10/10/2019
Thuở xa xưa, không ai để ý đến Tây Nguyên xa xôi, một
vùng đất chưa có nhiều người biết đến, vốn nuôi nấng những tộc người còn chưa
có chữ viết. Ở đó, rừng rậm là bá chủ. Rừng ôm trọn lấy tất cả. Rồi người Pháp
đến để khai mở vùng đất rậm rạp này. Người Kinh chỉ mới mò mẫm đến chốn hoang
vu này trong những năm chiến tranh khói lửa.
Tây Nguyên mở rộng vòng tay với tất cả, những ai chịu
được cái buồn muôn thuở. Đâu đâu cũng là rừng, mùa nào cũng buồn như mùa nào,
yên tĩnh, trầm lặng. Dân di cư sợ hãi, co cụm vào một chỗ để chống chọi với cái
buồn nẫu ruột.
Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, ngày những người
Kinh còn xa lạ với khí hậu khắc nghiệt, rừng rậm âm u. Tây Nguyên bây giờ
thoáng đãng hơn, tiện nghi hơn bởi vị bá chủ đã bị chặt hạ trong những đợt xâm
lăng vô cùng tận. Sau chiến thắng, đội quân đó lại xâu xé lẫn nhau.
Đặng Văn Hiến cũng là di dân nhưng anh không ghi
danh vào đội quân hung tàn đó. Anh đến với Tây Nguyên trên đôi chân trần, khuân
trên vai một ước mơ nhỏ bé nhưng cháy bỏng. Không chỉ anh, những người đồng
hương của anh cũng thế. Nghèo đói đã buộc họ ra đi.
Từ trái sang, Đặng Văn Hiến, Hà Văn Trường và Ninh
Viết Bình trong phiên toà xét xử sơ thẩm vào đầu năm 2018. Ảnh: Báo Zing
Làn sóng di dân
Đầu những năm 1990, những tộc người ở phía Bắc di cư
vào Nam đã tạo thành một làn sóng di dân khổng lồ. Họ nghèo quá rồi, không còn
đủ đất đai để trồng trọt nữa. Mà họ chỉ biết mỗi cái nghề đấy.
Lời đồn thổi về một mảnh đất rộng lớn ở miền Nam được
truyền miệng nhau, nơi mà họ vẫn có thể sống bằng bản năng làm nông và sự am hiểu
núi rừng của mình. Tây Nguyên nghẹt thở đón nhận dòng những người tiếp nối nhau
đi tìm đời sống mới.
Khi đó, ở một vùng quê nghèo ở Lạng Sơn, gia đình Đặng
Văn Hiến, người dân tộc Nùng, vẫn có thể chống chọi với cái đói và cái rét. Họ
mới chỉ có một đứa con gái. Họ cũng có một căn nhà riêng và biết sống chắt
chiu. Nhưng cuộc sống tằn tiện đắp đổi qua ngày đó kéo dài không lâu. Hiến cũng
đến chỗ này chỗ kia trong tỉnh để làm thuê nhưng đều thất bại. Có cố gắng ở mảnh
đất quê nhiều đến đâu đi nữa thì cái nghèo vẫn bám anh như đỉa đói bám chân.
Mang mơ ước vào Nam
Cuối cùng, lời đồn thổi và động viên của bạn bè đã
thuyết phục được anh thử vận may một lần, đúng hơn là nghèo đói không cho anh
cái quyền được chần chừ.
Anh sẽ theo người quen vào Tây Nguyên một chuyến.
Nhưng anh đã tính trước, rằng đất ở trong đấy rẻ, lại dễ trồng trọt, anh sẽ chỉ
cần đi làm thuê một thời gian thôi. Anh sẽ ăn uống dè sẻn, sẽ tích góp đủ tiền
để mua một mảnh đất nhỏ. Rồi anh sẽ cất nhà trên đó, sẽ đón vợ con vào đoàn tụ.
Anh sẽ cất nhà gỗ cho rẻ tiền. Lúc nào dư dả, anh sẽ xây nhà bê tông.
Điều và cà phê thì chỉ cần trồng một vài năm rồi cứ
thế mà thu hoạch. Vợ sẽ nhặt những trái điều căng tròn còn anh sẽ tước những hạt
cà phê chín mọng. Tất cả sẽ do chính tay anh vun trồng. Nếu không thích, anh sẽ
nhổ chúng đi rồi trồng những cây khác. Anh không phải làm công cho ai cả.
Đầu những năm 2000, khi anh vào Nam đã được một thời
gian và biết rõ những vùng Bình Phước, Đắk Lắk và Đắk Nông ngày nay, anh đón vợ
vào rồi cùng đi làm thuê. Dẫu sao đủ vợ đủ chồng sẽ đồng lòng hơn, ước mơ sẽ đến
sớm hơn khi hai người cùng nhau tích góp.
Năm đó, ước mơ của hai vợ chồng đến theo một cách
khác. Họ lấy tiền dành dụm được để thuê đất rẫy của người quen với giá rẻ. Dẫu
chỉ là đất thuê nhưng vẫn có chút cảm giác thuộc về mình.
Với bàn tay cần cù của cả hai, những vườn rau mơn mởn
của mùa trồng trọt đầu tiên đã nảy nở. Nhưng đúng lúc đó, trời dội liền mấy cơn
mưa tầm tã, rả rích mấy ngày trời. Những luống rau cũng phải đầu hàng hàng trước
số phận. Hết vốn nhưng không chán nản. Anh Hiến và vợ lại lặn lội, làm thuê khắp
vùng đất mà anh nghĩ sẽ có cơ may đổi đời này. Làm gì cũng được, từ tước cà
phê, dọn vườn điều, nhặt điều, phơi sẵn, v.v. miễn họ có tiền cho ước mơ của
mình.
Mảnh vườn của Hiến
Năm 2005, ước mơ của anh đã hiện ra ngay trước mắt.
Tôi nghĩ anh đã cố hết sức để tìm ra mảnh vườn của mình sớm nhất có thể. Mảnh
vườn đó nằm sâu hun hút sau mấy dãy núi, cách thị trấn Gia Nghĩa (Đắk Nông) đến
90 cây số.
Quốc lộ 14 thẳng tắp dẫn đến thị trấn Gia Nghĩa thì
không có gì để nói. Nhưng từ ngã ba Đông Dương thì tôi phải đi trên một con đường
đất đỏ kỳ dị. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và kỹ năng lái xe máy để đi trên
những cung đường như thế này. Du khách cũng đã giã từ con đường này, từ giã
thác Đắk G’lun mờ ảo. Mùa mưa, hai bánh của xe máy phải gắn xích thì mới chiến
thắng con đường khốn khổ này. Mùa nắng cũng không thể chạy nhanh vì lòng đường
mấp mô, mô đất cùng với đá như những gai nhọn hất cả bánh xe tung lên không
trung.
Hai bên đường, đồi núi đã “xuống tóc” thành những ngọn
đồi trọc, dấu hiệu chiến thắng của đội quân xâm lăng.
Mảnh vườn của Hiến nằm ở phía bên kia con suối, sau
khi qua một làng nhỏ của những người Mông di cư từ miền Bắc. Ở đầu con suối này
là nhà của đội trưởng Sắc, quản lý đồn công an của Tiểu khu 1535. Vì vậy, ai ra
vào khu vực này anh ta đều nắm rõ như lòng bàn tay.
Có lẽ phải vào tận cùng những nơi xa xôi như vậy mới
có chỗ cho ước mơ của Hiến. Kể cả cái thị trấn Gia Nghĩa bé nhỏ hay dọc theo Quốc
lộ 14 trông có vẻ đìu hiu cũng đã khước từ anh. Anh thuê đất ở đây để trồng
khoai mì rồi mua lại từ người chủ đã quá chán ngán với cảnh núi rừng nơi này.
Hiến vay của bố 24 triệu đồng cộng với tiền dành dụm để mua cho kịp lúc ông chủ
muốn bán nó đi
Phía bên kia con suối này là Tiểu khu 1535. Từ đây,
bạn có thể thấy ngôi nhà của đội trưởng Sắc. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Tiểu khu những ngày không yên ả
Ở một vùng sâu hun hút như vậy nhưng Tiểu khu 1535
chưa bao giờ là một vùng đất bình yên. Đồn công an bận rộn suốt với những vụ
đánh đấm trong vùng. Chốc chốc tôi lại thấy đội trưởng Sắc gọi lính của anh
thay sắc phục rồi cưỡi xe máy chạy mất hút sau mấy quả đồi. Những bữa cơm của họ
thường không thể kéo dài hết bát cuối cùng.
Đồn nằm trên một đỉnh đồi khá cao, cách con suối khoảng
bảy, tám cây số. Đường lên đó khó gấp đôi con đường từ ngã ba Đông Dương rẽ
vào. Trại khá rộng, phía trước là nơi để máy cày, mấy chiếc xe máy, một bàn ăn
cơm, vài chiếc võng dù. Bên trong nhà có một lối đi ở giữa, hai bên là nơi ngủ
của công an được đóng bằng ván cao khoảng một mét, bên dưới là nơi để đồ dùng.
Phía trước đồn là những quả đồi trọc đang đợi những cây điều lớn lên.
Chuyện đánh đấm chủ yếu xảy ra giữa những người
nghèo khổ đang thực hiện ước mơ và đội quân xâm lăng là các công ty trồng trọt
được chính quyền cho thuê đất. Một chuyện không mới ở Tây Nguyên khi chính quyền
giao đất cho doanh nghiệp bằng cách vẽ lên bản đồ hoặc chỉ tay về phía những quả
đồi. Ở những nơi đó, họ không biết hoặc giả vờ không biết đã có những di dân
nghèo khổ đang canh tác. Nông dân không có giấy tờ sử dụng đất, họ mua lại hoặc
tự phát hoang ở những mảnh rừng mà họ nghĩ là vô chủ.
Rồi những công ty trồng trọt từ trên trời rơi xuống,
cầm sẵn giấy tờ thuê đất đến giành giật ngôi vườn của họ, cũng bởi vì trồng trọt
ở những vùng đất này quá béo bở. Bằng một cách nào đó, các công ty dễ dàng có
được những khu đất màu mỡ; giá nhân công lại rẻ mà còn dễ dãi khi không đòi hỏi
hợp đồng lao động; giá điều và cà phê cũng thường ổn định. Vì vậy mà họ bất chấp
luật pháp để công nhân đánh đấm với nông dân, giành từng mét đất.
Năm 2008, ba năm sau khi Hiến trồng những cây điều
và cà phê đầu tiên. Mảnh đất của anh đã trở thành một ngôi vườn trông cũng đẹp
mắt, có thể dựa vào đó mà sống. Cũng trong năm đó, công ty Long Sơn được chính
quyền tỉnh cấp đất. Ngay lập tức, họ phát hiện ra những nơi trên giấy tờ thuộc
về họ đã có người trồng trọt. Họ đưa công nhân cầm gậy gộc, máy xúc đến húc đổ
vườn điều của Hiến và nhiều hộ dân trong vùng.
Lúc này, Hiến có lẽ đã học được cách trở nên mạnh mẽ
hơn mỗi ngày. Mảnh vườn của anh nom lúc nào cũng có cảm giác là đang có người
rình rập để phá hoại. Anh không thể đánh mất ước mơ của mình dễ dàng như vậy. Anh
đã đi một đoạn đường dài từ Lạng Sơn tới Đắk Nông, rồi cần cù làm việc để có được
mảnh vườn này.
Chính quyền cũng không có cách giải quyết. Chuyện
đánh đấm vì thế mà xảy ra trong nhiều năm, nhiều nông dân bị đánh gãy chân gãy
tay, chấn thương sọ não phải nhập viện, bị bắt đi tù vì gây rối trật tự, thỉnh
thoảng còn có tiếng súng nổ. Một vùng đất đầy ước mơ nhưng cũng nhiều chứa điều
bất trắc.
Những công nhân người Stiêng
Đầu tháng Mười năm 2016, chiếc xe bán tải của công
ty Long Sơn đỗ xịch trước một con đường nhỏ đầy đất đỏ dẫn vào một ngôi làng của
người Stiêng. Chỗ này cách thị trấn Đồng Xoài sầm uất khoảng mười cây số.
Tổ tiên của người Stiêng là những thợ săn oai hùng.
Họ đã truyền lại cho hậu duệ của mình một thân hình cường tráng. Nhưng thật ra
nó lại không hữu dụng lắm trong xã hội chuộng sự lọc lõi của người Kinh. Cố gắng
lắm họ mới có những bữa cơm no bụng. Họ sống trong những ngôi nhà tình thương,
đi nhặt điều, làm thợ hồ, bất kỳ chuyện gì cần cơ bắp và sự cần cù.
Chiều hôm đó, Điểu Thành, Điểu An và Điểu Vinh, ai
cũng to lớn vạm vỡ, cùng leo lên chiếc xe bán tải của công ty Long Sơn để lên
Tiểu khu 1535.
Vợ của Điểu Thành sắp đẻ đứa con đầu lòng, anh phải
kiếm một ít tiền. Điểu An và Điểu Vinh là hai anh em họ, họ cũng muốn có một
công việc cố định để tránh đám choai choai vô công rồi nghề trong xóm lôi kéo.
Từ nay, họ sẽ có việc làm cố định. Vinh sẽ có tiền gửi
về cho người mẹ đang ốm yếu, người cha không có việc làm, và một ít tiền để em
gái cậu có thể học hết lớp 9. Vả lại, họ là những người hàng xóm, có họ hàng với
nhau, lại cùng sắc tộc nên không ai dám đụng đến họ, biết đâu sẽ còn vui nữa.
Năm đó, Vinh mới 16 tuổi.
Chiếc bán tải nổ máy rồi vòng qua một xóm khác để
đón Điểu Tào, một người cha có bốn đứa con. Với mức lương hơn bốn triệu đồng và
bao ăn, tất cả đều thấy đường đến tương lai như được rút ngắn dần khi chiếc bán
tải tăng tốc trên quốc lộ.
Buổi sáng tang thương
Tuần cuối của tháng Mười năm 2016, mưa đã trút nước
xuống Tiểu khu 1535 được hơn ba tháng nay. Con suối đã dâng đầy nước nên chiếc
bè kéo dây được mang ra sử dụng. Đất nhão ra, dính vào gót giày thành từng mảng
lớn. Nước của sình lầy bắn lên áo quần của người đi rẫy ít nhất phải lên đến đầu
gối. Chẳng ai buồn rửa xe máy vì rồi chúng sẽ lại lấm lem vào ngày hôm sau.
Lúc này, vợ chồng Hiến đã có thêm một con trai hai
tuổi. Mấy năm trước, con gái đầu của họ là Nhung đã học hết phổ thông ở Bình
Phước. Bấy giờ, Nhung đã vào quận Thủ Đức của Sài Gòn để học may ở một chỗ của
người quen.
Ngôi nhà mơ ước của Đặng Văn Hiến với vườn điều và
cà phê bao quanh. Ảnh: Gia đình cung cấp, chụp vào ngày 9/10/2019.
Công ty Long Sơn có thêm nhân công nên chiến đấu
ngày càng hăng hơn. Họ đã đầu tư vào vùng này nên muốn lãi càng nhiều càng tốt.
Họ không muốn bồi thường cho người dân vì họ đã có giấy tờ thuê đất do tỉnh cấp
là bằng chứng hiệu quả nhất, người dân mới thực sự là người phải trả lại đất
cho họ.
Những công nhân người Stiêng ngỡ ngàng với công việc
đầy bạo lực ở đây. Họ không chỉ làm nông nặng nhọc mà còn kiêm luôn cả cái công
việc đánh đấm nguy hiểm. Thành, Vinh, An và Tào bằng cách nào đó đã tạo ra mối
thâm thù ảo với những người nông dân ở đây. Chỉ có cách đó họ mới đóng được vai
ác mà công ty đã giao. Họ muốn trở về nhà lắm chứ, để còn đi tìm một tương lai
khác. Họ biết thế nào rồi cũng sẽ gặp rắc rối ở đây. Nhưng họ phải lĩnh tháng
lương đầu tiên đã, bỏ về lúc này thì chỉ có đi bộ với một cái bụng đói về nhà.
Ba giờ sáng ngày 23 tháng Mười năm 2016, khi cơn mưa
đêm còn chưa dứt, ông Thiện – người quản lý của công ty Long Sơn – dựng tất cả
các công nhân dậy để chuẩn bị máy móc, hung khí lên đường lấy lại đất. Tờ mờ
sáng, khoảng 30 người của công ty Long Sơn tiến đến nhà Hiến khi anh còn đang
ngủ. Họ đã đặt sẵn máy ủi ngay trước khu vườn của anh. Những cây điều và cà phê
trong vườn anh đã trưởng thành và cho trái đều đặn hằng năm. Công ty Long Sơn
cho một tốp người khác mai phục sẵn trước cửa nhà. Tiếng chó sủa inh ỏi khiến
anh phát hiện rắc rối đã đến ngay trước cửa nhà.
Hiến có một khẩu súng tự chế dùng để săn chồn từ năm
2011. Khẩu súng này giúp anh chống lại nhóm người hùng hổ của công ty Long Sơn.
Không có nó, anh chỉ còn biết đứng nhìn ước mơ của mình nát tan dưới chiếc máy
xúc. Thật khó có thể biết chính xác về điều người đàn ông có thể làm khi gia
đình họ gặp nguy hiểm.
Điểu An nhìn làn đạn từ trên gác nhà Hiến bay loạn xạ
trong không trung đi thẳng đến nhóm công nhân đứng trong vườn và xung quanh nhà
Hiến.
Một viên đạn xuyên qua tấm khiên, đâm thủng nón bảo
hiểm và găm thẳng vào lớp sọ đầu của An. Những công nhân còn lại chạy tán loạn.
Điểu Thành bị làn đạn làm hư hoàn toàn mắt bên phải. Điểu Tào và Điểu Vinh bị
thương nặng rồi chết tại chỗ. Và một người khác cũng phải bỏ mạng là Dương Văn
Tiến, một người thanh niên 26 tuổi quê ở Ninh Thuận. Tiến đã làm cho công ty
Long Sơn được hai năm. Đáng lẽ, nếu Tiến ở lại nhà sau đám tang của em trai
mình vào tuần trước đó thì có thể anh đã giữ được mạng sống.
Buổi sáng hôm đó, Hiến còn có Hà Văn Trường là em họ
bên vợ đến chơi nhà anh đã hơn một tháng. Trường có đưa đạn cho Hiến lắp vào
súng. Anh Ninh Viết Bình, nhà ở gần đó, rất thân với nhà Hiến cũng mang súng chạy
đến và bắn hai phát vào nhóm công nhân.
Ở Tiểu khu 1535, người ta chỉ dựng đồn công an chứ
không xây trạm y tế. Những người bị bắn kéo nhau chạy khỏi nhà Hiến, chờ đợi
mòn mỏi để được chuyển đến bệnh viện.
Sáng hôm đó, tiếng súng phát ra từ khu rẫy của Hiến
nhưng không đến được đầu con suối. Phải mất một lúc, ông Long – nhà liền kề với
nhà đội trưởng Sắc – mới hay tin. Mất khoảng một tiếng đồng hồ, ông Long mới
lái được chiếc xe chở củi bằng đầu kéo máy cày đến chỗ những người bị bắn đang
ngắc ngoải. Cũng phải mất ít nhất chừng ấy thời gian để đưa họ đến đầu con suối.
Từ đó, họ mới được đưa đến bệnh viện trên con đường lầy lội của ngã ba Đông
Dương. Nếu đến bệnh viện ở thị trấn Gia Nghĩa cũng mất không dưới một tiếng đồng
hồ vì trời mưa khiến đường rất lầy lội.
Phải chăng tiếng súng của Hiến không ác độc đến nỗi
tước đoạt mạng sống của những công nhân ngay lập tức mà họ đã chết vì thời gian
di chuyển đến bệnh viện quá lâu?
Có những chuyện chỉ cần xảy ra chậm hay sớm hơn một
chút thì tương lai đã có một số phận mới. Đôi lúc, những người nghèo khổ luôn cảm
thấy họ làm gì cũng sai và bị trừng phạt.
Trưa hôm đó, khi trời còn mưa lất phất, cảnh đau
thương biến mất, trả tiểu khu về với cái buồn muôn thuở. Hiến và Trường, người
thấp, kẻ cao, khoác áo mưa đi không ngoảnh lại.
Hà Văn Trường
Anh Trường là em họ bên vợ của Hiến, cùng quê ở Lạng
Sơn. Anh cao, gầy, gương mặt góc cạnh, rõ những đường nét của một người đàn ông
vất vả. Nhà nghèo, cha mẹ già và đứa con mới hai tuổi, Trường vào thành phố Hồ
Chí Minh làm công nhân cho một xưởng nấu sắt.
Tháng Chín năm 2016, lò nấu sắt nổ bung bét thành từng
mảnh, Trường xém chết tại đó. Anh nghỉ việc rồi rong ruổi lên nhà Hiến ở chơi
ngót nghét đã hơn một tháng. Nói là ở chơi nhưng có lẽ anh không còn chỗ nào để
đi.
Chỉ đưa băng đạn cho Hiến nhưng anh không tránh khỏi
tội danh giết người với 12 năm tù giam, giảm xuống còn chín năm tù sau khi xét
xử phúc thẩm.
Cho đến lúc mãn hạn tù, Trường chỉ mới 40 tuổi, anh
vẫn có thể xây dựng lại cuộc đời. Nhưng vấn đề là giờ anh không biết mình còn
giữ được mạng sống cho đến ngày mãn hạn tù hay không.
Những cơn đau đầu khủng khiếp đến với Trường sau
ngày anh bị bắt. Trước đó, anh hoàn toàn là một người khỏe mạnh.
Không biết công an giam anh thế nào nhưng tháng Tư
năm 2019, Trường nhập viện ở Bệnh viện Đồng Xoài lần thứ hai rồi chuyển gấp lên
Bệnh viện Đa khoa Chợ Rẫy để mổ vì xuất huyết não. Lúc em trai của anh gọi điện
cho tôi, chân anh vẫn bị còng vào chiếc giường sắt của bệnh viện trong tình trạng
mê man hoàn toàn.Vợ của Trường chưa bao giờ đến thăm anh. Chị mang đứa con trai
hai tuổi bỏ về nhà bố mẹ khi anh bị bắt. Bố của Trường mất hồi tháng Chín sau một
cơn bạo bệnh. Người mẹ già thì đang nằm bệnh viện vì u phổi.
Ninh Viết Bình
Ninh Viết Bình rời bỏ quê nhà ở Thái Nguyên sau khi
bố mẹ từ chối cho anh kết hôn với một người phụ nữ. Bằng một cách nào đó, anh vẫn
đăng ký kết hôn và có một đứa con với cô ấy.
Nhưng cuộc hôn nhân không chính thức ấy không đi được
đến đâu. Anh bỏ vào Tiểu khu 1535 rồi dựng nhà và sống một mình ở đó, cách nhà
Hiến khoảng một cây số. Hiến và Trường quen nhau như những người tha phương cầu
thực và co cụm lại để bảo vệ lẫn nhau.
Khi anh bị bắt, cha của anh đã vào tiểu khu để thay
anh chăm sóc vườn điều và cà phê. Nhưng gần đây, ông không thể chăm sóc được nữa
vì sức khỏe lao dốc nên lại trở về Thái Nguyên. Ninh Viết Bình còn chịu thêm 15
năm tù giam nữa mới được trở về nhà. Lúc đó, anh sẽ ở vào tuổi 53.
Mai Thị Khuyên – vợ của Hiến
Trở thành vợ của một tử tù sau phiên tòa sơ thẩm vào
đầu năm 2018, chị vẫn tin chồng mình xứng đáng được ân xá vì trong lòng chị,
anh Hiến là một người hùng.
Từ ngày chồng bị bắt, chị Khuyên ngược xuôi trên những
chuyến xe đò Bắc – Nam, vật vã với chứng say xe nặng. Khi thì chị về Bắc để lo
cho bố mẹ chồng, chăm sóc đứa con trai giờ đã năm tuổi đi học mẫu giáo. Khi thì
chị về lại Đắk Nông để thăm anh Hiến và coi sóc khu vườn tược. Khi thì chị chạy
tiền từ nhiều nơi để bồi thường dần cho các gia đình nạn nhân.
Chị Khuyên không thể làm công việc làm vườn như chồng
vì lâu lâu chị lại bị mệt nặng do hở van tim. Gần đây, chị đưa cho tôi xem một
giấy xét nghiệm về khối u ở vú. May mắn thay, đó là không phải là một khối u ác
tính.
Bản án tử hình của anh Hiến đã khiến chị vượt xa ra
khỏi cuộc sống trước kia. Trước đó, chị là vợ của một nông dân bình dị, có một
khu vườn nhỏ, có những đứa con thơ và chỉ lo việc bếp núc trong nhà. Nhưng từ
ngày chồng gặp nạn, chị biết dùng mạng xã hội, chị trả lời phỏng vấn báo chí,
chị gặp đại diện của các đại sứ quán, v.v.
Đặng Thị Nhung – con gái của Hiến
Suốt mấy tháng đầu năm nay, Nhung ở nhà một mình.
Khi bầu trời sập tối, tiếng côn trùng thi nhau râm ran trong những bụi cây,
Nhung đóng cửa ở một mình trong căn nhà ván gỗ có mấy chỗ đã hư hỏng vì mối mọt.
Trước nhà có một cái sàn nước nhỏ để rửa chén và giặt
giũ. Nơi tắm rửa cũng nằm ở phía trước nhà, cạnh sàn nước, kế đến là nhà bếp.
Khi trời mới hừng đông, Nhung thức dậy để chuẩn bị nông cụ làm vườn.
Khi bố Nhung bị bắt, gia đình đã mất đi một người
đàn ông duy nhất. Công việc làm vườn giao lại cho chính cô con gái 20 tuổi chưa
một lần đụng tay vào cán cuốc. Đáng lẽ, Nhung sẽ được đi Nhật Bản để làm việc
như lời hứa của bố. Ước mơ của bố nhưng cũng là niềm mong ước của Nhung.
Nhung kể với tôi rằng, trước khi bố bị bắt, cô đã
chán cái tiểu khu xa xôi, hẻo lánh, mùa nào đi lại cũng cực nhọc và còn đầy
nguy hiểm với những tay du côn do các công ty thuê mướn này. Cũng vì mong ước
này mà em đi học nghề may sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Nhung có trách bố cô trong những ngày đầu ông bị bắt.
Nhưng bây giờ đã khác, Nhung thương mến cái tiểu khu này hơn, cô biết bố đã cực
nhọc như thế nào với gốc điều và cà phê.
Ba tháng trước, Nhung đưa tôi xem lá thư mà cô gửi bố,
trong đó có đoạn viết: “Bố à, bố là một người rất dũng cảm, hy sinh vì mọi thứ.
Bố chấp nhận đánh đổi tất cả để gia đình có được cuộc sống tốt hơn. Con cũng đã
mạnh mẽ hơn, đôi chân bé nhỏ của con đã vững vàng hơn. Con sẽ làm tròn trách
nhiệm của một người con, một người chị mạnh mẽ để vượt qua tất cả khó khăn. Bố
đã mang tới cho con biết bao là nỗi nhớ, biết bao là tủi hờn nhưng chính vì điều
đó đã giúp con khôn lớn, nghị lực và kiên cường hơn trong cuộc sống.”
