Wednesday, October 9, 2019

TỔNG THỐNG DONALD TRUMP CHỌN ĐỐI ĐẦU TRỰC DIỆN VỚI QUỐC HỘI (RFI)




Đăng ngày 09-10-2019

Khi từ chối hợp tác trong cuộc điều tra nhằm khởi động thủ tục truất phế ông, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn đối đầu trực diện với Quốc Hội, một chiến lược đầy rủi ro.

Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện và tổng thống Mỹ Donal Trump giờ thành đối thủ trực tiếp (Ảnh chụp 05/02/2019). REUTERS/Leah Millis

Các nghị sĩ Dân Chủ hiện đang điều tra để xác định tổng thống Trump đã gây áp lực đến mức độ nào đối với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong một cuộc điện đàm để lãnh đạo Ukraina tìm những thông tin bất lợi cho cựu phó tổng thống Joe Biden, nhân vật có thể sẽ là đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Phe Dân Chủ nghi là tổng thống Trump đã lạm dụng quyền hành vào mục đích tranh cử, rồi sau đó tìm cách bưng bít vụ việc.

Nhưng đối với Nhà Trắng, cuộc điều tra về vụ Ukraina là hoàn toàn thiên vị và không chính đáng, và đó là lý do chủ yếu khiến tổng thống Trump từ chối hợp tác trong cuộc điều tra này. Lãnh đạo phe đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện, Mitch McConnell đã công khai ủng hộ chiến lược của tổng thống Trump đối đầu với Quốc Hội. Ông cho rằng Hạ Viện « đã không tuân thủ những thủ tục căn bản như đối với các vị tổng thống khác ».

Vấn đề là, theo phe Dân Chủ, cản trở Quốc Hội điều tra có thể bị xem là một hành vi cản trở pháp luật, và họ nhắc lại đây đã là một trong ba lý do để Quốc Hội Mỹ tiến hành truất phế tổng thống Richard Nixon năm 1974 trước khi ông từ chức.

Không chỉ từ chối hợp tác trong cuộc điều tra, Nhà Trắng hôm qua còn ngăn cản đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu Gordon Sondland ra điều trần trước các nghị sĩ Hạ Viện. Đại sứ Sondland, nguyên là một nhà doanh nghiệp thân cận với tổng thống Trump, được xem là một nhân vật chủ chốt trong vụ Ukraina, cho nên lãnh đạo các ủy ban đặc trách điều tra đã rất bất bình, cho rằng một lần nữa Nhà Trắng đang tìm cách cản trở cuộc điều tra. Không chịu thua, lãnh đạo các ủy ban này đã ra lệnh cho ông Sondland phải ra điều trần ngày 16/10 tới và đệ trình những tài liệu mà bộ Ngoại Giao Mỹ đã từ chối cung cấp.

Cuộc đối đầu sẽ không dừng ở đó, vì nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham, một đồng minh lớn của tổng thống Trump ở Thượng Viện, hôm qua thông báo sẽ mời luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, ra điều trần về nghi án tham nhũng ở Ukraina có liên quan đến ông Joe Biden.

Chưa biết chiến lược của Nhà Trắng đối đầu trực diện với Hạ Viện sẽ đi đến đâu, nhưng trước mắt đã có chuyển biến trong công luận Mỹ theo hướng ủng hộ thủ tục truất phế tổng thống Trump. Vào ngày mà phe dân chủ khởi động thủ tục truất phế, tức là ngày 24/09, chỉ có 38,7% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc truất phế tổng thống Trump, theo mức trung bình được trang mạng FiveThirtyEight tính toán. Nhưng chỉ sau hai tuần, xu hướng đã đảo ngược, vì theo kết quả thăm dò ngày 08/10, có đến 50,1% ủng hộ việc truất phế tổng thống Trump.

Khả năng đẩy ông Trump khỏi Nhà Trắng hiện vẫn là một viễn cảnh xa vời, nếu không muốn nói là không thể xảy ra. Nhưng rõ ràng mà vụ Ukraina đang làm sứt mẻ thêm uy tín của tổng thống Trump. Ấy là chưa kể những phát biểu tiền hậu bất nhất về việc rút quân khỏi Syria, bỏ rơi người Kurdistan khiến người ta càng bớt tin tưởng vào khả năng của ông Trump trong vai trò lãnh đạo cường quốc số một thế giới.

---------------------------------------------

Đăng ngày 09-10-2019

Hôm qua, 08/10/2019, luật sư của Nhà Trắng đã gởi thư cho lãnh đạo phe đa số Dân Chủ ở Hạ Viện, bà Nancy Pelosi, để long trọng thông báo ông Donald Trump từ chối hợp tác với Hạ Viện trong cuộc điều tra trong khuôn khổ thủ tục truất phế tổng thống.

Trước đó, Nhà Trắng đã ngăn cản đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu Gordon Sondland đến trả lời trong cuộc điều trần do đảng Dân Chủ tổ chức ở Quốc Hội Mỹ. Ông Trump gọi cuộc điều trần này là « một tòa án giả mạo ».

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :

Luật sư của Nhà Trắng viết : Nói một cách đơn giản, quý vị đang tìm cách hủy bỏ kết quả bầu cử năm 2016 và làm cho dân Mỹ mất đi vị tổng thống mà họ đã bầu chọn một cách tự do.

Bức thư không nêu lên những hành động mà ông Donald Trump bị tố giác, nhưng lên án một sự sai sót về quy trình : Phủ tổng thống cho rằng, do trước đó không có biểu quyết, Hạ Viện không có quyền tiến hành một cuộc điều tra bị xem là vi hiến và thiên vị đảng phái.

Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ Viện Adam Schiff đã phản ứng ngay với tuyên bố: Nhà Trắng muốn nói là tổng thống ở trên pháp luật, đó không phải là điều được ghi trong Hiến Pháp. Phe Dân Chủ tố cáo một mưu toan nhằm đánh lạc hướng dư luận và phản bác lập luận pháp lý mà Nhà Trắng đưa ra.

Nếu họ đưa vấn đề này ra trước các tòa án để phân xử thì điều này có nguy cơ làm thủ tục bị chậm lại rất nhiều. Do không thể tự biện hộ về thực chất vấn đề, ông Donald Trump sẽ tranh thủ được thời gian. Nhưng chiến lược của ông có nhiều rủi ro : phe Dân Chủ xem bức thư nói trên là một hành động cản trở quyền hạn của Quốc Hội và đối với họ đây là một lý do nữa để truất phế tổng thống.

-----------------------
BBC Tiếng Việt
09/10/2019

Nhà Trắng đã chính thức từ chối hợp tác với cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.

Một bức thư gửi cho các nhà lãnh đạo Dân chủ bác bỏ cuộc điều tra, gọi nó là "vô căn cứ" và "không hợp lệ về mặt hiến pháp".

Ba ủy ban Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo đang điều tra ông Trump.
Cuộc điều tra đang cố gắng tìm hiểu xem liệu tổng thống có giữ lại viện trợ cho Ukraine để thúc đẩy nước này điều tra Joe Biden, người đang tranh cử ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Bức thư của Nhà Trắng được đưa ra vài giờ sau khi chính quyền Trump chặn đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu xuất hiện trước cuộc điều tra luận tội của Quốc hội.

Lá thư nói gì?

Cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone gửi bức thư dài tám trang cho bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện và thành viên hàng đầu đảng Dân chủ, và ba chủ tịch của ba ủy ban Dân chủ.
Ông cáo buộc các nhà lãnh đạo đã thiết lập một cuộc điều tra "vi phạm sự công bằng cơ bản và quy trình bắt buộc theo hiến pháp" - đặc biệt bằng cách không tổ chức bỏ phiếu về việc khởi động cuộc điều tra.

Bức thư cáo buộc đảng Dân chủ cố gắng thay đổi kết quả bầu cử năm 2016 và tấn công cuộc điều tra là "không hợp lệ về mặt hiến pháp và vi phạm quy trình cần có".
"Để hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với người dân Mỹ ... Tổng thống Trump và Chính quyền của ông không thể tham gia vào cuộc điều tra đảng phái và vi hiến của quý vị trong những hoàn cảnh này."

Đáp lại, bà Pelosi nói bức thư "rõ ràng là sai" và cáo buộc ông Trump đã cố gắng "bình thường hóa sự phi pháp".
"Tổng thống, ông không đứng trên luật pháp. Ông sẽ phải chịu trách nhiệm."


Phân tích của Anthony Zurcher
Phóng viên Bắc Mỹ

Vào thời điểm cuộc điều tra luận tội của Hạ viện đang xúc tiến được hai tuần, nước Mỹ đang tiến tới một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Trong khi phản hồi bằng văn bản của Nhà Trắng đối với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mất tám trang, thì thông điệp rất đơn giản. Không có lời khai. Không nộp tài liệu. Không hợp tác gì cả.
Chính quyền Trump đang đặt câu hỏi về tính hợp pháp của toàn bộ cuộc điều tra, gọi quá trình này là "vi hiến". Đảng Dân chủ phản đối rằng chính Hiến pháp trao cho Quốc hội "quyền lực luận tội" - và họ sẽ tiếp tục điều tra dù có hoặc không có sự đồng ý của Nhà Trắng.

Đảng Dân chủ tại thời điểm này có một số lựa chọn. Họ có thể trích dẫn chính quyền cản trở công lý và làm chính điểm này thành một điểm trong việc luận tội.
Họ có thể cố gắng đáp ứng nhu cầu không xác định của Nhà Trắng, hy vọng sẽ khuyến khích sự hợp tác của họ
Hoặc họ có thể cố gắng dùng các tòa án để buộc Nhà Trắng hợp tác.

Tuy nhiên, ngành tư pháp có thể là ngán việc phải xét xử một đối đầu không thua gì một chiến tranh chính trị. Điều này đặt ra triển vọng rất thực tế rằng ông Trump có thể không cảm thấy mình phải tôn trọng bất kỳ kết luận nào được đưa ra bởi Hạ viện - và, đến lúc có kết luận, cũng đặt câu hỏi về tính hợp lệ của một phiên tòa Thượng viện.

Đây là lãnh thổ chưa được khám phá. Và như cả hai bên đều thừa nhận (mặc dù họ đưa ra kết luận hoàn toàn khác nhau), tổng thống - và có lẽ chính luật pháp - đang bị đe dọa.

Diễn tiến mới nhất trong cuộc điều tra luận tội

Lá thư của ông Cipollone đến vài giờ sau khi Nhà Trắng chặn Gordon Sondland, đại sứ Mỹ tại EU, nói chuyện với ba ủy ban Dân chủ đằng sau cánh cửa đóng kín.
Tin nhắn được công bố tuần trước cho thấy ông Sondland đã thảo luận về những nỗ lực gây áp lực với Ukraine đối với ông Biden với các nhà ngoại giao khác của Mỹ.

Robert Luskin, luật sư của ông Sondland nói thân chủ của mình "thất vọng sâu sắc" khi ông tới Washington từ Brussels để chuẩn bị cho sự xuất hiện của mình.
"Đại sứ Sondland tin tưởng mạnh mẽ rằng ông luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của Hoa Kỳ và ông sẵn sàng trả lời các câu hỏi của Ủy ban một cách đầy đủ và trung thực", tuyên bố nói.
Trong một tweet, tổng thống cho biết ông Sondland nếu xuất hiện thì chỉ là xuất hiện trước một "tòa án trò hề".

Nhưng chủ tịch ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff nói với các phóng viên rằng ông Sondland có tin nhắn hoặc email "có liên quan sâu sắc" đến cuộc điều tra trên một thiết bị cá nhân. Ông nói rằng những thông tin liên lạc đó đã được chuyển đến Bộ Ngoại giao, nơi đang giữ chúng lại.

"Việc không cho nhân chứng này xuất hiện", Đảng Dân chủ California nói thêm, "việc không nộp các tài liệu này, được chúng tôi xem là thêm một bằng chứng mạnh mẽ về sự cản trở các chức năng lập hiến của Quốc hội."







No comments: