Friday, October 11, 2019

NGƯỜI CỦA ĐẢNG (Thảo Vy - VNTB)




Thảo Vy  -  VNTB
11/10/2019

Bài viết này được ghi nhận từ chia sẻ của một nhà báo đã nghỉ hưu, từng có thời gian dài được phân công viết về các hoạt động nội chính ở Sài Gòn. Ông yêu cầu không nêu tên vì những người mà ông nhắc đến, hiện vẫn có những thế lực ngầm đáng ngại ngần – bởi ngay cả đương kim tổng bí thư khi ‘kinh lý’ ở một tỉnh miền Tây cũng đã bị ‘dính đòn’.

Bà Lê Thị Thanh Thúy – Giám đốc Công ty Hoa Tháng Năm (thứ 3 từ trái sang) và ông Trần Kim Thành – Chủ tịch Tập đoàn Kido (thứ hai từ trái sang), cùng các thành viên công ty Lavenue.

Từ chiều hôm 9/10, làng báo Sài Gòn bắt đầu được ‘bật đèn xanh’ cho việc ‘khai thác’ nhân thân cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài, hay còn gọi bằng ngôi thứ của dân Nam bộ là Tư Huy.

Mỹ nữ Hà Sen, tức Lê Thị Thanh Thủy - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm và Công ty cổ phần đầu tư Lavenue đã bị bắt hôm 9/10, ở vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến dự án tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, Sài Gòn.

Hà Sen trước khi là bà chủ của công ty Hoa Tháng Năm, người đẹp sinh năm 1979 này là chủ một quán bar ăn chơi cao cấp ngay tại quận 1. Quan chức Tư Huy nổi tiếng bay bướm chính là người tình của Hà Sen. Thời điểm đó, Tư Huy còn cặp kè với một nữ nhà báo là MC truyền hình khá đình đám của HTV.

Là phó chủ tịch phụ trách văn hóa – xã hội, Tư Huy có tài ăn nói nên chuyện trăng hoa của ông dường như ai cũng biết, và tất cả đều được sự thuận tình ‘không chấp nhứt’ của chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh/ bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, tức Hai Nhựt.

Khu đất 8-12 Lê Duẩn liên quan đến những sai phạm của cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài khiến ông bị bắt mới đây.

"Tư Huy chính là một trong những người làm kinh tài cho Hai Nhựt. Chỉ xét ở mỗi chuyện các bảng quảng cáo ngoài trời muốn được dựng ở những vị trí đắc địa thuộc địa bàn quận 1, quận 3 đều phải nhận được bút phê của Tư Huy và cái gật đầu của Hai Nhựt. Các khoản phải quấy này đều bằng đô la tiền mặt. Tư Huy công khai nhận. 

Không chỉ vậy, hồi cô em gái sinh năm 1964 của Tư Huy mất vì bệnh ung thư, phía văn phòng ủy ban đã fax gửi công văn đến tất cả các công ty quảng cáo để thông báo. Dĩ nhiên là phải gửi tiền phúng điếu, thư chia buồn cùng vòng hoa, mặc dù chẳng có ai biết cô em này. Tư Huy là vậy, hào hoa bay bướm nhưng ăn rất dày, rất bẩn và còn có tật thù dai". 

Vị nhà báo nhớ lại, và cho biết có một giám đốc công ty quảng cáo là thân hữu đã nhờ ông viết ‘thư chia buồn’, nên ông tường tận vụ ấy. Tiền điếu trong phong bì kèm thư chia buồn khi đó là 1.000 USD.

Dưới sự bảo trợ của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Tư Huy ngồi ghế phó chủ tịch UBND thành phố từ năm 2001 đến 2010 ; từ 2010 đến 2015, Tư Huy giữ chức phó chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

"Với một cán bộ trăng hoa như Tư Huy, nếu thực sự chính quyền là do lá phiếu tín nhiệm của người dân bầu chọn, chắc chắn thành phố này sẽ không tệ hại với đủ điều tham nhũng mà người dân ai cũng có thể kể tội vanh vách về Hai Nhựt, Hai Quân, Ba Đua, Tư Huy, Năm Tín… 

Có người nhắc tới sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết mà sinh tiền Nguyễn Bá Thanh từng than trời. Thật ra chẳng có vụ rút kinh nghiệm nào cả khi mà Đảng vẫn là độc quyền trong mọi việc, từ quản trị quốc gia đến sắp xếp ghế trong bộ máy công quyền. Từ độc quyền đưa đến độc tài, độc đoán là điều dễ hiểu. Cần phải có sự cạnh tranh trong quyền tự do chính trị". Vị nhà báo nhận xét.

Theo vị nhà báo, tuy Đảng độc quyền trong mọi chuyện song ngay trong nội bộ Đảng lại chia ra nhiều phe phái quyền lực. Đơn cử, để có một lãnh chúa Hai Nhựt tác oai, tác quái ở Thành phố Hồ Chí Minh thì cần đến bệ đỡ là dòng tộc 'công thần' của Trương Mỹ Lệ - tức Tư Liêm, Trương Mỹ Hoa – tức Bảy Thư, nguyên phó chủ tịch nước. 

Gia đình bà Sáu Hòa – thân mẫu của chị em bà Tư Liêm, Bảy Thư, Ba Vũ (Trương Minh Nhựt) có căn biệt thự trên đường Nguyễn Thông, gần bệnh viện Da Liễu Thành phố Hồ Chí Minh, và nhiều ngôi nhà khác rải đều trong Sài Gòn, là cơ sở của lực lượng biệt động Thành đoàn trước năm 1975.

Một thế lực phe nhóm khác có thể kể tới là của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, con nuôi của Tướng Lê Đức Anh (1920 – 2019). Ông Ba Dũng cũng gầy dựng vây cánh mang tính dòng tộc, từ bà chị gái Hai Tâm đến người em Tư Thắng và cơ cấu luôn hai đứa con trai vào bộ máy công quyền. Tai tiếng của ông Ba Dũng ra sao thì dư luận đã tường tận.

"Người của Đảng, chỉ ba từ đó thôi là đủ để khuynh đảo rất nhiều thứ, từ Thủ Thiêm đến vườn rau Lộc Hưng và còn biết bao nhiêu oan khiên khác mà người dân phải gánh chịu. 

Tuyên huấn hay rêu rao trong những tiết lên lớp chính trị rằng nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình chính phủ. Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ. Từ chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa. 

Thế nhưng có bao giờ các vị tuyên huấn thử thắc mắc : với việc có mỗi một Đảng độc quyền, thì sẽ đuổi cổ ai đây ?". Vị nhà báo đặt vấn đề về "Người của Đảng".

Xem ra nếu không có sự cạnh tranh về quyền lựa chọn chính trị, với "Người của Đảng", chỉ xét riêng Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ vẫn tiếp tục có những phiên bản Hải – Quân – Đua – Tài đã ăn tàn phá hại Sài Gòn suốt mấy mươi năm qua.

Thảo Vy





No comments: