cách mạng đó để phục vụ việc xây dựng
đất nước trong hòa bình. Ngược lại, đã hủy diệt cái tinh, cái thần của phong
trào cách mạng đó.
Cùng với một số người tiền
nhiệm, ông “tiến sĩ xây dựng đảng” Nguyễn Phú Trọng hiện nay thực chất đã kế tục
sự nghiệp phá hoại đảng, hơn là xây dựng. Ông không tập hợp được đội ngũ trí thức,
văn nghệ sĩ, những người có thực tài có thể kích hoạt và làm dâng cao những làn
sóng cách mạng thật sự để phát triển đất nước.
Ông và hệ thống của ông
không bảo vệ được cho những người có khả năng để họ phát huy được sức mạnh của
họ. Những người tinh anh đó hoặc rời bỏ đảng, hoặc bị thanh trừng cô lập, hoặc
bị tù, hoặc bị cho “nhảy lầu”, hoặc ra nước ngoài.
Ông đã xây dựng một đội
ngũ gọi là “văn nghệ sĩ” thời đại mới có “một đống” bằng cấp vay mượn, ngụy tạo
với một việc duy nhất là “Nịnh”, và tất cả những gì còn lại là khả năng liên kết
với các nhóm lợi ích để làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của phụ huynh và con
em học sinh dưới một nền giáo dục rỗng tuếch và sa lầy.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và
Tiến sĩ Phạm Đình Quý phải được trả tự do.
Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng
mới chính là người phải bị bắt, ngay hôm nay.
_______
(1) Theo điều 117 bộ Luật
Hình Sự của đảng CSVN năm 2015 (sửa đổi năm 2017)
(2) Theo điều 156 bộ Luật
Hình Sự của đảng CSVN năm 2015 (sửa đổi năm 2017)
No comments:
Post a Comment