Wednesday, October 14, 2020

HỆ THỐNG Y TẾ HOA KỲ MÙA ĐẠI DỊCH (Hoàng Thủy Ngữ)

 


Hệ thống y tế Hoa Kỳ mùa đại dịch

Hoàng Thủy Ngữ

15/10/2020

https://baotiengdan.com/2020/10/15/he-thong-y-te-hoa-ky-mua-dai-dich/

 

Khi đại dịch corona tấn công New York vào tháng Ba, Sylvia LeRoy đã mang thai những tháng cuối và đang làm việc toàn thời gian như một y tá. Giờ đây, cô bị tổn thương não và cần được chăm sóc, nhưng trận chiến chống lại công ty bảo hiểm là gay go nhất.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/1-46-1024x577.png

Sylvia LeRoy, y tá bị nhiễm Covid-19 khi đang mang thai những tháng cuối. Nguồn: Gia đình nhân vật

 

Đừng sợ COVID. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn”, Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau 3 ngày nằm điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế Quân sụ Quốc gia Walter Reed, đã tweet như vậy ngay trước khi ông xuất viện. 

 

Nhưng đối với Sylvia LeRoy (35 tuổi) và gia đình cô, thực tế lại khác hẳn. Nỗi sợ hãi định hình cách sống của họ.

 

Những gì Trump nói là điên rồ”, chị gái của Sylvia, cô Shirley Licin (42 tuổi) nói. Bản thân cô vô cùng khiếp sợ. “Cả bố mẹ tôi đều bị bệnh. Em gái tôi suýt chết. Tim nó ngừng đập trong 8 phút và nó bị tổn thương não”.

 

Hoa Kỳ không giống như Na Uy. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ dựa trên bảo hiểm y tế, điều trị và thuốc men là mặt hàng kinh doanh tốt. Là y tá, Sylvia được bảo hiểm thông qua nơi cô làm việc . Nhưng nó không đủ khi thảm họa ập đến. Gia đình lo sợ bị hủy hoại. Tiền bạc quyết định cô sẽ nhận được sự phục hồi chức năng đắt tiền hay chỉ “được chăm sóc” tại một viện dưỡng lão.

 

Khi corona tấn công Hoa Kỳ vào giữa tháng Ba, những người bị nhiễm corona bắt đầu chết ở New York. Sylvia đang mang thai 7 tháng. Tuy thế, cô vẫn tiếp tục làm việc trong khoa sản tại bệnh viện Brookdale ở Brooklyn. Bệnh viện này sẽ là một trong những bệnh viện bị khủng hoảng nặng nhất ở thành phố.

 

Đến cuối tháng 3, cô bắt đầu cảm thấy không được khỏe. Bác sĩ, một đồng nghiệp tại bệnh viện, cho cô dùng thuốc kháng sinh để chữa trị nhiễm trùng đường tiết niệu và cho cô về nhà.

 

Sylvia bị sốt nhẹ và cảm thấy mệt mỏi. Cô trở lại bệnh viện để nói chuyện với bác sĩ nhưng ông ta không có mặt ở đó. Hầu như tất cả các đồng nghiệp của cô đã biến mất. Họ bị nhiễm COVID-19. Không ai báo tin cho cô cả.

 

Sylvia bị cô lập trong một căn phòng riêng biệt tại bệnh viện. Bệnh viện đã quá tải và thiết bị bảo vệ thiếu hụt. Sylvia có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, và nhân viên tránh cô. Họ sợ bị nhiễm bệnh.

 

Cô được giao cho một cây lau nhà với thông điệp để tự chùi rửa sàn nhà. Cô quá yếu để có thể tự đi vệ sinh nhưng không được giúp đỡ, và phải tiểu tiện tại chỗ trong quần. Đài truyền hình Mỹ chiếu cảnh các xác chết được bọc kín, và được đưa vào những tủ đông lạnh bên ngoài bệnh viện, nơi Sylvia nằm. Gia đình hoảng sợ và chị gái Shirley phải can thiệp.

Bệnh viện Brookdale chỉ có hai máy trợ thở. Sylvia là nhân viên ở đó nhưng không được ưu tiên trong hàng đợi dành cho những bệnh nhân cần máy thở. Shirley chuyển em gái mình đến một trong những bệnh viện lớn ở New York, Mt. Sinai. Ở đó, Sylvia được dùng máy trợ thở. Mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp, và sau 7 ngày cô ấy không cần đến nó nữa .

“Chúng tôi vui mừng khôn xiết”, Shirley nói với NRK qua Zoom. Ngày Sylvia được đưa về nhà, cô thấy khó thở và bị hoảng loạn. “Khoảng hơn 3 giờ chiều ngày 12 tháng 4, viên bác sĩ kê toa thuốc cho em ấy gọi điện thoại và nói rằng tim em đã ngừng đập. Tôi có thể nghe tiếng bác sĩ khóc”.

 

Qua điện thoại, cô theo dõi cuộc đấu tranh để cứu mạng em gái mình. Phải mất 8 phút nhịp tim đầu tiên mới đập trở lại. Sau đó, Sylvia được mang thẳng lên bàn mổ để sinh em bé bằng phương pháp mổ lấy thai. Người ta sợ thai nhi bị nguy hiểm do thiếu oxy. May mắn thay, mọi việc diễn tiến tốt đẹp. Bé Esther được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh. Nhưng Sylvia hôn mê. Cô không biết mình đã trở thành mẹ của một cháu bé thứ hai.

 

Esther phải nằm lại bệnh viện 6 tuần. Viện phí hơn 875.000 dollars, được bảo hiểm của người mẹ thanh toán.

 

Viện dưỡng lão hoặc trung tâm điều trị?

 

Khi Sylvia thức dậy, cô không phản ứng trước bất cứ thứ gì xung quanh mình. Cô bị tổn thương não. Các bác sĩ sẽ đưa cô đến một viện dưỡng lão. Người chị không đồng ý. Cô muốn Sylvia được chữa trị tại một trong những trung tâm phục hồi chức năng tốt nhất của Hoa Kỳ.

 

Vấn đề là bảo hiểm chỉ trả 30 ngày. Cô điện thoại đến tất cả các tổ chức cung cấp phục hồi chức năng cho chấn thương não ở Hoa Kỳ. Họ nói rằng, thời gian tối thiểu là 60 ngày và yêu cầu gia đinh cung cấp tài liệu chứng minh có thể trả tiền.

 

Gia đình Sylvia không có khả năng làm việc này một mình.

 

Gây quỹ

 

Shirley đã liên tục viết về số phận của em gái mình trên Facebook. Có người giúp khởi động một trang gây quỹ trên GoFundMe. Các phương tiện truyền thông bắt đầu viết về vụ này. Rồi CNN phỏng vấn Shirley, và việc quyên góp thành công. Sylvia đã huy động được gần 1 triệu đô la. Ít người nhận được sự đóng góp như vậy.

 

Số tiền này cho phép cô được gửi đến trung tâm phục hồi chức năng trong 11 tuần ở Pennsylvania. Công ty bảo hiểm cuối cùng đồng ý chi trả 60 ngày, gia đình phải trả phần còn lại. Để cô được ở đó, gia đình trả 2,200 dollars một ngày. Bệnh trạng của Sylvia phục hồi đáng kể.

 

Sylvia có thể hiện cảm xúc. Nhưng vì cô không nói nên gia đình không biết cô ấy hiểu được bao nhiêu.

 

Tốn gần 328.000 USD

 

Bây giờ cô ấy có thể nhấc một tay hoặc một chân khi được hỏi, nhưng bàn tay quá yếu nên không thể cầm nắm bất cứ cái gì. Sylvia không thể nuốt và cũng không nói được. Cô phát ra âm thanh không ai hiểu cả. Thức ăn lỏng được truyền trực tiếp vào ruột thông qua một cái ống. Cơ bắp ở bàn tay và bàn chân của cô rất cứng nên cô phải có thuốc xoa bóp nhiều lần trong ngày. Sylvia phải có người giúp thay tã ngày đêm, và tã người lớn rất tốn kém.

 

Jeffry, chồng cô, mất việc vì đại dịch. Ông, Sylvia, cậu con trai ba tuổi và em bé hiện sống với gia đình Shirley ở New Jersey. 

 

Tình thương tràn đầy trong gia đình của Sylvia. Nhưng đôi vợ chồng không thể ở với chị gái mãi mãi.

 

Cho đến nay, họ đã chi tiêu gần 328,000 dollars cho việc điều trị, thuốc men và chăm sóc. Mỗi ngày, một y tá đến làm việc 10 tiếng với chi phí 900 dollars hoặc 8.300 dollars mỗi ngày.

 

Shirley nghĩ rằng số tiền còn đủ cho đến khoảng năm mới. Ưu tiên hàng đầu trong danh sách mong muốn là thiết bị kỹ thuật có thể giúp Sylvia giao tiếp. Ngay bây giờ họ thật sự không biết cô hiểu được bao nhiêu.

