2/10/2020
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/19021-nu-c-m-suy-tan
Cuộc tranh luận đầu tiên
giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden hôm 29/9/2020 đã kết
thúc. Đa số người xem đều có thể nhận thấy nó giống một cuộc cãi lộn hơn là
tranh luận về chính trị. Nước Mỹ không còn khả năng đối thoại với nhau. Phe ủng
hộ Trump thì cho rằng Trump thắng, phe ủng hộ Biden thì cho rằng Biden thắng. Nước Mỹ đã chia thành hai phe ta
- địch và không ai nghe ai.
Theo các cuộc thăm dò thì
Biden đang dẫn trước và khả năng thắng cử của ông là rất cao. Nếu Trump thắng
thì không ai biết nước Mỹ sẽ ra sao. Một cuộc nội chiến thật sự hoàn toàn có thể
xảy ra. Tuy nhiên dù Biden thắng thì nước Mỹ vẫn chia rẽ khủng khiếp. 40% người
Mỹ ủng hộ Trump là một con số kinh hoàng. Biden có đắc cử và dù cố gắng hòa giải
dân tộc đến đâu đi nữa thì cũng chỉ có thể thuyết phục thêm 5-10% trong số 40% ủng
hộ Trump. 30% người Mỹ còn lại sẽ sớm bỏ rơi Trump như một công cụ đã hết tác dụng
và họ sẽ chờ đợi một nhân vật mới để tiếp tục tung hô. Nước Mỹ đã không còn đồng thuận dân tộc.
Việc 40% người dân Mỹ ủng
hộ tuyệt đối cho Trump không thể giải thích bằng lý luận mà đó là một vấn đề
tâm lý. Những người Mỹ da trắng ít học cảm thấy họ bị bỏ rơi, nước Mỹ không còn
là của họ nữa. Đây là một sự thật. Phong trào toàn cầu hóa, chủ nghĩa tân phóng
khoáng đã được thả lỏng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, việc Bill Clinton trở
thành tổng thống Mỹ là các nguyên nhân chính. Ít nhất trong 40 năm qua chính giới
Mỹ và xã hội Mỹ chỉ biết đến làm kinh tế. Nước Mỹ giàu có hơn nhưng bất bình đẳng
còn lớn hơn. 30 năm qua, tài sản của 1% những người giàu nhất nước Mỹ tăng 21.000
tỉ USD trong khi đó 50% người dân Mỹ tầng lớp dưới đã nghèo đi 900 tỉ USD. Điều này có nghĩa là sự giàu có
và tăng trưởng của nước Mỹ chỉ dành cho một thiểu số nhỏ thay vì cho mọi người
Mỹ.
https://live.staticflickr.com/65535/50408111337_7931435eb0_m.jpg
Bất bình đẳng và
thiếu sự liên đới là nguyên nhân khiến xã hội Mỹ chia rẽ như ngày hôm nay.
Mỹ là một quốc gia giàu
có nên không thể tiếp tục làm những công việc kỹ thuật thấp và đơn giản như may
quần áo, sản xuất đồ dùng rẻ tiền... Cũng giống như một người giàu thì không thể
đi buôn rau muống mà nên mở nhà máy, buôn cổ phiếu, bất động sản và nhường những
công việc đó cho những người khác. Những công việc dùng nhiều chân tay đó chuyển
sang Trung Quốc và các nước đang phát triển là hoàn toàn hợp lý, nơi mà mức
lương chỉ bằng 1/10 người Mỹ. Việc Mỹ nhập siêu hàng hóa rẻ tiền từ Trung Quốc
là đương nhiên. Cuộc chiến
thương mại Mỹ-Trung do Trump phát động thất bại là tất yếu.
Việc dịch chuyển việc làm
sang các nước đang phát triển khiến cho một bộ phận người dân Mỹ mất đi những
công việc truyền thống như lắp ráp ô tô, khai thác hầm mỏ, luyện kim, gia công
hàng hóa…Họ phải thay đổi công việc và dù cuộc sống của họ vẫn tốt nhưng họ
không còn thấy an tâm và được kính trọng như trước. Dù muốn hay không thì nước
Mỹ cũng phải phát triển những ngành nghề công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, kỹ
thuật số, năng lượng sạch…để phù hợp với sự giàu có của Mỹ.
Muốn làm được những việc
đó thì Mỹ phải đầu tư cho giáo dục đại học và đào tạo. Mỹ giàu có nhưng chi phí
của người dân dành cho giáo dục đại học rất lớn, y tế cũng vậy. Mỹ thua xa các
nước Tây Âu và Bắc Âu về vấn đề liên đới xã hội. Không phải tự nhiên mà ông cựu
ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Bernie Sanders lại được giới trẻ ủng hộ lớn
như vậy. Nhiều người Mỹ cảm thấy bị bỏ rơi lại phía sau, trở thành người vô dụng,
không đủ khả năng để thích ứng với sự thành công và giàu có của nước Mỹ. Các tổng
thống Mỹ thời gian qua đã không cố gắng nâng cao kiến thức của người dân lên
ngang tầm với sự phát triển của nước Mỹ. Các chế độ tổng thống đều mị dân và lấy những quyết định
ngắn hạn thay vì đầu tư cho những kế hoạch dài hạn như giáo dục và đào tạo.
https://live.staticflickr.com/65535/50407257578_ef554043b8_m.jpg
Những đề nghị của
ông Bernie Sanders vẫn còn quá xa so với tiêu chuẩn Châu Âu.
Nước Mỹ giàu có và hùng mạnh
nhờ đề cao giá trị của tự do và chủ nghĩa cá nhân. Điều đó đúng nhưng chưa đủ
vì thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 75 năm qua. Bình đẳng và liên đới chưa được xem trọng một cách
đúng mực tại Mỹ. An sinh xã hội của Mỹ kém xa các nước Châu Âu, văn hóa
sa thải công nhân trong các xí nghiệp Mỹ tự do hơn Châu Âu nên sức cạnh tranh của
nền kinh tế Mỹ hấp dẫn hơn Châu Âu là đương nhiên. Trong một tập thể (các nước
phát triển) mà một cá nhân (như Mỹ) không bị ràng buộc bởi những luật chơi
chung thì sẽ thành công hơn là điều dĩ nhiên.
Những anh tài và tinh hoa
của cả thế giới dồn về Mỹ để tìm kiếm thành công và họ đã thành công. Sundar
Picha (tổng giám đốc Google) là người Mỹ gốc Ấn Độ. Elon Musk
(Tesla) gốc Nam Phi. Sergey Brin (chủ tịch Alphabet Inc, công ty mẹ của
Google) gốc Nga…là những ví dụ. Những người đầu tư cổ phiếu và bất động sản
cũng giàu lên rất nhanh. Họ là một thiểu số nhỏ thành công và được tung hô nên
không tránh khỏi sự hãnh tiến. Điều đó càng làm cho những người Mỹ da trắng bực
tức và phẫn nộ. Họ cảm thấy bị khinh thường và vô dụng. Họ phẫn nộ giới chính
trị truyền thống Mỹ đã không nâng đỡ họ để họ thua thiệt. Trong thâm tâm họ
nghĩ rằng họ mới chính là chủ nhân của nước Mỹ, cha ông họ đã hy sinh xương máu
để dựng nên nước Mỹ để rồi mang lại vinh quang và thành công cho những kẻ nhập
cư mới đến Mỹ. Chính sự phẫn nộ đó khiến họ bỏ phiếu cho Trump, một người dám
phá bỏ mọi trật tự và tấn công trực diện giới lãnh đạo chính trị Mỹ.
Nước Mỹ chưa bao giờ hùng
mạnh như ngày hôm nay nhưng phe ủng hộ Trump không ghi nhận, không cảm nhận được
vì nước Mỹ đó không còn của họ, không dành cho họ. Điều này không quá khó hiểu.
Thực tế là nước Mỹ không thiếu những nhà tư tưởng chính trị đã nhận ra vấn đề
nhưng tiếng nói của họ bị rơi vào im lặng và sự thờ ơ của giới chính trị gia và
người dân. Bất cứ trong một
quốc gia nào khi mà hố ngăn cách giàu nghèo quá lớn thì tình dân tộc, nghĩa đồng
bào chỉ còn trên lý thuyết. Hiểu và nhận thức được điều đó nên Tập
Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm về quốc gia như là “một tình cảm, một
không gian liên đới và là một dự án tương lai chung”.
Mô hình chính trị tổng thống
chế như nước Mỹ đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Việc dành quá nhiều quyền lực cho
tổng thống đã gây ra xáo trộn lớn cho nước Mỹ bốn năm qua. Trên lý thuyết thì Mỹ
có tam quyền phân lập nhưng qua việc chỉ tổng thống mới có quyền bổ nhiệm các
thẩm phán Tòa Án Tối Cao cho thấy tư pháp không hoàn toàn độc lập. Ngay cả ông
bộ trưởng tư pháp William Barr cũng do Trump bổ nhiệm và phải làm theo lệnh của
Trump. Các thượng nghị sĩ và dân biểu đảng Cộng Hòa cũng phụ thuộc vào Trump nếu
không muốn mất ghế. Các thông lệ, sự tôn trọng, trang nhã và tương kính lẫn
nhau giữa hai đảng bị phá vỡ. Quyền lợi của đảng và ghế của các dân biểu cao
hơn quyền lợi quốc gia. Việc Trump đề cử vội vàng thẩm phán mới cho Tối Cao
Pháp Viện trước ngày bầu cử chưa đầy 40 ngày là một ví dụ.
https://live.staticflickr.com/65535/50408118477_c82039ca32_m.jpg
Donald Trump đã
không tôn trọng di chúc của bà cố thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Ruth Bader
Ginsburg (1933-2020) rằng nên để tổng thống mới bổ nhiệm người thay thế bà.
