NHÀ
GIÁO DỤC VIỆT NAM: HỌC PHIỆT VÀ LÌ LỢM
https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4062543953759817
Thời trẻ, sau khi học các thầy, tôi có tri thức nhưng cũng có luôn tinh thần học phiệt. Về tri thức, tôi từng nghĩ đã
có bằng cấp, học vị thì tôi đã nắm chân lý. Hệ quả, tôi tưởng là thầy thì có
quyền trấn áp hay chụp mũ tiếng nói khác là “vô đạo” hay không biết “tôn sư
trọng đạo”.
Một lần, học trò chỉ ra tôi nhầm lẫn về một tri thức nào đó, tôi mắng cho
một trận. Sau về nhà xem lại, hoá ra tôi nhầm lẫn thật. Hôm sau lên lớp, tôi
xin lỗi đứa học trò đó và xin lỗi cả lớp rồi đính chính tri thức.
Từ đó, tôi hiểu rằng tri thức là vô tận, học hỏi từ sách vở lẫn học hỏi
từ cuộc sống, kể cả học từ học trò của mình. Nhiều giờ thảo luận, tôi ghi chép
lại ý kiến của học trò, nhiều ý hay mà tôi chưa từng nghĩ ra.
Vậy là chấm dứt bệnh kiêu ngạo xem cái gì mình cũng biết và chấm dứt bệnh
học phiệt. Từ đó tôi nghiên cứu dạy học phát triển năng lực của thế giới, từ
nguồn gốc triết học đến tâm lý giáo dục học. Dạy học phát triển năng lực mà vẫn
giữ tinh thần học phiệt thì kết quả là con số không!
Xem ra, việc xây dựng và thẩm định Chương trình đến làm Sách giáo khoa
dạy học phát triển năng lực như hiện nay, Nhà nước, Quốc hội, Bộ Giáo dục và
Đào tạo đã giao cho những tên học phiệt khét tiếng, nói theo cách của dân gian
là “giao trứng cho ác”.
Bằng chứng, từ khi có sự phản ứng của dư luận, các nhà học phiệt càng học
phiệt hơn. Họ không chịu tiếp nhận bất cứ ý kiến nào, dù ý kiến đó đàng hoàng
trên tinh thần học thuật. Đã thế, trên nhiều trang của những người tham gia xây
dựng chương trình, làm sách còn lớn tiếng chửi “vô thức đám đông”, “hiệu ứng
bầy đàn”, “đám đông vô học”, “đám đông thiếu hiểu biết”, “đám đông a dua”,… bất
luận trong đó có những người hiểu biết, mà hiểu biết rất sâu, không chỉ rất sâu
mà còn trải nghiệm thực tiễn về dạy học phát triển năng lực như tôi.
Đến lúc cực chẳng đã buộc phải trả lời phỏng vấn báo chí thì, dù nhã ngữ
hơn, người đứng đầu là Tổng chủ biên hoặc Chủ tịch Hội đồng thẩm định vẫn coi
dư luận và tiếng nói khác không ra gì. Không ai nhận ra mình sai. Vẫn bao biện
hùng hồn rằng mình đã đúng.
Đọc các phần trả lời đó, tôi xin phép nói thẳng điều này. Thà các thầy
đừng lên tiếng. Các thầy càng lên tiếng, tôi càng thấy rõ các thầy bị ngộ nhận
tri thức nghiêm trọng.
Ở bài này tôi chỉ hỏi một câu thôi sẽ thấy các thầy hở cả lưng. Rằng cách
dùng từ ngữ có ảnh hưởng đến nội dung văn bản, và khi đã ảnh hưởng đến nội dung
văn bản thì có ảnh hưởng đến tính giáo dục của văn bản không? Không cần nói các
thầy không hiểu trẻ em, đối tượng của giáo dục, tức cái gốc của vấn đề dạy học,
chỉ cần hỏi xoáy vào chuyên môn của các thầy đã đủ thấy các thầy lẫn lộn về tri
thức của chính chuyên ngành mà mình đang được tôn vinh là đầu ngành.
Thiếu hiểu biết về ngôn ngữ học mới dám nói mọi từ trong từ điển đều là
phổ thông, từ “chả” đồng nghĩa với từ “không”, “chẳng”, từ “nhá” đồng nghĩa với
“nhai”, “tợp” đồng nghĩa với “ăn”, “khổ mỡ” đồng nghĩa với “cục mỡ”… Thiếu hiểu
biết về văn học mới nói tiếng kêu của con quạ là “quà quà” đã từng được nhà văn
dùng, bây giờ bất luận ngữ cảnh nào cũng có thể dùng được; một truyện ngụ ngôn
đã có, tự sửa tên Cáo thành Chó, sửa Kiến thành Gà… nội dung vẫn không thay
đổi, vẫn đảm bảo tính giáo dục. Lại còn nhấn mạnh cách dùng từ, sửa văn bản như
vậy là “hay hơn, thi vị hơn”, trong khi mọi người đọc đều thấy tối nghĩa, nhảm
nhí, lấc cấc và phản giáo dục.
Hiểu biết ngôn ngữ và văn học như vậy mà các thầy vẫn làm sách, dịch sách
và dạy học về phong cách học, ngữ dụng học, ngôn ngữ học tình thái, thi pháp
học… được sao? Còn đáng tin cậy nữa không?
Bây giờ do sức ép, theo tôi không phải từ dư luận vì các thầy vốn ngồi
xổm trên dư luận, mà từ quyền lực cao hơn, các giáo sư tiến sỹ mới tỏ ra bẽn
lẽn nói nhỏ rằng có sai. Nhưng cái “có sai” đó lại đổ lỗi cho nhau mà không
nhận trách nhiệm và xin lỗi nhân dân, xin lỗi phụ huynh, học sinh cho phải đạo
làm thầy. Tôi đang nói đạo làm thầy hiện đại.
Một số thầy đưa tấm gương người Nhật, người Hàn ra soi, rằng quan Nhật,
quan Hàn chỉ cần một cái sai gây mất lòng tin của người dân, họ biết cúi đầu
xin lỗi công khai, nặng hơn thì có thể nhảy núi, nhảy sông tự tử. Các thầy bảo
đó là tấm gương tự trọng cần phải học. Vậy cá nhân các thầy có chịu học không?
Một trí thức, một nhà giáo dục, tức người có hiểu biết cao, ắt phải nhạy cảm
hơn một quan chức, tức người làm chính trị chứ?
Cuối cùng thì tôi phải so sánh các thầy với tư cách nhà giáo dục với các
quan mà hàng ngày chính các thầy hay chửi trên mạng. Mỗi khi có sự kiện quan
chức sai, các thầy cũng lên tiếng mắng nhiếc thậm tệ. Có thầy còn bảo mặt quan
nào cũng không chơi được, vì lì lợm, vô liêm sỉ. Quanh đi quẩn lại rồi các thầy
kêu gọi chống độc tài, thực hiện tự do, dân chủ. Những lúc các thầy làm việc đó
được đông đảo nhân dân ủng hộ, tại sao các thầy không mạ lị là “vô thức đám
đông”, “hiệu ứng bầy đàn”, “đám đông vô học”, “đám đông thiếu hiểu biết”, “đám
đông a dua”… như bây giờ mà hả hê sung sướng vì được dân chúng ủng hộ?
Các thầy là trí thức hàng đầu, không tự chống được bệnh của mình thì khó
có thể chống lại bệnh của người khác, vì cái sự chống cho ra vẻ tiến bộ đó đến
lúc hết người tin, trừ quân nịnh bợ.
Các thầy biện hộ rằng Chương trình và Sách giáo khoa đã được làm đúng
pháp lý, qua nhiều lần thẩm định, có cả sự tham gia của giáo viên tiểu học.
Biện hộ như vậy thì còn lì lợm hơn cả những quan bổ nhiệm con em, bổ nhiệm bồ
nhí vào ghế lãnh đạo rồi tuyên bố “đúng quy trình”!
Một số bạn chia sẻ vào inbox cho tôi xem một số bài viết thoá mạ tôi một
cách thậm tệ, thậm chí chụp mũ tôi “phản động”, “chống phá” mà tôi tưởng là đám
“bò đỏ” chứ không phải là học trò hay quân xanh của các giáo sư tiến sỹ!
Bây giờ thì sau sự cố cải cách giáo dục, tôi nói công bằng thế này: Tinh
thần học phiệt và độ lì lợm của các thầy cao hơn gấp nhiều lần sự độc tài và vô
liêm sỉ của các quan tham.
Bởi sự thật, chưa có sự vụ nào liên quan đến các quan mà kéo dài và căng
thẳng như vụ cải cách giáo dục lần này. Thường chỉ trong vòng một tuần, sau khi
dư luận nóng lên, nhiều quan đã sửa sai và nhận lỗi. Trong khi các thầy, mặc dù
bây giờ ra vẻ nhận sửa chữa, nhưng chắc chắn sẽ kéo dài và căng thẳng hơn nữa,
vì sự nhận lỗi chẳng có chút thật lòng.
Một số giáo sư tiến sỹ vẫn tiếp tục gân cổ cãi và chửi lại dư luận. Thói
kiêu ngạo và trịch thượng, coi thiên hạ không bằng đống rác đã ăn vào tận xương
tuỷ rồi, còn lâu mới chữa được. Để xem, lại Hội đồng thẩm định ngồi rà soát
lại, lại có sửa chữa nhưng rất đối phó, và lại cái điệp khúc “bảo lưu quan
điểm” cho xong chuyện. Trong khi theo tôi, như đã phân tích ở các bài trước,
không phải là sạn để nhặt mà là lỗi cả hệ thống. Phải chữa lỗi hệ thống, từ
Chuẩn đầu ra của Chương trình đến từng nội dung Sách giáo khoa. Tất nhiên,
không thể sửa sai bằng bàn tay của kẻ đã làm sai!
Tôi không kiêu ngạo cho rằng những điều tôi viết ra là hoàn toàn đúng nên
rất mong được phản biện thẳng thắn từ phía các thầy. Cứ phản biện từng bài,
từng ý một, tôi lắng nghe và tiếp thu. Còn trịch thượng giả câm rồi xi nhan cho
quân xanh chửi không cần lý lẽ và tri thức thì tôi xem thường.
Tôi sẽ còn tiếp tục chứ quyết không buông vụ này. Không phải là đánh đấm
gì cả mà có trách nhiệm dọn rác cho giáo dục phát triển lành mạnh, đúng hướng.
Chu Mộng Long
No comments:
Post a Comment