 

Bà mẹ 5 con

 

Bản thân Shirley có 3 người con và một công việc toàn thời gian trong bộ phận nhân sự của một công ty viễn thông. Với bé Esther và cháu trai 3 tuổi của Sylvia, cô có năm đứa con nhỏ trong nhà. Hàng ngày, có 9 người trong gia đình.

 

“Chồng của Sylvia, tôi, và những người khác giúp đỡ – chúng tôi hoàn toàn kiệt sức. Chúng tôi đau ở vai và lưng. Sylvia cao 1,75. Chúng tôi phải nâng cô ấy lên để thay tã nhiều lần trong ngày. Cô ấy cần tắm rửa, và chúng tôi phải xoa bóp bàn tay và bàn chân cứng”.

 

Y tế như một doanh nghiệp

 

Câu chuyện của Sylvia cho thấy bạn có nguy cơ bị hủy hoại bởi thời gian nằm bệnh viện và điều trị tại Hoa Kỳ như thế nào – cho dù bạn đã có bảo hiểm. Nếu không có GoFundMe và CNN, câu chuyện sẽ khác.

 

Các công ty bảo hiểm, công ty thuốc và bệnh viện có lợi nhuận có thể cạnh tranh với hầu hết các cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

 

Mức lương trung bình của một bác sĩ cấp cứu là 350.000 dollars.

 

Đứng đầu chuỗi mắt xích kinh doanh là các công ty bảo hiểm. Trong hầu hết mọi trường hợp, chủ nhân quyết định nơi bạn được bảo hiểm. Với bảo hiểm tư nhân, bạn quyết định cho chính mình. Các công ty bảo hiểm chọn bệnh viện, bác sĩ, vật lý trị liệu và nhà tâm lý học mà họ muốn ký kết hợp đồng. Điều này được gọi là “mạng lưới” của các công ty bảo hiểm. Bạn, bệnh nhân, phải sử dụng mạng lưới của công ty bảo hiểm của bạn. Bất kể như thế nào, bạn vẫn phải trả các loại khấu trừ (deductible) khác nhau.

 

Ví dụ, một bệnh nhân chọn hoặc nằm điều trị tại một bệnh viện khác với bệnh viện mà công ty bảo hiểm có trong mạng lưới của họ, ông/bà ta phải tự thanh toán mọi chi phí.

Nếu bạn sử dụng một bệnh viện trong một mạng lưới khác, bạn phải tự thanh toán mọi chi phí.

 

Công việc của tôi là nói dối

 

– Khi mua một chiếc áo len mới trong cửa hàng, bạn đánh giá kiểu mẫu, phẩm chất và giá cả. Chính sự tự do chọn lựa này tốt cho hệ thống Mỹ, những người bênh vực nó – và hầu hết các chính trị gia, kể cả các đảng viên đảng Dân Chủ – nói như vậy. Vấn đề là nó không giống như chiếc áo len, cái bạn đã biết giá cả và phẩm chất trước rồi.

 

– Công việc của tôi là nói dối. Chúng tôi lừa dối công chúng để tăng lợi nhuận, và không thể biết trước chi phí điều trị. Nếu bạn hỏi, câu trả lời sẽ luôn luôn là “chúng tôi không biết”, ông Wendell Potter nói với NRK.

 

– Hàng chục ngàn người Mỹ đến với Go Fund Me, ngay cả những người đã có bảo hiểm. Họ không có đủ tiền trong ngân hàng để trang trải các khoản khấu trừ, Wendell Potter nói. Ông đã từ chức sau 20 năm làm phát ngôn viên cho những công ty bảo hiểm y tế khổng lồ Cigna và Humana. Ông hiện đang điều hành Center for Health and Democracy, một tổ chức nghiên cứu, vận động chính sách (think tank), gần Philadelphia. Potter nói rằng, mạng lưới các công ty bảo hiểm quyết định những gì sẽ tăng trong các hóa đơn.

 

– Bạn gặp nguy cơ khi bác sĩ điều trị cho bạn ở bệnh viện chỉ được thuê tạm thời, và ở ngoài mạng lưới của bệnh viện. Bạn phải tự thanh toán viện phí. Xe cứu thương chở bạn có thể nằm ngoài mạng lưới. Bạn phải tự trả “hóa đơn bất ngờ”, Potter nói và tiếp tục:

 

– Tôi cũng thuyết phục các chính trị gia và bệnh nhân rằng, điều quan trọng là phải có khoản khấu trừ chắc chắn, trước khi công ty bắt đầu các khoản thanh toán. Lập luận thay thế là tăng phí bảo hiểm cho tất cả mọi người, ông nói. Trong thực tế, một tỷ lệ đáng kể phí bảo hiểm được sử dụng vào việc vận động hành lang chính trị.

 

– Rất dễ dàng mua chuộc các chính trị gia. Một trong những nhiệm vụ của tôi ở công ty bảo hiểm CIGNA là đưa ra quyết định nên đưa tiền cho những ứng cử viên nào. Yếu tố quyết định là họ muốn ủng hộ chúng tôi, tại địa phương hay tại Quốc hội, Potter nói.

 

Nếu Sylvia thật nghèo…

 

Nếu Sylvia thật nghèo, cô hội đủ điều kiện để được sự trợ giúp từ các chương trình bảo hiểm công cộng với phí bảo hiểm có trợ cấp.

 

Những người nghèo nhất ở Hoa Kỳ có bảo hiểm y tế công cộng Medicaid. Và để được hưởng Medicaid, họ phải có thu nhập dưới 18.600 dollars một năm.

 

Mỗi tiểu bang thành lập chương trình Medicaid riêng, và ở một số tiểu bang, chỉ những người nghèo có trách nhiệm với trẻ em mới nhận được bảo hiểm này.

 

Hơn 27 triệu người Mỹ hoàn toàn không có bảo hiểm khi đại dịch corona bùng phát. Kể từ đó, ít nhất 6 triệu người Mỹ đã mất cả việc làm và bảo hiểm y tế mà họ có thông qua chủ nhân nơi họ làm việc. Tổng cộng là 33 triệu người, bằng tổng số người sống ở 5 quốc gia Bắc Âu, cộng thêm toàn bộ dân số nước Na Uy.

 

Lauren không có bảo hiểm

 

Lauren (34 tuổi), không nghèo, là bartender ở Dallas, Texas. Cô kiếm được khoảng 5,000 dollars một tháng, chủ yếu từ tiền bồi dưỡng. Khi corona đến, Lauren bị thất nghiệp. Vào tháng 8, cô bị nhiễm coronavirus và phải nhập viện. Cô nằm ở  bệnh viện một tuần. Các hóa đơn phải trả tăng lên khoảng 18.000 đô la. Thời hạn thanh toán đã hết. Lauren không có số tiền này.

 

Từ giường bệnh, Lauren đưa lên GoFundMe một video. Cô không nhận được phản hồi nào cả. Câu chuyện của cô không thể so sánh với một y tá bị chấn thương não và sinh con trong tình trạng hôn mê.

 

Quốc hội đã quyết định rằng, bệnh nhân Covid-19 không có bảo hiểm sẽ được điều trị mà không phải trả tiền. Nhưng hệ thống không vận hành như ý muốn. Các hóa đơn vẫn được gửi đến.

 

Bây giờ tôi quá yếu để tranh cãi với bệnh viện. Tôi chỉ cần cho họ biết là tôi không thể trả tiền”, Lauren nói.

 

Hiện cô và con trai của cô phải sống nhờ vào lợi tức của người bạn trai. Bản thân cô chỉ nhận được 800 dllars trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng. Số tiền này không đủ để sinh sống trong một thành phố lớn như Dallas.

 

Tốn kém cho xã hội 

 

Sự kiện này không những gây tốn kém cho bệnh nhân mà còn tốn kém cho xã hội. Hoa Kỳ chi tiền cho sức khỏe người dân nhiều hơn bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác.

Hoa Kỳ dành 17% tổng sản phẩm nội địa cho y tế. Ở nước láng giềng Canada, tỷ lệ này là 11%. Ở Na Uy, tỷ lệ này là 10%. Một trong những lời giải thích là, Hoa Kỳ chi khoảng 1/3 số tiền y tế vào việc quản lý, đặc biệt cho việc in ấn hóa đơn và đối phó với các hệ thống bảo hiểm khác nhau.

 

Giá thuốc cũng cao hơn nhiều so với ở Canada và Âu châu. Một trong bốn người Mỹ không thể trả tiền thuốc. Một trong bốn người Mỹ nói rằng họ gặp khó khăn khi trả tiền cho các loại thuốc cần thiết.

 

Trump và Biden nói gì?

 

Bernie Sanders đã có câu trả lời rõ ràng: Quên hệ thống cũ, tạo ra một chương trình bảo hiểm công cộng được tài trợ thông qua các hóa đơn thuế, giống như ở Scandinavia. Nhưng Sanders đã thua trong trận chiến để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Joe Biden thay mặt đảng Dân Chủ chống lại Donald Trump.