Nền dân chủ Mỹ hơn 200
năm mà còn bị chao đảo trước một tổng thống như Trump thì với một nước chưa có
truyền thống dân chủ như Việt Nam thì sẽ ra sao? Quá nguy hiểm. Tập Hợp
Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam tương lai là
“dân chủ đại nghị và tản quyền” là vì thế.
Hai việc quan trọng mà
Joe Biden cần làm nếu đắc cử là hòa giải người dân Mỹ với nhau, nhất là khối
40% ủng hộ Trump. Đây là việc khó khăn, phải làm trong nhiều năm thông qua việc
đầu tư cho giáo dục và đào tạo để nâng cao kiến thức và khả năng thích ứng với
thời đại công nghệ 4.0 cho người dân Mỹ. Việc thứ hai quan trọng không kém là
nước Mỹ cần hòa giải với thế giới dân chủ và các đồng minh. Vai trò lãnh đạo thế
giới tuyệt đối của Mỹ như trước đây sẽ không bao giờ lấy lại được nữa. Ngoài những
đỗ vỡ do Trump gây ra thì trọng lượng của Mỹ về kinh tế ngày càng nhỏ lại. Theo
dự báo của IMF thì nền kinh tế Mỹ đang là 21% của thế giới sẽ giảm xuống 13%
vào năm 2030. Nên biết, sau chiến tranh thế giới 2 nền kinh tế Mỹ chiếm 52% trọng
lượng kinh tế thế giới. Tất nhiên Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất nhưng vai
trò bá chủ thế giới không còn đặt ra với Mỹ. Nước Mỹ đã chọn co cụm lại khi ủng hộ khẩu hiệu “nước
Mỹ trên hết” (America First).
Vai trò của nước Mỹ sẽ
khiêm tốn hơn trên thế giới. Trong trật tự dân chủ mới thì Mỹ
và các nước dân chủ sẽ không gây chiến hay trừng phạt các nước độc tài nữa. “Cà
rốt” sẽ thay thế cho “cây gậy”. Trong trường hợp cụ thể như Việt Nam thì Mỹ và
các nước dân chủ sẽ không dùng các biện pháp trừng phạt mà thay bằng những hứa
hẹn cụ thể để lôi kéo Việt Nam vào quĩ đạo các nước dân chủ. Biện pháp này sẽ
làm phân hóa mạnh hơn nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam trước những hứa hẹn cụ thể,
hấp dẫn và lớn lao từ Mỹ và EU. Với Trung Quốc và Nga thì sẽ không có chiến
tranh mà chỉ có bao vây và cô lập để các nước đó tự hủy diệt bởi những mâu thuẫn
nội bộ. Sẽ không có “áp lực cứng” mà chỉ có “áp lực mềm”. Joe Biden có thể tìm
cách khôi phục Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)
hoặc tham gia vào dự án CPTPP (TPP không có Mỹ).
Nước Mỹ sẽ
tiếp tục tiến lên hay suy tàn như qui luật lịch sử? Câu hỏi đó còn ở phía trước tuy nhiên chúng
tôi tin vào sự lương thiện, tử tế và cao thượng của người Mỹ. Chúng tôi tin là
những người Mỹ muốn xây dựng nước Mỹ vẫn nhiều hơn những người muốn đập phá nó.
Để làm được như vậy thì nước Mỹ, đặc biệt là giới chính trị gia phải xét lại nền
chính trị Mỹ. Phải nâng sự bình đẳng và liên đới lên ngang tầm với tự
do để không ai bị bỏ rơi lại phía sau. Thượng đế ban cho mỗi người mỗi khả
năng khác nhau. Những người nghèo và thua thiệt cần được cảm thông và chia sẻ
hơn là lên án họ bất tài và vô dụng. Trong mỗi gia đình cũng có người giỏi người
kém, các quốc gia cũng vậy.
Việc Biden hứa hẹn tăng thuế những người có thu nhập
trên 400.000 USD mỗi năm để có nhiều tiền hơn dành cho an sinh xã hội hay đầu
tư cho giáo dục và y tế là cần thiết và đúng đắn. Dù Biden không xuất chúng và
đã già nhưng đó là giải pháp duy nhất cho nước Mỹ hiện nay.
Việt Hoàng
(02/10/2020)
No comments:
Post a Comment