Vợ và con của Hiến chụp cùng bố mẹ, anh chị em của
anh. Chị Mai Thị Khuyên bế con trai 5 tuổi, Đặng Thị Nhung (áo xanh, hàng thứ
hai), ông Đặng Văn Lợi – cha của Hiến (ngoài cùng, bên phải). Ảnh: Thịnh Nguyễn.
Đặng Văn Lợi – cha của Hiến
Suốt những năm 70, khi quân đội Mỹ triển khai những
chiến dịch ném bom ác liệt cuối cùng của họ bằng máy bay B-52 xuống những vùng
quê nghèo ở Lạng Sơn, ông Đặng Văn Lợi thu mình trong những căn hầm nhỏ để tải
đạn cho bộ đội. Vì gia đình chỉ có hai anh em nên nhà nước để ông làm dân công
hỏa tuyến còn người anh thì cầm súng chiến đấu. Cách vài tuần ông lại đi một
chuyến, đào đường, tải đạn, vận chuyển lương thực cho bộ đội. Hiến được sinh ra
cũng trong những năm tháng chiến tranh đó.
Hòa bình lập lại, ông Lợi được giữ chức trưởng thôn
và gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm 1990, ông làm gương cho dân làng
khi khuyên Hiến vào Nam để không phải lấn chiếm đất đai như những người nghèo
đói khác.
Ông Lợi có nét nghiêm khắc, cương nghị của một đảng
viên cộng sản ở những vùng quê nghèo. Khi hay tin con trai cả bắn chết người,
ông giận lắm. Ông nghĩ dù là con trai mình hay ai đi chăng thì đều phải đền tội
cho xứng đáng.
Nhưng bây giờ thì ông đã thay đổi, sau khi vào tận Đắk
Nông để kiểm chứng hết mọi việc, ông tin nếu là Hiến thì ông cũng sẽ làm như vậy.
Người lương thiện nào cũng sẽ đấu tranh đến cùng cho những gì họ đã cần cù tạo
ra.
Những người cùng khổ
Trên mạng xã hội, người ta hay nói về những ngôi
sao, những tỷ phú, những giáo sư tài năng chứ rất hiếm khi nào nói về những người
nghèo khổ. Họ chưa bao giờ là chủ đề trong quá một ngày.
Nhưng Đặng Văn Hiến đã khiến người ta nói nhiều hơn
về những nông dân nghèo khó có ước mơ. Trong những dòng chia sẻ trên mạng xã hội,
Hiến đại diện cho những người lao động chân chính nhưng bị đẩy vào đường cùng
mà bản án tử hình là một vực thẳm có thể nuốt chửng anh bất cứ lúc nào.
Trước cái ngày Hiến cầm súng lên nổ những phát đạn
long trời nhắm vào những người công nhân vốn cũng chẳng khá khẩm gì hơn, anh chẳng
có gì ngoài một ước mơ nhỏ nhoi và một mảnh vườn mà anh đã vất vả lắm mới có được.
Anh chỉ cố gắng để bảo vệ nó mà thôi. Rồi Hà Văn Trường và Ninh Viết Bình, họ
cũng chỉ như Hiến, cố gắng đến với ước mơ bằng đôi bàn tay chất phác của mình.
Tôi dám chắc có rất nhiều người hiểu được nỗi đau khổ
của họ trước sự khốn cùng của luật pháp. Từng ngày qua, họ cũng phải đấu tranh
như Hiến, đó là những dân oan mất đất, những người tù hứng chịu những bản án bất
công, và những người nghèo làm gì cũng thấy mình sai và bị trừng phạt.
Dường như ở đất nước chúng ta, những ước mơ bình dị
và thiện lương của những người sống dưới đáy xã hội, rất nhiều khi, lại đẩy con
người ta đến sau chấn song sắt và xà lim tử tù. Đó không phải là một đất nước của
hy vọng. Đó là một đất nước tuyệt vọng.
***
Bài viết dựa trên hồ sơ vụ án Đặng Văn Hiến và tư liệu
phỏng vấn các nhân vật.
No comments:
Post a Comment