 

Y tế là vấn đề quan trọng thứ nhì đối với cử tri, sau tài chính, theo một cuộc khảo sát được Pew Research Center thực hiện vào cuối tháng Tám, đầu tháng Chín. Hai ứng cử viên tổng thống có mục đích khác nhau. Trump muốn loại bỏ cải cách bảo hiểm y tế của Obama. “Obamacare” bảo đảm rằng, khoảng 30 triệu người Mỹ không có bảo hiểm đã nhận được bảo hiểm, qua chủ trương giảm phí bảo hiểm, cả cho cá nhân và giới chủ nhân. Biden sẽ giúp nhiều người tiếp cận với bảo hiểm giá rẻ của nhà nước, nhưng các công ty bảo hiểm tư nhân và bệnh viện vẫn đóng vai trò chính yếu.

 

Mặc dù Trump vẫn chưa đưa ra được kế hoạch cho chính sách y tế như đã hứa trong nhiều tháng để thay thế “Obamacare”, các vở kịch cá nhân ông đang trình diễn vẫn có thể được xem như một “kế hoạch” tạm thời. Trump muốn nhà nước quyết định ít hơn, không nhiều hơn, như Biden gợi ý.

 

Bị từ chối bồi thường thương tích nghề nghiệp

 

Nhiều người Mỹ bị thương vĩnh viễn do đại dịch, đang phải đối phó với các vấn đề cấp bách trước mắt hơn là hệ thống chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Bởi vì Sylvia bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc như một y tá, Shirley đã thay mặt cô nộp đơn xin bồi thường thương tích nghề nghiệp.

 

Để được bồi thường chấn thương nghề nghiệp ở tiểu bang New York, bản thân Sylvia phải chứng minh cô đã bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc. Đây là việc gần như không thể thực hiện, mặc dù hầu như tất cả các nhân viên trong bộ phận của cô đã bị nhiễm bệnh. Và cũng chẳng dễ dàng gì khi cô ấy không thể nói chuyện hoặc giao tiếp. Công ty bảo hiểm của Sylvia đã từ chối đơn xin bồi thường thương tích nghề nghiệp.

 

Bây giờ gia đình đang chờ đợi Sylvia được chấp thuận hỗ trợ thông qua Medicare. Đây là hệ thống bảo hiểm y tế giá phải chăng dành cho người khuyết tật và người trên 65 tuổi ở Hoa Kỳ. Quá trình cứu xét mất vài tháng, có thể vài năm. Gia đình hy vọng được chấp thuận trước khi họ dùng hết số tiền quyên góp từ GoFundMe. Thách thức là, họ không biết Sylvia nhận được loại hỗ trợ nào, và liệu cô ấy có nhận được sự giúp đỡ cho phép cô sống ở nhà hay không. Có thể công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu gia đình chuyển cô đến một trung tâm nào đó.

 

Shirley nói: “Sylvia mất tế bào não. Bộ não của cô ấy đang bị thu hẹp lại. Cô ấy rất nhạy cảm và khóc rất nhiều. Khi cô thấy con trai 3 tuổi của mình bị đau mà không thể giúp cháu, nước mắt cô chảy dài“. Mặc dù Sylvia đã khỏe hơn, Shirley cho rằng tương lai vẫn rất đen tối. Với chút tiến bộ trong sáu tháng đầu tiên, sự chẩn đoán đối với những chấn thương như vậy là ảm đạm. Sylvia sẽ mãi mãi cần thuốc để nới lỏng các cơ bắp ở tay và chân, nhưng nó cũng làm cho cô ấy yếu hơn. Cô sẽ không bao giờ có thể cài khuy áo hoặc chải tóc cho con gái mình.

 

Shirley quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Trước khi Sylvia bị bệnh, tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi có một hệ thống y tế tốt, rằng mọi người đều được bảo hiểm và có thể trả các khoản khấu trừ. Chúng tôi không muốn có một nhà nước Big Brother ở Mỹ. Bây giờ tôi nhận ra rằng, thiên tai có thể gây hậu quả cho tất cả mọi người. Những gì chúng tôi đang có không đủ. Cuộc sống có ý nghĩa gì nếu bạn không khỏe mạnh, và nếu những thứ gây trở ngại cho bạn là sự túng quẫn vì tiền bạc hay bảo hiểm“, cô nói.

 

Khi nhìn vào cách sống của mọi người ở Âu châu và Canada, nơi người ta không phải nằm trằn trọc vào ban đêm, tôi nghĩ đến cảm giác của chúng tôi ở đây… Tôi sẽ nói với các con tôi rằng, di chuyển đến Âu châu có lẽ là điều khôn ngoan. Chắc chắn là như thế“.

 

Hoàng Thủy Ngữ (Theo Gro Holm, NRK)

 

 

 

 

 

 


No comments: