Saturday, October 10, 2020

KHI “TỰ DO CHO ĐOAN TRANG” LÀ KHÔNG ĐỦ (Trịnh Hữu Long – Luật Khoa)

 


 

Khi “tự do cho Đoan Trang” là không đủ

Trịnh Hữu Long  -  Luật Khoa

10/10/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/10/khi-tu-do-cho-doan-trang-la-khong-du/

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/10/doan-trang-2-1-1024x519.png 

Hình ảnh Đoan Trang trong một video giới thiệu "Báo cáo Đồng Tâm". Ảnh: FB Pham Doan Trang. Đồ họa: Luật Khoa.

 

Mỗi lần có nhà hoạt động nào đó bị bắt, các chiến dịch “Tự do cho A”, “Free B” lại nổi lên, như một cách phản ứng với hành vi đàn áp nhân quyền của chính quyền. Đây là một hình thức đấu tranh thuộc loại cổ xưa nhất, phổ biến nhất, quen thuộc nhất.

 

Tôi đã ở trong những phong trào đó, thậm chí tổ chức những chiến dịch đó nhiều lần trong suốt chín năm qua. Và sau cùng tôi phải tự hỏi: tôi sẽ làm việc này đến bao giờ? Và liệu có ích lợi gì hay không?

 

Người bị bắt thì vẫn bị bắt. Người bị kết án tù thì vẫn bị kết án. Thậm chí các án tù ngày càng dài hơn. Và ngày càng nhiều người bị bắt hơn. Không có bất cứ thay đổi nào về pháp luật, thể chế cả. Bất chấp mọi nỗ lực của người dân trong nước lẫn nước ngoài.

 

Và rồi nếu may mắn lắm thì những chiến dịch vận động này sẽ giúp được cho người tù được… đi tị nạn ở nước ngoài, vốn là điều không phải ai cũng mong muốn.

 

Đoan Trang cho tôi một câu trả lời cho những trăn trở của mình:

 

“Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.”

 

Cô viết như vậy trong một tâm thư đề ngày sinh nhật lần thứ 41 của cô, 27/5/2019, khi đang sống rày đây mai đó để trốn công an. Bức thư này, cô dặn, chỉ công khai khi cô bị bắt có án. Bắt có án khác với bắt cóc vài giờ, vài ngày rồi thả. Sau nhiều lần bị bắt cóc, lần này họ bắt có án. Hai mươi năm tù đang treo lơ lửng trên đầu Đoan Trang.

 

Nếu muốn tự do cho riêng mình, Đoan Trang đã từng có ít nhất hai cơ hội. Một là sau lần bị tạm giữ hình sự chín ngày hồi năm 2009, nếu cô ngoan ngoãn và không đụng chạm đến các đề tài nhạy cảm, không giao lưu với các thành phần bị cho là “phản động” thì cuộc sống của cô, dù không được tự do theo đúng nghĩa của nó, cũng ít nhất là an toàn và no đủ. Một lần nữa là khi Đoan Trang ra nước ngoài, đặc biệt là khi học ở Mỹ, cô có cơ hội không thể tốt hơn để ở lại định cư lâu dài khi có ít nhất ba cơ quan, tổ chức nhận bảo trợ hồ sơ của cô.

 

Vậy thì tại sao Đoan Trang lại chọn trở về và không chịu rời đi? Vì Đoan Trang hiểu tự do cho riêng cô không có nghĩa lý gì với đất nước cả. Đất nước cần những người dấn lên và cơi nới không gian tự do cho tất cả. Điều đó đơn giản và dễ hiểu biết bao, nhưng khó thành hiện thực biết bao.

 

Đoan Trang cũng có thể hoạt động và đóng góp từ bên ngoài, vốn là việc nhiều người – trong đó có tôi – đang làm, nhưng cô đã chọn cách khó nhất là trở về và đấu tranh trực diện. Cô viết báo, viết sách, dạy học ngay trước mắt công an. 

 

Hơn một lần Đoan Trang nói với tôi rằng cách hoạt động tốt nhất là làm mẫu, làm gương, trực tiếp làm những gì mình muốn người khác làm. Có như vậy thì xã hội mới thấy được dân chủ, nhân quyền, pháp quyền trên thực tế nó ra làm sao, hình hài nó như thế nào, còn chỉ nói suông thì không ăn thua.

 

Nỗ lực làm mẫu, làm gương đó của Đoan Trang đến nay thành công đến đâu, có bao nhiêu người làm theo thì tôi chưa rõ, nhưng liên quan đến việc Đoan Trang bị bắt, tôi xin kể thế này.

 

Giới hoạt động có một từ lóng là “chia lửa”, nghĩa là san sẻ những công việc nguy hiểm cho nhiều người, mỗi người một chút, để giảm bớt rủi ro nhau. Việc chia sẻ đó có thể do phối hợp với nhau, nhưng rất thường xuyên là do không hẹn mà thành, nghĩa là có những người chủ động tham gia mà không hề quen biết hay bàn bạc trước.

 

Ta thử hình dung nếu như những gì Đoan Trang làm suốt 5 năm qua, kể từ khi về nước, được chia ra cho 5 người, 10 người, thì liệu Trang có bị bắt hay không? Gần đây nhất, nếu hai bản báo cáo Đồng Tâm không phải là do Trang trực tiếp làm (với một số bạn khác hỗ trợ) thì liệu Trang có bị bắt hay không? Đó là những ví dụ nhỏ cho thấy nếu có thêm nhiều người tham gia thì rủi ro cho Trang đã có thể thấp hơn rất nhiều. 

 

Trang hay nói với tôi, những việc này có gì to tát đâu, có gì khó khăn đâu, trình độ của cô có phải là không ai có đâu, tại sao luẩn quẩn mãi vẫn chỉ có vài người làm? Vài người làm, nghĩa là vài người gánh toàn bộ rủi ro. Vài người đó sẽ đi tù, để rồi những người ở lại như chúng ta sẽ lại giận dữ, sẽ lại đòi trả tự do, rồi mọi việc sẽ lại chìm xuồng, chúng ta trở về với nhịp sống cũ…

 

Ta sẽ chịu luẩn quẩn mãi với cái ván bài mà chính quyền soạn sẵn hay sao? Sẽ đòi trả tự do cho hết người này tới người kia hay sao? Rồi sẽ lại quay trở về với nhịp sống cũ lấm lem bận rộn trong cái lồng vĩ đại chứa 100 triệu người đó hay sao?

 

Mọi chuyện sẽ khác đi nếu có thêm nhiều người tham gia làm những việc như Trang làm, hay là những việc khác để kiến tạo thay đổi xã hội. Làm như vậy sẽ có hai cái lợi.

 

Một là “chia lửa” cho những người hiện vẫn đang đấu tranh, giảm rủi ro cho họ, và hạn chế khả năng họ bị bắt như Đoan Trang. Nguồn lực của chính quyền có hạn. Họ có thể đầu tư theo dõi và kiểm soát một vài người, còn lên đến hàng nghìn người thì mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Đó là chưa kể chúng ta có thể “chia lửa” từ bên ngoài Việt Nam. Chẳng hạn như “Báo cáo Đồng Tâm” là việc chỉ cần ngồi thu thập dữ liệu trên Internet và phỏng vấn qua điện thoại một vài người là đã có thể viết được, không cần thiết phải ở trong nước.

 

Hai là bình thường hóa các hoạt động báo chí, xuất bản độc lập; bình thường hóa các sinh hoạt chính trị vốn đang bị cho là “nhạy cảm”. Khi những hoạt động này trở nên bình thường, nghĩa là được xã hội cho là việc phi nhạy cảm, thì dần dần chính quyền cũng phải thừa nhận nó. Cũng giống như trước đây, làm ăn kinh doanh cá thể bị cho là tội phạm, nhưng người ta vẫn làm, dần dần chính quyền phải thừa nhận nó là một thành phần kinh tế. Kể từ năm 1986, họ không còn coi làm ăn cá thể là tội phạm nữa. Tất cả mọi người đều được lợi.

 

Với tôi, cách tốt nhất để giúp Đoan Trang và những người như Đoan Trang là bản thân mỗi người hãy bắt tay vào làm một cái gì đó, để rồi sau cùng, tất cả mọi người sẽ được lợi khi không gian chính trị trở nên tự do hơn, không ai còn bị bắt bớ, giam cầm vì viết sách, viết báo nữa. Ta sẽ không còn phải đòi tự do cho người này, công lý cho người kia nữa.

“Tự do cho Đoan Trang” là tốt, nhưng tốt hơn cả là mỗi người tự cởi trói cho chính mình khỏi những gông cùm tư tưởng và bắt tay vào hành động.

 

Đoan Trang đã hoàn thành sứ mệnh của cô ấy. Bây giờ đến lượt những người ở lại như chúng ta. Kể cả ngày mai Đoan Trang được trả tự do, dù Đoan Trang ở trong nước hay nước ngoài, thì sứ mệnh này vẫn là của mỗi người trong chúng ta.

 

Nếu có yêu Trang, hãy làm tiếp những việc Trang làm.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

 

 

-----------------------------------------

 

XEM THÊM

Đoan Trang và những kẻ đại ngốc

Y Chan  -  Luật Khoa

09/10/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/10/doan-trang-va-nhung-ke-dai-ngoc/

 

 

 

 

 

 

 


No comments: