Nguyễn
Đình Cống
04/10/2020
https://baotiengdan.com/2020/10/04/cho-co-gam-gu-can-ro/
Nhân dịp Đảng CSVN tiến
hành Đại hội 13 có nhiều ý kiến đóng góp và phản biện. Những ý kiến đó là làm
theo lời kêu gọi của lãnh đạo đảng hoặc là tự ý của người dân, chúng ở trong
hai lề: lề Đảng và lề Dân.
Lề đảng, nơi tuy cũng có
một vài phê bình thiếu sót, một vài góp ý chân thành, nhưng chủ yếu là ca ngợi,
phụ họa, thổi phồng thành tích, xa rời sự thật. Luồng ý kiến này chủ yếu xuất
hiện trên báo đài chính thống và vẫn có thể đăng trên các trang mạng khác nhau.
Xin tạm không bàn đến lề này.
Lề Dân, chủ yếu là những
bài trên các trang báo mạng và Facebook cá nhân, Không bao giờ được đăng trên
báo chí chính thống. Đó là vì tự do ngôn luận bị chặn, tự do báo chí bị cấm. Những
ý kiến trong lề này chủ yếu là đánh giá, phản biện, phê phán, chỉ trích. Tùy mức
độ, có thể xếp thành hai loại. Loại thiện tâm và loại gay gắt.
Loại thiện tâm có mục
đích tìm ra sự thật, tiếp cận chân lý, chỉ ra những sai lầm thiếu sót, vạch ra
sự dối trá, ngụy biện nhằm nâng cao hiểu biết của người dân và thức tỉnh lãnh đạo.
Họ phản biện trên cơ sở thực tiễn và khoa học, chống lại sự tuyên truyền lừa bịp.
Số người này chủ yếu là những trí thức có trình độ, có phẩm chất cao quý. Họ rất
muốn có tự do ngôn luân, tự do báo chỉ để trình bày quan điểm và tư tưởng,
nhưng bị cấm. Họ muốn đối thoại với lãnh đạo Đảng, với Tuyên giáo Đảng, nhưng bị
từ chối. Họ đành phải thể hiện tại lề Dân, ngoài luồng chính thống. Họ là những
người yêu nước thương dân. Ghép họ vào “thế lực thù địch” để tìm cách hãm hại
là một việc làm quá ngu xuẩn và phản dân tộc, phản tiến bộ.
Loại phê phán gay gắt chủ
yếu vạch ra những tội ác của cộng sản và đòi thay đổi thể chế. Họ cũng nói lên
sự thật chứ không bịa đặt, không dối trá, chỉ là họ thể hiện tương đối rõ lòng
tức giận. Đối với cộng sản họ là thù địch, nhưng đối với dân tộc họ vẫn là những
người yêu nước thương dân, họ chỉ hơi gay gắt khi trình bày quan điểm.
Đúng ra những người lãnh
đạo nên bớt nghe những lời ca tụng, tâng bốc, vì nghe thế chỉ sướng lỗ tai tạm
thời mà có hại lâu dài. Khôn ngoan ra nên nghe, cần nghe những ý kiến phản biện
từ lề dân, nghe những lời chỉ trích đúng sự thật. Biết nghe những lời như vậy mới
là người có trí tuệ.
Gần đây có ông tướng, thứ
trưởng Bộ Công an, có một tuyên bố nổi tiếng như sau: “Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng… là điều kiện để các thế lực thù địch,
phản động gia tăng các hoạt động chống phá”. (Ngày 28/9/2020, tại hội
nghị sơ kết công tác quý III).
Phải chăng đó là tiếng gầm
gừ càn rỡ, hòng “cả vú lấp miệng em”. Câu của ông tướng phạm phải sai lầm cả về
nội dung và hình thức.
Về nội dung, phải chăng
đây là chuẩn bị gia tăng sự đàn áp các cá nhân phản biện dù họ thuộc loại nào.
Phải chăng hễ cứ có ý kiến hơi khác với Đảng là thù địch, là phản động. Đây là
kiểu học được của Tàu Cộng về cách thức trấn áp dân.
Lãnh đạo Đảng kêu gọi góp
ý kiến vào Báo cáo, nhưng Công an lại chặn họng trước. Rất dễ dàng để một lời
góp ý hơi trái tai là bị quy ngay hoạt động chống phá của thế lực thù địch. Vậy
để cho dân được tự do góp ý thì Đảng cần phải công bố rõ ràng những việc nào
thuộc hoạt động chống phá và những cá nhân nào, tổ chức nào là “thế lực thù địch”.
Về hình thức, phải chăng
ông tướng đã nhầm lẫn giữa điều kiện và cơ hội. Cho rằng ĐH 13 là điều kiện để
các thế lực thù địch gia tăng hoạt động là một sự hiểu biết quá sai. Đó là cơ hội
chứ không phải điều kiện. Theo từ điển tiếng Việt, thì điều kiện là cái cần phải
có để cho một cái khác có thể xảy ra. Cơ hội là hoàn cảnh thuận tiện gặp được để
làm việc gì.
Tôi đoán rằng ông tướng,
vì luôn nghĩ tới đa số nhân dân là thù địch, những người phản biện là phản động,
nên đã dùng nhầm từ điều kiện thay cho từ cơ hội. Tiếc rằng ông tướng nói sai,
nhưng các cơ quan truyền thông xem đó là ý đẹp lời hay rồi cứ thế truyền tụng.
Thực ra đó chỉ là tiếng gầm gừ càn rỡ.
No comments:
Post a Comment