Saturday, October 3, 2020

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA TRUMP : COVID-19 (Hoang Nguyen – Luật Khoa)

 


 

Chính sách đối ngoại của Trump: COVID-19

Hoang Nguyen  -  Luật Khoa

04/10/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/10/chinh-sach-doi-ngoai-cua-trump-covid-19/

 

Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên kiêm đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020 và chưa bổ sung thông tin TT Trump bị nhiễm coronavirus vào ngày 1/10.

 

 

Kỳ 1: Trung Quốc


Kỳ 2: Quốc phòng và hợp tác quốc tế


Kỳ 3: Thương mại và kinh tế

 


 

COVID-19

 

Donald Trump đã nhiều lần hạ thấp mối đe dọa từ COVID-19 và không chủ động đưa ra một nỗ lực liên bang để ngăn chặn đại dịch. Ban đầu, ông cho biết tình hình lây nhiễm vẫn đang được kiểm soát ở Hoa Kỳ, dù đã nhận được cảnh báo về một đại dịch sắp xảy ra từ các cơ quan tình báo và chuyên gia y tế vào đầu tháng Một năm 2020. 

 

Từ tháng Ba, Trump đã chỉ đạo một chiến dịch phản ứng quốc gia rời rạc với các biện pháp phòng dịch quan trọng được ủy quyền cho các thống đốc tiểu bang. Các biện pháp này bao gồm: tạm đóng cửa nền kinh tế, hạn chế đi lại, những nỗ lực phát triển vaccine chưa từng có, và hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD cho các gói kích thích kinh tế. 

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính quyền [Trump] đã từ chối việc phổ biến các biện pháp phòng dịch cộng đồng cần thiết. Trump đã bất đồng với những chuyên gia y tế quốc gia và gây áp lực buộc các bang và thành phố phải đẩy nhanh tiến độ mở cửa trở lại. Vào mùa hè năm nay, Hoa Kỳ là quốc gia phát triển có phản ứng tệ nhất, khi các đợt bùng phát mới trên toàn quốc một lần nữa đe dọa làm quá tải hệ thống y tế địa phương.

 

 

·         Khi bắt đầu đại dịch, Trump đã nhiều lần hạ thấp mức độ nghiêm trọng của coronavirus, so sánh nó với bệnh cúm mùa và đảm bảo rằng căn bệnh này đã “được kiểm soát rất tốt” vào cuối tháng Hai. Chính quyền của ông trước đó đã giải thể một đơn vị trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council) chịu trách nhiệm cho việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, vốn được thành lập dưới thời chính quyền Obama. Các nhà chức trách nói rằng động thái đó là một phần của nỗ lực rộng hơn nhằm hợp lý hóa sự điều hành của của Nhà Trắng.

 

·         Vào tháng Ba năm 2020, với số ca bệnh tăng vọt, ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép các bang tiếp cận hơn 40 tỷ USD tài trợ bổ sung từ liên bang, và thành lập một ban chỉ đạo chống coronavirus do Phó Tổng thống Mike Pence đứng đầu. Ban chỉ đạo mới đã điều phối các cơ quan liên bang, thúc đẩy các chính sách giãn cách xã hội trên toàn quốc, và tổ chức các buổi họp báo  hàng ngày cho công chúng. Nhưng đến tháng Năm, lực lượng này đã chuyển trọng tâm sang ban hành các hướng dẫn để hỗ trợ việc mở cửa nền kinh tế trở lại.

 

·         Trump nghi ngờ về sự cần thiết của việc xét nghiệm mở rộng, mặc dù ông đã phát biểu nhiều lần và sai lầm rằng Hoa Kỳ đang dẫn đầu thế giới về các xét nghiệm – khi tỷ lệ xét nghiệm bình quân đầu người của Hoa Kỳ đã tụt lại đằng sau so với nhiều quốc gia khác.

 

·         Bởi việc Washington thiếu một bộ hướng dẫn nhất quán, nên phản ứng quốc gia chủ yếu thuộc về các thống đốc bang và các lãnh đạo địa phương khác, và điều này đã dẫn đến các mức độ phong tỏa khác nhau trên khắp đất nước. Trump đã đánh giá thấp nhu cầu xét nghiệm và các biện pháp giãn cách xã hội, cũng như gây áp lực buộc lãnh đạo các bang phải mở cửa trở lại nền kinh tế càng nhanh càng tốt.

 

·         Vào tháng Năm, chính quyền [Trump] đã khởi động Chiến dịch Warp Speed (Operation Warp Speed), một nỗ lực công-tư do Bộ Y tế, Dịch vụ Nhân sinh (HHS) và Bộ Quốc phòng giám sát với mục đích đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine coronavirus. Mục tiêu là sẽ cung cấp hơn 300 triệu liều vaccine vào tháng Một năm 2021.

 

·         Ký ban hành một số điều khoản của luật coronavirus, bao gồm: chương trình cung cấp dịch vụ xét nghiệm miễn phí, nghỉ ốm có lương, và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng. Bên cạnh đó, một dự luật kích thích [kinh tế] lớn hơn trị giá 2 nghìn tỷ USD bao gồm: các khoản trợ cấp trực tiếp lên tới 1.200 USD cho các cá nhân, hàng trăm tỷ USD các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp, tăng các khoản trợ cấp thất nghiệp, và hỗ trợ cho các nhân viên y tế.

 

·         Ban hành các lệnh hạn chế du lịch đến Hoa Kỳ, bắt đầu bằng lệnh cấm vào tháng Một năm 2020 đối với những du khách nước ngoài từng đến Trung Quốc. Chính quyền [Trump] sau đó đã mở rộng các hạn chế đối với du khách đến từ Iran và hầu hết các nước châu Âu. Vào mùa hè, do các ca nhiễm tăng mạnh ở Hoa Kỳ, công dân Hoa Kỳ phải chịu lệnh cấm đi lại từ Liên minh Châu Âu và các nước khác.

 

·         Trump đã nhiều lần thách thức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và các cơ quan y tế khác. Ông cho rằng những dự báo bi quan và những chỉ dẫn quá khắt khe về giãn cách xã hội khiến việc mở lại trường học và các cơ sở khác trở nên khó khăn một cách không cần thiết. Trong các bước đi khác, chính quyền đã chuyển việc thu thập dữ liệu liên quan đến coronavirus từ CDC sang HHS, và các chuyên gia y tế lo ngại rằng những nỗ lực của chính quyền nhằm gây áp lực lên CDC có thể dẫn đến việc bóp nghẹt hoặc thao túng dữ liệu y tế.

 

·         Trước đợt bùng phát, Nhà Trắng đã cắt giảm nhân sự của CDC, bao gồm một nhóm có nhiệm vụ xác định các rủi ro y tế ở Trung Quốc và chính quyền của Donald Trump đã nhiều lần yêu cầu cắt giảm ngân sách của CDC hơn 20%. Quốc hội cho đến nay vẫn bác bỏ những đề xuất đó.

 

·         Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc đã lừa dối thế giới về sự nghiêm trọng của đại dịch; và một số nhà chức trách gợi ý rằng virus này có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Vào tháng Tư năm 2020, Trump tuyên bố rằng ông sẽ đóng băng khoản tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cho rằng tổ chức này phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc; vào tháng Bảy, ông nói sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi WHO. Tuy nhiên, không rõ liệu tổng thống có thẩm quyền làm như vậy khi chưa được Quốc hội chấp thuận hay không.

 


 

Kỳ tới: Nhập cư

 

 

 

 


No comments: